Chúa Nhật XIX Mùa Thường Niên – Ngày 8 tháng 8 năm 2021

 

Lm.  John P. Cush, STD

 

Các bài đọc: 1V 19: 4–8 • Tv 34: 2–3, 4–5, 6–7, 8–9 • Ep 4: 30—5:2 • Ga 6: 41–51 

bible.usccb.org/bible/readings/080821.cfm

 

Trong Sách Các Vua I, chúng ta đọc về Ngôn sứ Ê-li-a. Vậy Ê-li-a là ai? Ê-li-a là một con người đầy bí ẩn. Ông được biết đến với tên gọi người Tít-be”, về gốc gác ông là một người di dân sống như một cư dân ở nước ngoài. Tên của ông chỉ đơn giản nghĩa là “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của tôi.” Và con người bí ẩn này đang chạy trốn.

 

Tại sao vị ngôn sứ của Chúa lại phải chạy trốn? Đúng vậy, bởi ông vừa phản đối ông vua thứ bảy của nước Is-ra-en là A-kháp, con vua Om-ri. Vào thời điểm A-kháp trị vì, Is-ra-en bị chia cắt thành hai vương quốc, Giu-đa ở phía Nam và Is-ra-en ở phía Bắc. Vua A-kháp đã kết hôn với bà I-de-ven, con gái của vua Ty-rô, và bắt đầu bỏ thờ phượng Đấng là Thiên Chúa đích thật của dân Is-ra-en mà quay sang thờ ngẫu thần Ba-an. Ngôn sứ Ê-li-a đã cảnh cáo nhà vua rằng quốc gia sẽ bị hạn hán vì ông thờ ngẫu thần.

 

Tại núi Các-men, 450 ngôn sứ của thần Ba-an và 400 ngôn sứ của thần A-sê-ra, một nữ thần của A-ca-đi-a, đối đầu với Ê-li-a, và nhờ quyền năng Thiên Chúa, ông đã hoàn toàn làm cho họ phải nhục nhã, đã giết sạch các tư tế, rồi sau đó ra lệnh cho mưa từ trời xuống, nên hạn hán mới chấm dứt.

 

Hoàng hậu I-de-ven ra lệnh giết Ê-li-a, nên ông đã bỏ trốn đến vùng đất Bơ-e-sê-va ở Giu-đa. Vị ngôn sứ đã kiệt sức nản lòng, đi lang thang trong sa mạc cho tới khi đến dưới một cây kim tước nhỏ. Thất vọng dưới bóng cây không đủ che nắng, Ê-li-a ngủ thiếp đi dưới cây kim tướcông mong được chết đi.

 

Chính trong lúc cùng cực, một thời điểm mọi sự dường như bất ổn, một thời điểm dường như mất tất cả và tuyệt vọng, thì Thiên Chúa gửi thiên thần của Người đến với Ê-li-a, mang theo một bình nước và một ít lương thực cho cuộc hành trình của ông. Được mạnh sức nhờ của ăn từ thiên thần, Ngôn sứ có thể lên đường đến núi Khô-rép, ngọn núi Môi-sen đã nhận được Mười Điều Răn.

 

Không phải ngẫu nhiên mà Giáo hội lại đặt bài đọc này song song với chương sáu Phúc âm Gio-an, diễn từ về Bánh sự sống. Bí tích Thánh Thể, bánh thật từ Trời xuống  được ban cho chúng ta khi chúng ta cần được nuôi dưỡng mạnh sức để tiếp tục cuộc hành trình đời Kitô hữu này. Khi ăn Mình và uống Máu thánh Chúa được ban cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể là chúng ta “nếm thử và nhìn xem Thiên Chúa thiện hảo dường bao” như thánh vịnh Đáp ca cho thấy.

 

Trong một bài viết  năm 2008, nói về Bí tích Thánh Thể, Đức Giám mục Robert Barron viết:

 

Vào mùa xuân năm 2007, tôi được vinh dự là giáo sư nội trú tại trường Đại Học Bắc Mỹ ở Rome. Trong thời gian đó, tôi có cơ hội được trao Mình Thánh vào ba dịp trong thánh Lễ ở Quảng trường Thánh Phêrô. Đứng ở một bên rào ngăn, tôi quan sát thấy rất nhiều người tiến tới để rước lễ. Theo phong cách điển hình của người Ý, mọi thứ trở nên vô trật tự và trước sự chen lấn của đám đông, các tín hữu buộc phải đưa tay về phía tôi. Tôi thấy đủ loại bàn tay - già lẫn trẻ, bẩn lẫn sạch, nhăn nheo lẫn mịn màng - đang vươn tới Bánh Sự Sống. Khi tôi di chuyển dọc theo rào ngăn, một số người gọi tôi: "Cha, thưa Cha, xin cha làm ơn”. Trong đời linh mục của tôi, mặc dù đã cho hàng ngàn người rước lễ, nhưng tôi chưa bao giờ ý thức mình mang lương thực cho những người đang khao khát. Các tín hữu ở Quảng trường Thánh Phêrô đã thể hiện một chân lý sâu xa trong truyền thống Công giáo của chúng ta, mặc dù luôn thường xuyên khẳng định: Bí tích Thánh Thể không phải là một thứ xa xỉ, nhưng là một điều cần thiết, vì nếu không có Bí tích Thánh Thể, thì chúng ta sẽ chết đói theo nghĩa thiêng liêng. (9)

 

Chúng ta mệt mỏi, chúng ta kiệt sức, chúng ta tàn tạ, chúng ta cuống cuồng đi tìm cây kim tước trong cuộc đời, tìm nơi trú ẩn tức thời để tránh cái nóng như thiêu như đốt của cuộc sống thường ngày; nhưng thực ra, tất cả những gì chúng ta phải làm là hãy dang rộng cánh tay để được Chúa nuôi dưỡng bằng Bánh Hằng Sống, là chính Người. Trong những lúc cùng cực của cuộc đời, hãy nhớ đến Ngôn sứ Ê-li-a và để cho mình được ăn một thứ lương thực còn cao cả hơn cả lương thực do thiên thần đem lại, đó là Bánh thật các Thiên thần, là chính Chúa Kitô.

 

Nguồn: The Homiletic & Pastoral Review – (hprweb.com)

Chuyển ngữ: JB. Đào Ngọc Điệp

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B