CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN

Chúa Giê-su gánh lấy tội lỗi chúng ta

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Lv 13:1-2, 44-46;  1 Cr 10:31 – 11:1;  Mc 1:40-45)

        Sứ mệnh của Chúa Giê-su là chiến thắng tội lỗi và sự chết, hậu quả tội lỗi, để đem lại sự sống đời đời cho con người.  Lắng nghe bài Tin Mừng hôm nay và đọc lại chương 1 của Tin Mừng Mác-cô, chúng ta tin rằng thánh sử muốn cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về hoạt động của Chúa Giê-su:  rao giảng Tin Mừng và chữa lành.  Rao giảng kêu gọi người ta sám hối để thay đổi não trạng mà đón nhận Tin Mừng cứu độ.  Chữa lành người đau yếu bệnh tật tức là hủy diệt hậu quả tội lỗi;  cho kẻ chết sống lại nghĩa là đánh bại thần chết.  Lời Chúa hôm nay trình bày một khía cạnh của sứ mệnh Chúa Giê-su, đó là để chiến thắng tội lỗi, Người phải gánh lấy tội lỗi chúng ta.  Bệnh phong hủi làm cho con người ra khốn khổ là hình ảnh nói lên tội lỗi và hậu quả của nó (bài đọc 1).  Chúa Giê-su chữa lành người phong hủi để anh ta được sạch và trở về với cộng đồng, trong khi chính Chúa lại bị đẩy ra ngoài cộng đồng, là hình ảnh cho thấy Người đã tự nguyện gánh lấy tội lỗi chúng ta (bài Tin Mừng).  Sau cùng, lời kêu gọi của thánh Phao-lô:  “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki-tô” (bài đọc 2) chính là bài học sống Lời Chúa:  hãy cộng tác với Chúa Giê-su trong việc đánh bại tội lỗi.

        1.  Bệnh phong hủi là hình ảnh nói lên tội lỗi cùng hậu quả của tội lỗi.  Từ xưa, dân Do thái vẫn quan niệm bệnh tật liên hệ mật thiết với tội lỗi.  Đặc biệt là bệnh phong hủi, một hình ảnh sống động diễn tả hậu quả do tội lỗi đem lại không những cho cá nhân kẻ phạm tội mà còn cho cộng đồng nữa.  Đối với người mắc bệnh phong hủi, nó làm cho da thịt họ “phát ra nhọt, lác hoặc đốm” và cuối cùng khiến cho người ấy “trở thành ô uế”.  Giống như bệnh phong hủi tác hại thể xác thế nào, thì tội lỗi cũng biến đổi tâm hồn người ta như vậy.  Một thân thể bị hành hạ phá hoại do các thứ nhọt, lác và đốm chắc chắn sẽ trở thành “ô uế”.  Vậy nhọt, lác và đốm tượng trưng cho những gì?  Nhọt làm cho thể xác phải đau đớn, lác khiến ta phải ngứa ngáy khó chịu và đốm làm mất đi vẻ đẹp bề ngoài.  Nghĩ tới những tai hại này, chúng ta có thể mỗi người hiểu một cách về những hành vi làm cho tâm hồn chúng ta phải đau đớn, khó chịu và mất đi sự trong sạch.  Mà căn nguyên chính gây nên những hậu quả tai hại ấy là bệnh phong hủi thiêng liêng, tức là tội lỗi.  Một khi tâm hồn ta bị tội lỗi làm cho ô uế thì các hành vi của ta cũng trở thành những hành vi ô uế gây hại cho cộng đồng.  Mang một tâm hồn ô uế là chúng ta đã tự động tách rời khỏi cộng đồng rồi, chứ không cần cộng đồng phải loại bỏ chúng ta. 

        Vậy cộng đồng sẽ đối xử thế nào với người phong hủi khi họ có thể di hại cho cộng đồng?  Trước hết cộng đồng muốn mọi người nhận diện dễ dàng ai là người mắc bệnh phong hủi.  Dĩ nhiên người bệnh phong hủi phải mang những dấu hiệu bề ngoài để người khác dễ nhận ra.  Đây là một số dấu hiệu:  người phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu.  Để người khác trông thấy vẫn chưa đủ, mà người mắc bệnh còn phải lên tiếng cho người ta nghe thấy nữa.  Khi trông thấy người khác đến gần, kẻ đó phải kêu to lên:  “Ô uế!  Ô uế!”  Cách xã hội đối xử như thế với người phong cùi chắc chắn làm cho họ hoàn toàn mất đi phẩm giá của mình.  Đã bị loại trừ khỏi đời sống cộng đồng, bây giờ họ còn công khai bị coi là đồ dơ bẩn nữa.  Phải chăng đó là thân phận của kẻ tội lỗi?  Tuy không dễ dàng bị người khác nhận ra mình là kẻ tội lỗi, nhưng chính kẻ tội lỗi tự lương tâm sẽ nhận ra thực trạng đáng buồn này của họ nếu họ còn chút lương tâm và thành thực.  Như vậy, chúng ta có thể nói rằng trước mặt Chúa, toàn thể nhân loại chúng ta là một nhân loại mắc bệnh phong hủi và cần bàn tay lương y toàn năng của Thiên Chúa chữa lành.

        2.  Thiên Chúa sai Con Một xuống thế gian để gánh lấy tội lỗi nhân loại.  Thiên Chúa dựng nên nhân loại, những mong họ giữ được mối tương quan phụ tử với Người, nhưng tiếc thay nguyên tổ A-đam và E-và lại nghe theo cám dỗ của ma quỷ nên để cho tội lỗi thống trị và gieo họa cho họ.  Cái họa lớn nhất đó là sự chết.  Trong kế hoạch chuộc tội và cứu độ loài người, Thiên Chúa đã “tương kế tựu kế” sai Con Một xuống thế làm người, một người trọn vẹn vâng phục đến nỗi chấp nhận chết trên thập giá để “xóa tội trần gian”.  Đúng vậy, Chúa Giê-su đã gánh lấy tội lỗi loài người.  Câu chuyện Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một cách Chúa Giê-su gánh tội trần gian như thế nào.  Trên đường Chúa rao giảng Tin Mừng, một người mắc bệnh phong hủi đến gặp Chúa Giê-su để xin Người chữa lành.  Chạnh lòng thương, Chúa bất chấp luật cấm, vẫn “giơ tay đụng vào anh” để cho anh lành bệnh.  Nhưng Chúa lại nghiêm túc dặn dò anh đừng nói với ai về việc Chúa chữa lành cho anh.  Có lẽ để Chúa có thể dễ dàng tiếp xúc với dân chúng, vì nếu anh ta nói cho dân chúng biết là Chúa đụng vào anh để chữa lành anh thì chính Chúa đã trở thành “ô uế” theo luật định.  Cho nên Người sẽ bị dân chúng lánh xa.  Đang tiếc anh ta đã không vâng lời Chúa Giê-su và đi kể cho mọi người biết Chúa đã đụng vào anh để chữa lành anh.  Đúng như vậy, anh đã làm cho Chúa Giê-su thành ra kẻ ô uế nên Người “không thể công khai vào thành nào được nữa”.  Thay vì thế, Người “phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành”!  Đến lúc này thì rõ ràng Chúa Giê-su đã hoán đổi vị trí cho người phong hủi được Người chữa lành rồi.  Người đã gánh lấy “tội lỗi” của anh và ở lại nơi hoang vắng để cho anh được trở lại với cộng đồng của những người lành sạch. 

        Câu chuyện chữa lành này đã nói lên Chúa Giê-su là “Đấng chữa lành bị thương” (Wounded Healer).  Ngôn sứ I-sai-a đã nhìn thấy trước điều này qua bài ca Người Tôi Trung:  Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề” (Is 53:4;  hoặc đọc tất cả chương 53).  Câu chuyện Chúa chữa lành người phong hủi còn cho thấy sứ mệnh của Chúa Giê-su là phục hồi những gì ma quỷ và tội lỗi đã gây hại cho loài người.  Tội lỗi đã làm cho chúng ta ra ô uế và phải chết thế nào, thì Chúa Giê-su, Chiên Thiên Chúa và Đấng xóa bỏ tội lỗi trần gian, sẽ làm cho chúng ta được thanh sạch và ban cho ta sự sống đời đời như vậy.

Sống sứ điệp Lời Chúa

        3.  Chúng ta đã hiểu được những hậu quả tai hại của tội lỗi như thế nào, đồng thời cũng nhận ra được tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa đã chữa lành và cứu độ chúng ta nhờ Con Một Người là Chúa Giê-su Ki-tô.  Chúng ta chiêm ngưỡng tình yêu và lòng quảng đại Thiên Chúa tỏ ra cho chúng ta qua câu chuyện Chúa Giê-su chữa lành người phong cùi.  Thánh Phao-lô đã học bài học tình yêu và quảng đại của Thiên Chúa nơi Chúa Giê-su mà ngài hằng rao giảng.  Thanh tông đồ dân ngoại đã bắt chước Chúa Giê-su nên sẵn sàng hy sinh cả đời để rao giảng Đấng chữa lành bị thương cho anh chị em tin vào Người.  Hôm nay thánh Phao-lô cũng mời gọi chúng ta hãy “bắt chước” ngài như chính ngài đã “bắt chước” Chúa Ki-tô.  Như vậy, sứ mệnh chữa lành nhân loại khỏi bệnh phong hủi, hay nói khác đi, sứ mệnh diệt trừ ảnh hưởng của ma quỷ và tội lỗi, là sứ mệnh của Chúa Giê-su được tiếp nối do các tông đồ và hỗ trợ do tất cả chúng ta nữa.  Cùng với Chúa Giê-su, chúng ta cố gắng đóng góp mọi khả năng để chiến thắng tội lỗi, như chính Chúa Giê-su đã chiến thắng tội lỗi và thần chết bằng sự Phục sinh của Người.

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi

       


Suy Niệm Lời Chúa Năm B