CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN

Lối sống Ki-tô hữu: cho đi hết sẽ nhận được nhiều gấp bội

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (1 V 17:10-16;  Dt 9:24-28;  Mc 12:38-44)

        Chỉ còn ba tuần nữa là hết năm Phụng vụ.  Chúa Nhật tới, các bài đọc hướng về đề tài ngày tận thế và Chúa Nhật tiếp theo là lễ Chúa Ki-tô Vua vũ trụ, kết thúc năm Phụng vụ.  Chuẩn bị cho ngày tận thế của vũ trụ và nhất là ngày tận thế của mỗi người Ki-tô hữu, Lời Chúa muốn nhắc nhở chúng ta về một lối sống dựa theo khuôn mẫu của Chúa Giê-su, để chúng ta sống đúng ý nghĩa cuộc đời cho đến khi Chúa lại đến với chúng ta vào giờ sau hết.  Đó là cuộc sống biết cho đi hơn là chỉ biết lãnh nhận.  Bài đọc 1 kể lại câu chuyện bà góa thành Xa-rép-ta đã vui lòng chia sẻ cho ngôn sứ Ê-li-a tất cả sự sống còn của mẹ con bà giữa nạn đói đang hoành hành.  Đáp lại, ngôn sứ đã can thiệp xin Chúa làm cho hũ bột và vò dầu của bà không vơi không cạn, cho gia đình bà và ngôn sứ đủ ăn lâu ngày.  Bài Tin Mừng cống hiến chúng ta câu chuyện một bà góa thời Chúa Giê-su.  Bà đã bỏ vào thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ chỉ có hai đồng tiền kẽm, nhưng lại được Chúa Giê-su khen ngợi vì “bà đã bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân”.   Tuy nhiên hai bài đọc trên chỉ là để giúp chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Ki-tô, “Đấng đã tự hiến chỉ một lần, để xóa bỏ tội lỗi muôn người” (bài đọc 2).

 

        1.  Bà góa Xa-rép-ta, gương mẫu xả thân cứu giúp Ê-li-a, người của Thiên Chúa.  Thật là tuyệt vời khi chúng ta có hai bài đọc với hai câu chuyện về hai bà góa:  một bà tại Xa-rép-ta thời ngôn sứ Ê-li-a và một bà tại Giê-ru-sa-lem thời Chúa Giê-su.  Bà góa thành Xa-rép-ta là ai?  Để hiểu rõ hơn về bà góa này, chúng ta phải hiểu một chút về ngôn sứ Ê-li-a.  Trong triều đại vua A-kháp ở Ít-ra-en, do ảnh hưởng của hoàng hậu I-de-ven, dân Ít-ra-en đã buông theo những hình thức cúng bái thần Ba-an và Át-tô-rét mà bất trung với Thiên Chúa.  Các vị ngôn sứ của Thiên Chúa bị ám sát.  Bản thân Ê-li-a cũng phải chạy trốn và ẩn mình tại thung lũng Cơ-rít phía đông sông Gio-đan.  Hằng ngày, Thiên Chúa cho quạ đem bánh đến cho ông.  Sau một thời gian, suối cạn khô nên Thiên Chúa truyền cho ông tới Xa-rép-ta thuộc Xi-đôn.  Tại đây, ông gặp một bà góa, người đã được Thiên Chúa sắp đặt để nuôi ông.  Ê-li-a gặp bà đang kiếm củi tại cổng thành.  Cuộc gặp gỡ không kém phần lý thú.  Trước hết ông làm quen bằng cách xin bà cho nước uống.  Trong Tân Ước, chúng ta cũng gặp cảnh tương tự:  Chúa Giê-su xin người phụ nữ Sa-ma-ri cho chút nước uống!  Văn hóa Việt Nam thì miếng trầu là đầu câu chuyện, còn văn hóa Do-thái thì miếng nước mở đầu cho câu chuyện.  Sau màn “làm quen”, ông Ê-li-a bắt đầu thử lòng tin của bà:  “Bà làm ơn lấy cho tôi miếng bánh nữa!”  Bà thành thật kể lể sự tình rằng quả thực bà chỉ còn đúng một nắm bột và chút dầu.  Đó là tất cả tài sản của bà lúc này.  Chỉ còn thiếu ít củi để nướng bánh nên bà đang đi lượm.  Bà không khỏi chua chát nghĩ đến cái chết sắp đến sau khi bà và con trai bà ăn miếng bánh cuối cùng.  Nghe bà nói, ông Ê-li-a gợi lên đức tin vào Thiên Chúa.  Ông bảo bà đừng sợ, hãy tin vào Thiên Chúa, cứ về làm bánh, nhưng trước hết hãy làm cho ông một chiếc bánh nhỏ rồi sau hãy làm cho bà và con bà.  Chỉ còn một nắm bột, làm cái bánh dù là nhỏ cũng chưa chắc đủ, lấy đâu mà làm cho bà và con bà!  Nhưng bà góa Xa-rép-ta lả một phụ nữ có lòng tin.  Bà đã làm theo lời vị ngôn sứ và lòng tin của bà vào Thiên Chúa đã khiến Người làm phép lạ cho hũ bột và vò dầu của bà lúc nào cũng đầy, để nuôi sống mẹ con bà và cả ông Ê-li-a, người của Thiên Chúa, suốt thời gian nạn đói hoành hành.

        Điều quan trọng trong câu chuyện bà góa thành Xa-rép-ta là sống đức tin vào Thiên Chúa qua hành động.  Vì tin vào Thiên Chúa nên bà sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống của bà và con bà để “cứu” mạng sống của Ê-li-a.  Khi ông Ê-li-a xin bánh, bà đã thề với ông rằng có Chúa làm chứng, bà nói thật về hoàn cảnh bi đát của bà.  Rồi sau khi ông Ê-li-a bảo bà rằng Thiên Chúa sẽ cho hũ bột và vò dầu luôn đầy tràn thì bà tin vào lời Thiên Chúa hứa qua ông Ê-li-a và làm theo lời ông dạy.  Hành vi bà đi làm bánh cho ông Ê-li-a đã biểu lộ lòng tin của bà vào Thiên Chúa.  Để sống đức tin, bà đã đem cho đi hết những gì còn lại là nắm bột và chút dầu sau cùng.  Tuy nhiên Thiên Chúa đã ân thưởng đức tin của bà, cho mẹ con bà và ngôn sứ Ê-li-a là những người đầy lòng tin có bánh ăn “cho đến ngày Đức Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất”.

 

        2.  Bà góa với hai đồng tiền kẽm dâng cúng cho Đền Thờ tại Giê-ru-sa-lem.  Câu chuyện này có những điểm tương đồng với câu chuyện bà góa thành Xa-rép-ta.  Trước hết, cả hai bà góa này đều cho đi hết những gì mình có.  Tất cả những gì bà góa thành Xa-rép-ta có chỉ là nắm bột và chút dầu cuối cùng, còn bà góa thành Giê-ru-sa-lem thì túng thiếu, gia tài của bà gồm hai đồng tiền kẽm là “tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân”.  Trong khi bà góa Xa-rép-ta thành thực và khiêm tốn đối với ngôn sứ Ê-li-a thì bà góa Giê-ru-sa-lem cũng thành tâm, khiêm tốn và không mắc cỡ khi bỏ vào thùng tiền hai đồng tiền kẽm.  Đối với các bà, “người của Thiên Chúa” và “Đền Thờ của Thiên Chúa” là trên hết.  Do đó các bà đã dùng tất cả khả năng của mình để phục vụ Thiên Chúa và người khác.  Bà góa Xa-rép-ta đã được Thiên Chúa ân thưởng khi Người cho hũ bột của bà không bao giờ vơi và vò dầu không khi nào cạn.  Còn bà góa Giê-ru-sa-lem thì được Chúa Giê-su khen ngợi trước mặt các môn đệ Người và qua bao năm người người đều khâm phục bà mỗi khi nghe lại câu chuyện Tin Mừng Mác-cô kể lại.

        Chúa Giê-su khẳng định rằng bà góa nghèo thành Giê-ru-sa-lem “đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết”, trong khi “mọi người đều lấy tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó”.  Chúa muốn nói rằng giá trị của việc dâng cúng không tính bằng con số, nhưng bằng lòng thành.  Điều đáng buồn là có nhiều người Công giáo, tuy tham dự Thánh Lễ hằng tuần, nhưng “con số” cũng chẳng thấy, mà “lòng thành” cũng là không.  Nhưng ở nhà họ tiêu xài hay ăn nhậu thì con số không cần đếm và lòng thành thì dư thừa!  Thùng tiền cho Đền Thờ đặt ở nơi ai cũng dễ nhận thấy.  Vị trí của nó rất thuận tiện cho những kẻ muốn khoe của và khoe lòng đạo đức khi họ cho tiền.  Có thể họ sẽ bỏ vào cả nắm để các đồng tiền tạo nên tiếng rổn rảng và kẻ qua người lại thấy được lòng quảng đại của họ.  Trong khi đó, một bà góa tiến đến.  Bà cung kính bỏ vào thùng hai đồng tiền kẽm.  Bà đang “dâng” cho Chúa tất cả những gì bà có, khác hẳn với những người khác là “ném” cho Chúa một đống tiền để được người đời khen là đạo đức.  Dâng cho Chúa hai đồng tiền kẽm là bà dâng cho Người “tất cả những gì bà có và tất cả những gì để nuôi thân”.  Nói khác đi, bà đã dâng cho Chúa chính bản thân, sự sống và tâm hồn bà.

 

        3.  Chúa Giê-su là gương mẫu cho đi hết cả những gì mình có.  Hình ảnh hai bà góa trong bài đọc 1 và bài Tin Mừng là hình ảnh giúp chúng ta chiêm ngưỡng một hình ảnh cao vời là Chúa Giê-su.  Bài trích thư Do-thái hôm nay vẫn tiếp tục đề tài Chúa Giê-su là vị Thượng Tế thập toàn.  Đoạn thư so sánh việc hiến tế của thượng tế trong cung thánh Đền Thờ với việc tự hiến của Chúa Giê-su chịu chết trên thập giá.  Mỗi năm vị thượng tế phải đem máu của chiên bò vào cung thánh làm lễ xá tội cho dân chúng.  Còn Chúa Giê-su thì dùng chính Máu của Người đổ ra trên thập giá để làm của lễ đền tội thay cho nhân loại.  Cả đến những giọt máu cuối cùng trong trái tim Người cũng bị lưỡi đòng mở ra.  Tuy nhiên hiệu quả của hai việc hiến tế lại khác nhau một trời một vực.  Việc hiến tế của vị thượng tế phải lập đi lập lại nhiều lần mỗi năm, do đó hiệu quả chỉ là nhất thời.  Còn Chúa Giê-su, Người không vào cung thánh do tay người phàm làm ra, nhưng vào Đền Thờ là thân xác Người, tức Ngôi Lời nhập thể, “tự hiến tế chỉ một lần, để xóa bỏ tội lỗi muôn người”.

        Cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá là đỉnh điểm của hành động cho đi hết cả những gì Người có để biểu lộ tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Cái chết của Người là điểm cuối cùng kết thúc cuộc “trút bỏ vinh quang” như đoạn thư Phi-líp-phê 2:2-8 của thánh Phao-lô đã mô tả.  Tuy nhiên trước khi chịu chết, Người cũng đã cho chúng ta tất cả thời gian, không gian, trí tuệ, sức lực và tâm hồn của Người, khi Người “mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” để rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật cho nhân loại.  Chỉ Đấng cho đi hết cả những gì mình có và ngay đến mạng sống của chính mình vì Thiên Chúa và nhân loại mới có thể khẳng định rằng:  Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Gio-an 15:13).

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Hành động đức tin của bà góa thành Xa-rép-ta và bà góa thành Giê-ru-sa-lem, nhất là cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá đã tóm tắt lối sống dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa và tha nhân.  Kết quả của lối sống ấy cho chúng ta thấy rằng khi chúng ta cho đi hết cả những gì mình có để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân thì Thiên Chúa sẽ trả công cho chúng ta gấp bội.  Đặc biệt là tấm gương của Chúa Giê-su đã cho đi cả mạng sống của Người.  Mạng sống của Người đã thay đổi thân phận của nhân loại từ thù địch trở thành con cái Thiên Chúa.  Cái chết và sự phục sinh của Người khởi đầu một cuộc Tạo dựng Mới với một nhân loại mới mà Người là Trưởng Tử.  Vậy chúng ta hãy nhìn lên người Anh Cả của chúng ta, quan sát và học hỏi lối sống của Người, nhất là sống như Người đã sống.  Cụ thể là chúng ta hãy quảng đại hơn mỗi khi dâng tiền Chúa Nhật cho giáo xứ, giáo phận và cho những công việc bác ái của Giáo Hội.  Hơn khi nào hết, chúng ta tin và thực hành lời Người phán:  Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Gio-an 14:6).  Nếu chúng ta sống như vậy, chắc chắn lúc chúng ta giã từ cõi thế, Đấng phán những lời trên sẽ trở lại để đem chúng ta về nhà Cha trên trời.

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B