CHÚA NHẬT I- MÙA VỌNG NĂM B

Anh Em Hãy Tỉnh Thức (Mc 13, 33- 37)

 

Khởi đầu năm Phụng vụ, Giáo hội mời gọi con cái mình hãy tỉnh thức và chờ đợi trong hy vọng, vì Thiên Chúa sẽ viếng thăm dân Người. Điều này đồng nghĩa một người ngủ mê thì không thể ở trong trạng thái chờ đợi. Sự buồn ngủ đã làm tâm hồn nhiều người ra chai cứng (x. Is 63, 17), dửng dung trước sự lan tràn của tội ác và nỗi khổ người khác. Hơn nữa, họ dễ đánh mất cơ hội nhận ra Chúa nơi tha nhân và trong các biến cố cuộc đời, vì họ “không biết khi nào Chủ nhà đến” (Mc 13, 35). Do đó, thức tỉnh giúp mỗi người sáng suốt nhận diện những dấu chân Chúa đến với mình và anh chị em, để sẵn sàng đón rước Ngài vào trong tâm hồn và được Ngài biến đổi nên con người mới.

Hai yếu tố căn bản cho thấy một tâm hồn đang tỉnh thức:

*  Vui Mừng

Thánh Phaolô khuyến khích: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến” (Pl 4, 4- 5). Niềm vui của chúng ta là niềm vui được chìm đắm trong tình thương của Chúa, được trở nên phong phú về mọi phương diện, được nghe Lời Chúa và hiểu biết các mầu nhiệm của Ngài (x. 1Cr 1, 5). Chúng ta chân nhận rằng: chỉ có ở trong Thiên Chúa, con người mới tìm được ý nghĩa và sống một cuộc đời viên mãn.

Cuộc sống người kitô hữu là chuỗi ngày chờ đợi trong niềm vui, vì biết chắc Thiên Chúa sẽ đến và ban cho con cái Ngài được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 10). Đúng hơn, chúng ta tin rằng Thiên Chúa luôn kêu mời, chờ đợi mỗi người và giang rộng bàn tay ôm ta vào lòng. Trong buổi gặp gỡ các chủng sinh, tập sinh và những ai đang theo đuổi ơn gọi vào thứ tư ngày 10/7/2013, đức thánh cha Phanxicô đã nói: “Khi kêu gọi các con, Thiên Chúa nói với các con: con quan trọng đối với Ta, Ta yêu thương con, Ta hy vọng vào con. Chúa Giêsu muốn nói điều này với mỗi người chúng ta. Chính từ đó mà nảy sinh niềm vui! Niềm vui từ giây phút Thiên Chúa nhìn tôi”. Và “Khi một người nào đó tiến một bước về phía Chúa Giêsu, người ấy nhận ra rằng mình được Người chờ đợi với vòng tay rộng mở” (Evagelii Gaudium, số 3).

*  Hy Vọng

Thánh Phaolô mời gọi mỗi người đặt để đời mình trên nền tảng Đức Kitô (x. Cl 3, 7), vì chính Ngài là “niềm hy vọng của chúng ta” (1Tm 1, 1). Trong thư Côlôsê thánh nhân cũng đã xác tín: “Chính Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang” (Cl 1, 17). Điều này đồng nghĩa với hệ luận: không có Đức Kitô, không có niềm hy vọng, không có định hướng cuộc đời (x. Ep 2, 12).

Hy vọng là cánh cửa mở lối cho chúng ta bước vào khung trời an bình và phó thác. Chúng ta biết rằng trong hành trình dương thế, mình không bao giờ cô đơn, vì có Chúa và anh chị em cùng đồng hành. Đó là sức mạnh khả dĩ giúp mỗi người vượt thắng những cám dỗ, khó khăn và cả những giới hạn bản than để xây dựng cuộc sống có ý nghĩa; đồng thời, sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của mình (x. 1Pr 3, 15).

Một khi thức tỉnh đợi chờ Đức Kitô, Đấng đến giải thoát chúng ta khỏi gông cùm tội lỗi và sự chết, thì niềm vui và hy vọng là của ăn thường ngày. Bởi chưng, chúng ta không chờ đợi một điều viễn vong hay một biến cố trừu tượng, mà chờ đợi chính Chúa, Đấng “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6) đến rót vào cuộc đời chúng ta hương vị tình yêu và sức sống cho hành trình dương thế.

Lạy Chúa Giêsu, xin khơi dậy nơi lòng chúng con nỗi khát khao chờ mong Chúa đến trong thường ngày, để chúng con không ngừng thanh luyện và canh tân đời sống hầu làm vinh danh Chúa và dấn thân phục vu lợi ích anh chị em.

 

Montfort Nguyễn Xuân Pháp CT


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B