Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa – Ngày 1 tháng 1 năm 2021

Phó tế Peter Trahan

 

Hôm nay chúng ta mừng trọng thể Lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Trong tất cả các ngày lễ về Đức Maria, lễ này dường như đánh động tâm hồn chúng ta nhiều nhất. Tuy nhiên, ngày lễ này lại ít được quan tâm cho đến khi xuất hiện trong Lịch Phụng vụ. Ngay cả khi đọc Kinh Kính Mừng, chúng ta tuyên xưng Mẹ là “Mẹ Thiên Chúa, thì không chắc chúng ta đã hiểu tường tận về những điều chúng ta đang đọc. nhiên chúng ta nghĩ về Mẹ Maria là Mẹ Chúa Giêsu, đặc biệt trong mùa Giáng sinh, nhưng trọng tâm lễ Giáng Sinh là Chúa Giêsu. Đúng vậy, tuy có Đức Maria và Thánh Giuse trong chuyến đi đến Bê-lem, nhưng trước hết vẫn là biến cố Hài nhi Giêsu ra đời. Tuy nhiên, điều này lại làm cho Đức Maria nổi bật trong tâm hồn chúng ta. Nói thế không có nghĩa là Mẹ quan trọng hơn Chúa Giêsu, nhưng danh hiệu “Mẹ Thiên Chúa” tập trung vào Mẹ Maria và thiên chức làm mẹ của Người. Nói chung, thiên chức làm mẹ là một khái niệm tình cảm, nhưng việc tôn vinh thiên chức làm mẹ của Đức Maria giúp cho lòng yêu mến của chúng ta đối với các bà mẹ được trọn vẹn: các mẹ sinh ra chúng ta, các người vợ đangm mẹ con cái chúng ta, các bà nội bà ngoại, tất cả đều là biểu hiện tình yêu.

 

Cùng với Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, chúng ta cử hành hai tín điều cùng một lúc. Với thiên chức làm mẹ của Đức Maria, chúng ta mừng mầu nhiệm Nhập thể, Thiên Chúa đến giữa chúng ta, Thiên Chúa làm người như chúng ta.

Thánh sử Gioan bắt đầu Tin Mừng của ngài bằng những lời đáng chú ý sau:

 

“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.

Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,

và Ngôi Lời là Thiên Chúa.” (Ga. 1:1)

 

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm

và cư ngụ giữa chúng ta…” (Ga 1:14)

 

Và với lời Tung hô Tin Mừng hôm nay, Sách Bài Đọc giới thiệu cho chúng ta phần mở đầu tuyệt vời trong Thư gửi tín hữu Do-thái:

“Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Do-thái 1:1-2)

Với những câu Kinh thánh này, chúng ta bắt đầu hiểu được niềm tin chúng ta đang có; đó là nhờ Mẹ Maria, Ngôi Lời Con Thiên Chúa đã trở thành một người giữa chúng ta và Thiên Chúa phán với chúng ta qua Người Con này Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và là Con của Mẹ Maria. Khi Thiên Chúa phán với chúng ta “qua Thánh Tử”, thì đó là sự mặc khải về chính Người, Người tỏ mình ra cho chúng ta qua Chúa Con, như Chúa Giê-su nói với chúng ta rằng: "Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha ." (xem Ga 14: 9) Trong Chúa Giêsu, chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa. NgườiThiên Chúa và Người tỏ Thiên Chúa ra cho chúng ta biết. Từ cái nhìn này, chúng ta hiểu được rõ hơn về mối liên hệ sâu xa giữa mầu nhiệm Nhập thể và thiên chức làm mẹ của Đức Maria. Chúng ta có thể nói dường như mối liên hệ ấy rõ ràng, thậm chí có thể cả hai là đồng nghĩa với nhau, nhưng xét cho cùng, cần phải hiểu sự khác biệt và bởi lý do nào mà giống nhau.

Vấn đề chúng ta đang nói lòng vòng ở đây là khái niệm về việc Thiên Chúa sinh ra. Trong những thế kỷ đầu lịch sử Giáo hội, có nhiều lạc thuyết hoặc đặt vấn đề về nhân tính của Chúa Giê-su, hoặc ngược lại chủ trương rằng Chúa Giêsu chỉ là con người. Đặc biệt, lạc thuyết Nestôriô cho rằng Đức Ki-tô là một ngôi vị nhân loại kết hợp với ngôi vị thần linh của Con Thiên Chúa. Nghĩa là có hai ngôi vị.

Trong Công đồng Êphêsô (431), để sửa sai lạc thuyết này, Thánh Cyrilô thành Alexandria đã tuyên bố “Ngôi Lời đã làm người khi kết hợp trong ngôi vị mình một thân xác do một linh hồn làm cho sống động” (GLCG 466) và Công đồng đã xác định việc Đức Maria là Theotokos (Đấng mang Thiên Chúa) là một tín điều. Sách Giáo lý Công Giáo giải thích điều này như sau:Nhân tính của Đức Ki-tô không có một chủ thể nào khác ngoài ngôi vị thần linh của Con Thiên Chúa, Đấng từ lúc tượng thai đã nhận lấy nhân tính ấy làm của mình. Tuyên bố này khác hẳn với lạc thuyết, lạc thuyết nói có hai ngôi vị trong khi Công đồng nói rõ rằng Ngôi Hai Thiên Chúa, tức Ngôi Lời, mặc lấy hoặc mang lấy nhân tính. Đó là hai bản tính, Thiên Chúa và con người, được kết hiệp trong Ngôi Con, nghĩa là “ngôi hiệp”. Không phải hai bản tính song song hợp lại làm một, nhưng hòa nhập với nhau để Ngôi Lời tỏ mình ra qua một trong hai bản tính ấy.

Một Ngôi vị Thiên Chúa, hai bản tính và sự kết hợp này, tất cả được thể hiện trong một thân xácdo một linh hồn làm cho sống động [con người]”. Để diễn tả điều này, Thánh Phao-lô sử dụng cụm từ “trong thân phận người phàm”. Trong các sách Phúc âm, chúng ta thấy có nhiều lần Ngôi Thiên Chúa (Chúa Con) tỏ mình ra qua bản tính Thiên Chúa và có những lần qua bản tính loài người.

Vào thế kỷ XI, Thánh Anselmô, được coi là thánh giáo phụ của trường phái Kinh viện, đã định nghĩa thần học là “đức tin tìm kiếm tri thức”. Ngày nay chúng ta có thể coi thần học là đức tin gặp gỡ sự hiểu biết. Trong chương trình Tân Phúc Âm hóa, Thánh Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI khuyến khích chúng ta hãy hiểu biết đức tin của mình vượt qua cả chương trình học giáo lý để lãnh nhận Bí tích Thêm sức. Việc truyền bá phúc âm cách mới mẻ này phải được thực hiện nhờ các chương trình mục vụ nhắm đào tạo và học hỏi dành cho người lớn.

Khi học hỏi các đề tài đức tin, đặc biệt là đề tài Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, chúng ta đừng để thần học làm lu mờ tình cảm và lòng sùng kính chúng ta dành cho Đức Maria. Trong đoạn giáo lý Công Giáo nói trên, chúng ta đã biết được chân lýđối với một số người như thế cũng đủ rồi. Chúa Giêsu là Con của Mẹ Maria, nên chúng ta yêu mến Chúa Giêsu, chúng ta yêu mến Mẹ Maria. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa. Như vậy không còn gì hơn để hiểu nữa.

Khi mùa Giáng sinh vui tươi sắp kết thúc, chúng ta hãy đem niềm vui này, niềm vui của Chúa Hài Đồng và Mẹ Ngài vào trong  Năm Mới của chúng ta.

 

“. . . Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen. ”

 

Nguồn: Homiletic & Pastoral Review (hprweb.com)

Chuyển ngữ: JB Đào Ngọc Điệp


Suy Niệm Lời Chúa Năm B