Chúa Nhật 24 Thường Niên Năm B

Ðức Tin Có Việc Làm

(Ysaia 50,5-9a; Yacôbê 2,14-18; Marcô 8,27-35)

 

Phúc Âm: Mc 8, 27-35

"Thầy là Ðấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều".

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: "Người ta bảo Thầy là ai?" Các ông đáp lại rằng: "Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri". Bấy giờ Người hỏi: "Còn các con, các con bảo Thầy là ai?" Phêrô lên tiếng đáp: "Thầy là Ðấng Kitô". Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.

Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: "Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người".

Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình".

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật XXIV Thường Niên Năm B

Ysaia 50,5-9a; Yacôbê 2,14-18; Marcô 8,27-35

Chúa nhật trước đã cho chúng ta thấy Ðức Yêsu chữa lành một người điếc và câm, để thực hiện lời Ysaia loan báo rằng đến thời cứu độ kẻ điếc sẽ nghe thấy và kẻ câm sẽ nói được. Hơn nữa phép lạ chữa lành kia còn ám chỉ muốn được ơn cứu độ người ta phải mở tai đón nhận Lời Chúa và phát biểu lời này ra trong đời sống.

Bài đọc I hôm nay nói ngay đến người tôi tớ sáng láng lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, không sợ gian lao khổ sở. Như vậy, giáo huấn của Hội Thánh trong ngày Chúa nhật hôm nay dường như muốn tiếp nối các bài học của Chúa nhật trước, và sẽ dạy sâu hơn về đời sống của các tôi tớ Chúa. Mà cách tốt nhất để làm công việc này là hay giương cao hình ảnh Người Tôi Tớ lý tưởng lên, để tất cả chúng ta cùng bắt chước. Thế nên Chúa nhậ này thật đáng gọi là "Chúa nhật người tôi tớ".

Chúng ta sẽ xem hình ảnh người tôi tớ này ở trong Cựu Ước, rồi Tân Ước, trước khi kết luận chúng ta phải sống thế nào để trở thành tôi tớ Chúa.

 

1. Bài Ca Về Người Tôi Tớ

Cựu Ước gọi nhiều người là tôi tớ Chúa. Abraham, Môsê, Ðavít, các tiên tri đều là những tôi tớ xứng đáng. Toàn dân Chúa chọn cũng được gọi là tôi tớ của Người. Nhưng trong sách Ysaia có 4 bài ca được mệnh danh là các bài ca về Người Tôi Tớ. Tác giả không nêu tên người nào: cũng không dứt khoát coi người đó là một cá nhân hay là một tập thể. Ðoạn văn chúng ta nghe hôm nay là đoạn văn thứ ba.

Nó bắt đầu bằng những nét tả chính xác về người tôi tớ. Ðó là con người có đôi tai "môn đệ". Sáng sáng chú tâm nghe lời Chúa. Rồi ông quyết tâm đem ra thực hành, không sợ gì nguy khó. Phần lớn bài ca hôm nay nói đến những khổ đau mà ông phải chịu vì trung thành giữ Lời Chúa và nói Lời Chúa. Ông bị người ta đánh đập, giựt râu và khạc nhổ vào mặt. Khổ đau dường như cứ tăng dần. Nhưng ông vẫn giơ mặt ra cứng như đá và không hổ thẹn vì ông tin có Chúa hằng nâng đỡ ông.

Tác giả Ysaia muốn nói về ai đây? Dường như không phải về dân Chúa vì lời văn có vẻ chỉ hợp cho một cá nhân. Hơn nữa văn mạch cho phép nghĩ ở đây dân Chúa đóng vai trò hành hạ người tôi tớ thì đúng hơn. Nghĩa là đoạn văn này nói đến một người tôi tớ Chúa bị chính dân Chúa hành hạ. Người ấy là ai? Một người công chính vô danh bị đời bạc đãi? Hay lại là một trong số nhiều tiên tri đã bị đồng bào của mình hất hủi? Nhiều người đã nghĩ đến Yêrêmia, vì nhà tiên tri này quả thật đã bị bắt bớ. Tuy nhiên có lý do khiến chúng ta suy luận và khẳng định người tôi tớ được nói ở đây, không phải là một nhân vật đã sống trong quá khứ, hay đang lúc hiện tại cùng thời với tác giả bài ca này. Người ấy sẽ là một vị sẽ đến trong tương lai, bởi vì các bài ca về Người Tôi Tớ nằm trong khâu các lời sấm an ủi Israel, tức là đưa về hậu vận và nói đến thời Thiên Chúa sẽ ra tay cứu độ dân. Người tôi tớ chính là công cụ mà Người sẽ dùng để làm công việc cứu thế này. Do đó bài ca hôm nay nói về Ðấng cứu thế là Người Tôi Tớ lý tưởng của Thiên Chúa. Và có lẽ tác giả chỉ dựa vào cuộc đời đau khổ của một Yêrêmia để gợi lên hình ảnh Người Tôi Tớ lý tưởng này thôi. Thế nên phụng vụ hôm nay rất có lý khi đọc bài sách Ysaia này trước bài Tin Mừng Marcô hôm nay về việc Ðức Yêsu chịu đau khổ. Chúng ta ghi lấy tư tưởng: Người Tôi Tớ của Chúa phải can đảm đi qua gian khổ, để đi vào bài Tin Mừng.

 

2. Mạc Khải Về Cuộc Tử Nạn

Thánh Marcô kể: bấy giờ Ðức Yêsu đang đi với các môn đệ ở vùng Caisaria của Philip, tức là miền cực Bắc đất Dothái, nơi bắt nguồn của dòng sông Yorđan sẽ chảy xuống phía Nam. Người ta gọi nơi này là Caisaria của Philip, vì chính Hêrôđê Philip đã xây ở đây một thành mang tên Caisarê, tức là tên của hoàng đế Lamã. Do đó, đặt chân đến chốn này, ai cũng phải nghĩ tới hoàng đế và uy quyền thống trị của ông. Và mặc nhiên người ta cũng phải nghĩ đến thân phận của mình.

Có lẽ vì vậy mà Ðức Yêsu đã quay sang hỏi các môn đệ: "Theo như người ta nói, thì Ta là ai?". Họ không ngần ngại trả lời, vì dư luận về Người kể ra đã khá rõ rệt. Ai ai cũng nghĩ Người là bậc xuất chúng, ít nhất cũng như Yoan Tẩy giả, hoặc như Êlia, hay một vị tiên tri nào đó. Còn đối với chính họ thì sao? Họ là môn đệ của Người, luôn ở với Người và được Người chăm sóc. Họ phải có một cái nhìn về Người hơn những người khác. Thế nên Phêrô đã thay mặt anh em thưa Người rằng: "Ngài là Ðức Kitô".

Không thể có lời tuyên xưng nào đúng hơn nữa. Ðó là lời tuyên xưng của Hội Thánh sau khi tin mầu nhiệm phục sinh đã đưa Người lên làm Chúa. Phêrô hôm ấy nói được như vậy là nhờ ở Thánh Thần hoạt động trong lòng trí ông. Ông thốt ra lời rất đúng nhưng vượt quá tầm hiểu biết của ông như nhiều khi các tiên tri phát biểu những lời của Thiên Chúa mà họ chưa quán xuyến được tất cả nội dung phong phú.

Chính vì vậy mà Ðức Yêsu đã lập tức cấm môn đệ lập lại lời Phêrô vừa tuyên xưng. Họ không nên nói những điều họ chưa hiểu biết, kẻo có thể gây ra những sự hiểu lầm. Họ phải đợi đến khi chân tướng của Người đã lộ ra hết rồi hãy tuyên xưng Người bằng tước hiệu đúng hơn hết. Vì "giờ" của Người chưa đến. Người ta còn phải chờ đến giờ đó mới hiểu được Người. Và cái diện quan trọng nhất của Người trong giờ ấy sẽ là cuộc khổ nạn; thế nên hôm nay và từ nay, Người bắt đầu mạc khải cho môn đệ biết khía cạnh quan trọng này.

Người nói với họ: "Con Người phải chịu nhiều đau khổ... và bị giết đi, và sau ba ngày sẽ sống lại". Người không nói theo kiểu nhìn về tương lai; nhưng coi như đang sống mầu nhiệm tử nạn và phục sinh này. Ðiều đó làm cho các môn đệ khó hiểu, và nhất là không thể chấp nhận được. Có lẽ nào Người lại để các niên trưởng phế thải và giết đi? Thay mặt anh em, Phêrô kéo Người ra và trách Người đã nói như vậy. Vì nhiệt thành, ông đã quá trớn. Là môn đệ, ông phải đi theo, chứ sao lại muốn dẫn đầu Người.

Thế nên Người bảo ông trở về cương vị. Và Người muốn cho tất cả các môn đệ hiểu bài học này, nên Người không nhìn vào một mình Phêrô, nhưng vào hết thảy bọn họ. Người bảo ý tưởng của họ là cảm nghĩ do Satan chứ không theo như ý Chúa. Satan đã có lần cám dỗ Người làm lớn khi bày ra trước mắt Người mọi uy quyền và phú quý của thế gian để xúi Người vồ vập lấy. Nhưng ý của Thiên Chúa Cha lại không phải như vậy. Những bài ca về người tôi tớ lý tưởng đang còn đó... Ðức Kitô sẽ phải chịu đau khổ và bị đóng đinh... và ai muốn theo Người để trở thành môn đệ của Người cũng phải vác lấy thập giá và đi theo Người đang vác thập giá lên Núi Sọ.

Thật ra không phải hết mọi môn đệ đều phải vác những thập giá cụ thể bằng gỗ nặng và phải đi đến những nơi xử hình. Nhưng mọi người, không trừ ai, đều phải từ bỏ mình và sẵn sàng chịu mọi sự khó vì Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay nói rõ như vậy, sau khi khẳng định Ðức Kitô phải đi vào con đường khổ nạn. Nó cho chúng ta thấy các bài ca về Người Tôi Tớ trong sách Ysaia đã muốn nói về ai. Chính Ðức Kitô là Người Tôi Tớ đau khổ này. Và mọi Kitô hữu cũng một phần nào là người tôi tớ ấy... Chúng ta chưa hiểu vì sao lại phải như vậy! Nhưng rõ ràng đó là ý muốn của Thiên Chúa và là kế hoạch cứu thế của Người. Người muốn cứu độ bằng đường thánh giá; ai muốn được ơn cứu độ của Người, phải bằng lòng đi vào con đường ấy. Nhiệm vụ của chúng ta hằng ngày là phải tự hỏi Thiên Chúa muốn cho tôi ngày hôm nay, trong giờ phút này vác thập giá nào đây để tôi được cứu độ và góp phần vào việc cứu thế? Bài thư Yacôbê không muốn trả lời một cách đầy đủ, nhưng cũng khá tổng quát và đồng thời cũng khá cụ thể để giúp chúng ta suy nghĩ và đem ra thực hành.

 

3. Hãy Liệu Cho Ðức Tin Có Việc Làm

Như lần trước đã nói, điều quan trọng là phải có quan điểm tốt. Vác thập giá đi theo Ðức Kitô không phải là làm việc khó này, chịu sự cực kia; nhưng trước hết là phải có phương hướng và luôn đi theo phương hướng đó. Mà phương hướng của cuộc đời tín hữu đã được quy định ngay từ đầu bởi chính niềm tin mà họ đã lãnh nhận. Ðức tin có những đòi hỏi của nó; nếu không, nó chỉ là một mớ, hay một hệ thống những ý tưởng trừu tượng, chứ không phải là sự sống đức tin Kitô giáo hơn mọi niềm tin khác, khi đưa người ta lại gần Ðức Kitô, sát nhập vào với Người, trở nên chi thể của Người để lãnh được sự sống ở nơi Người, hầu sống ở trong Người và để Người ở nơi mình. Ðức tin ấy là một sự sống. Và như mọi sự sống nó phải sinh hoạt, phải làm ra việc này việc khác... Nếu không, nó đã chết tiệt rồi, như lời thư Yacôbê hôm nay nói.

Như vậy, người có đức tin phải làm những việc của đức tin. Và chính khi làm những việc này, người ta phải vác thập giá và đi theo Chúa.

Tại sao vậy?

Thưa vì đức tin đưa người ta đi vào đường lối cứu thế và là đường lối thương người. Công việc của đức tin trở thành những công việc của đức ái. Thế nên thánh Yacôbê hôm nay cho chúng ta một thí dụ. Có người anh chị em đến với chúng ta, mình thân trần trụi và thiếu thốn lương thực. Nếu chúng ta chỉ bảo người ấy: "Hãy về đi, mặc áo cho ấm và ăn cho no" mà không giúp đỡ người ấy một tí phương tiện nào thì há chẳng phải chúng ta đã biết phương hướng phải giải quyết mà đã không làm hay sao? Và sở dĩ chúng ta đã không muốn làm, chính là vì công việc này sẽ gây phiền lụy cho chúng ta khiến chúng ta phải khổ. Chúng ta đã tránh vác thập giá đi theo Ðức Kitô vậy.

Do đó sẽ không ích gì cho chúng ta và cho ai nếu chúng ta đã hiểu rõ bài sách Ysaia và bài Tin Mừng để biết rằng Người Tôi Tớ Chúa phải chịu đau khổ, mà lại không thi hành lời thư Yacôbê để biến niềm tin của chúng ta vào Sách Thánh và vào Ðức Kitô nên đức tin sống động có việc làm. Và cũng chẳng sẽ ích gì nếu chúng ta chỉ tuyên xưng niềm tin ở đây, trong lúc này, khi đọc Kinh Tin Kính và các kinh lễ, mà không đem các lời đó ra thực hành trong đời sống. Chúng ta muốn là những người tôi tớ thật của Chúa thì hãy làm như Ðức Kitô dạy, là lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, cho dù có gặp khó khăn khổ sở; vì có như vậy mới là Tôi Tớ đau khổ của Chúa.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B