CHÚA NHẬT II MÙA CHAY

Biến cố Hiển dung nhắc nhớ ta là con Chúa

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mác-cô 9:2-10)

          Trong cuộc đời dương thế, Chúa Giê-su ít nhất đã hai lần được Thiên Chúa long trọng tuyên dương là “Con Yêu Dấu”, lần đầu khi Người chịu phép rửa của ông Gio-an ở sông Gio-đan và lần thứ hai khi Người biến đổi hình dạng trên núi.  Thời điểm của việc tuyên dương rất quan trọng và cần thiết đối với những giai đoạn khó khăn nhất trong sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Tuy nhiên, lời tuyên dương của Chúa Cha không những có ý nghĩa đối với Chúa Giê-su, mà còn nhắc nhở chúng ta về danh phận của mình dưới con mắt của Cha trên trời nữa.

          Trước khi suy nghĩ về biến cố trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cũng nên nhìn lại một biến cố khác có liên quan đến danh hiệu Con Yêu Dấu của Chúa Giê-su.  Chấm dứt cuộc đời ẩn dật tại Na-da-rét, Chúa Giê-su đến sông Gio-đan để lãnh phép rửa của ông Gio-an.  Các sách Tin Mừng Nhất lãm đều thuật lại biến cố này với một chi tiết quan trọng:  “Có tiếng từ trời phán rằng: ‘Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.  Đó là tiếng Chúa Cha giới thiệu Con Một Người với nhân loại.  Trong kế hoạch cứu độ yêu thương, Chúa Cha đã sai Ngôi Lời xuống thế để làm người, làm một người con gương mẫu giữa nhân loại, khác hẳn với A-đam là người con đã bị tội lỗi hủy hoại, đánh mất đi hình ảnh Thiên Chúa và danh phận con Thiên Chúa.  Nhưng bên cạnh mục đích ấy, Chúa Cha cũng muốn đặt tất cả hy vọng vào sứ mệnh Người trao cho Chúa Giê-su.  Phán lời tuyên dương “Con là Con yêu dấu của Cha”, Chúa Cha tin rằng Con Một Người sẽ không làm Người thất vọng đâu.  Chắc chắn Chúa Giê-su sẽ hoàn tất sứ mệnh cách tốt đẹp theo tôn ý Chúa Cha, và như vậy đích thực là Con Yêu Dấu của Người.

          Nếu lời tuyên dương của Chúa Cha trong dịp Chúa Giê-su chịu phép rửa Gio-an đã là động lực giúp Người hăng say khởi đầu sứ vụ và thi hành tốt đẹp, thì biến cố Hiển dung cũng là một thời điểm quan trọng khác.  Đây là khởi đầu hành trình của Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem.  Trên đường đi, Chúa Giê-su đã tiên báo cuộc Thương khó Người phải chịu.  Ông Phê-rô phản ứng mạnh mẽ và Chúa Giê-su còn quở trách ông mãnh liệt hơn!  “Sáu ngày sau”, Chúa Giê-su đưa các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an lên một ngọn núi cao và Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông.  Quang cảnh tuyệt vời!  Các ông được thoáng thấy vinh quang Thiên Chúa hiện trên hình dạng và y phục của Chúa Giê-su.  Nhưng điều quan trọng hơn cả vinh quang ấy, đó là sự hiện diện và cuộc đàm đạo giữa Chúa Giê-su với ông Mô-sê, đại diện cho Lề Luật, và ông Ê-li-a, đại diện cho các Ngôn sứ.  Các ngài nói về sứ mệnh của Chúa Giê-su, hoặc đúng hơn, về cuộc Thương khó Người sắp chịu tại Giê-ru-sa-lem.  Cuộc đàm đạo củng cố thêm xác tín của Chúa Giê-su quyết tâm thi hành thánh ý Chúa Cha và chấp nhận cuộc Thương khó.  Đàng khác, qua cuộc đàm đạo ấy, các môn đệ Chúa Giê-su cũng sẽ hiểu rõ hơn sứ mệnh của Thầy mình và sẵn sàng dấn thân làm môn đệ Người.  Khác với lần tuyên dương thứ nhất tại bờ sông Gio-đan, tiếng Chúa Cha hôm nay nói với các môn đệ Chúa Ki-tô:  “Đây là con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”.  Như vậy, mục đích lời tuyên dương này là để kêu gọi chúng ta hãy “vâng nghe”, hãy làm môn đệ chân chính của Chúa Giê-su theo lời Người giáo huấn:  “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mác-cô 8:34).

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta đã thấy rõ hiệu quả của những lời khích lệ như “Con ngoan quá!  Con giỏi!...” nói với con cái chúng ta.  Chúng nó không muốn làm mất mặt cha mẹ về những lời động viên ấy và đã cố gắng chứng tỏ mình ngoan mình giỏi.  Bạn có nghĩ khi suy niệm biến cố Chúa Giê-su hiển dung hôm nay, Chúa Cha cũng nói với mỗi người chúng ta cùng một lời Người đã âu yếm nói với Con Một Người không?  Người muốn chúng ta nhìn vào lối sống của Chúa Giê-su như gương mẫu.  Người muốn chúng ta cùng với Con Một Người sống thực sự như những người con yêu dấu.  Đặc biệt trong mùa Chay là thời điểm để biến đổi, Người mong chúng ta biến đổi thành “con yêu dấu” của Người, rũ bỏ đi những bóng tối tội lỗi và tính hư nết xấu để trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô”!   

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B