Lễ Chiều Thứ Năm Tuần Thánh B

Bữa Tiệc Giao Ước

(Xh 12,1-8.11-14; 1C 11,23-26; Yn 13,1-15)

 

Phúc Âm: Yn 13, 1-15

"Ngài yêu thương họ đến cùng".

Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?" Chúa Giêsu đáp: "Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu". Phêrô thưa lại: "Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con". Chúa Giêsu bảo: "Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy". Phêrô liền thưa: "Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa". Chúa Giêsu nói: "Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu". Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: "Không phải tất cả các con đều sạch đâu".

Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: "Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con".

 

Suy Niệm: Bữa Tiệc Giao Ước

Thứ Năm Tuần Thánh B

Xh 12,1-8.11-14; 1C 11,23-26; Yn 13,1-15

Phụng vụ chiều thứ Năm Tuần Thánh vẽ lại trước mắt chúng ta quang cảnh bữa tiệc ly, lúc mà Chúa Yêsu thết đãi các môn đệ bữa tiệc Giao ước mới trong khuôn khổ bữa tiệc Vượt qua của truyền thống Dothái. Bầu khí Phụng vụ hôm nay, cũng như cả Tuần Thánh này, mang một vẻ trang trọng, bi thống, phản ảnh phần nào bầu khí bi thống, trầm trọng vào những ngày cuối cùng trong cuộc đời dương thế của Chúa Yêsu. Lúc ấy cả thành Yêrusalem xôn xao, náo nhiệt, đón mừng ngày lễ lớn nhất của niên lịch Phụng vụ. Từng đoàn người hành hương, gốc Dothái cũng như Hylạp, tuôn về thành Thánh (Yn 11,55-57; 12,20). Giới lãnh đạo tìm kế ám hại Chúa Yêsu (Yn 11,57) trong lúc phần đông dân chúng lại ngưỡng mộ Người và đã dành cho Người một cuộc tiếp đón hết sức nồng nhiệt (Yn 12,12-19). Bầu khí căng thẳng kịch liệt... chắc chắn sẽ xảy ra một biến cố quan trọng gì đây.

Phía Ðức Yêsu: Người biết rõ giờ Người đã điểm (Yn 12,23; 13,1) và Người đi vào giờ định mệnh ấy với tất cả ý thức sáng suốt và quả cảm. Người biết: Người sẽ chết. Nhưng là một cái chết vô cùng hệ trọng: một cái chết tự nguyện để tuân hành thánh ý Chúa Cha; một cái chết vô tội để chuộc tội cho cả loài người. Những hành động Người sắp làm sẽ đánh dấu khúc quẹo định đoạt của lịch sử cứu độ: Người hoàn tất những gì Thiên Chúa đã bắt đầu với dân Dothái trong quá khứ và khai mạc một kỷ nguyên cho tương lai nhân loại: kỷ nguyên Giao ước mới và vĩnh viễn. Ta phải suy niệm về ý nghĩa bữa tiệc Giao ước trong bối cảnh ấy.

 

I. Bữa Tiệc Vượt Qua Của Người Do Thái

Chúa Yêsu là một người Dothái. Ðã bao lần Người cử hành lễ Vượt qua với gia đình và đồng bào của Người. Nay là lần cuối cùng (Lc 22,15-16). Người ăn bữa tiệc cổ truyền tưởng niệm cuộc giải phóng dân tộc Người khỏi ách nô lệ Aicập. Biến cố chính trị xã hội ấy đã xảy ra 13 thế kỷ trước đó và hàm chứa những ý nghĩa tôn giáo, mà truyền thống tiên tri và tư tế đã dần dà khai triển thành một nền thần học linh động, bén rễ sâu xa trong đời sống phụng vụ và xã hội của mọi tầng lớp quần chúng. Cuộc giải phóng ấy là cơ hội cho dân Dothái cảm nghiệm hồng ân của vị thần linh toàn năng duy nhất đã thương cứu vớt, quy tụ, hướng dẫn và thanh luyện họ để lập giao ước ân tình với họ. Người là Thiên Chúa sống động đã chứng tỏ sự hiện diện của mình qua những hành vi lịch sử.

Ý Nghĩa Nguyên Thủy Của Lễ Vượt Qua: (Xh 12,1-8.11-14). Từ ban đầu việc cử hành lễ Vượt qua hằng năm vào mùa Xuân gồm nghi thức sát tế chiên con, lấy máu bôi lên cửa làm dấu hiệu cho Thiên Chúa thấy mà bỏ qua, không giết hại các trưởng nam Dothái, khi Người đi qua đất Aicập để trừng phạt những kẻ áp bức Dân Người. Bởi đó dân Dothái đáng được gọi là "Trưởng tử của Yavê" vì đã được Người để cho sống và đánh đổi với các trưởng tử Aicập. Nhưng phần trọng tâm của cuộc lễ chính là bữa tiệc hiệp thông giữa các thành phần Dân Chúa. Hành động cứu thoát của Thiên Chúa đã khai sinh ra một dân tộc tự do, thì bữa tiệc hằng năm tưởng niệm cuộc Vượt qua ấy nhằm tạo lại và củng cố ý thức cộng đoàn dân tộc. Trong bữa tiệc, tất cả mọi người Dothái biểu dương tình đoàn kết liên đới với nhau và sự hiệp thông với vị Thiên Chúa cứu độ họ. Số người dự tiệc phải đạt tới một mức tối thiểu nào đó - thường là một nhóm từ 10 đến 12 người -, không phải chỉ để ăn cho hết một con chiên nướng, nhưng còn để nói lên tính cách tập thể của ơn cứu độ. Khung cảnh bình thường là gia đình, và chính gia trưởng chủ tọa bữa tiệc. Ðể cho đủ túc số, gia trưởng phải mời những người đồng đạo trong thôn xóm tới để chia sẻ bữa tiệc tưởng niệm hồng ân nhưng không ấy của Thiên Chúa.

Cuộc giải phóng ra khỏi Aicập xảy ra một cách vội vã trong một bầu khí căng thẳng: Dân phải cảnh giác, phải hành động nhanh chóng và ở trong tư thế sẵn sàng lên đường để được cứu thoát. Chính Thiên Chúa cũng đã canh thức để kịp thời đến tiếp cứu Dân mình. Là những du mục và lữ khác, họ phải dùng bánh không men, ăn lễ Vượt qua, vì họ không có đủ giờ để cho men dậy, và nhất là vì thứ bánh ấy tượng trưng cho tâm hồn trong sạch, thanh thoát, không dính bén, không sa lầy trong kiếp sống nô lệ. Rau diếp đắng nhắc lại khía cạnh chua xót của kiếp vong nô của người Dothái ghi nhớ hồng ân cứu độ, và tăng cường cho ý nghĩa thanh luyện tâm hồn để họ xứng đáng đón nhận những hồng ân khác của Người.

Thật vậy, bữa tiệc Vượt qua của truyền thống Dothái hiện đại hóa hành động cứu độ của Thiên Chúa đã khai sáng ra họ thành một dân tộc tự do và bữa tiệc ấy cũng mở ra một viễn tượng tương lai cho họ: họ hy vọng, chờ đợi những hành động lớn lao của Thiên Chúa tiếp tục hướng dẫn họ, như sau khi họ đã lên đường xuất hành, Người còn ra tay giúp họ vượt qua Biển Ðỏ, thoát khỏi tầm tay kẻ thù.

Ý Nghĩa Nới Rộng Của Lễ Vượt Qua: Qua các thời đại, Bữa tiệc Vượt qua vẫn là một nghi lễ tưởng niệm: máu chiên sát tế bôi lên cửa nhà tư nhân - hoặc sau này rưới lên bàn thờ trong Ðền thánh - là dấu hiệu nhắc Thiên Chúa nhớ lại lòng thương của Người, để Người tiếp tục cứu độ Dân, cũng như cầu vồng là dấu hiệu nhắc Người nhớ lại giao ước đã ban cho Noe (Kn 9,16-17), nghi thức cắt bì là dấu hiệu nhắc lại Giao ước với Abraham (Kn 17,11) và ngày hưu lễ Sabbat là dấu hiệu của Giao ước Sinai (Ez 20,12). Các dấu hiệu ấy cũng nhắc nhở dân nhớ lại các hồng ân họ đã nhận được, để cảm tạ, ngợi khen Thiên Chúa và để tuân giữ các điều lệ của giao ước một cách trung thành.

Các suy tư thần học qua các thế hệ, nhất là các thế hệ hậu lưu vong từ thế kỷ thứ 6, đã ghép thêm vào lễ Vượt qua những ý nghĩa khác nữa. Ngay ý nghĩa giải phóng cũng đặt thêm chiều rộng và chiều sâu; một tiên tri Ezêkiel đã không ngần ngại đồng hóa Aicập với đất tội lỗi, và như thế giải thoát khỏi Aicập có nghĩa là giải thoát khỏi ách nô lệ (Ez 20,7-9). Cuộc giải phóng khỏi Aicập cũng được xem như là một cuộc tạo dựng, vì Thiên Chúa đã khai sáng ra một dân tộc tự do. Lễ Vượt qua mà người Dothái cử hành hàng năm nhằm hiện-đại-hóa cuộc sáng tạo ấy đối với tập thể dân Chúa và đối với từng cá nhân, khi họ xác tín rằng Thiên Chúa sẽ tái tạo tim cho họ (Tv 51,12; Ez 36,26-27).

Chính cái kinh nghiệm thiết thân ấy về hành động "cứu độ-sáng tạo" của Thiên Chúa đã giúp dân Dothái đón nhận và hiểu được những ý tưởng về việc tạo thiên lập địa. Thật vậy, xét về thứ tự thời gian, họ đã được cảm nghiệm khía cạnh cứu thế trước khi ý thức về khía cạnh tạo hóa của mầu nhiệm Ðức Yavê. Và khi suy niệm về hoạt động sáng tạo của Người, họ có một cái nhìn rộng lớn bao trùm cả nguồn gốc lẫn cánh chung, cả quá khứ lẫn tương lai, vì theo họ, Thiên Chúa là Ðấng Tạo Hóa từ nguyên thủy cho đến chung tận, và Người không ngừng hoạt động để thiết lập vương quyền của Người khắp hoàn vũ và trên mọi tâm hồn. Còn máu chiên sát tế của lễ Vượt qua thì làm cho họ liên tưởng tới ý định của tổ phụ Abraham tế con một yêu dấu của mình (Kn 22). Hình ảnh Isaac cam lòng chịu chết có một cái gì giống như con chiên hy sinh của lễ Vượt qua. Và khuôn mặt của Abraham trong thời khai nguyên lịch sử cứu độ cũng như khuôn mặt của Môsê trong cuộc xuất hành hướng về Ðất Hứa luôn gợi lại Giao Ước của Yavê ban cho Dân Người.

Tóm lại: Bữa tiệc Vượt qua của người Dothái mà Chúa Yêsu ăn lần cuối cùng với các môn đệ tại Yêrusalem năm 30 mang tất cả các ý nghĩa ấy, đó là: tưởng niệm và hiện-đại-hóa cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ Aicập và ách nô lệ tội lỗi; tưởng niệm và hiện-đại-hóa hành động cứu độ, sáng tạo ra Dân Chúa và sáng tạo ra tâm hồn mới cho mọi người; tưởng niệm và hiện-đại-hóa Giao Ước tình yêu Thiên Chúa ban cho dân Người đã tuyển chọn. Bữa tiệc Vượt qua còn mang thêm một nguyện ước; cho Nước Trời trị đến. Chính Chúa Yêsu đã làm chứng cho điều ấy lúc Người nói với các môn đệ:

"Ta sẽ không còn ăn lễ Vượt qua này nữa, cho đến khi nó sẽ hoàn tất trong Nước Trời" (Lc 22,16).

Chặng đầu của tiến trình hoàn thành ấy là cái chết của Chúa Yêsu, mà bữa tiệc Thánh Thể là nghi lễ tưởng niệm; còn chặng cuối cùng sẽ là bữa tiệc Thiên quốc mà các thánh sẽ cùng ăn với Chúa Yêsu Phục sinh nơi Trời mới và Ðất mới.

 

II. Bữa Tiệc Giao Ước Mới Và Vĩnh Viễn

Lần cuối cùng, Chúa Yêsu ăn Bữa tiệc Vượt qua theo truyền thống Dothái với các môn đệ. Nhưng trước và sau bữa tiệc ấy, Người thết đãi họ thêm một món ăn và một món uống làm thành Bữa Tiệc Thánh Thể ám chỉ cuộc Vượt qua của Người. Chính Người không ăn bữa tiệc phụ trội ấy, vì Người vừa là chủ đãi tiệc vừa là của ăn đem ra thết đãi thực khách; Người vừa là tư tế vừa là của lễ. Trong bữa tiệc Vượt qua truyền thống Dothái, người gia trưởng chủ tọa cuộc lễ, nhưng ông không phải là của lễ. Cả cộng đoàn cùng làm hành động tế tự ấy, vì tất cả đều tham dự vào chức vụ tư tế phổ quát của dân được Thiên Chúa tuyển chọn và thánh hiến. Trái lại khi thiết lập bí tích Thánh Thể, Chúa Yêsu hành động với tư cách tư tế thượng phẩm, một tư tế thượng phẩm độc đáo, vì Người tự hiến tế mình như của lễ để làm lương thực cho các môn đệ trong bữa tiệc hiệp thông của Giao ước mới. Người là tư tế, nhưng là tư tế của Giao ước mới.

Tấm bánh miến được Người đồng hóa với Thân Thể Người - Thân Thể sắp bị phó nộp chịu chết cho mọi người (1C 11,24; Lc 22,19).

Chén rượu nho được Người đồng hóa với Máu Người - Máu sắp đổ ra để xóa tội trần gian (Mt 26,28).

Tấm bánh Thánh Thể ấy quả thật là của ăn thiêng liêng nuôi sống tâm hồn, vì Chúa Yêsu chính là "Sự Thật và Sự Sống" (Yn 14,6); Người là hiện thân của Mạc khải (Hr 1,2), của Lề luật; Người là Lời của Thiên Chúa (Yn 1,1), Lời mang sự sống (Yn 1,2), đúng như trong truyền thống Dothái tấm bánh tượng trưng cho Sách Thánh, chứa đựng Lời Chúa và Lề luật. Tấm bánh ấy là do hạt lúa miến đã chết đi dưới lòng đất để làm xuất hiện những hạt lúa miến chắc nịch khác (Yn 14,24), cũng bị nghiền nát đi mà kết tinh thành. Tấm bánh ấy lại bị bẻ ra trước khi được trao ban cho các môn đệ ăn. Thân Mình Chúa Yêsu cũng chỉ trở nên của ăn thiêng liêng khi đã bị đập nát và bẻ gãy trên Thập giá, bị chôn vùi dưới lòng đất để phục sinh với sức sống mới của Thần Khí. Ăn Bánh Thánh Thể là đón nhận lấy Thần Khí tác sinh của Ðức Kitô Phục sinh.

Chén rượu nho đồng hóa với Máu Chúa Yêsu được gọi là "Máu Giao Ước" (Mc 14,24; Mt 26,28), "Chén Giao Ước Mới được ký kết trong Máu Người" (1C 11,25; Lc 22,20). Khi chia sẻ Chén Thánh ấy, các môn đệ được kéo vào trong Giao Ước Mới, nghĩa là được giao hòa với Chúa Cha qua sự môi giới của Chúa Yêsu, giống như dân Dothái ngày xưa, khi được Môsê rảy máu chiên sát tế, đã được giao hòa với Ðức Yavê qua sự môi giới của Môsê trong Giao ước Sinai (Xh 24,8). Trong cả hai cuộc ký kết Giao ước, máu là máu của một tế vật bị giết chết để niêm ấn các điều lệ chứa trong Giao ước. Máu chiên xưa đã đóng ấn chính thức vào bảng Thập giới của Giao ước Sinai. Nay Máu Chúa Yêsu đóng ấn vĩnh viễn vào Giới răn mới Người trối lại cho các môn đệ: "Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con". (Yn 13,34). Máu Giao ước mới là Máu Con Thiên Chúa, nên có giá trị cứu độ muôn đời, vì thế lá thư gửi các tín hữu Dothái đã gọi đó là "Giao ước vĩnh viễn" (Hr 13,20).

Khi ra lệnh cho các môn đệ "hãy làm việc này mà nhớ đến Ta" (1C 11,24-25; Lc 22,19), Chúa Yêsu muốn rằng cộng đoàn Kitô hữu phải cử hành bữa tiệc Giao ước mới và vĩnh viễn ấy để tưởng niệm cuộc Vượt qua của Người: Người vượt qua cái chết để Phục sinh và về với Chúa Cha (Yn 13,1). Qua cái chết tự nguyện và vô tội để đền tội và chết thay cho ta, Người tháo gỡ khỏi ta dây tròng ràng buộc của tội và giải thoát ta khỏi cái chết vĩnh cửu là hậu quả của tội. Khi ta tin vào Người và để cho Người giải hòa ta với Chúa Cha, thì ta được dẫn vào cõi trường sinh bằng cách tham dự vào cuộc Phục sinh của Người. Bữa tiệc Thánh Thể nhằm mục đích tưởng niệm và hiện-đại-hóa cuộc Vượt qua của Chúa Yêsu. Bởi thế dự tiệc Thánh Thể là thông phần vào mầu nhiệm Vượt qua của Người.

Tấm Bánh - Mình Người và Chén Rượu - Máu Người, quả thật chứa sự sống thần linh. Người phải là Con Thiên Chúa và Chúa Tể mới nói được những lời hiệu nghiệm đầy sức sáng tạo, như khi "Thiên Chúa phán, mọi loài liền có; lệnh Người truyền ra, mọi sự được dựng nên" (Tv 33,9). Lời Chúa Yêsu là những lời sáng tạo, có khả năng làm cho Bánh thành Thịt và Rượu thành Máu Thánh Người. Và lời mời gọi các tông đồ uống Máu Người cũng chứng tỏ uy quyền thần linh của Người. Chính Thánh Kinh đã cấm người ta uống máu, vì máu mang sự sống, và như thế máu thuộc phạm vi độc quyền của Thiên Chúa. Nay Chúa Yêsu muốn ban cho các môn đệ chính sự sống thần linh chứa đựng trong Máu Người đổ ra trên Thập giá, khi vượt qua cái chết để phục sinh, về với Chúa Cha.

Mệnh lệnh cử hành nghi lễ tưởng niệm còn hàm chứa ý định của Chúa Yêsu muốn tấn phong chức tư tế thừa tác của chế độ Tân Ước cho các Tông đồ, và ban cho các ngài năng quyền công bố những lời nói hiệu nghiệm làm nên bí tích Thánh Thể cũng như tẩy xóa được tội khiên (Mt 18,18; Yn 20,23). Chúa Kitô là tư tế thượng phẩm theo kiểu Melkisêđê (Kn 14,18; Tv 110,4). Truyền thống Dothái như Thánh vịnh 110 phản ảnh lại, đã liên kết khuôn mặt Ðấng Thiên Sai với phẩm hàm tư tế của Melkisêđê. Chính Chúa Yêsu đã áp dụng Thánh vịnh đó cho mình (Mt 22,44; 26,64) và thư gửu các tín hữu Dothái đã hiểu đúng ý hướng ấy khi khai triển chủ đề thần học về chức tư tế tối cao và vĩnh cửu của Chúa Cứu thế (Hr 5;7;8;9). Khi lấy bánh miến và rượu nho lập phép Thánh Thể, Người ý thức rằng mình đang làm một hành vi tư tế, như Melkisêđê ngày xưa đã đem bánh miến và rượu nho tặng cho Abraham, kèm với những lời chúc lành do một tư tế của Ðấng Tối Cao (Kn 14,18-19). Hành vi dâng hiến cũng như tặng phẩm của Chúa Yêsu mang một ý nghĩa và hiệu năng vượt xa hành vi và tặng vật của Melkisêđê vì Người là tư tế tối cao của Giao ước mới và vĩnh viễn, và bánh miến rượu nho Người ban tặng đã được quyền năng thần linh của Người biến thành Thịt và Máu Người. Khác với Melkisêđê, Người vừa là tư tế vừa là của lễ tế hiến để "xóa tội trần gian" (Mt 26,28; Yn 1,29) và để làm lương thực đem sự sống vĩnh cửu cho loài người (Yn 6,54).

 

III. Bữa Tiệc Thánh Thể Của Ta Hôm Nay

Bữa tiệc Giao ước mới do Chúa Yêsu thết đãi các môn đệ, gắn liền với bữa tiệc vượt qua của truyền thống Dothái. Do đó bữa tiệc Thánh Thể của ta hôm nay cũng mang tất cả mọi ý nghĩa của bữa tiệc Giao ước cũ. Lễ Vượt qua của truyền thống Dothái nhận được sự viên mãn trong cuộc Vượt qua của Chúa Kitô. Chính Người, trong hành động chết và sống lại, là hiện thân của Giao ước mới và vĩnh viễn. Mầu nhiệm Vượt qua biểu lộ bản chất và định hướng đời sống của Người: Người hiện hữu cho Chúa Cha và cho loài người. Người sinh ra, hoạt động, rồi chết và sống lại, trở về cùng Chúa Cha: trong tất cả moị sự, Người tuân hành thánh ý Chúa Cha và tìm vinh danh cho Cha, và Người đến để phục vụ mọi người bằng cách chết thay và chuộc tội cho ta, giải hòa ta lại với Chúa Cha và lấy Thịt Máu mình nuôi sống ta. Ðến cả khi phục sinh, Người cũng đã sống lại vì ta. Ðời sống của Người được dệt thành bởi những quan hệ phục vụ, hướng về kẻ khác. Người có đó, là để cho kẻ khác "ăn" Người đi. Bí tích Thánh Thể, cũng như cử chỉ rửa chân cho các môn đệ (Yn 13,1-15) chứng minh chân lý ấy.

Do đó, mỗi lúc cử hành bí tích Thánh Thể, chúng ta tưởng niệm và hiện-đại-hóa cái chết và cuộc Phục sinh của Ðức Kitô cho ta, để chuyển ơn cứu độ chảy theo dòng Máu và Nước từ trái tim bị đâm thủng của Người vào lòng ta. Ơn Thánh chảy vào lòng ta, thì Nước Trời cũng đang đến với ta, và qua ta, đến với thế giới. Mỗi lần cử hành Thánh lễ, chúng ta tuyên xưng cái chết cứu độ và cuộc Phục sinh đầy sức sáng tạo của Chúa Kitô trong năng lực Chúa Thánh Thần, cho tới khi Người lại đến để hoàn thành Nước Trời bằng cách siêu thăng và biến dạng thế giới này và dâng tất cả lịch sử loài người cho Chúa Cha.

Bí tích Thánh Thể, vì thế, là bí tích của những người hành hương đang xây dựng Nước Trời giữa lòng thế giới. Sự đóng góp của người Kitô hữu cho lịch sử loài người luôn mang ấn tín của mầu nhiệm Vượt qua: hành động của họ được đánh dấu bởi sự thánh hiến cho Thiên Chúa qua bí tích Thánh Tẩy; nghị lực của họ được củng cố bởi sức mạnh Chúa Thánh Thần qua bí tích Thêm sức; đời sống của họ được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Chúa Kitô qua bí tích Thánh Thể. Họ xây dựng thế giới, nhưng là một thế giới như con đường đi, chứ không phải cái gì như một thành trì cố định. Trong ý nhắm "Vượt qua" và tinh thần hành hương ấy, họ lãnh nhận Thánh Thể như của ăn đàng. Ý nghĩa đó được tượng trưng bởi cử chỉ của người tín hữu tiến lên bàn thờ, đứng rước lễ trong tư thế sẵn sàng ra đi, như người Dothái ngày xưa đứng ăn lễ Vượt qua, với bị gậy sắp sẵn, để lên đường Xuất hành (Xh 12,11).

Bí tích Thánh Thể, muốn lôi kéo đời sống nhân loại vào trong chuyển động của cuộc hành hương vĩ đại về Trời mới Ðất mới, và không hề hàm ý khước từ một giá trị trần thế nào, trái lại đón nhận và thánh hiến tất cả mọi thực tại, kể cả vật chất mà bánh miến, rượu nho là những mẫu tượng trưng. Bí tích Thánh Thể kết tụ mọi lao nhọc, mọi thất bại, mọi thành công của loài người để sát nhập chúng vào mầu nhiệm chết và phục sinh của Chúa Kitô, và biến chúng thành lời kinh tạ ơn vô tận dâng lên Chúa Cha. Mọi người dự tiệc Thánh Thể đều đi vào cuộc Vượt qua của mình, không phải một cách đơn độc, nhưng với cộng đoàn Giáo hội là Dân Thiên Chúa đang trên đường hành hương; bởi vì chính Thánh Thể làm ra Giáo hội, khi Giáo hội họp mừng cử hành Thánh Thể.

 

Giảng Lễ

Buổi chiều hôm nay, chúng ta họp nhau lại đây, không phải để cử hành một Thánh lễ như mọi khi. Chúng ta sẽ chiêm ngưỡng Chúa trong hai hành vi: rửa chân cho môn đệ và cử hành bữa tiệc Thánh Thể đầu tiên trong lịch sử loài người.

Chúa muốn chúng ta bắt chước Người rửa chân cho nhau, như lời Phúc Âm chúng ta vừa nghe đọc. Nhưng không tiện làm công việc đó hằng ngày, Giáo hội muốn chúng ta hằng năm phải làm hành vi này theo ý Chúa và trong tinh thần của Chúa. Phúc Âm cho ta biết: hôm nay, Chúa đi vào giờ của Người. Nghĩa là đã đến giờ Người ra tay hành động để cứu thế. Do đó mọi việc Người làm trong giờ này và kể từ giờ này sẽ có giá trị vô song, sẽ quyết định dứt khoát vận mệnh của tất cả thế giới. Ta chỉ cần đọc lại mấy lời mở đầu bài Phúc Âm hôm nay là thấy rõ Chúa đã chuẩn bị giờ phút này thế nào và Người đánh giá rất cao những công việc mình sắp làm. Người biết đã đến giờ bỏ thế gian về cùng Chúa Cha nên Người muốn tỏ lòng yêu thương các môn đệ cho đến cùng. Ðồng thời Người cũng ý thức rõ Chúa Cha đã ban cho Người mọi sự trong tay, nên Người có thể làm được mọi sự mình muốn. Như vậy những việc mà Người sắp làm đây là những việc có khả năng yêu thương các môn đệ hơn hết. Và chúng ta phải hiểu các việc này dưới khía cạnh của tình yêu, đến nỗi bàn tiệc Thánh Thể cũng là bàn tiệc yêu thương, và buổi chiều hôm nay là thời gian để biểu thị đức bác ái tột độ.

Chính trong bầu khí yêu thương, mà Ðức Kitô đã đứng lên cầm nước đi rửa chân cho môn đệ. Mọi người đều sửng sốt. Sao Thầy lại làm như vậy? Vì sao để tỏ dấu yêu thương, lại phải bắt đầu bằng việc rửa chân người mình muốn thương? Phêrô không hiểu gì cả, nên đã hỏi. Chúa đã trả lời nhưng Người nói rõ: bây giờ chưa hiểu được đâu; nhưng sau này sẽ hiểu. Người muốn cho chúng ta phải suy nghĩ về ý nghĩa công việc Người làm, và phải tìm hiểu ơn Thánh Thần sẽ đến sau ngày Phục sinh. Chính Thánh Thần sẽ cho chúng ta biết: Chúa làm mọi việc vì yêu thương ta. Và vì yêu thương ta, nên Người đã cứu độ ta. Buổi chiều hôm nay, Chúa ra tay cứu thế. Người nhìn môn đệ đang ngồi ở bàn tiệc. Lễ Vượt qua sắp bắt đầu. Nhưng họ đã có tâm hồn để làm lễ Vượt qua với Người chưa? Người thấy cần phải thanh tẩy cho họ, nên Người cầm chậu nước đi rửa chân cho môn đệ. Người có thể bảo họ đi rửa chân lấy, tự làm lấy việc sám hối ăn năn. Nhưng chẳng ai rửa được tâm hồn mình sạch tội, trừ được chính ơn của Chúa cứu chuộc rửa cho.

Hôm nay Chúa rửa chân cho môn đệ trước khi cử hành Thánh Thể, để việc thống hối ăn năn của ta trước Thánh lễ luôn luôn nhận được ơn tha thứ. Không thanh tẩy tâm hồn, không có khả năng dâng lễ. Và chính Chúa đã bảo ta phải thống hối những tội nào đặc biệt trước khi dâng lễ vật; nếu chúng con sực nhớ mình còn bất hòa với ai, hãy đặt của lễ đó, đi làm hòa với anh em đã, rồi trở lại dâng lễ sau.

Chính vì vậy mà lễ nghi rửa chân hôm nay vừa có ý nghĩa thanh tẩy vừa muốn diễn tả tình bác ái huynh đệ. Người ta không thể dâng lễ xứng đáng, khi không muốn cùng với mọi người khác làm thành một cộng đoàn trong sạch và bác ái. Thánh Thể sẽ biến mọi người tham dự thành các chi thể của một Thân Mình Chúa, thì lễ nghi rửa chân, nghi thức thống hối trước Thánh lễ phải làm cho người ta có tâm tình anh em với nhau trong sự thánh thiện. Thế nên Phụng vụ Giáo hội hôm nay muốn rằng người đứng đầu các cộng đoàn phải tự mình làm nghi lễ rửa chân. Họ phải nhớ và thực hành Lời Chúa: ai lớn nhất trong anh em, phải phục vụ như người rốt bét. Xin anh em hãy cầu nguyện cho tôi trong giờ phút trang trọng này, để khi cử hành nghi lễ rửa chân, tôi ý thức địa vị của tôi ở trong Giáo hội là để phục vụ. Xin Chúa và anh em tha thứ cho tôi, vì nhiều lần ở cương vị mình, tôi không có tâm tình phục vụ đủ. Và xin mọi người chia sẻ trách nhiệm Giáo hội, xã hội, gia đình với tôi, hãy đi vào tâm tình của Chúa Cứu thế trong hành vi rửa chân cho môn đệ, để chúng ta ăn năn về thái độ quan cách trong quá khứ, và nhận thức từ nay phải phục vụ khiêm tốn và yêu thương hơn. Và như vậy, chúng ta mới xứng đáng đi vào mầu nhiệm Thánh Thể.

Chắc chắn chúng ta không thể diễn tả nhiều về mầu nhiệm này. Chính Giáo hội biết như vậy, nên mặc dầu cho ta nhiều giờ chầu sau lễ để ta suy niệm thêm về ơn Thánh Thể mà Chúa ban cho ta hôm nay; sau các tuần lễ Phục sinh, Giáo hội sẽ cử hành lễ Thánh Thể một cách long trọng đặc biệt, để bù đắp cho sự thiếu sót hôm nay. Nhưng như câu kết của bài đọc II mà ta đã nghe đọc, phụng vụ chiều nay muốn chúng ta nhìn vào Thánh Thể như nhìn vào lễ Vượt qua của Chúa Kitô. Người đã chọn khung cảnh lễ Vượt qua của người Dothái để thiết lập bí tích Thánh Thể. Người làm tăng giá trị của lễ ấy khi biến nó nên hình ảnh báo trước cuộc Vượt qua của mình.

Hôm nay Người làm lễ Vượt qua thực sự, khi chấp nhận từ bỏ đời này, từ bỏ mạng sống, từ bỏ thân thể hữu hình để vượt qua mọi biên giới trần gian về cùng Cha mình ở trên trời. Bàn tiệc Thánh Thể vì thế đượm mầu tiệc ly. Người uống chén rượu nho lần chót ở đời này để về trời trước, chờ đợi môn đệ mình đến sau. Người Dothái xưa ăn lễ Vượt qua trong tin tưởng sâu xa vào Lời Chúa, nhưng không biết rõ sự việc sẽ xảy ra. Còn Ðức Kitô, Người biết rõ con đường thánh giá đang chờ đợi mình. Người cầm chén rượu, nhưng đã nhìn thấy đó là chén máu. Nên cuộc Vượt qua, lễ Thánh Thể của Người là một cuộc đau thương, một lễ tử hình. Ngày thứ Sáu Tuần Thánh với cây Thập giá đã hiện diện đầy đủ trong bàn tiệc Thánh Thể hôm nay. Giá trị của ngày thứ Sáu nằm sẵn trong hành vi Thánh Thể hôm nay rồi, vì ngày mai Chúa đã ở trong tay kẻ dữ, và một phần nào Người không còn tự do, tự nguyện. Nhưng chính vì hôm nay Người tự do, tự nguyện chấp nhận ra đi chịu chết, nên án tử hình của Người trong ngày mai vẫn là lễ dâng tự ý hoàn toàn. Ngày thứ Sáu chỉ diễn tả ra bên ngoài những gì đã xảy ra trong tâm hồn của Chúa Kitô chiều hôm thứ Năm. Thánh Thể vì vậy không phải chỉ là bàn tiệc ly, nhưng đã là lễ tế trên Thánh giá. Và vì Thánh giá ở đâu thì mầu nhiệm Phục sinh cũng đã tàng ẩn ở đó, nên khi tuyên bố: đây là chén Tân Ước vĩnh cửu, Chúa Cứu thế đã cho ta nhìn thấy hiệu quả của Thánh Thể, là đổi mới tất cả chúng ta trong một tương quan mới về Thiên Chúa. Chúng ta được trở thành tạo vật mới trong lễ Vượt qua của Ðức Kitô, vì Ðức Kitô không chỉ ra đi chịu chết, nhưng để về cùng Thiên Chúa Cha, Ðấng sẽ phục sinh Ngài trong Thánh Thần. Như vậy, mầu nhiệm Phục sinh đã tiềm ẩn trong bàn tiệc ly, đó là mục đích của lễ Vượt qua mà Ðức Kitô đã cử hành; đó là tột đỉnh của lòng Người thương yêu môn đệ. Người cúi xuống rửa chân cho họ, đưa họ vào mầu nhiệm Thánh Thể hy sinh của Người, là để cuối cùng họ được cùng Người phục sinh trong Giao ước mới, tức là trong mối tình thắm thiết mới giữa Thiên Chúa và loài người.

Giờ đây chúng ta sắp cử hành tất cả những công việc trọng đại ấy. Chúng ta hãy cầu xin cho nhau được từ bỏ con người cũ trong nghi thức rửa chân này, để tiến sang việc kết hợp mật thiết mới với Thiên Chúa trong mầu nhiệm Thánh Thể, hầu sau đó chúng ta sống cuộc đời mới yêu thương anh em trong nỗ lực phục vụ khiêm cung và mỗi ngày mỗi tiến lên trong ý thức thánh thiện kết hợp với Ðức Kitô trong mầu nhiệm Vượt qua mà chúng ta cùng nhau sốt sắng cử hành bây giờ.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B