Thế giới hôm nay đang rất cần tình liên đới

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XVII – B

(Ga 6, 1 – 15)

Sứ điệp lời Chúa

Thời Êlia, đứng trước đám đông dân chúng đói khát, Êlisê người của Thiên Chúa nói : "Xin dọn cho dân chúng ăn" (2V 4, 42). Đầy tớ của người trả lời : "Tôi dọn bấy nhiêu cho một trăm người ăn sao ?" (2V 4, 43). Đến thời Chúa Giêsu, các môn đệ Chúa khi được yêu cầu lo cho đám dân chúng ăn, họ thưa :  "Bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người".

Thời nào cũng có những người sống an phận thủ thường, thoái thác trách nhiệm, tránh khó đến mình, sống ích kỷ nhất là thiếu tình liên đới. Nhìn cảnh dân chúng đói, Êlisê ra lệnh : "Cứ dọn cho dân chúng ăn " (2V 4, 44). Còn Chúa Giêsu thấy đám đông đói trước mặt mình liền bảo các môn đệ mình : "Cứ bảo người ta ngồi xuống" (Ga 6, 10). Khi đã ổn định chỗ người, cả dân thời Êlisê và dân chúng thời Chúa Giêsu  "ăn mà vẫn còn dư" (2V 4, 44; Ga 6, 12).

Thế giới hôm nay giầu nhưng lại rất nghèo

Sống trong một thế giới khoa học phát triển tột bậc, con người đã đạt được những bước tiến vĩ đại với những công trình vượt quá sức tưởng tượng như thám hiểm sao Hỏa, tiếp cận sao Diêm Vương, rất tự hào dư dật của cải và lương thực. Reuters dẫn số liệu từ báo cáo của Oxfam ngày 20 tháng 01 năm 2020 cho hay, 2.153 người giàu nhất thế giới nắm giữ tài sản nhiều hơn so với tổng tài sản của 4,6 tỷ người nghèo toàn cầu cộng lại. Chưa bao giờ con người có nhiều của cải như thế và cũng chưa bao giờ có nhiều người nghèo đói như hiện nay. Tại sao có sự chênh lệch giầu nghèo trên thế giới như thế?

Trước tác động của dịch Covid-19, khoảng cách giàu - nghèo tại nhiều nơi trên thế giới ngày càng nới rộng, với sự bất bình đẳng về thu nhập, giáo dục, y tế... Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, đại dịch để lại hậu quả cho thế hệ sau nếu các biện pháp không được đưa ra kịp thời nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nước giàu và nước nghèo. Đúng là một thế giới giầu vật chất nhưng lại rất nghèo tình yêu và chia sẻ.

Đối diện với nhu cầu của biết bao người nghèo đói, bệnh tật, thiếu thốn những cái tối thiểu cần thiết để mà sống chung quanh ta và rộng lớn hơn là trên thế giới, chúng ta có thể nói: không thể nào đương đầu với những tình trạng như vậy, và thế là sự co cụm, thiếu tình liên đới, nhất là tuyệt vọng bắt đầu xâm chiếm tâm hồn chúng ta. Nhiều người cho rằng thế giới này quá chật hẹp không đủ chỗ hay lương thực trên thế giới không đủ nuôi mọi người nên giảm dân số. Họ viện cớ, đại dịch ập đến bất ngờ, không kịp xây bệnh viện, thiếu thuốc men, y tế dự phòng, lương thực thực phẩm, họ chọn người để chữa. Nhưng thực tế, nhiều khách sạn cao tầng mọc lên, các nước chế tạo được vaccine chưa chịu chia sẻ công nghệ sản xuất cho các nước, thậm chí vaccine để quá hạn, thực phẩm rau củ quả bỏ đi, bán không ai mua… thiếu tình liên đới.

Hôm nay Chúa dạy ta mỗi người hãy chia sẻ những gì mình có thì thế giới sẽ dư thừa lương thực. Khi trái tim mở ra thế giới sẽ có đủ chỗ cho mọi người. Hãy nhìn những người chung quanh bằng cái nhìn của tình liên đới, đừng dửng dưng, vô cảm. Hãy nhìn anh em nghèo khổ, đói khát, bệnh tật, bơ vơ, hãy an ủi họ, đừng có thờ ơ. Triệu chứng của sự thờ ơ xuất hiện, gặp người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn mà không thấy xót xa, thương cảm, không muốn ra tay giúp đỡ dù có điều kiện; đứng trước sự bất công, xấu xa, gian dối mà không thấy phẫn nộ, nhức nhối; thấy những điều tốt đẹp, cao thượng mà không ngưỡng mộ, cảm phục. Dù là thờ ơ, dửng dưng, hay mặc kệ, bất cần đều là vô cảm (x. Sứ Điệp Mùa Chay 2015). Chúa muốn loại bỏ sự vô trách nhiệm, phủi tay đối với đồng loại.

Sống tình liên đới trong cơn đại dịch

Sống tình liên đới và thực hành đức ái với tha nhân, tôn trọng và bảo vệ sự sống của mình cũng như của người khác lúc này cần thiết hơn bao giờ hết. Sống trong đại dịch, sự chết, sợ hãi, lắng lo bủa vây khắp nơi. Giữa biên giới tử biệt sinh ly, cần biết bao một bàn tay, một ánh mắt sẻ chia; một lời kinh, một lời giã từ đầm đìa trong nước mắt. Chúng ta được mời gọi sống có trách nhiệm và liên đới hơn với mọi người. Giữ vệ sinh cho mình và cho người khác, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2 mét khi tiếp xúc với người khác, rửa tay nhiều lần. Nhưng rửa tay là để diệt khuẩn chứ không phải rửa tay để thoái thác trách nhiệm chung như Philatô đã làm, hay kỳ thị các bệnh nhân Covid 19 cũng như thân nhân của họ.

Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Chúa (x. St 1,26). Chúa là Thiên Chúa tình thương (x. 1Ga 4,8), nên con người tự bản chất là tình thương. Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết: "Con người không thể sống mà không có tình yêu. Con người sẽ là kẻ không thể hiểu được đối với chính bản thân mình, cuộc sống con người mất nghĩa nếu không nhận lấy mạc khải về tình yêu, nếu không gặp tình yêu, nếu không kinh nghiệm tình yêu và không nhận lấy kinh nghiệm đó làm của mình và dự phần vào đó cách mãnh liệt" (Thông điệp Đấng Cứu Chuộc số 10). Không có tình thương, thế giới không còn là thế giới của con người nữa.

Ý thức về điều này, chúng ta hãy phấn đấu để trở nên những tông đồ, những sứ giả cổ vũ và kiến tạo nền văn minh liên đới và tình thương. Hãy thương yêu và tương trợ lẫn nhau, vì tình thương là căn tính, là bản chất của con người. Hãy loại bỏ sự đố kỵ, hận thù, chia rẽ và những nguyên nhân làm hại đến tình thương như : bất công, kỳ thị, độc đoán, tham quyền, ích kỷ, kiêu căng, giả dối và các tội ác. Hãy sống đúng với sự thật về căn tính của mình theo hình ảnh của Thiên Chúa là sự thật và tình thương. Hãy đặt vào tay Chúa những gì mình có. Thiên Chúa đủ khả năng để nhân lên từ những cải bé nhỏ của chúng ta.

Lạy Mẹ của lòng nhân ái, xin trợ giúp chúng con làm việc này. Amen

 

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B