Chúa Nhật 6 Thường Niên Năm B

Trở nên sạch nhờ mầu nhiệm thánh giá Chúa Kitô

(Sách Lêvi 13,1-2.45-46; Thư 1 Corintô 10,31.11,1; Tin Mừng Marcô 1,40-45)

 

Phúc Âm: Mc 1, 40-45

"Bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch".

Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch". Ðộng lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: "Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh". Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: "Anh hãy ý tứ đừng nói cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng mình đã được khỏi bệnh". Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật VI Thường Niên Năm B

Chúng ta đọc: Sách Lêvi 13,1-2.45-46; Thư 1 Corintô 10,31.11,1; Tin Mừng Marcô 1,40-45

Ngày nay, nhờ lòng bác ái và khoa học tiến bộ, bệnh phung hủi không còn ghê rợn như ngày xưa. Tuy nhiên nó vẫn còn là một bệnh cần được nhiều lòng thương xót. Thành ra, sau khi nghe những bài Kinh Thánh hôm nay, tiên vàn chúng ta phải nhớ tới trại cùi nằm trong ranh giới của giáo phận chúng ta. Và chúng ta phải biết nhắc nhở nhau chia sẻ lòng thương xót với những anh chị em đang bị thứ bệnh ghê gớm đó.

Nhưng dù rất hợp lý và khẩn thiết, quyết tâm cụ thể đó vẫn không phải là mục đích huấn giáo của các bài đọc Kinh Thánh hôm nay. Cao điểm của lời giáo huấn này nằm trong bài Tin Mừng, mà lại trích sách Lêvi chỉ ra như những lời dẫn nhập và bài trích thư Phaolô như chỉ muốn đưa ra một áp dụng thực hành. Vậy trước hết chúng ta hãy trở lại bài sách Lêvi để dễ hiểu hơn bài Tin Mừng.

 

1. Phung Hủi Là Thứ Bệnh Nan Trị

Sách Lêvi là tác phẩm thứ ba trong Bộ Cựu Ước, đi sau quyển Khởi nguyên và sách Xuất hành. Nó muốn tiếp nối quyển sách thứ hai này. Thật vậy, sách Xuất hành thuật lại cho chúng ta biết việc Chúa cứu dân xuất khỏi Aicập và hành trình khoảng 40 năm nơi sa mạc để biến Israel làm dân của Chúa vì Chúa là Thiên Chúa của dân. Chúa lập giao ước với dân và nhận đến ngự nơi lều giao ước để làm chứng Người muốn mật thiết ở giữa dân. Sách Lêvi muốn viết tiếp vào đó và nói cho dân biết những điều phải giữ để lều giao ước thật sự trở nên nơi gặp gỡ giữa Chúa và dân, giữa Thiên Chúa và loài người. Muốn được như vậy, lều giao ước phải trở thành một thứ đền thờ. Dân phải đến đây dâng lễ. Và ở đó phải có hàng tư tế hẳn hoi. Rồi hết mọi người phải cẩn thận tuân thủ những điều cấm kỵ liên quan tới vấn đề sạch và dơ, thiêng và tục, để dân được thánh thiện như Chúa là Ðấng Thánh. Ðó là những chủ đề của sách Lêvi; tất cả đều có hệ và đều tùy thuộc ở hàng tư tế. Thế nên, người ta đã lấy tên Lêvi, tên của tộc tư tế trong dân Chúa, đặt cho quyển sách này.

Ðoạn văn đọc trong thánh lễ hôm nay nằm ở phần nói về sạch và dơ, thiêng và tục.

Tại sao vậy?

Ðối với tâm lý người xưa nói chung và người Dothái nói riêng, bệnh tật nếu không phải là hình phạt do tội lỗi thì cũng là trò ma chước quỷ bày ra. Xét theo diện nào bệnh tật cũng đều đáng sợ. Và bệnh càng nặng, càng ghê người ta lại càng phải thận trọng, đề phòng.

Ở đất Dothái thời bấy giờ có lẽ không bệnh nào nan trị bằng bệnh phung hủi. Nó vừa ghê rợn và dễ lây. Xã hội lập tức đã phải có biện pháp đối với thứ bệnh này. Và vì Dothái là xã hội thần quyền, nên luật pháp đã mặc hình thức tôn giáo như chúng ta thấy trong bài sách Lêvi hôm nay.

Các thầy tư tế phải thẩm định ai là người đã mắc bệnh phung hủi. Lập tức nó phải mặc áo rách rưới, không được chải đầu, không được cạo râu và phải tru trếu than khóc, làm chứng nó đã bị Chúa phạt và ma quỷ đang hoành hành trên thân xác nó. Rồi nó phải đi khỏi nhà, đến ở những nơi hoang vu hẻo lánh, không được tiếp xúc với ai và cũng không được để cho ai đến gần. Nhỡ có người nào không biết mà tiến lại thì nó phải hô lên: "dơ, dơ", để cho họ biết mà lánh đi kẻo bị ô nhiễm. Bất hạnh cho ai bị lây bẩn như vậy, vì sẽ bị tuyệt thông, không được tham dự các nghi lễ nữa, trước khi làm lễ thanh tẩy.

Còn chính kẻ phung hủi còn có hy vọng nào không? Dĩ nhiên y cố gắng chạy chữa. Cũng có trường hợp chữa được. Nói đúng hơn, việc chẩn bệnh ngày xưa không khá. Có nhiều trường hợp khỏi, chỉ vì thật sự đó không phải là bệnh phung. Khi thấy thân xác lành lại, người ta sẽ đến trình diện các tư tế và xin khám nghiệm. Nếu đúng đã hết bệnh, họ sẽ dâng lễ đền tội và thanh tẩy trước khi được cấp cho một giấy chứng nhận, phục hồi quyền hiệp thông với xã hội.

Sách Lêvi nói tỉ mỉ những điều này, vì hàng tư tế có trách nhiệm đặc biệt trông coi vấn đề sạch và dơ, thiêng và tục, thánh và tội. Thế mà không thứ bệnh nào dơ như phung hủi. Kẻ mắc thứ bệnh này trở thành kẻ bất hạnh nhất trên đời. Isaia khi nói về người tôi tớ đau khổ cũng không biết mô tả thế nào hơn là hình dung người giống như kẻ bị phung hủi. Nhưng có điều khác lạ và mầu nhiệm, là chính các vết thương của Người sẽ chữa lành chúng ta hết thảy. Chắc chắn Isaia đã không thể tự mình viết ra như vậy.

Thánh Thần đã dùng ông để nói tiên tri về cuộc tử nạn cứu thế của Ðức Kitô. Nhưng chẳng ai đã hiểu được mầu nhiệm ấy. Phải đợi chính Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể mạc khải từ từ. Và ngày hôm nay, trong bài Tin Mừng Marcô, Người bắt đầu làm công việc ấy. Chúng ta nhớ những lời sách Lêvi để hiểu bài Tin Mừng.

 

2. Ðức Yêsu Chữa Người Phung Hủi

Thánh Marcô đã kể chuyện một cách đột ngột. Người thấy một kẻ phung hủi đến gần Ðức Yêsu, khẩn khoản quỳ xuống xin Người chữa mình sạch. Thánh Marcô không nói rõ việc này xảy ra khi nào và ở đâu? Theo văn mạch, chúng ta đoán đã xảy ra ở Galilêa khi Ðức Yêsu đi giảng đạo trong vùng đó. Nhưng điều đáng lấy làm lạ là tại sao lại có thể xảy ra một truyện như thế? Kẻ mắc bệnh phung kia ở đâu đến, vì chắc chắn y không được ở gần những chỗ đi lại? Hay là hôm ấy Ðức Yêsu đã đi đến một nơi hẻo lánh để cầu nguyện và anh ta đã dám lại gần? Dù sao anh cũng đã vi phạm pháp luật. Nói đúng hơn, những hiểu biết của anh về Ðức Yêsu đã khiến anh tin Người; và vì tin, anh không sợ luật pháp. Anh tin nếu Người muốn, Người sẽ làm cho anh sạch. Có lẽ đối với anh, sạch hay khỏi bệnh cũng là một. Nhưng Marcô đã muốn dùng chữ sạch để gợi lên ý nghĩa tôn giáo nhiều hơn. Và như vậy để làm nổi bật ý nghĩa mới lạ trong thái độ của Ðức Yêsu.

Người không ghê rợn theo bản năng tự nhiên khi nhìn thấy kẻ phung hủi. Người càng không bỏ chạy theo luật "dơ và sạch" thời bấy giờ. Người thương kẻ ấy, giơ tay đụng vào anh và bảo: "Ta muốn, hãy được sạch". Người chỉ làm có vậy thôi, nhưng hành động này thật lớn lao. Nó làm tan biến ngay một thứ bệnh nan trị; nhưng nhất là nó đã làm cho cả một hệ thống tôn giáo xã hội chặt chẽ và tỉ mỉ trở nên như mây khói.

Sách Lêvi và hàng tư tế Dothái vất vả bảo vệ luật "dơ và sạch", thiêng và tục. Và nỗ lực đó đã kiên cố qua nhiều thời đại. Thế mà trong chốc lát, chỉ bằng một cái nhìn, một cử chỉ, một lời nói, Yêsu thành Nadarét, đã hủy bỏ mau lẹ và dễ dàng. Không phải Người đã bực tức không giữ luật, vì kẻ bất mãn nào cũng làm được như thế. Nhưng việc mà không ai làm được thì Người đã làm. Người hủy bỏ luật bằng cách làm cho nó hết đối tượng. Người làm cho "dơ" trở nên "sạch" khiến luật "sạch và dơ" từ nay không còn đối tượng và lý do tồn tại nữa. Và khi làm như vậy, Người đã ban quyền sống cho kẻ bị vạ, kết nạp lại con người tuyệt thông, cứu vớt kẻ bị hư mất.

Câu chuyện chữa kẻ bị phung hủi này có nhiều ý nghĩa sâu xa. Nó không kém gì việc làm cho kẻ chết sống lại. Nó diễn tả sức mạnh cứu thế của Ðức Kitô. Thế nên, làm phép lạ này xong, Ðức Yêsu như giựt mình nhớ rằng chưa đến lúc Người ở trên thập giá, tức là chưa đến lúc Người thanh tẩy và rửa sạch nhân loại tội lỗi trong máu thánh... thế nên Người nghiêm khắc răn bảo kẻ vừa được chữa sạch: không được đem chuyện này nói với ai, nhưng phải đi trình diện với các tư tế và dâng lễ thanh tẩy như Luật dạy, để làm chứng cho họ thấy việc Người làm.

Một đàng, Người dạy không được đem sự việc nói cho ai biết, bởi vì đây là hành vi có ý nghĩa cứu thế mà người ta chỉ hiểu được khi Ðức Kitô đã ở trên thánh giá. Nói ra bây giờ, người ta không hiểu và chỉ sẽ coi đây là một phép lạ, khiến họ sẽ lầm tưởng Ðức Yêsu là con người cao tay làm được nhiều phù phép. Nhưng đàng khác kẻ được chữa khỏi kia phải đi vào xã hội và như vậy cần phải có giấy chứng nhận theo luật. Anh ta phải làm công việc này, thì Người nhờ luôn anh ta đến "làm chứng" cho Người ở trước mặt hàng tư tế, hầu họ thấy rằng Nước Trời đã đến rồi vì đã có người làm được những việc như vậy.

Nhưng có thể nói Ðức Yêsu đã không thành công trong việc dặn bảo này. Kẻ được khỏi đã đi phao tin mọi nơi đến nỗi khắp nơi người ta tuốn đến tìm Người, cả khi Người lánh đi ẩn thân nơi vắng vẻ. Còn các tư tế, nghe báo cáo về sự việc, họ không nhận ra Nước Trời đã đến mà chỉ thấy uy quyền của họ bị lung lay. Họ còn "ngồi" đấy để làm gì khi chức năng phân biệt "sạch và dơ" không còn đối tượng nữa? Thành ra họ phải tìm cách chấm dứt những việc chữa sạch như vậy.

Chúng ta có thể cười họ và tưởng rằng sau khi Ðức Yêsu đã chịu chết trên thập giá thì người ta đã hiểu rõ giá trị của phép lạ chữa kẻ phung hủi kia. Sự thật không đơn giản như vậy. Bài thư Phaolô làm một bằng chứng.

 

3. Chúng Ta Hãy Bắt Chước Ðức Yêsu

Thánh Tông đồ viết cho người Côrintô. Họ đã tin đạo và chịu phép rửa; tức là họ đã nên sạch nhờ mầu nhiệm thánh giá Chúa Kitô. Thế mà họ vẫn còn cái tâm lý "sạch và dơ", làm như thế máu Ðức Kitô chưa rửa sạch được tất cả, và vẫn còn có những sự bên ngoài làm dơ nhớp tâm hồn đã được ơn thanh tẩy.

Ðặc biệt họ bảo thịt cúng sẽ làm bẩn linh hồn, khiến giáo đoàn Côrintô xôn xao. Người sợ thì giữ; người khác không sợ thì cứ ăn, nhưng lại không biết giải thích thái độ của mình và hơn nữa còn tỏ ra khinh thị và chọc tức người ta. Thánh Phaolô phải gửi thư can thiệp, giúp đỡ đàn chiên. Ngài khẳng định ngẫu tượng là giả trá, nên thịt cúng cũng chẳng khác gì thịt thường. Có ăn cũng chẳng sao. Tuy nhiên chính cách ăn có thể là không tốt vì để lộ ra những cảm nghĩ không sạch của tâm hồn mình. Như lời Ðức Yêsu đã nói: không phải của ăn của uống bên ngoài có thể làm dơ bẩn con người; nhưng ngược lại chính tâm tư bẩn thỉu của tâm hồn làm dơ bẩn hành động của người ta.

Vậy nguyên tắc chung là khi ăn, khi uống hay khi làm bất cứ việc gì, chúng ta hãy làm mọi việc cho vinh danh Thiên Chúa. Chúng ta đừng nên cớ cho ai sa ngã phạm tội, một trong mọi sự vào đối với mọi người chúng ta phải có lòng bác ái, không tìm tư lợi nhưng phải giúp người ta được rỗi. Rồi thánh tông đồ kết luận: "Anh em hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Ðức Kitô".

Thế là để giải quyết vấn đề sạch và dơ, thiêng và tục cho thời đại của người, thánh Phaolô đã bảo mọi người noi gương Chúa Yêsu. Bài Tin Mừng hôm nay vừa cho chúng ta thấy Chúa đã giải quyết vấn đề bằng tình thương. Vì thương người bị bệnh phung, Người đã chữa anh ta. Vì thương những người khác, Người bảo anh đừng đi phao tin cho ai. Vì thương hàng tư tế thời bấy giờ, Người bảo anh đến làm chứng về Người ở trước mặt họ. Tình thương của Người là tình thương cứu thế, muốn thanh tẩy người ta tận cội rễ, tức là rửa sạch tâm hồn và ban cho người ta một sự sống mới, qua mầu nhiệm thánh giá. Chỉ có hy sinh với đấng chết trên thánh giá mới rửa sạch được con người và làm cho họ nên trong sạch và thánh thiện thật. Do đó vấn đề sạch và dơ, thiêng và tục chỉ được giải quyết nhờ mầu nhiệm thánh giá.

Vấn đề này chưa hoàn toàn biến mất ở thời đại ta. Người theo khuynh hướng này, kẻ theo khuynh hướng khác. Người cho đây là đạo và kia là tục; kẻ lại bảo kia mới sạch, còn đây thì dơ. Mỗi người biện minh cho thái độ của mình. Thánh Phaolô bảo chúng ta hãy bắt chước Ðức Kitô, hãy hy sinh tư lợi để giúp người ta nên thánh, hãy làm tất cả cho vinh danh Thiên Chúa. Tất cả những lời khuyên này, giờ đây ở trước mắt chúng ta. Chúa Yêsu sẽ hiện diện để chúng ta bắt chước Người. Người không làm gì khác chính việc hy sinh mạng sống để cứu độ chúng ta và làm vinh danh Thiên Chúa. Hành vi đó rửa sạch hơn hết, và đem lại ơn thánh thiện hơn cả. Chúng ta muốn làm cho tâm hồn sạch, muốn làm cho xã hội sạch, chúng ta hãy bắt chước Chúa Yêsu, hy sinh mình cho sự rỗi của mọi người và vinh quang của Thiên Chúa.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B