Chúa Nhật 27 Thường Niên Năm B

Hãy Sống Khắng Khít

(Khởi nguyên 2,18-24; Hipri 2,9-11; Marcô 10,2-16)

 

Phúc Âm: Mc 10, 2-12

"Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ".

Khi ấy, những người biệt phái đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?" Người đáp: "Môsê đã truyền cho các ông thế nào?" Họ thưa: "Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị". Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: "Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ".

Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: "Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng và lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình".

{Bấy giờ người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: "Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó". Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.}

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật XXVII Thường Niên Năm B

Khởi nguyên 2,18-24; Hipri 2,9-11; Marcô 10,2-16

Trong các Chúa nhật thường niên, phụng vụ thường đọc cho chúng ta nghe một cách liên tiếp các đoạn chính yếu trong một sách Tin Mừng. Năm nay, chúng ta đọc sách Tin Mừng theo thánh Marcô, và lần trước chúng ta đã đọc xong chương 9 thì hôm nay chúng ta bắt đầu nghe sang chương 10, mà chúng ta sẽ đọc tiếp trong các Chúa nhật sau.

Rồi để làm sáng tỏ bài Tin Mừng, phụng vụ chọn một đoạn Cựu Ước có khả năng hướng lòng chúng ta về mạc khải của Ðức Yêsu để chúng ta thấy chính Người đã đến không phải để xóa bỏ nhưng để kiện toàn và hoàn tất luật cũ hay đạo cũ và mọi lời tiên tri trong Cựu Ước. Chẳng hạn hôm nay bài sách Khởi nguyên đã được chọn vì bài Tin Mừng. Ðức Yêsu đã gợi lại một câu trong sách Khởi nguyên, thì phụng vụ đọc cho chúng ta nghe chính đoạn sách ấy để giúp chúng ta dễ hiểu lời Tin Mừng hơn. Ðồng thời chúng ta cũng sẽ thấy chính Ðức Yêsu sẽ làm cho bài sách Khởi nguyên thêm giá trị.

Cuối cùng bài Thánh Thư được chọn để dạy chúng ta biết sống đạo một cách cụ thể, theo như các tông đồ đã chỉ bảo cho giáo dân của các ngài. Không tất nhiên tư tưởng bài Thánh Thư phải ăn khớp với bài Tin Mừng. Phụng vụ thường chỉ muốn đọc cho chúng ta nghe hết thư này sang thư khác. Chẳng hạn lần trước chúng ta đã đọc hết thư Yacôbê, thì kể từ Chúa nhật này và liên tiếp trong nhiều Chúa nhật thường niên sau này chúng ta được nghe đọc thư Hipri, nói rằng của thánh Phaolô nhưng có lẽ chỉ là của một tác giả hoặc môn đệ thân cận của ngài và thấm nhiễm tinh thần của ngài. Ðoạn thư trích hôm nay không liên ý trực tiếp với giáo huấn của bài Tin Mừng và bài sách Khởi nguyên. Nhưng tuy nói về những vấn đề khác nhau, cả ba bài Kinh Thánh vẫn bổ túc làm cho huấn giáo của Chúa nhật này thêm phong phú.

Chúng ta sẽ thấy bài Tin Mừng và bài sách Khởi nguyên nói đến nỗi an ủi mật thiết trong tương quan giữa người nam và người nữ. Nhưng sánh sao được với niềm an ủi và thắm thiết giữa Ðức Kitô và môn đệ Người, mà bài thư Hipri hôm nay gợi lên? Chúng ta hãy lần lượt đọc lại những bài Thánh Kinh ấy.

 

1. Nam Nữ Là Một

Bài sách Khởi nguyên hôm nay là một trong những bản văn rất quý hóa trong kho tàng tư tưởng của loài người. Người ta chỉ có thể chê khi đọc hời hợt và tưởng rằng bản văn đó mới được viết ngày hôm qua, ở giữa thời đại khoa học này. Ngược lại, nếu nhớ rằng nó đã khai sinh cách đây vào khoảng ba nghìn năm và do một ngọn bút ở một dân tộc ít văn hóa, người ta sẽ phải kinh ngạc và tự hỏi làm sao tác giả có thể viết ra những tư tưởng thâm thúy như vậy. Có cả một kho tàng khôn ngoan, tâm lý và sáng suốt trong những lời văn này.

Con người được mô tả như là một hữu thể cần hiệp thông và thông cảm. Nó không thể sống cô đơn cho dù đang ở giữa một cảnh bồng lai tiên cảnh như nơi địa đàng. Nó cũng không thể thỏa mãn với sự bầu bạn của mọi thứ động vật. Tác giả thật khéo ám chỉ loài người và loài vật cũng chỉ là một giống động vật khi ông nói Adong nhìn các giống vật và thấy chúng đều là "sinh vật", nghĩa là cũng giống như ông là loài có sinh khí. Tuy nhiên lập tức ông cũng nhận ngay ra địa vị "linh ư vạn vật của mình" khi tác giả viết: Adong đặt tên cho từng loài, để tỏ ra địa vị ưu việt của ông... "Nhưng con người vẫn không gặp được sự trợ giúp nào tương đối". Adong chưa tìm được vật nào giống như mình để cảm thông và làm đầy đời sống cho mình. Nói cách khác, ông cảm thấy chưa đầy đủ dù có cả vũ trụ và vạn vật ở dưới quyền. Ông muốn và cần có một ai như mình nhưng lại khác mình và bổ khuyết cho mình.

Thượng đế đã can thiệp. Thiên Chúa không để con người cô đơn. Tác giả sách Thánh dùng hình ảnh bình dân để diễn tả sự can thiệp này. Yavê đưa Adong vào một giấc hôn mê, Người rút một xương sườn của ông, lắp thịt vào, làm ra người nữ và đem giới thiệu với ông. Vừa nhìn thấy, Adong đã kêu lên: phen này, nàng là xương tự xương tôi, thịt tự thịt tôi, nàng là Ishsha: (đàn bà) vì đã được rút ra từ Ish: (đàn ông).

Rõ ràng tác giả đã xây dựng hình ảnh từ "nguyên tự" và từ quan niệm bình dân lấy sự giống nhau về xương thịt để nói lên sự giống nhau về bản chất. Tức là tác giả muốn khẳng định đàn bà cũng là "người" như đàn ông và giữa nam nữ có một sự mật thiết bù đắp cho nhau. Tư tưởng của ông tiến bộ hơn người đồng thời rất xa, vì sau ông nhiều thế kỷ, ở nhiều nơi người ta vẫn chưa nhìn nhận sự bình đẳng và đồng loại giữa nam và nữ. Và với câu sau, "người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ và khắng khít với vợ mình và chúng sẽ nên một thân xác", ông làm cho độc giả thấy tình gia đình phu phụ keo sơn đến mức nào.

Dù sao cách nói của ông vẫn có nhiều hình ảnh và có thể làm người ít học lấy hình ảnh làm thực tại. Họ đâu có biết sách Khởi nguyên ở đoạn trước đã viết về nam nữ như sau: "Thiên Chúa đã dựng nên loài người theo hình ảnh mình. Là nam là nữ, Người đã dựng nên chúng". Vậy, điều mà ở đây tác giả nói một cách đơn sơ, tổng hợp nhưng vẫn đề cao sự bình đẳng và đồng loại giữa nam và nữ, thì ở chương sau ông đã dùng hình ảnh để nói lên một cách dễ hiểu hơn. Chúng ta quý cả hai lối trình bày và sung sướng được nghe nói đến những nét thâm thúy nơi con người.

Tuy nhiên ở đây phụng vụ không muốn lưu ý chúng ta về việc nam nữ đồng loại và bình đẳng cho bằng việc họ thu hút nhau, bù đắp cho nhau và khắng khít với nhau, để dẫn chúng ta sang bài Tin Mừng.

 

2. Không Ðược Ly Dị

Chúng ta không hiểu rõ hoàn cảnh vì sao các Biệt phái lại chọn vấn đề rẫy vợ để thử Ðức Yêsu. Họ muốn thử gì? Ðể xem ý kiến của Người về vấn đề ly dị ư? Không chắc ở thời đó vấn đề có sôi bỏng như ở thời ta không, cho dù luật Rôma bấy giờ cũng cho ly dị và tâm tư đạo đức của người Dothái có vẻ không rõ ràng. Ðúng hơn, họ muốn gài bẫy Người, để xem Người có kính trọng luật Môsê không? Nhưng luật này nói thế nào? Họ chỉ có thể trích được một câu trong sách Thứ luật (24,1) cấm lấy lại một người đàn bà đã bị rẫy và nói đến việc viết ly thư, chớ không có chỗ luật nào nói rõ về việc được phép ly dị... Chính các Biệt phái cũng phải nhận rằng Môsê chỉ cho phép viết ly thư chứ không ra lệnh phải làm việc này. Dựa vào chỗ đó, Ðức Yêsu làm cho họ hiểu rằng: vì lòng dạ lì lợm của họ mà Môsê đã phải cho phép như vậy. Ðó là một nhượng bộ bất đắc dĩ, không thể kéo dài mãi mãi. Nước Thiên Chúa đã đến rồi; con người phải dùng sức mạnh mà vào; người ta phải trở về với Thiên Chúa và lệnh truyền của Người. Thế mà từ nguyên thủy nam nữ đã khắng khít với nhau và đàn ông đã bỏ cả cha mẹ mình để nên một thân thịt với bạn mình. Ðức Yêsu giải thích việc đó là ý của Thiên Chúa muốn phối hợp hai người lại với nhau, và không ai được phép phân ly nữa. Về nhà, Người còn dạy rõ: không ai được rẫy vợ mình để cưới vợ khác. Ai làm như vậy sẽ phạm tội ngoại tình.

Thánh Marcô không nói đến phản ứng của Biệt phái khi nghe Ðức Yêsu trả lời, vì đứng về quan điểm luật họ còn biết nói gì nữa? Nhưng đối với con người thời nay, có lẽ phán quyết của Người còn cần được tìm hiểu thêm. Người ta có thể đưa ra ý kiến này, ý kiến khác về vấn đề ly dị. Phụng vụ hôm nay chỉ xin chúng ta suy nghĩ về bài sách Khởi nguyên và đoạn Phúc Âm hôm nay để thấy việc vợ chồng khắng khít với nhau là một cái gì nằm sâu trong bản chất nam nữ mà Thiên Chúa đã dựng nên từ nguyên thủy. Ðó là ý muốn của tạo hóa và của bản tính con người. Nếu điều này có lúc khó chấp nhận, thì chúng ta hãy đọc tiếp đoạn Phúc Âm trên.

Thánh Marcô nói đến việc Ðức Yêsu yêu quý trẻ nhỏ và dạy chúng ta phải đón lấy Nước Trời như một trẻ nhỏ. Câu nói này có thể có hai nghĩa. Hoặc là người ta phải đơn sơ như trẻ nhỏ khi đón nhận Nước Trời, không xét nét, không do dự vì trẻ nhỏ cho gì chúng cũng lấy. Hoặc là người ta phải coi Nước Trời như hồng ân tốt đẹp, tinh sạch mà người ta phải đón lấy như đón một trẻ nhỏ. Bất cứ hiểu theo nghĩa nào, người ta cũng có thể dùng Lời Chúa nói đây để giúp mình chấp nhận luật không ly dị nói trên, vì rõ ràng đấy là ý Chúa, là Nước Trời đến với chúng ta mà chúng ta phải đón lấy như trẻ nhỏ. Chúng ta cũng có thể dùng bài Thánh Thư để khuyến khích mình thêm vì tác giả thư Hipri, tuy nói đến một vấn đề khác, nhưng cũng sẽ chỉ muốn chúng ta bắt chước Chúa mà có tinh thần hòa hợp.

 

3. Hãy Sống Khắng Khít

Tác giả nhắc lại việc Ðức Yêsu đã ngang qua thống khổ tử nạn mà được vinh quang huy hoàng. Trong chốc lát và theo một diện nào đó Người đã tỏ ra như thua các Thiên Thần vì hình dạng khổ nạn của Người. Nhưng đó là ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Người muốn Ðức Kitô phải chịu khổ đau như vậy để kiện toàn bản chất con người chúng ta. Người muốn hướng dẫn số đông nhân loại lên phúc vinh quang nên đã dùng thống khổ hạ Ðức Kitô xuống thân phận tôi đòi tội lỗi như mọi người để khi Người được triều thiên ban tặng thì cả nhân loại được chia phần vinh quang của Người.

Như vậy, ở đây tác giả thư Hipri đã nhấn mạnh đến sự khắng khít giữa Ðức Kitô và loài người trong mầu nhiệm tử nạn phục sinh. Có thể nói vì muốn được loan báo Danh Chúa cho anh em và ngợi khen Thiên Chúa giữa cộng thể loài người mà Ðức Kitô đã phải đồng hóa và nên một với loài người trong đau khổ. Người không để lại cho chúng ta một tấm gương khắng khít hòa hợp và hiệp nhất sao? Người đang kêu gọi chúng ta không những kết hiệp bất khả phân ly với Người mà còn với nhau nữa. Người đang khuyến khích riêng các gia đình đang gặp khó khăn đó.

Mầu nhiệm Thánh Thể của Người mà chúng ta cử hành bây giờ thật sự nói lên điều này. Ðức Kitô chấp nhận sự chết là hình phạt của mọi người để đưa mọi người lên phúc vinh quang. Người kêu gọi chúng ta mật thiết kết hợp với Người. Và đồng thời Người sẽ thêm cho chúng ta sức mạnh kết hợp với nhau như các chi thể trong một thân thể. Với ơn của Người, chúng ta sẽ lướt thắng mọi khó khăn trong tương giao xã hội và đặc biệt trong quan hệ gia đình, để khi mến Chúa nhiều, chúng ta cũng đoàn kết yêu thương nhau nhiều, không phải chỉ bằng cảm tình và lời nói hoặc lời cầu nguyện, mà bằng việc làm, hy sinh, cố gắng; như vậy đạo tốt sẽ làm đẹp đời. Và chúng ta sẽ thấy đời người thật đáng sống khi có ơn Chúa.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B