CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN

Thiên Chúa muốn ta tin vào Đấng Người sai đến

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Gio-an 6:24-35)

          Theo dõi cuốn phim bộ, chúng ta chờ đợi tới tập cuối để biết được kết cục câu chuyện ra sao.  Sau cùng, chúng ta thở phào vì cái kết có hậu của cuốn phim.  Cũng giống vậy, dân chúng đi theo Chúa Giê-su và muốn biết Người thực sự là ai.  Họ đã chứng kiến Chúa làm những phép lạ chữa lành và trừ quỷ.  Họ được ăn no nê nhờ phép lạ Người làm cho năm cái bánh và hai con cá hóa nhiều.  Nhưng Chúa và các môn đệ âm thầm rời bỏ họ.  Họ lại tiếp tục theo đuổi Người.  Gặp lại họ, Chúa Giê-su nói cho họ biết đâu là lý do đích thực để họ đi tìm Người:  tìm Người không phải vì sẽ được cơm no áo ấm, nhưng vì Người sẽ ban cho họ lương thực thiêng liêng đem lại hạnh phúc trường sinh.  Tập cuối của câu chuyện đi tìm Chúa Giê-su không phải là để được no bụng, nhưng là để tin vào Người và được sống muôn đời.

          Sứ điệp về sự sống đời đời chính là sứ điệp Thiên Chúa Cha trao cho Chúa Giê-su để thông báo cho nhân loại.  Hôm nay Chúa Giê-su đã lợi dụng cơ hội dân chúng đi kiếm Người để nói cho họ biết về sứ điệp này.  Người bảo họ rằng Người là “lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” và điều này đã được Thiên Chúa Cha ghi dấu xác nhận.  Đúng vậy, Thiên Chúa Cha đã xác nhận Chúa Giê-su là Con Yêu Dấu khi Người nhận phép rửa của ông Gio-an Tẩy Giả.  Chúa Cha cũng xác nhận điều ấy với ba tông đồ theo Chúa lên núi trong cuộc Hiển dung.  Chúa Cha tiếp tục ghi dấu xác nhận sứ mệnh của Chúa Giê-su qua những bài giảng và những phép lạ Người làm.  Giờ đây dân chúng bắt đầu nhận ra điều Thiên Chúa xác nhận về Chúa Giê-su, nhưng chưa rõ Thiên Chúa muốn họ phải làm gì để đáp lại điều Người xác nhận, cho nên họ hỏi thẳng Chúa Giê-su:  “Vậy chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”   Thế là chúng ta đã tới đoạn kết cuộc tìm kiếm chân tính của Chúa Giê-su, mở ra cho dân chúng một hành trình mới.  Nếu người ta nhìn nhận sứ mệnh của Chúa Giê-su như đã được Chúa Cha ghi dấu xác nhận, thì người ta phải thực hiện những việc Chúa Cha muốn họ làm đối với Chúa Giê-su.  Vậy, trả lời câu hỏi của họ “chúng tôi phải làm gì?”, Chúa Giê-su đã khẳng định rõ ràng:  “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến”.

          Nói như trên, Chúa Giê-su đã mở ra cho dân chúng một chân trời mới.  Tuy nhiên đối với họ, không dễ dàng chấp nhận một điều mới lạ như vậy đâu, vì họ vẫn bám chặt lấy lịch sử và truyền thống của tổ tiên họ.  Họ quá hãnh diện với những oai hùng khi rời khỏi Ai-cập và dưới sự lãnh đạo của ông Mô-sê, đến nỗi tưởng rằng chính ông Mô-sê đã cho tổ tiên họ man-na để ăn trong sa mạc!  Họ đâu hiểu rằng man-na chỉ là lương thực tạm bợ chóng hư nát Thiên Chúa ban cho cha ông họ, còn Chúa Giê-su mới thực sự là bánh ban sự sống do Thiên Chúa sai đến trần gian, để ai lãnh nhận sẽ được sống đời đời.

Sống sứ điệp TinMừng

          Người Tây phương thường nói:  Anh ăn thứ gì thì sẽ trở thành thứ nấy.  Thiên Chúa ban cho chúng ta một lương thực mới, đó là Chúa Giê-su để chúng ta được nên giống với Chúa Giê-su, Con Một Người.  Người muốn chúng ta đón nhận “Lương Thực” được Người ban xuống từ trời, bằng cách “hãy tin vào Đấng Người đã sai đến”.   Khi suy tư về cách tin vào Chúa Ki-tô, thánh Phao-lô dạy chúng ta “phải cởi bỏ con người cũ” với nếp sống tội lỗi và ham muốn, để “mặc lấy con người mới” đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa.  Đây cũng chính là công việc đổi mới của Thánh Thần, Đấng hoạt động trong tâm hồn chúng ta đang mời gọi chúng ta hãy cộng tác với Người (Xem Ê-phê-xô 4:22-24).

          Vì thế, tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến không phải chỉ là hành vi của ý chí, nhưng là cả một diễn trình biến đổi từ con người tội lỗi chúng ta thành con người thánh thiện của Chúa Ki-tô.  Sự phát triển của sự sống thể xác cần của ăn thế nào, sự sống thiêng liêng và thánh thiện của chúng ta cần đến lương thực bởi trời là Chúa Ki-tô như thế.  Người đã tuyên bố chắc chắn rằng:  “Chính tôi là bánh trường sinh.  Ai đến với tôi, không hề phải đói;  ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”  Vậy chúng ta còn ngần ngại gì nữa?                 

 

          Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B