CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN

Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô nào?

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 50:5-9a;  Gc 2:14-18;  Mc 8:27-35)

        Chúng ta đã trải qua hai phần ba mùa Thường niên của Năm Phụng vụ.  Trong thời gian này, Giáo Hội trình bày con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Các môn đệ Chúa là những người tuy đã đồng hành với Chúa gần ba năm trời, nhưng họ vẫn chưa hiểu rõ sứ mệnh của Chúa là gì.  Thời gian hoàn tất sứ mệnh của Người chẳng còn bao lâu nữa.  Do đó đã đến lúc Chúa phải thẳng thắn cho họ biết sứ mệnh của Người thực sự là gì, mặc dù điều này có thể khiến cho một số người sẽ bỏ cuộc, không còn theo làm môn đệ Người nữa.  Vậy Chúa Giê-su đã làm thế nào để cho họ biết chân tính Mê-si-a của Người?  Ngay sau khi ông Phê-rô và các bạn tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Người báo trước cho họ biết về cuộc Thương khó Người sắp phải chịu tại Giê-ru-sa-lem.  Đây là lần tiên báo thứ nhất và còn hai lần khác nữa Người cũng đã nói với họ về những đau khổ và cái chết Người sắp phải chịu.  Chúa tiên báo cuộc Thương khó chính là cho họ biết sứ mệnh của Đấng Mê-si-a, tức Con Người, là gì.  Trước đây ngôn sứ I-sai-a không chỉ nói về sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Chúa Giê-su, nhưng ngài còn nói đến cuộc Thương khó của Chúa qua những bài ca về Người Tôi Trung chịu đau khổ mà Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trích dẫn (bài đọc 1).  Bài Tin Mừng thuật lại các điều Chúa tiên báo về cuộc Thương khó và cái chết của Người, khiến cho ông Phê-rô đã can gián Người hãy bỏ cuộc.  Đức tin của các môn đệ lung lay sau khi Chúa tiên báo.  Tình trạng ấy cũng là điểm chung của tất cả chúng ta.  Vì thế, thánh Gia-cô-bê tông đồ đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của đức tin sống động nhờ biểu lộ qua việc làm (bài đọc 2).  Đó cũng là lý tưởng sống của mọi người Ki-tô hữu. 

 

        1.  Ngôn sứ I-sai-a tiên báo về cuộc Thương khó Đức Ki-tô sẽ phải chịu.  Đã có lần Phụng vụ Lời Chúa cho chúng ta nghe câu chuyện Chúa Giê-su trở về Na-da-rét và Người đọc Sách Thánh trong hội đường.  Chúa mở ra đoạn sách I-sai-a nói về sứ mệnh rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật…, rồi Người bảo:  “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4:21).  Đúng vậy, khi thi hành sứ vụ, Chúa Giê-su đã thực hiện mọi điều ngôn sứ I-sai-a loan báo:  rao giảng, làm phép lạ, chữa lành bệnh tật, trừ quỷ…  Hôm nay, một lần nữa vị ngôn sứ cũng tiên báo về sứ mệnh của Chúa Giê-su, nhưng là những điều các môn đệ Chúa không muốn nghe hoặc không muốn hiểu.  Tại sao vậy?  Vì lời tiên báo của I-sai-a nói về Người Tôi Trung chịu đau khổ của Thiên Chúa.  Người Tôi Trung này chính là Đức Giê-su Ki-tô.  Dù vậy, I-sai-a không có ý nhấn mạnh đến đau khổ của Người Tôi Trung ấy cho bằng muốn đề cao lòng trung thành của Người Tôi Trung đối với Thiên Chúa.  Một vài hình ảnh diễn tả những đau khổ của Người Tôi Trung chúng ta gặp thấy trong bài đọc 1 hôm nay:  thí dụ ngài “đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu, bị mắng nhiếc phỉ nhổ”.  Càng chịu đau khổ, Người Tôi Trung lại càng tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng phù trợ ngài.  Lòng tin vào Thiên Chúa đã giúp ngài có những hành vi phi thường, như “không hổ thẹn, trơ mặt ra như đá”.  Hơn thế nữa, Người Tôi Trung còn dám thách thức kẻ thù:  “Ai tranh tụng với tôi?  Cùng nhau ta hầu tòa!  Ai muốn kiện cáo tôi?  Cứ thử đến đây coi!”  Quả thực hình ảnh Người Tôi Trung đáng ngưỡng mộ và ca tụng.  Nhưng hình ảnh ấy còn sáng ngời hơn gấp bội khi chúng ta chiêm ngưỡng hình ảnh Chúa Giê-su Ki-tô trong cuộc Thương khó và cái chết được Người báo trước cho các môn đệ trên đường Thầy trò cùng tiến về Giê-ru-sa-lem.

 

        2.  “Con Người phải chịu đau khổ nhiều…, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”.  Như chúng ta đã biết, chủ đề quan trọng của tất cả Tin Mừng Mác-cô là nói về chân tính của Chúa Giê-su:  Người là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa.  Từ nhiều tháng qua, mặc dù các tông đồ theo Chúa đi rao giảng, nhưng đây là lần đầu tiên họ khám phá ra Thầy mình là ai.  “Thầy là Đấng Ki-tô”.  Từ “Ki-tô” là từ Hy-lạp được dịch ra từ tiếng Híp-ri là Mê-si-a.  Cả hai từ này đều có nghĩa là “Đấng được tuyển chọn” hoặc “Đấng được thánh hóa”.  Người Do-thái  hiểu từ Mê-si-a là Vị Cứu Tinh mà họ chờ đợi từ lâu.  Còn các tông đồ cũng hiểu như vậy, nhưng họ cần được Chúa giải thích thêm cho rõ ràng, vì thế Chúa cho họ biết:  Con Người phải chịu đau khổ nhiều.  Không những Chúa Giê-su cho họ biết, mà Người còn “nói rõ, không úp mở” và nói chi tiết về những đau khổ ấy nữa.  Người dạy:  “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”.  Lời tiên báo rõ ràng ấy khác nào tiếng sét đánh ngang tai ông Phê-rô và các tông đồ khác.  Bao lâu nay họ vẫn ôm giấc mộng lớn khi “bỏ mọi sự mà theo Thầy”.  Giờ đây khi Chúa loan báo cái chết của Người đã đến gần thì mọi hy vọng của họ đặt nơi Người đều tan thành mây khói thôi!  Quá nóng lòng nên ông Phê-rô phản ứng mạnh.  Ông kéo Chúa Giê-su ra chỗ khác và bắt đầu can gián Người đừng chấp nhận số phận nghiệt ngã ấy.  Ông tin là Thầy có đủ quyền năng để hóa giải tất cả những khó khăn đó.  Mặc dù Chúa có nói đến sự kiện “sau ba ngày sẽ sống lại”, nhưng hy vọng này vượt quá khả năng chấp nhận của ông.  Ông nhìn cuộc Thương khó và cái chết của Chúa theo quan điểm người đời:  chết là hết!  Làm sao Thầy có thể sống lại được sau khi đã bị người ta giết!  Ông Phê-rô đứng trước mặt Chúa.  Sau lưng Chúa là các tông đồ khác.  Quả thực vị trí của Phê-rô lúc này chẳng khác gì cản đường Chúa lên Giê-ru-sa-lem.  Trước khi nặng lời quở trách Phê-rô, Chúa “quay lại, nhìn các môn đệ”.  Chúa làm như thế nghĩa là gì nếu không phải là Người muốn bảo Phê-rô:  “Anh không biết rằng làm môn đệ là phải đi theo sau Thầy, chứ không đi trước Thầy, thậm chí còn cản đường Thầy nữa”?  Rồi Chúa gọi Phê-rô là Xa-tan.  Gọi như thế, Chúa không có ý rủa xả Phê-rô đâu.  Người chỉ muốn đánh một roi thật đau cho Phê-rô nhớ đời mà thôi.  Người bảo ông hãy lui lại đằng sau Người mà theo Người giống như các môn đệ khác.  Bài học thấm thía Người muốn dạy Phê-rô (dĩ nhiên tất cả chúng ta nữa), đó là:  “Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.  Chúa Giê-su chỉ muốn Phê-rô, các môn đệ khác và cả chúng ta hãy giữ đúng vị trí của mình là học trò hoặc môn đệ.  Chúng ta được Chúa gọi để “theo” Người, chứ không phải để bắt Người phải theo chúng ta!  Chúng ta được Chúa dạy dỗ để suy nghĩ theo lối suy nghĩ của Chúa, chứ không phải bắt Người phải suy nghĩ theo chúng ta!

        Do đó, “theo Chúa” chính là bài học kết luận của sự kiện Tin Mừng hôm nay.  Thước ngọc khuôn vàng của việc làm môn đệ sẽ không bao giờ thay đổi, như Chúa Giê-su đã khẳng định:  Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.  Từ bỏ chính mình nghĩa là từ bỏ hẳn lối sống theo thế gian trong hành động, lời nói và việc làm của chúng ta.  Từ bỏ như thế chắc chắn không dễ dàng đâu và thực sự việc từ bỏ này đã trở thành “thập giá” chúng ta phải “vác” hằng ngày rồi.  Hơn thế nữa, từ bỏ như vậy còn có nghĩa là “liều mất mạng sống vì Thầy và vì Tin Mừng”!

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

 

        3.  “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết”.  Bài đọc trích ngôn sứ I-sai-a và bài Tin Mừng đã cho chúng ta thấy rõ ràng “Đấng Ki-tô” hay “Con Người” phải hoàn tất sứ mệnh như thế nào.  Chúa Giê-su đã kết thúc sứ mệnh ấy khi Người chịu chết trên thập giá và sống lại để chuộc tội chúng ta, cho chúng ta được hòa giải và làm con cái Thiên Chúa.  Theo kế hoạch cứu độ của Chúa Cha, Người đòi hỏi chúng ta phải “tin vào Con Người”.  Đó cũng là tất cả nội dung đức tin của chúng ta.  Thánh Gia-cô-bê là vị tông đồ luôn nhấn mạnh đến đức tin vào Chúa Ki-tô.  Điều thực tiễn nhất ngài dạy chúng ta về đức tin ấy gặp thấy trong bài đọc 2 hôm nay và cũng là bài học sống sứ điệp Lời Chúa của chúng ta.  Ngài cho thấy đức tin không chỉ là những xác tín trừu tượng, công việc của trí não, nhưng đức tin phải là những điều được thể hiện bằng hành động.  Thánh Gia-cô-bê lý luận hết sức giản dị nhưng vô cùng sắc bén, để nói lên thế nào là đức tin sống động.  Trước hết ngài đặt ra một định đề:  Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết”.  Sau khi ngài đưa ra hai mẫu người:  một người có đức tin và một người có hành động.  Vậy trong hai người này, ai là người biểu lộ được đức tin?  Thánh Gia-cô-bê trả lời bằng một thách thức:  “Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin”.  Quả là một cách giải thích tuyệt vời về đức tin.  Chúng ta hy vọng mình sẽ thuộc về mẫu người thứ hai, tức là chúng ta sẽ hành động để cho những người chung quanh chúng ta thấy thế nào là tin.  Đó cũng là lối sống đích thực của Ki-tô hữu chúng ta vậy!  Mong thay!

 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B