CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN

Làm kẻ phục vụ mọi người

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mác-cô 9:30-37)

          Việc theo Chúa khởi đi từ cá nhân mình để đến với Chúa:  phải từ bỏ chính con người mình để hoàn toàn được biến đổi theo mẫu gương của Chúa.  Tuy nhiên theo Chúa không chỉ dừng lại ở mối tương quan riêng tư giữa chúng ta với Chúa, hơn thế nữa, người còn đòi hỏi chúng ta phải đến với người khác, tiếp nhận họ và phục vụ họ như phục vụ chính Chúa.  Bài Tin Mừng hôm nay trình bày giáo huấn được khai triển của Chúa Giê-su về một điều kiện khác chúng ta phải có nếu muốn theo Chúa, đó là bắt chước Chúa phục vụ mọi người.

          Đây là lần thứ hai Chúa tiên báo cuộc Thương khó của Người, nhưng các môn đệ “đáp lại” bằng cuộc tranh cãi với nhau xem ai là người lớn hơn cả trong nhóm họ!  Thật là thất vọng, nhưng Chúa Giê-su vẫn kiên nhẫn dạy họ thêm một bài học nữa, bài học phục vụ.  Chúa không dạy lý thuyết suông, nhưng bằng một hình ảnh đơn sơ và thật ý nghĩa.  Người đặt một em nhỏ ở giữa các ông để bắt đầu bài học.  Còn hơn cả phương pháp thính thị nữa chứ!  Vậy em nhỏ biểu tượng cho điều gì?  Nó chẳng là gì cả trước mặt loài người.  Văn chương Hy-lạp xếp trẻ em vào trung tính, giống như một vật thôi.  Kinh Thánh Cựu Ước cũng coi trẻ em như một cái gì tùy thuộc, có thể bị bán đi như bán nô lệ.  Ý nghĩa và giá trị tầm thường của trẻ em là như thế, vậy mà Chúa Giê-su lại đặt trẻ em làm đối tượng cho việc tiếp đón, hơn thế nữa làm đối tượng để những người muốn theo Chúa phải phục vụ các em.  Thực vậy, bình thường chúng ta chỉ phục vụ người trên mình, chứ ai lại phục vụ người dưới mình!  Nhưng Chúa dạy môn đệ Người phải lấy việc phục vụ những kẻ hèn kém làm ưu tiên.  Bằng chứng là chính Người đã cởi áo ngoài, bưng nước đi rửa chân cho các môn đệ trong Bữa Tiệc ly.

          Chúa Giê-su đã dành cho việc phục vụ một giá trị rất cao siêu, bằng cách lấy chính bản thân Người và cả Chúa Cha nữa để bảo đảm rằng công việc phục vụ chúng ta làm vượt trên cả mức độ nhân bản để tiến tới mức độ thần linh.  Vậy làm sao việc phục vụ của chúng ta có được giá trị thần linh?  Đó là khi chúng ta làm công việc phục vụ “vì danh Thầy”.  Đúng thế, khi chúng ta làm điều gì vì danh Chúa thì khi ấy không còn phải là chúng ta làm, nhưng là Chúa làm trong chúng ta.  Hay nói theo cách của thánh Phao-lô, tôi sống/làm, nhưng không phải là tôi sống/làm, mà là Chúa Ki-tô sống/làm trong tôi!  Cho nên bất cứ việc gì do chính Chúa làm qua chúng ta cũng mang một giá trị của Thiên Chúa, chứ không phải giá trị thuần túy loài người.

          Chúa mời gọi chúng ta đi theo Người.  Nhưng quan trọng hơn nữa là theo Người để làm gì?  Dĩ nhiên theo Chúa không phải để được làm người lớn hơn hết như các môn đệ đã tranh cãi, nhưng là để phục vụ như Chúa đã phục vụ.  Chúa cũng không đòi hỏi chúng ta phải làm những việc lớn lao mới gọi là phục vụ, trái lại chỉ là những công việc nhỏ nhặt, thí dụ như tiếp đón một em nhỏ.  Hiệu quả của việc phục vụ không phải do công việc vĩ đại hay nhỏ mọn, nhưng là do “nhân danh Chúa” nhiều hay ít.  Vì thế chúng ta hãy cố gắng tập nhận ra hình ảnh và sự hiện diện của Chúa trong anh chị em.  Điều này giúp chúng ta dễ dàng phục vụ người khác.  Mẹ Tê-rê-xa Calcutta được coi là mẫu gương phục vụ khi mẹ nhìn thấy hình ảnh Chúa rất rõ nơi những người bệnh tật và nghèo đói.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Không biết tự bao giờ tước hiệu “Tôi tớ của những người tôi tớ” của Đức Giáo Hoàng đã xuất hiện trong lịch sử Giáo Hội.  Nhưng quả thật đó là một tước hiệu ý nghĩa, nói lên lòng khiêm nhượng và tinh thần phục vụ của vị chủ chăn toàn Giáo Hội.  Nhưng chắc chắn tước hiệu ấy phải nảy sinh từ nguyên tắc phục vụ mà Chúa Giê-su đã nói lên ngày hôm nay:  Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải phục vụ mọi người.  Lời này đòi chúng chúng ta phải xét lại lối sống của mình.  Chúng ta vào Hội đồng mục vụ giáo xứ để mong làm chủ tịch hay để phục vụ?  Tôi có sống kiểu chồng chúa vợ tôi trong gia đình không?  Tôi có là một cha xứ hách dịch không?  Tôi có tiếp đón và giúp đỡ người nghèo đói hay là khinh miệt họ?  Tôi có tập ý thức sự hiện diện của Chúa trong người khác không?                                         

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B