CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN

Môn đệ Chúa không nên có óc bè phái

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Ds 11:25-29;  Gc 5:1-6;  Mc 9:38-43, 45, 47-48)

        Hành trình của Chúa Giê-su từ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem để chịu cuộc Thương khó không chỉ quan trọng đối với Người, mà còn quan trọng đối với việc đào tạo môn đệ nữa.  Như chúng ta đã thấy, mỗi lần Chúa tiên báo cuộc Thương khó và cái chết của Người thì Người lại rút ra một bài học để dạy các tông đồ.  Lần tiên báo thứ hai, ngoài bài học về việc các ông tranh giành địa vị và muốn làm người đứng đầu, Chúa Giê-su lại thêm một bài học khác nữa khi ông Gio-an ngăn cản một người ngoài nhóm lấy danh Chúa mà trừ quỷ.  Đầu óc phe nhóm phát sinh từ lòng ghen tị và là mối nguy lớn cho đời sống cộng đoàn.  Do đó Chúa Giê-su đã mạnh mẽ lên án tinh thần bè phái này khi Người đưa ra khuôn vàng thước ngọc sau đây:  “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. 

 

        1.  Câu chuyện phe phái thời ông Mô-sê đem dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập.  Thực ra tinh thần phe nhóm đã từng hiện diện trong bất cứ cộng đồng nào. Thời ông Mô-sê đưa dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập, đầu óc phe nhóm đã thấy ngay nơi ông Giô-suê, người theo hầu ông Mô-sê từ hồi còn nhỏ.  Trên những chặng đường trong sa mạc, dân Ít-ra-en thường kêu ca trách móc Thiên Chúa và tôi tớ Người là ông Mô-sê.  Mỗi lần như vậy, Thiên Chúa trừng phạt họ và ông Mô-sê phải đứng ra can thiệp, cầu xin Chúa tha thứ cho họ.  Ông đóng vai trung gian giữa Thiên Chúa và dân Ít-ra-en.  Ông được đầy tràn Thần Khí của Thiên Chúa.  Để nói lại với dân chúng những điều Thiên Chúa truyền, ông Mô-sê tập trung các kỳ mục lại để nghe ông nói.  Nghe xong, họ đi nói lại cho dân chúng.  Có một lần Thiên Chúa lấy một phần Thần Khí đậu trên ông Mô-sê mà đặt trên bảy mươi kỳ mục, để họ làm những người phát ngôn.  Đang khi ấy, hai người trong số các kỳ mục vắng mặt, nhưng hai người này vẫn phát ngôn ở trong trại.  Người ta báo cáo việc này cho ông Mô-sê.  Ông Giô-suê là người phụ tá vì ông đã theo hầu ông Mô-sê từ hồi còn nhỏ.  Ông Giô-suê đến xin ông Mô-sê ngăn cản họ, nhưng ông Mô-sê chẳng những không khó chịu, mà còn trách Giô-suê:  “Anh ghen giùm tôi à?  Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!”  Quả thực ông Giô-suê đã “ghen” khi thấy En-đát và Mê-đát là hai kỳ mục vắng mặt đang phát ngôn trong trại.  Đối với ông, chỉ các kỳ mục được Thần Khí đậu xuống mới có “thẩm quyền” phát ngôn, còn hai người kia bị coi là “người ngoài”.  Cái nhìn của Giô-suê đã bị giới hạn do đầu óc phe phái.  Ông đã đặt lằn mức quyền năng của Thần Khí chỉ ở nơi 68 kỳ mục có mặt tại Lều Hội Ngộ, mà không biết rằng Thần Khí cũng xuống trên hai kỳ mục đang ở trong trại nữa!  Trái lại, ông Mô-sê có cái nhìn rộng rãi hơn.  Ông nhìn vào hoạt động của Thần Khí, chứ không quan tâm đến số người được Thần Khí đậu xuống.  Hơn thế nữa, ông còn mong Thần Khí Thiên Chúa đậu xuống trên mọi người con dân Ít-ra-en nữa, “để họ đều là ngôn sứ”, tức những người nói thay cho Thiên Chúa.  Giô-suê phân chia hai nhóm kỳ mục, nhóm thứ nhất gồm những người nhận được Thần Khí và nhóm thứ hai là những người không nhận được Thần Khí.  Còn đối với ông Mô-sê, ông không chấp nhận sự phân biệt ấy, mà chỉ chú ý đến hoạt động của Thần Khí.  Thần Khí đóng vai chính, còn các kỳ mục chỉ là phương tiện để Thần Khí sử dụng mà thôi.

 

        2.  “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”.  Nếu ông Mô-sê đã thẳng thắn sửa sai môn đệ của ông là Giô-suê về óc bè phái, thì cũng thế, Chúa Giê-su đã không ngại dạy bảo các tông đồ của Người phải tránh xa tinh thần phe nhóm.  Câu chuyện xảy ra khi ông Gio-an đến xin Chúa ngăn cản một người lấy danh Chúa mà trừ quỷ.  Có lẽ chúng ta tưởng tượng ra được thái độ vênh vang của các tông đồ khi họ theo Chúa đi khắp đó đây.  Họ hãnh diện vì Thầy mình là người danh tiếng, là vị thầy giảng dạy có sức thu hút dân chúng, là người làm phép lạ chữa lành, cho người chết sống lại và xua trừ ma quỷ.  Chúa còn chia sẻ cho họ quyền năng của Người, sai họ đi loan báo Tin Mừng và chữa lành bệnh tật nữa.  Sau những chuyến đi thực tập tông đồ kết quả, họ trở về “khoe thành tích” với Thầy!  Họ rất vui.  Nhưng hôm nay họ “thấy có Người lấy danh Thầy mà trừ quỷ”.  Thế là đầu óc phe phái nổi lên trong lòng họ.  Không được.  Chỉ có Thầy, và ngoài Thầy ra chỉ có chúng tôi mới có “quyền” trừ quỷ mà thôi!  Họ đến xin Chúa can thiệp, cấm tên kia không được trừ quỷ cho người ta.  Chính họ cũng đã cố gắng cấm tên ấy rồi, nhưng người này bất chấp và cứ “nhân danh Đức Giê-su” mà trừ quỷ.  Điều mỉa mai nhất, đó là ngay trước khi các tông đồ ngăn cản người ngoài nhóm trừ quỷ, thì chính các ông đã không trừ nổi tên quỷ nhập vào một đứa nhỏ mắc bệnh động kinh (Mác-cô 9:14-29).  Cha của đứa nhỏ đã phải đến xin Chúa đích thân trừ quỷ cho con ông.  So sánh các tông đồ với người ngoài nhóm đã trừ quỷ, có lẽ chúng ta thấy sự khác biệt chính là động lực “nhân danh Đức Giê-su”.  Người ngoài nhóm đã ý thức được “nhân danh Đức Giê-su” nghĩa là gì.  Ông ta đã xác tín rằng nếu lấy danh nghĩa Chúa Giê-su để làm việc gì thì nhất định sẽ thành công, thậm chí cả việc trừ quỷ.  Chính các tông đồ cũng công nhận rằng người này đã “lấy danh Thầy mà trừ quỷ”, trong khi đó các ông lại chẳng nhân danh Thầy mà trừ quỷ, nhưng nhân danh chính họ vì họ tưởng là mình “ngon lành” lắm rồi!  Các ông nghĩ hễ mình thuộc “nhóm” của Đức Giê-su là có thể làm được mọi sự như Thầy.  Đâu phải vậy.  “Thuộc về” nhóm Chúa Giê-su khác xa với “nhân danh” Chúa Giê-su.  Lần vừa rồi, khi các ông thất bại trong việc trừ quỷ cho đứa bé bị động kinh và hỏi Chúa lý do tại sao, Người trả lời:  Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (Mc 9:29).  Rõ ràng chưa?  Trừ được quỷ không phải nhờ mình thuộc về nhóm của Chúa Giê-su, nhưng còn phải nhờ cầu nguyện nữa!  Thầy phán rõ như thế rồi.  Vậy thì từ nay các ông đừng mang não trạng phe phái nữa, nhưng làm môn đệ Chúa là phải có trái tim lớn, chấp nhận cả những ai không thuộc phe mình, miễn là họ vẫn làm việc lành để giúp Tin Mừng được rao giảng và mở mang Nước Chúa.  Chúa Giê-su còn đưa ra một nhận xét vô cùng chí lý:  “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy”.  Như thế, Chúa đã dẫn các tông đồ đến với một nguyên lý xác đáng:  “Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”.

 

        3.  Những người không sống “nhân danh Chúa Giê-su”, mà sống “nhân danh tiền bạc và địa vị”.  Ở bài đọc 1 và bài Tin Mừng, chúng ta đã gặp những người sống theo tinh thần phe phái, nhưng trong bài đọc 2, thánh Gia-cô-bê lại cho chúng ta thấy một số người sống theo óc phe phái có tiền bạc danh vọng.  Thánh tông đồ đã không ngớt lời lên án những kẻ sống tinh thần phe phái này.  Ngài điểm mặt những kẻ này.  Họ là những kẻ giàu có, nhưng gian lận.  Họ “giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa” cho họ.  Họ “đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc,… đã kết án, đã giết hại người công chính”.

        Giô-suê đã được ông Mô-sê mở tầm mắt để nhận biết hoạt động của Thần Khí Thiên Chúa.  Các tông đồ của Chúa Giê-su được Người dạy bảo phải biết nhìn nhận việc lành phúc đức của một người mà xét đoán họ, chứ không theo cái nhãn hiệu là “tông đồ” thuộc nhóm Chúa Giê-su.  Chúng ta tin rằng ông Giô-suê đã và các tông đồ đã biết thay đổi não trạng phe phái, vì rõ ràng sau này họ là những người phục vụ đắc lực cho dân Chúa và Giáo Hội Đức Ki-tô.

        Còn với những người sống theo đầu óc tiền bạc và địa vị, thánh Gia-cô-bê cảnh báo họ về những “tai họa sắp đổ xuống trên đầu các người”!  Thiên Chúa là Đấng Phán xét chí công sẽ tính sổ với họ.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Tuần trước, chúng ta đã học sống tinh thần phục vụ, chứ không tranh giành địa vị.  Hôm nay chúng ta có bài học mới về việc tránh tinh thần phe phái.  Chúng ta đều biết những điều này sẽ gây tai họa lớn cho bất cứ cộng đồng nào, từ gia đình đến giáo xứ, giáo phận, Giáo Hội và xã hội.  Chắc chắn chúng ta đã thấy hoặc có những kinh nghiệm đau thương về tinh thần phe nhóm.  Mà phe nhóm thì thường căn cứ vào những “thứ quyền năng” mình có, như tài năng, tiền bạc, bằng cấp, địa vị xã hội… Nhưng là Ki-tô hữu, chúng ta đừng quên một thứ quyền năng mỗi người phải có, đó là quyền năng “nhân danh Chúa Giê-su”.  Quyền năng này là vô song, như chính Chúa Giê-su đã phán:  “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Gio-an 15:5).  Nhờ quyền năng này, chúng ta sẽ trừ được mọi tên quỷ đang hoạt động trong tâm hồn chúng ta!

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B