CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN

Chính Tôi Là Bánh Trường Sinh

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Xh 16:2-4, 12-15;  Ep 4:17, 20-24;  Ga 6:24-35)

        Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đưa ra hai câu hỏi quan trọng.  Câu hỏi thứ nhất của dân Ít-ra-en trong sa mạc:  “Man-hu?” nghĩa là “Cái gì đây?”  Và câu hỏi thứ hai của dân chúng hỏi Chúa Giê-su:  “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”  Hai câu hỏi xem ra chẳng liên hệ gì với nhau cả, nhưng thực ra cả hai đều liên hệ đến nguồn gốc là từ trời mà xuống.  Man-na là lương thực Thiên Chúa ban xuống từ trời để nuôi dân Ít-ra-en trong sa mạc.  Còn Chúa Giê-su, bánh trường sinh, cũng được Chúa Cha từ trời sai xuống trần gian để đem sự sống đời đời cho nhân loại.  Man-na, thứ lương thực tạm thời, là hình bóng báo trước về bánh ban sự sống muôn đời là Chúa Giê-su.  Bài đọc 1 trích sách Xuất Hành thuật lại biến cố Thiên Chúa cho Man-na từ trời rơi xuống làm lương thực nuôi sống dân Chúa trong những ngày lưu lạc trong sa mạc.  Họ không biết Man-na là gì, nên ông Mô-sê trả lời rất giản dị:  “Đó là bánh Đức Chúa ban cho anh em làm của ăn”.  Để trả lời cho câu hỏi thứ hai của dân chúng đến với mình, Chúa Giê-su cũng nói thẳng:  “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến”.  Vậy Man-na Thiên Chúa ban cho dân Ít-ra-en liên hệ thế nào với việc “tin vào Đấng Người đã sai đến”?  Chúa Giê-su sẽ giải thích cho chúng ta trong bài Tin Mừng.

 

        1.  “Man-hu?” nghĩa là “Cái gì đây?”  Đó là bánh Đức Chúa ban cho anh em làm của ăn!” Đọc bài trích sách Xuất Hành kể lại việc Chúa cho Man-na từ trời rơi xuống để làm của ăn nuôi dân Ít-ra-en trong sa mạc, chúng ta cảm thấy dường như dân Chúa thật là vô tình và không nhận biết tình yêu thương của Thiên Chúa, Đấng chăm sóc họ suốt những năm tháng trên đường về Đất Hứa.  Trước những lời kêu ca than trách của dân Ít-ra-en, cho rằng Thiên Chúa và ông Mô-sê đã “đem con bỏ chợ”, để cho họ sắp phải chết đói trong sa mạc, Thiên Chúa vẫn không nổi giận, trái lại Người còn ban cho họ hơn cả những nhu cầu họ muốn.  “Vào buổi chiều, các ngươi sẽ được ăn thịt, và ban sáng, các ngươi sẽ được ăn bánh thỏa thuê”.  Vậy mà khi thấy man-na rơi xuống, họ chỉ biết hỏi nhau:  “Man-hu?”, nghĩa là “Cái gì đây?”, chứ không nhận ra rằng đó là thứ bánh Thiên Chúa ban cho họ.  Man-na từ trời rơi xuống quả thực là một dấu lạ.  Nhưng dân Ít-ra-en không nhận ra điều dấu lạ ấy muốn nói lên.  Thiên Chúa ban cho họ lương thực bởi trời là để họ nhận ra tình yêu Người dành cho họ.  Nhưng họ lại coi đó là do ông Mô-sê cho họ.  Chính ông Mô-sê đã phải nhắc nhở họ rằng đấy là của ăn từ trời chính Thiên Chúa ban xuống cho họ.  Thái độ vô tình và vô ơn của họ vẫn tiếp tục kéo dài từ thế hệ này qua thế hệ khác, đến nỗi ngay vào thời Chúa Giê-su mà những người Do-thái vẫn cho rằng Man-na là do ông Mô-sê ban cho dân Ít-ra-en, chứ không phải Thiên Chúa từ trời ban xuống cho tổ tiên họ.  Một lát nữa, trong bài Tin Mừng, chúng ta sẽ được nghe Chúa Giê-su giải thích kỹ càng hơn về xuất xứ của Man-na, và lý thú hơn, Chúa Giê-su còn cho ta thấy Man-na chỉ là hình bóng ám chỉ về chính Người, bánh trường sinh do Thiên Chúa Cha ban cho nhân loại.

 

        2.  “Chính tôi là bánh trường sinh.  Ai đến với tôi, không hề phải đói;  ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ”.  Sau phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều, Chúa Giê-su đã cùng các môn đệ rời đám dân chúng để nghỉ ngơi và nhất là để tránh họ vì họ muốn tôn Người lên làm vua.  Dân chúng không thấy Chúa nữa nên họ đi tìm Người ở Ca-phác-na-um phía bên kia bờ hồ.  Nhân dịp này Chúa tỏ ra cho họ một chân lý chưa bao giờ họ nghe nói đến:  Chúa Giê-su là bánh trường sinh.  Vậy thánh sử Gio-an sẽ dẫn chúng ta vào câu chuyện như thế nào?  Chính Chúa Giê-su đã mở đầu câu chuyện khi Người nói thẳng ra ý định của dân chúng đi tìm Người:  “Các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”.  Dĩ nhiên Chúa không lên án họ là những người đi kiếm ăn, nhưng Người mở đầu như thế để chuyển vấn đề từ bánh là “lương thực mau hư nát” sang vấn đề “lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh”.  Bánh thường ngày duy trì cho sự sống thể xác, vậy bánh nào mới là bánh trường sinh và ai có thể cho người ta thứ bánh ấy?  Và đây là câu trả lời rõ ràng của Chúa Giê-su:  Lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”.  Lời khẳng định này của Chúa Giê-su là sứ điệp chính yếu của Lời Chúa hôm nay.  Có lẽ chúng ta phải đọc đi đọc lại những lời này nhiều lần để từng chữ từng câu thấm vào tâm trí và giúp ta xác tín chân lý về Chúa Giê-su:  “Chính tôi là bánh trường sinh”.  Tất cả những thứ lương thực chúng ta dùng đi dùng lại để giúp duy trì sự sống đều là lương thực thường tồn, hoặc nói một cách giản dị như chúng ta đọc trong kinh Lạy Cha, là “lương thực hằng ngày”.  Bánh là lương thực thường tồn để duy trì sự sống thể xác tạm thời của chúng ta.  Vậy còn lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh (tức là sự sống đời đời) là thứ lương thực nào?  Ai có thể cho chúng ta thứ lương thực ấy?  Thưa đó là thứ lương thực chỉ có Chúa Giê-su (Con Người) mới có thể ban cho chúng ta mà thôi.            Chúa Giê-su tự nhận chỉ có Người mới có thể ban thứ lương thực đem lại sự sống đời đời, chứ không ai khác có thể làm được chuyện đội đá vá trời này.  Để chứng minh Người độc quyền ban bánh trường sinh, Chúa Giê-su giải thích lý do:  Bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”. Muốn cho dễ hiểu lời giải thích này, chúng ta lấy một thí dụ.  Bất cứ hàng hóa gì cũng cần ghi rõ xuất xứ, thí dụ Made in USA, sản phẩm của LV (Louis Vuitton Paris), của Chanel… Cũng thế, khi Chúa Giê-su giải thích “Bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”, thì Người muốn nói về xuất xứ của bánh trường sinh mà Người ban cho chúng ta.  Nói khác đi, Chúa Giê-su muốn nói rằng Con Người là “hàng thật”, là bánh hằng sống được Chúa Cha đóng dấu xác nhận là “Made in Heaven” và sai đến thế gian để đem lại phúc trường sinh cho nhân loại!  Có lẽ dân chúng đã hiểu được phần nào là Chúa Giê-su muốn nói đến việc Chúa Cha sai Con Người đến thế gian, nhưng họ vẫn chưa hiểu Chúa Cha làm việc ấy với mục đích gì.  Do đó, họ đã hỏi Chúa Giê-su:  “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”  Đây là câu hỏi Chúa Giê-su đang chờ đợi để tỏ ra cho họ biết kế hoạch cứu độ của Chúa Cha.  Người nói:  “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là TIN VÀO ĐẤNG NGƯỜI ĐÃ SAI ĐẾN”.  Tới đây thì họ đã hiểu rõ Chúa Giê-su muốn nói rằng “Đấng Người (Thiên Chúa) đã sai đến” là chính Chúa Giê-su đang hiện diện giữa họ và ngày hôm qua đã làm dấu lạ bánh và cá hóa nhiều đề nuôi sống họ.  Vậy mà họ còn dám mở miệng xin Người làm một “dấu lạ” để họ tin vào Người!  Phép lạ hôm qua chẳng phải là một dấu lạ vĩ đại sao?  Nếu dấu lạ Man-na và chim cút Thiên Chúa làm cho tổ tiên họ ngày xưa đã đủ để chứng minh Thiên Chúa là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, thì phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều (cùng với biết bao nhiêu phép lạ khác nhiều không kể xiết) đã quá đủ để chứng minh Chúa Giê-su là Đấng Thiên Chúa Cha đã sai đến!  Nói tóm lại, chỉ là đám dân chúng này quá ngoan cố, không muốn nhìn nhận con người và sứ mệnh đích thực của Chúa Giê-su mà thôi!  Nhưng dù họ chấp nhận hay từ chối Người thì Người vẫn tỏ ra cho hết về căn tính của Người.  Họ khoe khoang là tổ tiên họ được Thiên Chúa cho ăn bánh bởi trời.  Họ mập mờ trích dẫn “lời chép” nào đó để đánh lận con đen, cho rằng ông Mô-sê đã cho tổ tiên họ Man-na là bánh bởi trời.  Chúa Giê-su lập tức sửa sai họ khi khẳng định rằng chính “Cha tôi” chứ không phải Mô-sê, cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đem lại sự sống cho thế gian.  Chúa Giê-su đã gợi lên cơn đói bánh của họ, để họ phải cầu xin Người:  “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi đươc ăn mãi thứ bánh ấy”.  Ở đây chúng ta nhớ lại chuyện người phụ nữ Sa-ma-ri đã xin Chúa Giê-su cho bà nước hằng sống:  Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước” (Ga 4:15).  Đã tới lúc Chúa Giê-su tuyên bố với dân chúng một điều vô cùng quan trọng:  “CHÍNH TÔI LÀ BÁNH TRƯỜNG SINH.  Ai đến với tôi, không hề phải đói;  ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ”.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        3.  “Anh em phải mặc lấy con người mới”.  Tại sao chúng ta mượn lời khuyên này của thánh Phao-lô nói với tín hữu Ê-phê-xô để làm bài học sống sứ điệp Lời Chúa?  Chúng ta dễ dàng bị ảnh hưởng do những gì mình ăn.  Điều đó dễ hiểu thôi.  Ăn mặn, ăn dầu mỡ nhiều thì thế nào cũng “hai cao”:  cao máu và cao mỡ.  Thánh Phao-lô dạy chúng ta phải “mặc lấy con người mới”.  Vậy làm sao để có con người mới đây?  Trước hết mình phải cởi bỏ đi con người cũ tội lỗi, để mặc lấy con người mới thánh thiện Chúa Ki-tô đã đem lại cho chúng ta.  Chúng ta làm cho con người mới được phát triển bằng cách ăn bánh trường sinh là Chúa Giê-su để trở nên giống Chúa Giê-su.  “Ăn” ở đây nghĩa là gì?  Thánh Phao-lô trả lời:  Đó là “học biết về Đức Giê-su” bằng cách “được nghe nói về Đức Giê-su và được dạy dỗ theo tinh thần của Người”.  Vậy chúng ta nghe nói về Chúa khi đọc và suy niệm Lời Chúa.  Chúng ta được dạy dỗ theo tinh thần của Chúa, để cố gằng sống theo lối sống của Người.  Tóm lại, chúng ta phải trở nên giống Chúa Giê-su mỗi ngày một hơn, hoặc nói theo kiểu thánh Phao-lô, là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô vậy.

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B