Chúa Nhật 32 TN Năm B – Ngày 7-11-2021

Lm. Sean O'Brien

Các bài đọc: 1 Các Vua 17:10–16 • Thánh Vịnh 146:7, 8–9, 9–10 • Thư Heb 9:24–28 • Marco 12:38–44 or 12:41–44    

bible.usccb.org/bible/readings/110721.cfm

 

Chúng ta có thể thấy một chút ngộ nghĩnh bài đọc I và bài Tin Mừng đi song song với nhau. Trong bài Phúc âm (bài đọc dài), Đức Kytô cực lực chỉ trích đám Pha-ri-si ngày xưa hoặc ngày nay họ coi mình là quan trọng hơn khi họ lợi dụng người khác chiếm đoạt tài sản của người khác. “Họ  nuốt chửng nhà cửa của các bà góa,” vì ngôi nhà có nghĩa là sự sống còn của một người. Đức Kitô lên án những người ấy, đặc biệt là những người lãnh đạo, vì họ chuyên rình rập các góa phụ và những người yếu thế khác.

Thế rồi tiên tri Ê-li-a xuất hiện. Ông đến nhà một góa và ông làm gì? Ông xin bà đem cho ông chút lương thực cuối cùng của gia đình bà. “Này bà, hãy cho tôi lương thực của bà. Đó là của tôi." Ê-li-a không phải là một vị tiên tri xấu. Tuy nhiên, Thiên Chúa muốn sử dụng Ê-li-a và lòng quảng đại đầy tin tường của người phụ nữ kia để nâng đỡ sự thiếu thốn của bà ấy trong hoàn cảnh khó khăn. Người hùng trong câu chuyện này chính là người phụ nữ! Theo kinh nghiệm của bà, càng cho đi nhiều thì càng nhận được lại nhiều hơn.

Thế nên, chúng ta có thể đặt nghi vấn: “Vậy phải Thiên Chúa ban cho chúng ta Tin Mừng của sự giàu có không? Nếu tôi cho đi, liệu Chúa có hứa sẽ cho tôi còn nhiều hơn không? Tôi thu hoạch được nhiều hơn những gì tôi đã gieo trồng không?”. Chúng ta tin chắc không phải như vậy. Chúng ta tin rằng bổn phận của chúng ta là vâng lời và quảng đại, còn công việc của Thiên Chúa ban phát cho chúng ta. Chúng ta không tin rằng Chúa sẽ làm chúng ta nên giàu có, nhưng chúng ta tin rằng chúng ta sẽ có được những gì chúng ta cần. Thí dụ, ở phần kết bài Phúc Âm, bà góa sau khi đã dâng cúng hai đồng tiền kẽm liệu có trở thành một phụ nữ giàu có không? Không. Chúa Giê-su đã không nhân lên số tài sản ít ỏi của bà ấy.

Chúa Giê-su không lên án Ê-li-a. Chúa Giê-su cũng không hứa ban cho chúng ta Tin mừng của sự giàu có. Nhưng đây là những gì Người muốn nói: Bạn hãy cho đi tất cả những gì bạn có. Bà góa đã cho ông Ê-li-a tất cả những gì bà có, cho dù làm như thế là sẽ chết đói. Bà đã dâng cho Chúa tất cả những gì bà có. Thế nhưng điều gì đã xảy ra với bà? Sau hành vi bác ái và thực thi đức tin triệt để, bà góa kia được ca tụng hằng ngàn năm nay rồi.

Một số người trong chúng ta có thể đã ý thức việc đóng góp cho Giáo Hội hoặc ý thức về thuế thập phân. Đây là những gì tôi đã nghe: đóng góp 10 phần trăm lợi tức: chia ra 5 phần trăm cho giáo xứ, 2.5 phần trăm cho giáo phận và 2.5 phần trăm cho tổ chức từ thiện. Cũng có những xê xích khác nhau. Khi còn bé, tôi có ba cái lọ: chi tiêu, tiết kiệm và chia sẻ. Điều đó có nghĩa là tôi đã đóng góp 33 phần trăm cho thuế thập phân của mình (từ tithe xuất phát từ chữ “tenth – 10/100” trong tiếng Anh cổ)— như vậy cha mẹ tôi đã để bọn trẻ chúng tôi vượt quá chỉ tiêu rồi!. Tôi không chê trách những điều này. Đây là một linh đạo thực dụng rất hữu ích, nhưng quan trọng là chúng ta đang ở trong chân lý của linh đạo Đức Giê-su. Nếu không có một linh đạo năng động đặt căn bản trên Đức Kytô thì việc cho đi này dễ trở thành trần tục và sòng phẳng tựa như ta trả thuế hay viết ngân phiếu để trả tiền điện.

Chúa Giê-su dạy chúng ta một linh đạo mới về việc cho đi bằng lời nói và việc làm. Trước hết bằng lời nói, Người ca ngợi kẻ biết cho đi “tất cả sự sống còn” của mình. Sự sống cònnghĩa là tiền bạc, chắc chắn như vậy. Nhưng hãy thử nghĩ xem nó còn nghĩa nào khác nữa không: nó cũng nghĩa là công ăn việc làm của tôi, là cách sống của tôi, là thú cưng của tôi, là gia đình của tôi, là thời gian của tôi. Tôi đã trao phó toàn bộ sự sống còn của mình cho Người chưa? Tôi có để Chúa sắp đặt ngân sách của tôi không? Làm chủ thời khóa biểu hàng ngày và hàng tuần của tôi không? Người có ở trong những ưu tiên cõi lòng tôi không? Đâu là chỗ của Người trong danh sách “việc cần làm” của tôi cho lễ Giáng sinh? Hay tôi đã để thế gian điều khiển sắp xếp các giá trị của tôi? Đôi khi điều này xảy ra từ từ. Mới đây tôi đã nghe câu chuyện cơn nước lụt từ từ dâng cao cuốn trôi một chiếc RV khổng lồ vào đường cao tốc. Có thể chúng ta cười khi nghĩ rằng thế gian dẫn lối và kiểm soát quyết định của tôi, nhưng nếu chúng ta không tỉnh táo thì những dòng nước lũ kia của thế gian sẽ tiếp tục dâng cao đến mức chúng ta bị hoàn toàn mất chân đứng là Đức Kytô, rồi tôi bắt đầu bị trôi dạt đến bất cứ nơi nào dòng nước đó cuốn tôi đi.

Ý niệm Chúa Giê-su dạy chúng ta thực sự quan trọng hơn. Chúng ta đã nghe điều gì trong bài đọc thứ hai trích thư Do-thái? Bài thánh thư nói về chức tư tế muôn đời của Chúa Giêsu. Từ “dâng hiến” được lặp lại hai lần. Điều đó có ý nghĩa gì? Chúa Giê-su có hiến dâng 50 phần trăm cuộc đời Người cho chúng ta không? Xin lỗi vì tôi hơi ngớ ngẩn, nhưng chỉ là ngớ ngẩn khi chúng ta biết những gì Người đã dâng hiến và cách Người dâng hiến như thế nào. Người đã hiến dâng chính thân mình. Và Người đã tự hiến trọn vẹn, vì chỉ nhờ cái chết mới có thể chứng minh điều ấy. Và Người đã làm như vậy vì yêu chúng ta, để cứu chúng ta. Bà góa cứu ngôn sứ Ê-li-a đã dâng sự sống còn của cho Ê-li-a vào lúc bà có nguy cơ chết đói. Giờ đây, Chúa Giê-su hoàn tất lòng quảng đại hải hà này. Chúa đã cho đi tất cả vì chúng ta, tất cả vì tình yêu.

Chức tư tế của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Khi chịu Phép Rửa, chúng ta được chia sẻ một phần vào chức tư tế của Người - không phải theo cách thừa tác viên linh mục như tôi, nhưng tất cả chúng ta đều chia sẻ nó theo một cách nào đó. Giống như Đức Kytô đã chết vì tội lỗi chúng ta, chúng ta cũng phải chết đi cho tội lỗi và những sự thuộc thế gian. Những việc này sẽ trở thành một lời kinh nguyện. Sự hy sinh của chúng ta là một lời kinh nguyện. Chúng ta là những người chia sẻ chức tư tế của Người. Chúng ta dâng lên Ngài sự sống còn của chúng ta. Và một trong những cách chúng ta có thể làm được điều đó là thường xuyên dâng cúng cho Giáo hội. Chúng ta dâng lên Người sự sống còn của chúng ta khi chúng ta cố gắng giúp chi trả các hóa đơn y tế cho một gia đình nghèo, khi chúng ta dành thời gi cho một người chỉ cần ai đó biết lắng nghe họ, khi chúng ta cố gắng hết mình giúp đỡ một người không thể cắt nổi sân cỏ, khi chúng ta quyết tâm đến với ai đó (có thể là một người khá khó ưa) cần người bạn để nói về Chúa Kitô trong cuộc sống của họ.

Do việc xức dầu của Chúa trong bí tích Rửa tội, chúng ta có sức mạnh để vui lòng dâng hiến tất cả sự sống còn của chúng ta cùng với và nhờ chức tư tế của Chúa Giêsu Kytô. Đây mới là việc đóng góp đích thực cho Giáo hội. Tất cả những gì chúng ta đang đã thuộc về Chúa Kytô rồi. Chúng ta chỉ đang giữ gìn chúng thôi. Nếu Đức Kytô đã làm điều đó cho chúng ta, thì chúng ta cũng phải làm điều đó cho Ngưi. Lạy Chúa, xin nhận lấy tất cả những gì con có và tất cả những gì con là. Con xin đặt chúng trước mặt Chúa tại bàn thờ này, trong Thánh lễ này vào lúc này. Amen.

 

JB. Đào Ngọc Điệp, chuyển ngữ

Nguồn: https://www.hprweb.com/

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B