CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN

Trung thành theo Chúa Giê-su

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Gs 24:1=2a, 15-17, 18b;  Ep 5:21-32;  Ga 6:54a, 60-69)

        Tuần trước, vì lễ trọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời vào ngày Chúa Nhật nên chúng ta không thể tiếp tục bài giảng của Chúa Giê-su về Bí Tích Thánh Thể.  Bài giảng này đã gây nên cuộc tranh luận dữ dội giữa người Do-thái.  Người ta cho những điều Chúa Giê-su nói là khó nghe.  Rất nhiều người bỏ đi, ngay đến các tông đồ cũng bị lung lạc tinh thần.  Cuối cùng Chúa Giê-su đòi hỏi các ông phải công khai nói lên lập trường:  “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”  May thay, các ông vẫn còn trung thành và ông Phê-rô thay mặt anh em phát biểu lòng trung thành ấy.  Ông thưa:  “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?  Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”.  Trung thành theo Chúa cũng là chủ đề Phụng vụ Lời Chúa hôm nay.  Hỗ trợ cho đề tài trung thành theo Chúa, bài đọc 1 trích sách Giô-suê đã kể lại việc ông Giô-suê đòi dân Ít-ra-en phải lựa chọn một trong hai điều:  phụng thờ một mình Thiên Chúa hay phụng thờ các thần ngoại.  Dân đồng thanh đáp lại:  “Chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi”.  Riêng thánh Phao-lô, khi muốn diễn tả lòng trung thành của Giáo Hội với Chúa Ki-tô, đã dùng hình ảnh người vợ tùng phục chồng để mô tả việc Giáo Hội tùng phục Chúa Ki-tô.  Chúng ta thường dễ hiểu lầm lối diễn giải của thánh Phao-lô nên có thể lên án ngài thiên vị hoặc bênh vực tư tưởng chồng chúa vợ tôi.  Nhưng thánh Phao-lô không như thế đâu!

 

        1.  Ít-ra-en chọn Đức Chúa, thề sẽ trung thành và phụng thờ Người.  Sau khi vượt qua sông Gio-đan vào Đất Hứa và phân chia đất đai cho mỗi chi tộc, ông Giô-suê tập họp dân Ít-ra-en tại Si-khem.  Trước hết, ông nhắc lại cho họ biết lịch sử dân tộc, từ tổ phụ Áp-ra-ham, người đã bỏ lại quê cha đất tổ để đi theo tiếng Thiên Chúa gọi, trải qua các đời con cháu cho đến những ngày sống tại Ai-cập, làm nô lệ cho người Ai-cập, rồi được Thiên Chúa can thiệp đem họ ra khỏi đất Ai-cập và sau cùng đã tiến vào Đất Hứa.  Ông không quên nhấn mạnh đến sự can thiệp trực tiếp của Thiên Chúa trong mọi biến cố của dân tộc.  Ông hiểu rõ lòng dạ dân chúng.  Họ rất dễ dàng bị ảnh hưởng và lôi cuốn do các tôn giáo của những dân tộc tổ tiên họ đã bỏ đi hoặc của những dân tộc họ đã tiếp xúc suốt bốn mươi năm trên đường về Đất Hứa.  Do đó, giờ đây ông muốn họ dứt khoát và công khai biểu lộ lòng trung thành với Thiên Chúa.  Riêng ông, ông mạnh dạn và dõng dạc tuyên bố trước toàn dân rằng:  “Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa”.

        Thấy tấm gương trung thành với Thiên Chúa của ông Giô-suê và gia đình ông, dân Ít-ra-en đã đồng lòng nói lên lòng tin của họ vào Thiên Chúa, tuyên xưng uy quyền của Người vì Người đã đưa họ ra khỏi Ai-cập và đồng hành với họ trên đường về Đất Hứa.  Cuối cùng họ lập lời thề:  “Chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi”.

        Kết thúc Đại hội Si-khem, sách Giô-suê kể rằng:  Trong ngày ấy, ông Giô-suê thay mặt dân kết giao ước, ông đưa ra quy luật và điều luật ở Si-khem.  Ông Giô-suê viết những lời đó trong Sách Luật của Thiên Chúa. Ông lấy một tảng đá lớn và dựng ở đó, dưới cây sồi trong nơi thánh của Đức Chúa.  Ông Giô-suê nói với toàn dân: "Đây, tảng đá này sẽ làm chứng về những điều chúng ta đã cam đoan, vì nó đã nghe mọi lời Đức Chúa phán với chúng ta. Nó sẽ làm chứng về những điều anh em đã cam đoan, kẻo anh em chối bỏ Thiên Chúa của anh em."  Ông Giô-suê giải tán dân chúng, ai nấy trở về phần đất họ đã nhận làm gia nghiệp” (Gs 24:25-28).

        Lời thề của dân Ít-ra-en trong Giao ước Si-khem là hình ảnh báo trước những lời ông Phê-rô và các bạn tông đồ thề sẽ không bỏ Chúa Giê-su khi Người hỏi họ có muốn bỏ người mà đi hay không.

 

        2.  “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?  Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”.  So với lời thề của dân Ít-ra-en tại Đại hội Si-khem, chúng ta thấy câu trả lời của ông Phê-rô thay mặt anh em mang một sắc thái khác biệt.  Lời thề tại Si-khem chỉ nhấn mạnh đến việc phụng thờ Thiên Chúa vì “Người là Thiên Chúa của chúng tôi”.  Còn lời tuyên xưng lòng trung thành của Phê-rô và các bạn thì mang ý nghĩa phong phú hơn nhiều.  Trong khi dân Ít-ra-en chỉ khẳng định họ “không hề có ý lìa bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần khác” thôi, thì câu hỏi của Phê-rô lại thật súc tích và đầy ắp tình thầy trò: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?”  Chúng ta như đọc được trên gương mặt của ông và các bạn cùng một lúc những biểu lộ khác nhau.  Nào là lo sợ nếu bỏ Thầy mà đi.  Nào là biết đến với ai.  Trong một bài thánh ca, chúng ta hát rằng “Bỏ Ngài con đi với ai?”, thiết nghĩ viết như thế chưa nói lên được ý nghĩa đầy đủ, vì ông Phê-rô than rằng “bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?”  “Đến với ai” khác với “đi với ai” hoặc “biết theo ai”.  Đến với ai diễn tả tầm quan trọng tuyệt đối của người ấy.  Người ấy là mục đích, là điểm tới của hành trình đức tin.   Cũng như dân Ít-ra-en hứa phụng thờ Thiên Chúa vì Người là Thiên Chúa của họ, thì các tông đồ đến với Chúa Giê-su vì chỉ có Người mới có những lời đem lại sự sống đời đời.  Cái hay trong câu hỏi của Phê-rô là cùng lúc nó vừa nói lên tính yếu đuối và phụ thuộc của các tông đồ, vừa nói lên chỗ đứng không ai có thể thay thế của Chúa Giê-su.  Tại sao Chúa Giê-su quan trọng như vậy đối với họ?  Vì chỉ “Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”.  Như thế, Chúa Giê-su không những quan trọng đối với hiện tại của các tông đồ, mà còn quan trọng đối với cả tương lại của họ nữa.  Tóm lại, có Chúa Giê-su là có tất cả;  không có Chúa Giê-su là mất tất cả!

        Trở lại với câu chuyện xảy ra tại hội đường Ca-phác-na-um khi Chúa Giê-su tuyên bố:  “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời”, chúng ta nhận thấy phản ứng lập tức của những người nghe Chúa nói.  Ngay đến các môn đệ Chúa cũng phê bình:  “Lời này chướng tai quá!  Ai mà nghe nổi?”  Mặc dù lời Chúa Giê-su nói thì chướng tai và không chấp nhận được, nhưng Người quả quyết những lời ấy lại là thần khí và là sự sống.  Do đó, để chấp nhận lời “chướng tai” ấy, người ta cần phải có đức tin.  Mà đức tin là hành động của trái tim chứ không phải của đầu óc.  Đức tin chính là sự khác biệt giữa những người bỏ Chúa mà đi và những người tiếp tục đến với Chúa, tức là sự khác biệt giữa những môn đệ rút lui không đi theo Chúa nữa và những người chọn ở lại với Chúa, tức Nhóm Mười Hai tông đồ.  Chẳng vậy mà chúng ta được nghe ông Phê-rô giải thích thêm:  “Phần chúng con, chúng con đã TIN và NHẬN BIẾT rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.

 

        3.  “Như Giáo Hội tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phục tùng chồng trong mọi sự như vậy”.  Có lẽ vừa nghe những lời này, chúng ta sẽ nghĩ ngay thánh Phao-lô không công bằng!  Tại sao chỉ có người vợ phải tùng phục chồng?  Nhưng xin đừng vội lên án thánh Phao-lô, mà phải đọc kỹ đoạn thư từ đầu tới cuối, nhất là các câu 21 và câu 32.  Ngay câu đầu (c. 21), thánh tông đồ đã muốn chúng ta hiểu rõ điều ngài muốn nói đến ở đây, không phải vấn đề vợ tùng phục chồng, nhưng là vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, tất cả chúng ta, chồng cũng như vợ, hãy tùng phục lẫn nhau!  Lý do vợ chồng tùng phục lẫn nhau là vì họ phải kính sợ Đức Ki-tô, nói khác đi, là vì họ phải theo gương Đức Ki-tô.  Đức Ki-tô “tùng phục” Giáo Hội thế nào, thì người chồng cũng phải đối xử với vợ như vậy.  Đổi lại, Giáo Hội “tùng phục” Đức Ki-tô thế nào, thì người vợ cũng phải đối xử với chồng như vậy.  Cả hai bên đều có trách nhiệm tùng phục trong yêu thương.  Mà nếu là tình yêu đích thực thì không còn là chuyện “tùng phục” nữa.  Chúa Ki-tô “tùng phục” Giáo Hội bằng cách “thánh hóa và thanh tẩy Giáo Hội” để Giáo Hội trở nên xinh đẹp lộng lẫy, thánh thiện và tinh tuyền.  Thánh Phao-lô gọi việc Chúa Ki-tô chăm sóc Giáo Hội là “mầu nhiệm cao cả”.  Nếu ngay đến Chúa Ki-tô, Chàng Rể của Giáo Hội, đã “tùng phục” Hiền Thê của Người là Giáo Hội như thế, thì đổi lại, Giáo Hội có tùng phục Chúa Ki-tô và tuyệt đối trung thành với Chúa Ki-tô cũng là điều hợp lý thôi!  Đây chính là điểm giáo lý thánh Phao-lô muốn dẫn chúng ta đến, chứ không phải ngài có ý bàn về việc vợ phải phục tùng chồng hoặc ngài chủ trương thuyết chồng chúa vợ tôi.

        Chúng ta là Ki-tô hữu, con cái được sinh ra trong tình yêu của Chúa Giê-su và Giáo Hội.  Nhưng chúng ta chỉ là Ki-tô hữu đích thực nếu chúng ta trung thành theo Chúa Giê-su.  Cùng Giáo Hội, chúng ta “đến với” Chúa Giê-su là Chàng Rể của Giáo Hội, vì chỉ có Chàng Rể ấy “mới có những lời đem lại sự sống đời đời”.  Trong Giáo Hội, chúng ta sẽ được gắn bó với Chúa Giê-su để được Người “nuôi nấng và chăm sóc” nhờ Bí Tích Mình Máu Thánh Người.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Hiểu được ý nghĩa của việc trung thành theo Chúa Ki-tô qua những tư tưởng của các bài đọc hôm nay, chúng ta hãy nghe lại lời kêu gọi của chính Chúa tại Ca-phác-na-um:  “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời” để hiểu Chúa muốn nói điều gì với chúng ta.  Người muốn chúng ta gắn bó với Người, tựa như ăn thịt và uống máu Người để được trở nên giống với Người.  Đó là cách để chúng ta nên thánh thiện, nghĩa là nên giống Chúa Ki-tô.  Mà muốn trở nên giống Chúa Ki-tô, chúng ta hãy ước ao và quyết tâm theo Người, như lời thánh Phê-rô đã phát biểu:  “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?  Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”.  Lạy Chúa, xin tiếp tục kéo con “đến với” Chúa và thêm đức tin cho con, để con nhận biết Chúa là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”.

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B