ĐỨC GIÊSU VÀO GIÊRUSALEM

(Máccô 11,1-10 – CN Lễ Lá - B)

 

1.- Ngữ cảnh

TM Máccô giới thiệu cho chúng ta thấy Đức Giêsu luôn đi đường. Người không có một nơi cố định cho hoạt động của Người, nhưng đi xuyên qua toàn xứ sở. Người đến sông Giođan gặp Gioan Tẩy Giả (1,9), rồi đi vào hoang địa (1,12), trở lại Galilê và đi dọc theo bờ hồ Ghennêxarét (1,16). Hành trình của Người đưa Người sang miền đất Dân ngoại (5,1), đến Tia và Xiđon, trong Miền Thập Tỉnh (7,24.31), cho đến tận nguồn sông Giođan, đến Xêdarê Philípphê (8,27). Cuộc đời của Đức Giêsu là một chuyến lữ hành không ngơi nghỉ. Ngoại trừ những lần đi thuyền, Người luôn đi bộ. Người cũng vẫn đi như thế trong chuyến đi từ Galilê về Giuđê (9,30; 10,32), ngang qua Giêrikhô (10,46) để đến tận các cửa thành Giêrusalem, đến làng Bếtphaghê và Bêtania. Người dừng chân bên triền núi Ôliu, và đứng nhìn Đến Thờ và Thành thánh (11,1).

Tại đây, bất ngờ Người thay đổi thói quen trước đây: Người không muốn đi bộ nốt đoạn đường còn lại; Người bảo các môn đệ đưa về một con lừa con. Người không muốn đi bộ vào Giêrusalem, Người muốn vào Thành thánh trên lưng lừa.

 

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành ba đơn vị:

1) Địa điểm (11,1a);

2) Chuẩn bị con vật để cỡi (11,1b-7):

a- giao nhiệm vụ (cc. 1b-3),

b- thực hiện nhiệm vụ (cc. 4-7);

3) Vào Thành thánh (11,8-10):

                   a- các cử chỉ chào đón (c. 8),

                   b- lời reo hò chào đón (cc. 9-10).

 

3.- Vài điểm chú giải

- Giêrusalem… Bếtphaghê… Bêtania (1): Vào thời Thượng Cổ, thành này được gọi bằng hai kiểu, HierosolymaHierousalêm. Mc luôn luôn dùng tên thứ nhất. Trong khi tên thứ hai có tính trang trọng và linh thánh, tên thứ nhất (dạng hy-hóa) được những người không phải là Do Thái coi như một tên phàm tục để gọi thành này. Tên thứ nhất được chọn không phải là tình cờ, bởi vì chỉ ở 3,8, tên này mới được nêu ra với giọng trung lập, còn thì luôn được coi là căn cứ của các đối thủ của Đức Giêsu (3,22; 7,1), là nơi mà họ sẽ giết Người (10,32; 15,41).

          Về Bếtphaghê (nguyên nghĩa là “nhà của trái vả”), chúng ta không biết được gì chắc chắn. Đây là một làng hay là một cơ sở? Dường như đây là một vùng đất ở bên ngoài Giêrusalem, bắt đầu với ranh giới Đến Thờ, nghĩa là đàng trước các tường phía đông của thành.

          Còn Bêtania (nguyên nghĩa không rõ: “nhà của người nghèo”? hay là “nhà của ông Khanania”?) cách thành thánh khoảng hơn 2,5 cs, ở về phía đông núi Ôliu.

- con lừa con (2): Chi tiết này gợi tới Dcr 9,9-10, theo đó đức vua thiên sai hòa bình sẽ ngồi trên lưng một con lừa con vẫn còn theo mẹ mà đến, ngài sẽ quét sạch các chiến xa, chiến mã và cung nỏ, và sẽ mang lại hòa bình cho muôn dân. Con lừa con “bị cột” là một gợi nhớ đến St 49,11, lời chúc phúc của Giacóp trên Giuđa, từ ông này sẽ phát xuất người làm chủ gậy chỉ huy.

- cứ nói là Chúa cần đến nó (3): Từ ngữ “Chúa” (kyrios) này không có nghĩa là “ông chủ (của con lừa)”, nhưng là chính Đức Giêsu dùng để tự xác định về mình. Người dùng kiểu gọi này để cho thấy quyền Người có trên các sự vật. Nhưng từ này cũng làm nổi lên nghịch lý: vị Chúa này thật nghèo.

 

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Địa điểm (1a)

Đức Giêsu đã đạt tới mục tiêu chuyến đi. Trong ba địa danh mở đầu cho bài tường thuật cuộc vào thành, Giêrusalem được nêu ra đầu tiên, kế đó là Bếtphaghê và Bêtania.

 

* Chuẩn bị con vật để cỡi (1b-7)

          Tại một điểm ở ngoài ba địa danh vừa nêu, Đức Giêsu cử hai môn đệ đi tìm một con lừa con. Ta chỉ hiểu được nhiệm vụ huyền bí được giao cho các môn đệ khi dựa trên Dcr 9,9-10 và St 49,11. Quả thật, các bản văn Cựu Ước không được trích ra (như ở Mt 21,5), nhưng các bản văn ấy rõ ràng nằm ở tại nền của bài tường thuật. Với nhiệm đã vụ ký thác cho các môn đệ, Đức Giêsu bắt đầu hoàn tất những gì đã được nói về Đấng Mêsia trong Kinh Thánh, và bằng cách đó, Người loan báo rằng ngay khi vào Thành thánh, Người cương quyết bước theo thánh ý Thiên Chúa hoàn toàn. Tác giả không thấy cần phải xác định nơi con lừa bị cột, nhưng cần phải cho thấy rằng những người được cử đi đã thi hành chính xác nhiệm vụ được giao.

          Hai môn đệ đã tìm thấy con vật đúng như được báo trước. Họ đã dẫn nó về cho Đức Giêsu, lấy áo choàng trải lên lưng con vật để làm cái yên và trang sức cho nó, rồi Đức Giêsu cỡi lên. Quang cảnh này nhắc nhớ lại một cuộc đăng quang của nhà vua tại Israel (x. 1 V 1,38-40; 2 V 9,13).

          Chúng ta ghi nhận là tác giả đã dành 7 câu trong 10 câu của đoạn này mà nói về cách thức đi tìm con lừa. Lý do: việc cỡi lừa đi vào thành có một giá trị chứng minh. Người muốn cho hiểu rằng Người đến Giêrusalem, trung tâm của dân tộc Israel, với danh nghĩa nào.      

 

* Vào Thành thánh (8-10)

Đoàn người đã cùng đi với Người từ Galilê đến, bây giờ reo hò vang dậy để chào đón Người. Người ta trải áo trên đường và rải các cành cây mà rải lên đường để Người bước qua. Người ta reo hò Hôsanna (hoan hô!) và chào đón Người bằng các lời của Tv 117,26a (LXX). Đức Giêsu không vào Thành như một khách hành hương, cũng chẳng phải như một vị tôn sư hay một vị thầy chuyên làm phép lạ, mà là như Đức Vua đã được hứa cho thời cuối cùng. Tuy nhiên, Người không đến như một nhà chinh phục, hay như một vị vua hiếu chiến với binh lính và vũ khí, mà đến không vũ khí, trong tình trạng khiêm tốn và hoà bình. Khi vào Thành thánh, Đức Giêsu thực hiện được các lời hứa thiên sai, nhưng không để thỏa mãn những niềm hy vọng chính trị. Tác giả không nói đến danh hiệu “vua” là vì ngài muốn để dành cho truyện Thương Khó, khi đó phẩm cách vương giả của Đức Giêsu sẽ được tỏ lộ. Cuộc tiến vào Thành lại không có phản ứng từ phía dân chúng và kết thúc mà không hề bị ghi nhận (khác với Mt 21,10t). Đây là cách Mc chuẩn bị cho cuộc tranh luận thật sự trong vụ xử án liên hệ đến phẩm cách vương giả của Người.

 

5.- Gợi ý suy niệm

1. Đức Giêsu không có gì phải dính dáng đến sự huy hoàng và quyền lực bên ngoài, với sức mạnh và bạo lực. Người không mang gì ngoài chính bản thân, uy tín và lời nói của Người. Người không muốn tạo ra bất cứ ảnh hưởng nào với những phương tiện quyền lực, nhưng chỉ với bản thân Người mà thôi. Người không muốn ép buộc và đè bẹp bất cứ ai, nhưng muốn chính phục mọi người về theo Người, theo tương quan của Người với Thiên Chúa, theo hành trình của Người, như Người đã cho thấy qua cách xử sự trước đó và như Người sẽ cho thấy sau này tại Giêrusalem.

2. Đức Giêsu chưa bao giờ loan báo Người sắp tái lập triều đại vua Đavít, nhưng đã công bố rằng Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Người không hề nhắm tới vẻ hào nhoáng và quyền lực, nhưng chỉ nhắm tới Thiên Chúa và lòng từ bi thương xót của Ngài; Người đã kêu gọi hoán cải về với Thiên Chúa và tin vào Người (Mc 1,15). Tại Giêrusalem, Người sẽ bảo vệ Đến Thờ như là nhà cầu nguyện (11,17), Người mời gọi người ta trả lại cho Thiên Chúa điều thuộc về Thiên Chúa (12,17), mời gọi người ta tin vào quyền lực của Thiên Chúa có thể chiến thắng cái chết (12,27), mời gọi yêu mến Ngài hết lòng, hết trí khôn và hết sức lực (12,30). Cách hành động của Đức Giêsu không hướng về một triều đại trần thế và một quyền lực của thế gian này. Người loan báo tình thương và lòng từ bi của Thiên Chúa và muốn dẫn đưa người ta đến chỗ tin vô điều kiện vào Thiên Chúa. Người nào chờ đợi nơi Người một điều gì khác, thì phải giải thích Người theo kiểu khác và cuối cùng sẽ thất vọng mà lìa bỏ Người.

3. Đức Giêsu vào Giêrusalem như vị Vua đã được Thiên Chúa hứa. Nhưng Triều Đại của Người chẳng có gì giống với các vương quyền trần thế. Con lừa con mà Người cỡi, Người đã mượn, và các môn đệ đã hứa là sẽ trả lại ngay khi vừa xong việc (11,3). Trên con lừa này, Người cũng chẳng có lấy một cái yên, và các môn đệ Người phải tạo ra một cái yên bằng cách lót áo choàng của họ lên cho Người ngồi (11,7). Tuy cỡi lừa, Người đến cách đơn giản và không phương tiện, cũng y như Người đã yêu cầu Nhóm Mười Hai khi cử họ đi truyền giáo (6,8t). Chỉ người nào biết nhận ra Người và trân trọng Người thì mới có thể tiếp đón Người ngự đến và hiện diện trong niềm hân hoan vui sướng.

Lm FX Vũ Phan Long, ofm

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B