CHÚA NHẬT XXVI TN- NĂM B

THÁI ĐỘ GHEN TỴ VÀ CỤC BỘ (Mc 9, 38- 43.45.47- 48)

 

1 Tóm Lược

Bài Đọc 1: Ds 11, 25- 29

Khi Thiên Chúa lấy một phần Thần khí trên ông Môsê mà đặt trên bảy mươi kỳ mục, tuy nhiên, có hai người không đến Lều mà Thần khí vẫn đậu trên các ông và các ông bắt đầu phát ngôn. Thấy vậy, ông Giôsuê xin ông Môsê ngăn cản họ. Ông Môsê đã trả lời: Ước chi Thiên Chúa ban Thần khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ.

Bài Đọc 2: Gc 5, 1- 6

Thánh Giacôbê cảnh cáo những người giàu có, những người gian lận tiền lương của những người thợ đi gặt lúa, những người sống xa hoa buông theo lạc thú, những người đã giết chết người công chính; những người này sẽ gặp phải tai họa giáng xuống.

Bài Tin Mừng: Mc 9, 38- 43.45.47- 48

Khi nghe ông Gioan nói với Đức Giêsu về một người nhân danh Ngài mà trừ quỷ, nhưng họ lại không thuộc nhóm môn đệ, Đức Giêsu đã trả lời: “Đừng ngăn cản người ta… Quả thực, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Sau đó, Người nói phải loại trừ những cái cớ gây vấp phạm cho bản thân và người khác.

2  Suy Nhiệm

Có thể nói thái độ ghen tỵ và óc bè phái đã có sẵn trong mỗi con người. Nó là con virus sản sinh ra biết bao thói xấu như: hiềm khích, nói xấu, loại trừ. Con virus này có thể xâm nhập bất cứ ai, dù người đó có mối tương quan thân thiết với Thiên Chúa và đóng vai trò quan trọng trong dân.

Bài đọc một cho ta biết ông Giôsuê, người sau này lãnh đạo dân Chúa tiến vào Đất hứa, đã đề nghị ông Môsê ra lệnh nghiêm cấm hai người khác đang nói tiên tri vì họ không thuộc danh sách bảy mươi người được chọn. Còn trong bài Tin Mừng thì cho thấy ông Gioan, một tông đồ được Đức Giêsu thương mến, cũng đã tỏ dấu tức giận và nói cho Chúa Giêsu biết về người nhân danh Ngài mà làm phép lạ dù họ không thuộc về nhóm các môn đệ. Có lẽ, ông Gioan cho mình làm như thế là đúng, nhưng Chúa Giêsu lại có một cái nhìn khác: “Đừng ngăn cản người ta… Quả thực, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9, 39- 40).

Với câu nói trên của Chúa Giêsu làm cho chúng ta suy nghĩ lại cách nhìn và đối xử của mình với người khác. Mặc dầu là những môn đệ của Chúa, được giáo dục đức tin trong cộng đoàn, giáo xứ, chúng ta vẫn tiêm nhiễm quan niệm của người đời: “Ai không theo chúng ta là chống lại chúng ta; ai không là bạn của ta thì là thù của ta”. Với  nhãn quan này, chúng ta luôn nhìn người khác bằng ánh mắt dò xét và đố kỵ. Chúng ta cứ nghĩ rằng gia đình, cộng đoàn, giáo xứ và đạo của mình là nhất: hay nhất, tốt nhất, bác ái nhất… Những cái “nhất” ấy đã kết thành vòng tròn khép kín trong tự mãn và tự kiêu. Từ đó, dễ có thái độ xem những người không “cùng hội cùng thuyền” là những người chẳng ra gì, chẳng làm nên trò trống gì. Cho nên, khi thấy người khác hơn mình thì dèm pha, nói xấu, xuyên tạc để hạ giá hay phá đổ.

Như vậy, quan niệm chỉ biết mình mà không biết người đã nảy ra biết bao lầm lạc và tội lỗi. Nó khiến chúng ta mất đi sự hăng say phục vụ khi phải chú tâm quá nhiều về chuyện của người khác. Đó là căn bệnh mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải. Căn bệnh này là cửa ngỏ cho Thần dữ đi vào tâm hồn và cộng đoàn mình, phá đi sự bình an, thuận hòa và thương yêu. Trong bài giảng lễ tại nhà nguyện thánh Mattha ngày 9/4/2013, đức thánh cha Phanxicô đã nói lên sự nguy hiểm của căn bệnh này: “Khi chúng ta ưa chuộng bép xép về người khác, phê bình người khác, đây là những chuyện thuộc về đời sống mỗi ngày, có thể xảy ra với bất cứ người nào… Đây là những cám dỗ của Thần dữ không muốn Thánh thần đến với chúng ta, mang theo bình an và sự hiền lành vào trong cộng đoàn kitô hữu”.

Chất liệu làm nên sự bình an và thuận hòa không phải được chiết xuất từ sự ích kỷ, vụ lợi và bè phái mà hệ tại ở sự bao dung, vị tha và hợp tác. Bởi vì sự ích kỷ, bè phái luôn có nguy cơ cô lập chứ không giúp mình lớn lên và mở ra cho chân trời yêu thương. Do đó, chúng ta cần mở ra với người khác, đón nhận những tốt lành nơi họ, sẵn sàng hợp tác với tất cả sự nhiệt thành và quảng đại. Có thế, cuộc sống mỗi người sẽ trở nên nhẹ nhàng và ý nghĩa. Hơn nữa, nhờ cuộc sống thiện cảm và đượm chất Tin Mừng, chúng ta có thể làm chứng cho người khác về một Thiên Chúa của yêu thương và trao ban.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa và cầu chúc cho nhau có được tấm lòng quảng đại, cái nhìn tích cực và tinh thần hợp tác để tất cả cùng nhau xây dựng cuộc sống hợp tình người và đẹp ý Chúa.

       

Montfort Nguyễn Xuân Pháp O.cist  


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B