CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO

TRUYỀN GIÁO NGANG QUA VIỆC PHỤC VỤ (Mc 10, 35- 45).

1. Tóm Lược

Bài Đọc Một: Is 53, 10- 11

Thiên Chúa muốn Người Tôi Trung bị nghiềm nát để làm lễ vật đền tội. Nhờ Người, ý muốn của Thiên Chúa sẽ được thành tựu. Vì đã nếm mùi đau khổ, Tôi Trung của Ta sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ.

Bài Đọc Hai: Dt 4, 14- 16

Chúng ta có một vị Thượng Tế là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Ngài là Đấng biết cảm thông nỗi yếu hèn của chúng ta, vì Ngài đã chịu thử thách về mọi phương diện như ta, nhưng không phạm tội. Vậy chúng ta hãy mạnh dạn đến gần Thiên Chúa để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.

Bài Đọc Tin Mừng: Mc 10, 35- 45

Hai người con ông Dêbêđê là ông Giacôbê và Gioan đến xin Đức Giêsu cho một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang. Đức Giêsu trả lời: việc ngồi bên hữu hay bên tả thầy thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa dọn sẵn cho ai thì kẻ ấy mới được.

Nghe thế, mười môn đệ kia tức tối với hai ông. Thấy vậy, Đức Giêsu gọi các ông lại và bảo: Ai muốn làm lớn anh em thì phải làm người phục vụ anh em. Vì Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.

2. Suy Niệm

Trong muôn vàn phương cách truyền giáo, thì phục vụ là cách thế hữu hiệu để chuyển tải sứ điệp tình yêu Thiên Chúa cho người khác. Ngang qua việc phục vụ, người khác sẽ nhận ra một Thiên Chúa gần gũi, biết cảm thương đến nỗi yếu hèn của con người. Đàng khác, phục vụ sẽ làm cho người kitô hữu giảm bớt khuynh hướng tham quyền cố vị để dấn thân cho sứ điệp Tin Mừng và vì lợi ích tha nhân.

Vậy mà, trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy một bức tranh không mấy tốt đẹp về các Tông đồ. Các ông đi theo Chúa, được Ngài giáo huấn, nhưng mầm móng thích quyền cao chức trọng, ghen tị vẫn còn lớn mạnh nơi các ông: hai người con ông Dêbêđê thì xin cho được chỗ nhất chỗ nhì, còn các người khác thì ghen tị, tức tối với họ. Tuy nhiên, quan bức tranh này, Đức Giêsu lại vẻ nên những đường nét chính yếu của Tin Mừng: Phục vụ như Thầy đã phục vụ. Đức Giêsu nói: “Ai muốn làm đầu anh em tì phải làm đầy tớ anh em. Vì Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 44- 45).

Chắc hẳn, câu nói này của Chúa Giêsu là bản tóm lược quá trình thi hành sứ vụ mà Chúa Cha giao phó cho Ngài. Hơn ai hết, Chúa Giêsu luôn gần gũi với dân chúng, đồng bàn với phường tội lỗi và quân thu thuế, chữa các bệnh hoạn tật nguyền, tiếp xúc với dân ngoại, rửa chân cho các môn đệ và sau cùng là cái chết đau thương trên thập giá để làm giá chuộc cho con người. Ngôn sứ Isaia đã nói trước về Chúa Giêsu: “Người đã bị nghiền nát để làm của lễ đền tội… Vì đã nếm mùi đau khổ, Tôi Trung của ta sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53, 10- 11).

Qua cách sống và hành động của Chúa Giêsu, người ta nhận ra Thiên Chúa không phải là một quan tòa chỉ biết xét xử khi con người sai lỗi; nhưng là một người cha giàu lòng nhân ái luôn đợi chờ đứa con hoang trở về, cất bước đi tìm con chiên lạc, chữa trị con chiên đau yếu và băng bó các vết thương. Điều này cũng được thư Do Thái nói tới: Chúng ta có một vị Thượng tế là Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Ngài là Đấng biết cảm thương đến nôi biết cảm thương đến nỗi yếu hèn của chúng ta. Tác gải còn mời gọi: Vậy chúng ta hãy mạnh dạn tiến lại gần Thiên Chúa để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần (x. Dt 4, 14- 16).

Có thể nói, những gì Chúa Giêsu làm để chuyển tải sứ điệp Tin Mừng của Chúa Cha, cũng đang được đức giáo hoàng Phanxicô nhất tâm thực hiện. Ngài nói về Chúa không chỉ bằng những bài giảng long trọng, những cuộc tiếp kiến hoành tráng, mà bằng sự gần gũi, cảm thông, chia sẻ và đối thoại. Vào chiều thứ năm Tuần Thánh ngày 20/3/2013, đức giáo hoàng Phanxicô đã cử hành thánh lễ cho các thiếu niên tù nhân tại nhà tù Casl del Marmo và đã cử hành nghi thức rửa chân, trong đó có các em không thuộc cùng tôn giáo với nhiều quốc tịch khác nhau. Sau đó một thời gian, ngài đã tới thăm đảo tị nạn Lampedusa vào ngày 8/7/2013. Với chuyến than này, ngài muốn chia sẻ những nỗi thống khổ của người di dân, đồng thời thức tỉnh lương tâm của nhiều người trên thế giới, đặc biệt là các vị hữu trách về thảm trạng người di dân và tị nạn.

Đức giáo hoàng Phanxicô không chấp nhận Giáo hội xa lạ với con người, một Giáo hội an phận và khép kín. Điều ngài muốn là Giáo hội của Chúa Giêsu phải mở ra cho mọi người, đáp ứng những nhu cầu của con người thời đại và quảng đại phục vụ hết mọi người. Ngài đã nói về điểm này: “Tôi thấy rõ điều mà Giáo hội ngày nay cần hơn cả là khả năng chữa lành các vết thương, sưởi ấm các tâm hồn. Giáo hội cần sự gần gũi, cận kề”. Dĩ nhiên, những gì Giáo hội làm cần phải “qui Kitô”: lấy Chúa Kitô làm khởi điểm, làm trung tâm, động lực và hướng đích cho các hoạt động. Trong bài giảng lễ ngày 9/4/2013 tại nhà nguyện thánh Mattha, đức giáo hoàng đã nhấn mạnh: “Chúng ta có thể xây dựng mọi thứ, nhưng không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, mọi thứ ấy đều vô ích. Chúng chỉ có thể trở thành cơ chế nhân đạo phi chính phủ, chứ không phải là Hội thánh”.

Về phần chúng ta thì sao? Nhiều khi chúng ta nghĩ truyền giáo là bổn phận của một vài thành phần ưu tuyển, chứ không phải việc của tôi; tôi chỉ lo đọc kinh và giữ các điều luật là được rồi. Với não trạng này đã làm cho nhiều người trở nên ù lì, thiếu khả năng nhạy cảm để nhận ra những nhu cầu của người khác.

Chúng ta biết rằng truyền giáo là bổn phận của mọi kitô hữu, vì nó thuộc về bản chất của Giáo hội. Một kitô không ý thức tầm quan trọng của việc truyền giáo luôn có nguy cơ trở thành người “tự kỷ”. Chúng ta không nhất thiết phải bôn ba đây đó để rao giảng Tin Mừng, cũng không nằm chờ cơ hội. Chúng ta phải bắt đầu ngay bây giờ, chính trong bậc sống và hoàn cảnh này; hãy mang Chúa đến trong môi trường mình đang sống và làm việc. Bằng những chia sẻ với bạn bè hay đồng nghiệp, sẵn sàng giúp đỡ những ai cần đến, sự chân thành trong lời nói và công việc, chúng ta sẽ tạo được thiện cảm và dễ dàng nói về Chúa cho họ.

Chúng ta cùng cầu xin cho nhau, để mỗi người luôn cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa và nhiệt thành ra đi rao truyền sứ điệp Tin Mừng mà Ngài đã giao phó, hầu cho muôn người nhận biết Chúa và ca ngợi tình yêu thương vô bờ của Ngài.

                                                                    Montfort Nguyễn Xuân Pháp O.cist


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B