Chúa Nhật 33 mùa Thường niên, B

 

          Chỉ còn một tuần lễ nữa là lễ kính Chúa Ki-tô Vua để kết thúc cho năm phụng vụ.  Những bài đọc trong Phụng vụ lời Chúa hôm nay chuẩn bị tâm hồn ta mừng đón Đấng sẽ ngự tới lần thứ hai để xét xử muôn loài, tức là Chúa Ki-tô, Con Người và cũng là Con Thiên Chúa.  Thị kiến của ngôn sứ Đa-ni-en trình bày khung cảnh phán xét chung dưới quyền chủ trị của Con Người.  Bài trích thư gửi tín hữu Do-thái giới thiệu Chúa Ki-tô là vị Thượng Tế ngự bên hữu Thiên Chúa để chờ ngày công trình cứu độ được hoàn tất.  Đoạn Tin Mừng Mác-cô dạy ta phải làm gì để chuẩn bị đón chờ ngày Con Người quang lâm.  Vậy ta hãy chiêm ngưỡng Chúa Ki-tô trong công trình của Người và cố gắng sống những điều Người dạy bảo.

 

1.  Chúa Ki-tô trong khung cảnh phán xét chung (bài đọc Cựu Ước – Đa-ni-en 12:1-3)

 

           Các thị kiến của ngôn sứ Đa-ni-en thường liên hệ đến vai trò của Chúa Ki-tô, Đấng sẽ ngự tới xét xử trần gian.  Nếu ngôn sứ I-sai-a nói nhiều về vai trò thi hành kế hoạch cứu độ của Chúa Ki-tô, tức là Người chịu cuộc Thương khó và cái chết khổ nhục để xóa bỏ tội lỗi nhân loại, thì ngôn sứ Đa-ni-en lại nhìn về tương lai ngày chung thẩm khi Người đến lần thứ hai để phán xét nhân loại.  Vậy trước hết ta hãy nghe ngôn sứ Đa-ni-en nói gì về thời điểm phán xét ấy.

          Ngôn sứ nhìn thấy thời gian này là “thời ngặt nghèo chưa từng thấy”.  Đúng vậy, thời gian trước ngày chung thẩm là thời ngặt nghèo, vì nhân loại hết thảy đều phải trải qua những năm tháng bị lôi kéo giữa cái xấu và cái tốt, giữa điều thiện và điều ác.  Cuộc đời con người có tiến tới một tương lai tốt đẹp hay không là do chính sự chọn lựa của họ.  Mà thường điều xấu lại có sức quyến rũ mạnh mẽ làm cho người ta khó lòng mà cưỡng lại được, cho nên ngặt nghèo nằm ngay trong sự lựa chọn.  Sự hiện diện của Tổng lãnh Thiên thần Mi-ca-en là biểu tượng cho sự phấn đấu của con người trong việc lựa chọn ấy.  Người đã thống lĩnh các thiên thần lành phục vụ Thiên Chúa, trong khi Lu-xi-phe đã quyến rũ một số thiên thần khác theo nó chống lại Thiên Chúa.  Mi-ca-en là gương mẫu cho những ai muốn chọn Thiên Chúa và quay lưng lại với ma quỷ tội lỗi.  Chính danh hiệu Mi-ca-en có nghĩa là “ai bằng Thiên Chúa?” đã là sự nhắc nhở ta phải chọn lựa Thiên Chúa mà từ bỏ ma quỷ.  Cuộc sống trên đời này của ta quả là một cuộc “ghi tên trong cuốn sách của Thiên Chúa”.  Không phải ghi tên bằng bút mực hay bia đá, nhưng bằng những việc ta làm ở đời này có phù hợp với tiêu chuẩn là con cái đích thực của Thiên Chúa hay không.  Cái chết đưa mọi người trở lại bụi đất, nhưng không phải là hết.  Sẽ có một ngày mọi người sống lại từ bụi đất, tuy số phận không giống nhau:  người được phúc trường sinh, kẻ phải chịu ô nhục đời đời.

          Tuy nhiên làm sao ta biết được những điều ngôn sứ Đa-ni-en nói?  Đó là do “Đấng giống như con người nói với tôi”, ngôn sứ khẳng định như thế.  Đấng mà ngôn sứ nói tới chính là Chúa Ki-tô.  Đã nhiều lần trong sách Tin Mừng, Chúa Giê-su nói về bản thân Người với danh hiệu “Con Người”.  Ngay trong bài Tin Mừng hôm nay, ta cũng được nghe Chúa lập lại danh hiệu ấy.  Người cho ta  thấy rõ ràng số phận mai sau tùy thuộc cách lựa chọn của ta:  hưởng phúc trường sinh hay chịu ô nhục đời đời.  Tuy nhiên Người nhấn mạnh đến những người lành “sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ và chiếu sáng muôn đời như những vì sao”.  Bầu trời ấy và ánh sáng ấy không là gì khác ngoài cõi phúc Thiên Chúa dành cho những ai chọn lựa Người.  Nhấn mạnh cũng là cách Người mời gọi ta hãy cố gắng làm sao để được ghi tên vào sách hằng sống.

 

2.  Chúa Ki-tô chờ đợi ngày vĩnh viễn chiến thắng các kẻ thù (bài đọc Tân Ước – Do-thái 10:11-14.18)

 

          Trong “thời ngặt nghèo” ta phải kiên trì chiến đấu với ba thù là tội lỗi, ma quỷ và thế gian, ta đừng quên có một Đấng đang chờ đợi đón tiếp ta.  Đó là Chúa Ki-tô.  Người đã đi trọn “thời ngặt nghèo” của Người ở trần gian bằng cách trung thành hoàn tất sứ mệnh Thiên Chúa trao phó cho Người.  Người đã thắng vượt cám dỗ như ta thấy khi Người bị qua quỷ cám dỗ trong hoang địa.  Người đã khuất phục được những xúi giục hoặc ý đồ của người khác muốn Người thực hiện ý riêng thay vì làm công việc của Chúa Cha (Ga 5:30).  Người đã không dùng quyền năng Thiên Chúa để bước xuống khỏi thập giá khi kẻ thù thách thức Người (Mt 27:42).  Người không tự cứu mạng sống mình (Lc 23:35), nhưng hy sinh nó để cứu độ nhân loại.

          Mặc dù đã hoàn tất sứ vụ trên trần gian, Chúa Ki-tô vẫn tiếp tục “làm cho những kẻ Người đã thánh hóa được nên hoàn hảo” (Dt 10:14).  Người thánh hóa ta bằng cách hồi phục cho ta danh phận làm con Thiên Chúa và dẫn dắt ta sống theo đời sống mới trong Thánh Thần.  Người giúp ta nên hoàn hảo mỗi ngày một hơn khi ta để cho Lời Chúa và ân sủng biến đổi lối sống của ta.  Chiến thắng của Người trên thập giá và qua sự phục sinh là nền tảng và bước đầu để ta xây dựng chiến thắng của ta.  Chiến thắng của mỗi Ki-tô hữu phải được liên kết với chiến thắng của Chúa Ki-tô.  Ta là chi thể của Người, nên Đầu của Nhiệm Thể đã chiến thắng thì các chi thể cũng chiến thắng.  Chỉ có điều là nếu ta có thực sự là những cành nho nối liền với thân nho, thì ta mới được dự phần chiến thắng vĩnh cửu của Người.  Như vậy, Người “chờ đợi ngày các kẻ thù bị đặt làm bệ dưới chân” không có nghĩa là Người chẳng làm gì cho ta, trái lại, Người vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch cứu độ để đưa muôn vật muôn loài về với nguồn cội là Thiên Chúa.  Chết trên thập giá làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa và sống lại vinh hiển là sứ vụ trên trần gian của Chúa Ki-tô.  Còn thánh hóa ta nhờ Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội và trong các tâm hồn Ki-tô hữu là cách tiếp nối sứ vụ ấy.  Dù ở trần gian hay đang ngự bên hữu Thiên Chúa, Chúa Ki-tô vẫn thực thi kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa vậy.

 

3.  Chúa Giê-su dạy ta phải làm gì trong lúc chờ đợi Người quang lâm?  (bài Tin Mừng – Mác-cô 13:24-32)

 

          Trong bài giảng về ngày tận thế, Chúa Giê-su đề cập tới việc Giê-ru-sa-lem bị tàn phá và dạy ta phải làm gì trong thời gian chờ đợi ngày tận thế.  Người đặc biệt nói tới những gian nan thử thách và bách hại trước thời quang lâm của Con Người và ngay trước khi Con Người ngự đến.  Gian nan thử thách đến qua những biến động thời thế hoặc thiên nhiên, nhưng thường cũng lại phát sinh ngay trong những bách hại, chia rẽ và thù nghịch.  Não trạng phản Ki-tô có lẽ là nguy hiểm lớn lao nhất, vì nó lung lạc đức tin của Ki-tô hữu.

          Sau khi nói về “thời ngặt nghèo” với những gian nan thử thách, Chúa Giê-su đưa ta tới thời điểm Con Người ngự đến để xét xử trần gian.  Cũng như lúc Thiên Chúa ngự đến trên núi Xi-nai, Con Người ngự đến sau những chuyển biến trong vũ trụ.  Những chuyển biến trong vũ trụ qua văn chương của các ngôn sứ biểu tượng cho sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa đối với nhân loại.  Lửa khói và sấm sét rung chuyển tại Xi-nai là dấu hiệu Thiên Chúa hiển linh để ban giới răn cho dân Người.  Mặt trời, trăng sao bị lay chuyển là để dọn đường cho Con Người quang lâm mà phán xét muôn loài.  Tuy nhiên đó chưa phải là cao điểm của bài giảng về quang lâm.  Mục tiêu Chúa Giê-su muốn ta nhắm đến trong bài giảng của Người là ơn được cứu độ.  Việc Người quang lâm sẽ mất ý nghĩa nếu ta không được cứu độ.  Người dạy ta phải xác tín ơn cứu độ.  Chúa Ki-tô là chính ơn cứu độ.  Những biến chuyển vũ trụ là dấu chỉ báo trước Người sắp quang lâm.  Gian nan thử thách là cơ hội và phương tiện giúp ta vững lòng tin vào Đấng cứu độ ta.  Do đó ta đừng chú tâm vào những dấu chỉ mà quên mất điều dấu chỉ muốn nói lên, đó là việc Chúa đến cứu độ ta.  Ta đừng bỏ lỡ cơ hội và tránh né gian nan thử thách để tăng thêm và biểu tỏ đức tin vào Chúa Ki-tô.  Chúa lấy một thí dụ cụ thể để dạy ta phải có thái độ thích đáng.  Cành cây vả đổi mầu xanh và đâm chồi nảy lộc là dấu hiệu “mùa hè đã đến gần”.  Đó là tín hiệu chính xác cho biết một thực tại chắc chắn.  Cũng thế, những biến chuyển trời đất, đau khổ thử thách và bách hại là tín hiệu Chúa “đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi”.  Chúa sắp đến để cứu độ ta là một chân lý ta phải xác tín.  Nhưng điều quan trọng là ta có muốn được Người cứu độ hay không.  Hay cho dù Người ở ngay ngoài cửa mà ta vẫn không biết hoặc không muốn biết.  Ta cứ đóng cửa tâm hồn lại, không cho Người vào và không để cho Người ở lại với ta.  Ở đây Chúa nói một câu có lẽ ta ít để ý.  “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Mc 13:31).  Lời Chúa đến với ta “như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nảy lộc” (Is 55:10).  Lời Chúa vẫn ở lại với ta mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28:20) là để giúp ta sống phận làm con Thiên Chúa và được biến đổi mỗi ngày trở nên giống Chúa Ki-tô hơn.  Do đó lắng nghe Lời Chúa và miệt mài thực thi Lời Chúa mới là phương thức thích hợp để ta chuẩn bị Chúa Ki-tô quang lâm.  Vậy mà có nhiều người không thi hành phương thức này mà lại làm những chuyện không đâu, thí dụ tin nhảm những ông bà tiên tri nói về ngày giờ tận thế, tích trữ gạo nước, đèn cầy, hoặc chẳng chịu làm gì tích cực ngoài chuyện ngồi lê đôi mách và làm hại người khác (2 Tx 3:11).  Họ sống trong “thời ngặt nghèo” mà lại cứ muốn sống thật dễ dãi phóng túng.  Chúa sẽ đến xét xử ta vào giờ chết và phán xét muôn loài trong ngày thế mạt.  Đó là thực tại ta không thể trốn tránh, nhưng phải chuẩn bị sẵn sàng.

 

4.  Sống Lời Chúa

 

          Truyền thống của Phụng vụ Lời Chúa trong vài tuần cuối năm phụng vụ quy hướng về cuộc quang lâm của Chúa Ki-tô.  Dĩ nhiên đây không phải là cách “dọa nạt” ta, nhưng là lời thiết tha mời gọi ta hãy đặt lại vấn đề lòng tin vào Chúa Ki-tô, Đấng cứu độ ta.  Người đã chuẩn bị cho ơn cứu độ đó khi cho ta được làm con Thiên Chúa và Người để lại Lời Chúa giúp ta được thánh hóa.  Thực tại quang lâm không thể làm chúng ta sợ hãi, trái lại là niềm hy vọng chắc chắn ta sẽ được cứu độ.  Như vậy, Ki-tô hữu quả thực là những người có lý do chính đáng và chắc chắn để vui sống ở đời này, nhìn mục tiêu cứu độ mà tiến tới và trung thành trải qua những gian nan thử thách mà vững lòng tin vào Đấng cứu độ ta là Chúa Ki-tô.

 

Suy nghĩ:  “Những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu”.  Điều này có ý nghĩa gì đối với tôi?  Tôi có để cho Lời Chúa qua đi mà chẳng sinh hoa kết trái không?  Tôi phải làm sao để Lời Chúa không uổng công?

 

Cầu nguyện:  Lạy Thiên Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, được phụng sự Chúa quả là một hạnh phúc tuyệt vời;  xin cho chúng con tìm được niềm vui khi hết dạ trung thành với Chúa.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 33 mùa Thường niên).

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 

 

         

 

         


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B