Chúa Nhật 11 Thường Niên Năm B

Làm Ðẹp Lòng Chúa

(Ez 17,22-24; 2C 5,6-10; Mc 4,26-34)

 

Phúc Âm: Mc 4,26-34

"Người kia đã gieo hạt xuống đất, rồi đi ngủ, hạt giống mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết".

Khi ấy, Chúa Yêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất; người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Ðất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa". Người còn phán: "Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung nước Thiên Chúa? Hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh nước đó được? Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trên trời có thể tới núp bóng được". Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng lời Chúa cho họ, tùy sức họ có thể hiểu được và Người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn, nhưng khi ở riêng với các môn đệ, Người giải thích tất cả cho các ông.

 Suy Niệm:

Chúa Nhật XI Thường Niên Năm B

Ez 17,22-24; 2C 5,6-10; Mc 4,26-34

Chúa nhật hôm nay đáng gọi là là ngày phấn khởi và hy vọng. Bài sách Ezekiel cho chúng ta thấy một nhánh cây đã được trồng và mọc lên trở thành bá hương oai lẫm. Còn trong bài Tin Mừng, Chúa Yêsu kể cho chúng ta nghe câu truyện hạt giống gieo xuống đất âm thầm mọc lên một cách tự nhiên nhưng chắc chắn. Và nhất là chúng ta phải bỡ ngỡ khi thấy hạt cải nhỏ bé nhất trong mọi thứ hạt mà lớn cao đến nỗi "chim trời có thể nương náu dưới bóng nó".

Những dụ ngôn và ví dụ ấy muốn nói gì với chúng ta về đời sống đạo đức? Có phải Lời Chúa hôm nay muốn khuyên chúng ta phấn khởi nhìn về tương lai, như thánh Phaolô nói trong bài thư không? Chắc chắn cả ba bài đọc đều phong phú, chúng ta không nên tổng hợp mau lẹ.

 A. Nhánh Cây Bá Hương

Bài sách Ezekiel đưa chúng ta trở về thời lưu đày của dân Dothái cách đây những 2,600 năm. Nhà tiên tri cũng ở trong số đám dân lưu lạc. Ông có chức tư tế nên càng thấm thía cảnh sống xa Ðền thờ. Mọi nhân tố bên ngoài cho thấy chẳng còn hy vọng nào nữa cho đám người lưu vong này trở về quê cũ. Các tin tức bên nhà cho biết quê hương điêu tàn ngày nay đã có người khác đến ở. Họ không thờ Yavê và chẳng biết gì Luật pháp Môsê. Còn dân lưu đày, lúc đầu còn nhớ quê hương và noi giữ phong tục tổ tiên; nhưng dần dần đã muốn đồng hóa với dân ngoại, xây dựng cơ sở làm ăn và chẳng thiết gì việc trở về quê cũ nữa. Như vậy mọi lời hứa của Thiên Chúa Israel đã trở nên hão huyền sao? Người bỏ hẳn Dân được tuyển mãi ư? Niềm tin của những người chân chính như Ezekiel làm sao chịu được những ý nghĩ như vậy?

Nhưng cũng không vì vậy mà có thể lấy ước mơ làm sự thật. Thời gian đã cho thấy mọi kiểu mơ ước như vậy thật hão huyền và tai hại. Sấm ngôn của các tiên tri thì khác hẳn. Những người này không nói theo ước mơ của những kẻ bất lực và tuyệt vọng. Họ tuyên bố những điều phi thường nhân danh Thiên Chúa. Họ rất tỉnh và sáng suốt. Họ biết mình đang nói những điều không trí óc loài người nào nghĩ ra được. Họ chỉ tuyên bố những điều Chúa phán dạy.

Hôm nay Người nói qua miệng Ezekiel. Ông đến với đám dân lưu lạc không còn gì hy vọng. Ông nói với họ rằng: Chúa phán như sau. Người sẽ ngắt một nhánh trên ngọn bá hương cao ngất và đem trồng trên sơn lĩnh vòi vọi của Israel. Nó sẽ mang lá, sinh hoa và trở thành bá hương oai lẫm. Thú vật và chim trời sẽ đến núp bóng nó. Hơn nữa, người ta sẽ thấy nó vươn cao lên, đang khi cây gốc trước kia của nó sẽ cụp xuống và khô héo đi.

Thiên Chúa muốn nói gì vậy? Ðám dân lưu đày thời bấy giờ đã hiểu ngay ý nghĩa. Ta có thể nhìn thấy mắt họ sáng lên và chân tay hồi sinh. Có thật như vậy không, bấy giờ họ hỏi nhau. Chúa đã dùng lời lẽ của loài người để nói với họ. Người mượn lại các quan niệm của họ quen sánh ví các dân tộc và các bậc vĩ nhân như các cây to lớn như giống bá hương. Do đó ở đây Lời Chúa muốn nói rằng, Người sẽ lấy một người hoặc một số ít người trên đất Babylon rộng lớn, vĩ đại này đem về trồng ở Israel. Tức là Người sẽ cho thiểu số dân lưu vong này được trở về Hứa Ðịa. Hơn nữa, nhóm dân nhỏ bé sẽ mang lá mang cành, mang hoa mang trái, trở thành cây bá hương oai lẫm, đang khi Babylon sẽ suy tàn héo hắt.

Rõ ràng phải hiểu Lời Chúa như vậy. Văn chương thời bấy giờ bắt phải cắt nghĩa như thế. Lời tiên tri hôm nay khẳng định Dân Chúa sẽ được hồi hương. Họ sẽ hồi sinh, họ sẽ trở thành chỗ tựa cho thú vật và chim trời tức là cho mọi thứ sinh linh. Ðang khi ấy kẻ chiến thắng của họ trước đây sẽ bị quật xuống. Cây tươi (bây giờ) sẽ thành khô héo; và cây héo khô (lúc này) sẽ đâm chồi nẩn mầm. Vì chỉ có Thiên Chúa làm được như thế. Người hứa sẽ làm như vậy. Dân Chúa không thể nhận được lời hứa nào to lớn hơn. Tương lai quá sức huy hoàng. Mọi người phải phấn khởi. Tất cả phải hồi sinh. Hy vọng quá đỗi lớn lao!

Có chăng chỉ còn một thắc mắc: nhánh bá hương được Thiên Chúa ngắt và đem trồng trên Núi thánh Israel, là ai? Là một cá nhân được Thiên Chúa dùng để dựng lại nhà Ðavít? Hoặc là cả thiểu số còn sót lại trong cuộc lưu đày sẽ được hồi hương và xây lại Dân Chúa? Bản văn không rõ ràng. Và lịch sử sau đó cho thấy, không phải một người nào ngay czả trong hoàng tộc đã dựng lại được cơ đồ cho Israel. Những người có công lớn trong việc trùng tu xứ sở như Ezra và Nêhêmya, cũng không đáng được coi như nhánh bá hương đã được ngắt từ Babylon đem về. Nhưng cũng không hoàn toàn đúng khi chúng ta hiểu nhánh cây lựa ấy ám chỉ toàn thể những con người hồi hương xây dựng lại Ðất Hứa. Trước mắt thì đúng, vì công cuộc tái thiết quê hương là thành quả của cả dân còn sót lại sau thử thách lưu đày. Nhưng bảo rằng công việc của họ đã vươn lên trở thành bá hương oai lẫm khiến thú vật, chim trời đến núp bóng, tưởng không đúng với lịch sử. Israel sau lưu đày chẳng lúc nào được hoàn toàn quang vinh. Ngược lại, Dân Chúa lại mau chóng rơi vào lầm than khổ sở rồi lại bị ngoại bang đô hộ.

Như vậy lời sấm của Ezekiel đã đúng, nhưng chưa thực hiện hoàn toàn. Cây khô là Israel lưu đày có lúc đã được tươi tỉnh lại. Tuy nhiên người ta còn phải chờ xem khi nào cây mọc trên sơn lĩnh vòi vọi của Israel mới thật sự trở thành bá hương oai lẫm. Ngày nay nhờ đức tin chúng ta biết mọi lời tiên tri của Cựu Ước phải chờ thời Tân Ước mới hoàn thành. Và nhánh cây ưu tuyển mà Thiên Chúa lựa chọn trong Cựu Ước sẽ là một thực tại Tân Ước. Nó có phải là hạt giống và là hạt cải nói trong bài Tin Mừng hôm nay không? Chúng ta cứ thử tìm hiểu.

 B. Hai Dụ Ngôn Về Hạt Giống Và Hạt Cải

Thoạt đầu, không ai thấy ngay có nét giống nhau nào giữa nhánh cây bá hương trong sách Ezekiel và dụ ngôn hạt giống. Tuy nhiên đọc lại người ta thấy bài Tin Mừng khẳng định: về Nước Thiên Chúa thì giống như khi người kia gieo giống xuống đất; dù người ấy ngủ hay thức, ban đêm hay ban ngày, hạt giống cứ nảy mầm, lớn lên... cho đến lúc có hạt chắc, đợi đến mùa sẽ tra liềm hái.

Khi kể dụ ngôn này, Chúa Yêsu muốn nói đến tương lai chắc chắn của Nước Thiên Chúa. Người gieo có thức hay ngủ, ban đêm hay ban ngày, hạt giống vẫn cứ mọc lên cho đến ngày mang hạt chắc, sẵn sàng cho mùa gặt hái. Nói cách khác Nước Thiên Chúa sẽ lớn lên và đi đến chỗ thành tựu như Thiên Chúa đã dự định, dường như bất kể thái độ của con người. Ðó là công trình của Thiên Chúa, chứ không phải của loài người. Và Thiên Chúa đã dự định thế nào thì sẽ xảy ra như vậy.

Do đó ở đây cũng không khác trong sách Ezekiel: chính Yavê đã nói và sẽ làm. Người làm những việc không ai mường tượng được. Cây tươi, Người cho héo; cây héo, Người cho đâm chồi. Vậy nếu lời sấm của Ezekiel đã hồi sinh những tâm hồn héo hắt trong đám dân lưu đày, đem tin tưởng phấn khởi lại cho những kẻ đang rã rời, thì dụ ngôn hạt giống cũng muốn đem đến cho những người trong thời đại Tân Ước một niềm tin tương tự. Nhiều khi họ không tự hỏi về tương lai Nước Thiên Chúa và của Hội Thánh sao? Những hiện tượng bên ngoài lắm lúc khiến người ta phải tự hỏi: Nước Thiên Chúa đâu rồi? Ước gì những lúc ấy lại tự hỏi cũng nhận được câu trả lời của bài Tin Mừng hôm nay: hạt giống Nước Thiên Chúa đã gieo xuống rồi thì dù con người ngủ hay thức, ban đêm hay ban ngày, nó vẫn một mực nảy mầm lớn lên như Thiên Chúa đã dự liệu. Mùa gặt sẽ đến, ngày tận thếsẽ xảy ra. Nước Thiên Chúa sẽ thành tựu trong vinh quang.

Nhưng bài Tin Mừng hôm nay còn ví Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, khi gieo xuống đất nó nhỏ tí; nhưng đã gieo xuống rồi nó mọc thành to lớn đến nỗi chim trời có thể nương náu dưới bóng nó. Chúng ta thấy dụ ngôn này gần với bài sách Ezekiel hơn. Như một nhánh bá hương ngắt trên đỉnh cao của cây bá hương to lớn, đã lớn lên thành bá hương oai lẫm, hạt cải nhỏ xíu ở đây khi gieo xuống bé hơn mọi thứ hạt; nhưng lớn lên nó to lớn hơn mọi thứ rau. Tương lai Nước Thiên Chúa cũng như vậy. Khởi sự nhỏ mọn thôi, nhưng rồi sẽ trở nên nơi nương tựa cho mọi người được cứu chuộc.

Tuy nhiên, nếu chỉ so sánh như vậy, chúng ta chưa thấy vẻ đặc sắc của bài Tin Mừng. Có thể bảo bài sách Ezekiel còn phấn khởi và "hùng vĩ" hơn. Nhà tiên tri nói đến cây bá hương, trên đỉnh cao chót vót của núi đồi Israel. Ở đây, Chúa Yêsu lấy ví dụ hạt giống và hạt cải, không to lớn bằng. Ấy cũng do điều này mà nhiều người Dothái đã không muốn đón nhận ngay giáo lý của Ðức Yêsu. Người ta thấy Người giảng dạy có uy quyền; nhưng những điều Người hé mở cho thấy lại không có vẻ hùng vĩ, oai lẫm. Người ví Nước Trời như hạt giống, hạt cải, hoặc như lưới vét và như men trong bột... Cách thức Người sống cũng không hứa hẹn phong cách triều đình. Nhất là những kẻ đi theo Người hầu hết là kẻ nghèo và thứ dân. Người Dothái ao ước Vị Thiên Sai phải lớn hơn các tiên tri và thời đại của Người sẽ cho thấy một nước Dothái bá quyền. Như vậy Người có thực hiện các lời tiên tri không? Cụ thể bài Tin Mừng hôm nay có giải đáp thắc mắc còn lại của bài sách Ezekiel không?

Ðức tin khiến chúng ta trả lời không do dự. Ezekiel báo trước thời cực thịnh của Dân Chúa. Khi những người lưu đày trở về xây lại Israel, thì lời sấm của nhà tiên tri đã khởi sự thực hiện. Nhưng nó chỉ kiện toàn khi Ðức Yêsu Kitô là mầm non của nhà Ðavít đã trở nên thân nho ưu tuyển mà bất cứ kẻ nào muốn được cứu vớt cũng phải đến kết hiệp như cành phải gắn vào thân cây. Và Ðức Yêsu Kitô Cứu thế hiện nay ở giữa chúng ta cũng là Hội Thánh mà Người đã thiết lập. Ðó là dân Mới của Thiên Chúa. Dân đâm chồi trên cây héo là Israel xưa. Dân Mới khởi sự là một nhóm nhỏ, bé như hạt cải, thua mọi thứ hạt; nhưng đang lớn lên thành nơi cho chim trời đến nương bóng. Hội Thánh của Thiên Chúa sẽ thành tựu trong Thiên Chúa, sau khi trời đất này và mọi sự trong đó sẽ qua đi. Lúc đó lời sách Ezekiel mới hoàn toàn thực hiện. Bấy giờ người ta mới thấy rõ Hội Thánh là công trình của Thiên Chúa. Chính Người hướng dẫn lịch sử Hội Thánh chứ không phải con người; Hội Thánh lớn lên ban ngày ban đêm, trải qua mọi thăng trầm của lịch sử loài người.

Qua bài Tin Mừng chúng ta còn nhận thấy nhiều hơn những điều Ezekiel muốn nói. Nhà tiên tri loan tin phấn khởi, nhưng có lẽ ông chưa cho người nghe thấy có thể cộng tác vào công trình của Chúa. Ông rao giảng một niềm tin chờ đợi. Còn Chúa Yêsu, trong khi kể dụ ngôn hạt giống và hạt cải, muốn cho người nghe phải tích cực hơn nhiều. Hạt giống gieo xuống, mọc lên, trổ bông, đậu quả, chờ đợi ngày gặt lúa, là hình ảnh Nước Thiên Chúa mà Ðức Yêsu đang rao giảng. Thính giả của Người phải kiên trì. Ðừng muốn có những kết quả thành tựu ngay. Phải chờ ngày gặt, mà theo Thánh Kinh, cũng là ngày Thiên Chúa xét xử. Như vậy thời gian trở nên giá trị. Ðây là lúc Thiên Chúa có thể nói với người đã gieo xong. Người để cho các sự việc diễn tiến theo định luật của chúng. Ngày tận thế Người mới sai các thiên thần của Người tra liềm gặt hái: thóc sẽ được thu vào lẫm, cỏ sẽ bị đốt cháy trong khóc lóc nghiến răng. Và như vậy, đây cũng là thời gian để con người làm lành lánh dữ, xây dựng hay phá hoại hạnh phúc sau này.

Hơn nữa hạt giống Nước Thiên Chúa lại chỉ như một hạt cải. Nhưng nó sẽ thành cây rau lớn. Ðức Yêsu và công việc của Người bề ngoài người ta chỉ thấy nhỏ mọn thôi, nhưng đừng vì vậy mà coi thường và không đón nhận. Phúc cho những ai không bị xúc phạm vì Người và cách sống của Người. Những kẻ không muốn trở nên bé nhỏ không thể vào Nước Thiên Chúa.

Những bài học ấy, ai bảo không còn cần thiết cho chúng ta?

 C. Chỉ Ao Ước Một Ðiều: Làm Ðẹp Lòng Chúa

Chắc chắn cuộc đời của hết thảy chúng ta không giống như của thánh Phaolô, nhưng phương hướng phải như một, để chúng ta cũng thật sự có đức tin của các tông đồ.

Trong đoạn thư hôm nay, sau khi nhắc đến những gian truân thử thách xảy đến trong cuộc đời tông đồ, thánh Phaolô khẳng định lòng người luôn luôn vững vàng. Người ý thức rõ rệt cuộc sống hiện nay là lưu đày, không phải vì nhiều khổ sở, nhưng vì đang đi trong đức tin, chưa được ở bên Chúa như sau này ở trên trời. Chỉ ngày nào ra khỏi thân xác, mới ra khỏi nơi lưu lạc, mới không còn bước đi loạng choạng trong thứ ánh sáng nửa tối nửa sáng của đức tin, và mới được ở trước thiên nhan Chúa, diện đối diện, sáng tỏ hoàn toàn, không còn tranh tối tranh sáng nữa.

Do đó không phải chỉ khi gặp thử thách nặng nề, con người mới rơi vào chốn lưu đày. Nhưng bản chất của cuộc đời hiện nay là thời gian như không thấy Thiên Chúa hành động và các sức lực tự nhiên trong vũ trụ như cứ xảy ra theo định luật của chúng. Nước Thiên Chúa và sự công chính, nếu không hoàn toàn y như hạt giống đang nằm trong lòng đất, chẳng ai nhìn thấy, thì cũng chỉ giống như hạt cải đứng bên mọi thứ hạt khác, nhỏ bé đến nỗi người ta có thể không để ý đến nó. Chính vì vậy mà rất nhiều người hiện nay không quan tâm sống đạo đức và đi tìm Nước Thiên Chúa. Nhưng như hạt giống sẽ đi đến ngày gặt hái, hạt cải sẽ lớn thành cây, Nước Thiên Chúa cũng sẽ đi đến ngày tỏ hiện và sẽ bao trùm tất cả thế gian. Lúc ấy mỗi người sẽ lĩnh lấy thành quả đời mình khi còn sống trong thân xác , nơi chốn lưu đày. Thế nên điều quan trọng nhất cho chúng ta trong cuộc đời, là làm đẹp lòng Chúa, để khi Người đưa chúng ta ra khỏi chốn lưu đày, chúng ta được trở nên như nhánh bá hương oai lẫm; để khi mùa gặt đến, chúng ta là bông thóc chắc, để khi thời gian đã qua, chúng ta là cây rau to lớn... hoặc như khi chim trời được đến nấp bóng cây cải đã to là Hội Thánh trong thời viên mãn, là thân thể Chúa Kitô đã đạt tới tầm vóc kiện toàn.

Giờ đây mầu nhiệm Nước Thiên Chúa được cử hành trong mầu nhiệm Thánh Thể. Bề ngoài chỉ có tấm bánh và chén rượu. Có là gì trước mắt thế gian và đối với lịch sử thế giới? Không như hạt giống hạt cải sao? Và cộng đoàn tín hữu này có hơn gì đám dân lưu đày thời Ezekiel? Nhưng đức tin dạy chúng ta nhìn thấy mầu nhiệm Chúa Cứu thế, mầu nhiệm Hội Thánh, mầu nhiệm cuộc đời nơi những sự bé nhỏ và thông thường kia. Chúng ta hãy đón nhận Chúa, hãy kết hợp với Hội Thánh , hãy quyết tâm sống đẹp lòng Chúa. Mọi sự trong cuộc sống của chúng ta sẽ có ý nghĩa mới và có thể sẽ giống như hạt giống, hạt cải và nhánh bá hương nói đến trong ba bài đọc Kinh Thánh hôm nay.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B