Chúa Nhật 27 MTN – Ngày 3 tháng 10 năm 2021

Lm. Stephen Rocker

 

Các bài đọc: St 2: 18–24 • Tv 128: 1–2, 3, 4–5, 6 • Dt 2: 9–11 • Mc 10: 2–16 hoặc10: 2–12 

bible.usccb.org/bible/readings/100321.cfm

 

Chúa Giêsu cấm việc ly dị. Ba sách Phúc âm và một trong các thư của Thánh Phao-lô đã đề cập đến việc này. Việc cấm đoán này thật khác thường, một phần vì Chúa Giêsu đã đi ngược lại l luật Mô-sê. Hơn nữa, rõ ràng trong Tân Ước và lịch sử Giáo hội, việc trung thành với lệnh truyền của Chúa Giêsu đã và đang là một cuộc phấn đấu đối với những người theo Chúa Ki-tô. Tuy nhiên, điều tôi muốn nói đến không phải là vấn đề ly dị. Việc thực hành ly dị hàm ý là đã có việc thực hành hôn nhân rồi, nhưng Giáo Hội và văn hóa lại không đồng ý với nhau về ý nghĩa của hôn nhân.

Trong phán quyết năm 2015, về vụ án Obergefell chống Hodges, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã thiết lập quyền “hôn nhân đồng phái” trong Hiến pháp. Pháp viện đã phán quyết rằng các cặp đồng giới được bảo vệ bình đẳng theo luật bảo vệ “những lựa chọn thân mật” và Pháp viện mô tả hôn nhân một “sự kết hợp thân mật” và là một phương tiện để nói lên “các quyền tự do khác, chẳng hạn như bày tỏ tình cảm, hành vi thân mật và tính cách linh thiêng . Cần lưu ý rằng Tối cao Pháp viện đã mô tả một cách lỏng lẻo về hôn nhân dựa trên những cảm nghĩ cá nhân, chứ không định nghĩa hôn nhân một cách khách quan.

Trong khi nền văn hóa đại chúng không trình bày rõ ràng về ý nghĩa hôn nhân, thì Chúa Giêsu đã lặp lại định nghĩa về hôn nhân lấy từ sách Sáng Thế. “Thiên Chúa đã làm nên con người có nam nữ. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình,cả hai sẽ thành một xương một thịt". Hôn nhân có ý nghĩa do sự kiện là một người đàn ông và một người đàn bà cùng nhau có khả năng đem lại sự sống mới. Hành vi độc đáo để hai người trở nên một cũng là hành vi mang khả năng sinh ra sự sống mới. Như thế Giáo hội dạy rằng tự bản chất tình yêu vợ chồng được xác định là để sinh sản và giáo dục con cái. Nói cách khác, trên nguyên tắc, sự kết hợp hôn nhân phải mở ra để đón nhận sự sống mới. Trong khi Giáo hội hiểu hôn nhân được đặt căn bản trên một sự kiện thiên nhiên, thì văn hóa hiện nay lại quan niệm hôn nhân hoàn toàn dựa trên cơ sở ước muốn và tán thành.

Trong Phúc âm theo Thánh Gio-an, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho những người theo Người rằng: “Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian.” (Ga. 17:14). Các trào lưu xã hội hiện nay đang đi ngược lại giáo huấn của Giáo hội về vấn đề này, nhưng chúng ta “không thuộc về thế gian”. Chúng ta khẳng định tình bạn và tình yêu dâng hiến có thể gặp thấy ở bất cứ nơi đâu, đồng thời Giáo Hội dạy rằng mối quan hệ tình dục luôn có ý nghĩa cao đẹp trong việc hình thành hôn nhân và đời sống gia đình.

Trong Phúc âm của Gio-an, Chúa Giêsu nói Người đã ban “lời” Người cho các môn đ, “lời” ở đây cũng có thể được hiểu là “lý trí”. Nhờ lý trí, chúng ta có thể nhận ra trật tự thiên nhiên do Thiên Chúa ban bố. Về mặt đạo đức tính dục, dường như thế gian đã đánh mất nhận thức của mình, nhưng chúng ta là những môn đệ Chúa Kitô phải dạy và sống chân lý, không những cho hạnh phúc chúng ta mà còn cho hạnh phúc của thế giới nữa.

 

Nguồn: The Homiletic & Pastoral Review – (hprweb.com)

Chuyển ngữ: JB. Đào Ngọc Điệp

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B