CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

Hoa trái của Mầu nhiệm Phục Sinh là sống yêu thương

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Cv 9:26-31;  1 Ga 3:18-24;  Ga 15:1-8)

        Trong bảy tuần lễ mừng Mầu nhiệm Phục Sinh, chúng ta đã dành bốn tuần lễ để suy niệm về ý nghĩa của Mầu nhiệm qua sứ mệnh và danh hiệu đặc biệt của Chúa Ki-tô Phục Sinh.  Hôm nay Phụng vụ Lời Chúa bắt đầu khai triển lối sống của Ki-tô hữu làm sao cho phù ợp với đời sống mới do sự Phục Sinh của Chúa đem lại.  Một đặc nét quan trọng nhất của đời sống mới ấy chính là sống yêu thương.  Bài đọc 1 thuật lại việc ông Ba-na-ba đã cố gắng giúp đỡ ông Sao-lô (sau này đổi tên là Phao-lô) không những được đón nhận vào Giáo Hội mà còn trở thành vị Tông đồ dân ngoại rường cột của công cuộc truyền giáo.  Chính tình yêu là động lực thúc đẩy ông Ba-na-ba thực hiện công việc khó khăn này.  Tiếp theo là thánh Gio-an, vị tông đồ tình yêu, không mệt mỏi lập đi lập lại điều răn Thiên Chúa đã ban truyền:  chúng ta phải tin Chúa Ki-tô mà sống yêu thương nhau (bài đọc 2).  Vậy điều răn yêu thương của Chúa là gì?  Trong bài Tin Mừng, Chúa Giê-su nhấn mạnh đến tính hữu hiệu của tình yêu, tức là tình yêu đích thực phải là tình yêu sinh hoa kết trái.

        1.  Câu chuyện ông Ba-na-ba và ông Sao-lô về yêu thương kẻ thù.  Sách Công vụ Tồng đồ, tức lịch sử Giáo Hội sơ khai, đã thuật lại câu chuyện ông Ba-na-ba giúp cho Giáo Hội và đặc biệt cho Tông đồ đoàn có được một cộng sự viên đắc lực là ông Sao-lô.  Nghe tới Sao-lô, mọi người trong Giáo Hội Chúa Ki-tô đều e dè vì thành tích bách hại Ki-tô hữu ông đã đạt những năm trước đây.  Mặc dù ông đã được Chúa Phục Sinh kêu gọi làm tông đồ của Người đang khi ông trên đường đi Đa-mát để lùng bắt Ki-tô hữu tại đây, rồi những năm sau đó ông đã rao giảng Tin Mừng, nhưng người ta khó mà quên đi quá khứ của ông.  Ngay đến các tông đồ cũng không muốn để ông cộng tác với các ngài.  Vì thế ông tránh xa Giê-ru-sa-lem và một mình hoạt động tại Tác-xô.  Ông Sao-lô là một tiềm năng vĩ đại nhưng chưa được khám phá cho đến khi ông Ba-na-ba đi Tác-xô tìm kiếm ông và cố gắng dẫn ông lên Giê-ru-sa-lem gặp các tông đồ.  Trong nỗ lực này của ông Ba-na-ba, chúng ta mới thấy rõ là chỉ có tình yêu đích thực mới thắng được mọi trở ngại để đưa người ta đến với nhau.  Dù sao thì ông Sao-lô vẫn bị coi là kẻ thù cố cựu của Giáo Hội.  Việc ông một mình rao giảng Tin Mừng đã chứng minh điều đó.  Ai cũng muốn xa lánh ông, trừ một người là ông Ba-na-ba.  Sở dĩ ông Ba-na-ba đến với Sao-lô, trước hết là vì ông yêu mến Chúa Giê-su.  Mà Chúa Giê-su đã chọn và kêu gọi Sao-lô, nên hơn ai hết, ông Ba-na-ba cảm nhận được ý nghĩa hành động của Chúa và hết lòng cộng tác với Chúa để giúp Sao-lô thể hiện được những gì Chúa muốn Sao-lô làm.  Ông đã noi gương Chúa, không coi Sao-lô như kẻ thù.  Nếu Chúa đã biến đổi Sao-lô từ kẻ thù của Người trở thành dụng cụ của Người, thì Ba-na-ba cũng không thể coi Sao-lô là kẻ thù truyền kiếp được.  Cho nên thực sự Ba-na-ba đã cộng tác với Chúa vào tiến trình biến đổi Sao-lô mà Chúa đã khởi đầu trên đường Sao-lô đi Đa-mát.  Ba-na-ba không coi Sao-lô là kẻ thù và ông sẽ tiếp tục giúp những người khác thay đổi cái nhìn của họ về Sao-lô với ánh mắt thiện cảm và coi Sao-lô là anh em trong Đức Ki-tô.  Đây quả là công việc khó khăn, đòi hỏi thời gian.  Trước hết Sao-lô “cùng với các tông đồ đi lại hoạt động tại Giê-ru-sa-lem”.  Tuy nhiên Sao-lô là mẫu người nhiệt thành, nên trong những cuộc tranh luận với nhóm người Do-thái theo văn hóa Hy-lạp, ông bị họ đe dọa tính mạng, nên anh em tông đồ buộc phải tiễn ông trở về Tác-xô.  Thế mới biết tiến trình giúp một người đã là kẻ thù trở thành bạn quả thực là khó khăn và chỉ có thể thành công khi người ta có tình yêu đích thực.  Chắc chắn, Chúa Phục Sinh đã khởi đầu tốt đẹp, rồi ông Ba-na-ba đã lấy tinh thần yêu thương của Chúa Phục Sinh để tiếp tục cộng tác vào việc đào tạo một vị tông đồ truyền giáo là Sao-lô, tức Phao-lô, cho cánh đồng truyền giáo dân ngoại khi ông cùng với Phao-lô thực hiện chuyến hành trình truyền giáo thứ nhất.  Có lẽ thấy việc Ba-na-ba giúp đỡ Phao-lô đã hoàn tất, Chúa tách rời hai người, mỗi người một ngả, để công việc truyền bá đức tin được mở rộng hơn nữa.  Lối sống yêu thương của Mầu nhiệm Phục Sinh đã hướng dẫn ông Ba-na-ba kiên trì giúp đỡ Sao-lô và lối sống ấy cũng đã đem lại hoa trái rất cao quý là Phao-lô, vị tông đồ dân ngoại.

        2.  “Đây là điều răn của Người:  chúng ta phải tin vào danh Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người, và phải yêu thương nhau”.  Thật lý thú khi nghe thánh Gio-an nêu lên điều răn của Thiên Chúa gồm hai điều:  tin vào danh Chúa Giê-su và phải yêu thương nhau!  Vậy có liên quan gì giữa hai điều trên không?  Để trả lời, có lẽ chúng ta trở lại từ đầu bài đọc, khi thánh Gio-an dạy chúng ta “đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật”.  Thú thực là chúng ta dễ mắc vào lối yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi lắm.  “I love you” nhiều khi trở thành câu nói như máy và không còn ý nghĩa nữa.  Chúng ta được nhắc nhở hãy “yêu thương cách chân thật”.  Để hiểu lối yêu thương chân thật, chúng ta “phải tin vào danh Đức Giê-su Ki-tô”, hoặc nói khác đi, chúng ta phải học lối yêu thương chân thật của Đức Giê-su Ki-tô.  Người yêu thương chúng ta không phải bằng đầu môi chót lưỡi, nhưng bằng cách thí mạng sống mình trên thập giá vì chúng ta.  Khi còn thi hành sứ mệnh rao giảng Tin Mừng, Người đã yêu thương bằng cách đi khắp nơi để nói về tình yêu Thiên Chúa, để biểu lộ tình yêu ấy qua việc chữa lành, an ủi, chạnh lòng thương, dưỡng nuôi dân chúng đang đói khát, cho kẻ chết sống lại… Thánh Gio-an coi việc tin vào gương mẫu yêu thương chân thật của Chúa Giê-su như một điều răn Thiên Chúa truyền cho chúng ta, để chúng ta cứ theo gương mẫu ấy mà yêu thương anh em, thì đó mới thực sự là yêu thương chân thật.  Vậy yêu thương người khác như Đức Ki-tô Phục Sinh yêu thương chúng ta mới là yêu thương chân thật.

        3.  Tình yêu chân thật phải là tình yêu hữu hiệu.  Chúa Giê-su là gương mẫu yêu thương chân thật như thánh Gio-an diễn tả.  Nhưng Chúa Giê-su cũng dùng một hình ảnh quen thuộc là cây nho để nói về chính mình là tình yêu chân thật.  Cây nho sinh hoa trái, giống như tình yêu chân thật đem lại những hiệu quả phong phú.  Tuy nhiên Chúa Giê-su không chỉ dùng hình ảnh cây nho để nói về bản thân Người, mà Người còn nói đến chúng ta nữa.  Người gọi chúng ta là cành nho.  Nói thế, Người muốn nhấn mạnh đến sự liên kết giữa cây nho và những cành nho.  Tuy Chúa là cây nho, nhưng Người lại trao cho chúng ta là cành nho nhiệm vụ sinh nhiều hoa trái!  Quả thực là một vinh dự cho chúng ta đấy.  Vậy làm sao chúng ta có thể sinh hoa trái đây?  Cũng đơn giản thôi.  Chúa trả lời:  “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”.  “Ở lại” hoặc kết hiệp với Chúa là điều kiện cần và đủ để tình yêu chúng ta sinh hoa trái.  Ông Ba-na-ba đã kết hiệp với Chúa Giê-su để giúp ông bạn Sao-lô, người được Chúa Phục Sinh kêu gọi, trở thành vị tông đồ đem lại cho Giáo Hội không biết bao nhiêu linh hồn.  Chúa Giê-su còn lập lại một lần nữa điều kiện “ở lại trong Thầy” và Người hứa:  “Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý”.  Chắc chắn ông Ba-na-ba đã ở lại trong Chúa Giê-su, cầu xin Chúa cho ông Sao-lô và lời cầu xin của ông đã được Chúa nhậm lời!  Ông thật lòng yêu Chúa, ông thật lòng yêu Giáo Hội của Chúa, ông cũng thật lòng yêu thương ông Sao-lô, cho nên tình yêu của ông là tình yêu sinh nhiều hoa trái vậy.

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Ki-tô Phục Sinh như sự chiến thắng của Tình Yêu Ba Ngôi Thiên Chúa.  Quả thực, Chúa Cha đã yêu thương thế gian đến nỗi trao nộp Con Một Người để chứng tỏ sự chân thật của Tình Yêu.  Chúa Giê-su yêu mến Chúa Cha bằng tình yêu chân thật khi Người biểu lộ sự chân thật ấy bằng cách vui lòng chịu chết trên thập giá theo kế hoạch của Chúa Cha.  Chúa Thánh Thần là chính Tình Yêu hoạt động và liên kết giữa Chúa Cha và Chúa Con để làm chứng cho sự chân thật.  Tình yêu chân thật của Thiên Chúa đã hoàn thành kế hoạch cứu độ của Người.  Tuy nhiên Thiên Chúa lại muốn mỗi người chúng ta hãy đóng góp vào kế hoạch yêu thương nhiệm mầu ấy bằng cách sinh hoa kết trái do lối sống yêu thương chân thật của chúng ta.  Như Chúa Giê-su đã khẳng định:  “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”, chúng ta hãy “có” Chúa bằng cách “ở lại” trong Người, vì Người là nhựa sống tình yêu từ cây nho lưu chuyển đến các cành nho là chúng ta.  Nhờ sự kết hiệp mật thiết với Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ sinh nhiều hoa trái và làm cho Chúa Cha được tôn vinh vậy.

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B