Chúa Nhật II Mùa Vọng – Ngày 6 tháng 12, 2020

Lm. John P. Cush, STD

 

Với viễn ảnh Tin Mừng này, chúng ta sốt sắng bước vào Năm Hồng Ân; trong năm này phần lớn mỗi Chúa Nhật bài đọc của chúng ta đều trích từ Tin Mừng theo thánh Mác-cô. Để thực sự hiểu được ảnh hưởng của Phúc âm theo thánh Mác-cô, trước tiên chúng ta cần xem lại một số yếu tố liên quan đến Phúc âm Mác-cô.

 

Như chúng ta biết, Phúc âm thánh Mác-cô là một trong những sách Tin Mừng Nhất Lãm, cùng với Thánh Matthêu và Thánh Luca. Ba Phúc Âm này được gọi là “nhất lãm”, một tính từ xuất phát từ tiếng Hy Lạp là synoptikos, có nghĩa là “tất cả cùng nhìn thấy”. Vì cả ba sách Phúc âm này ít nhiều kể lại câu chuyện về Chúa Giê-su theo một cách tương tự (tuy có những nhấn mạnh khác nhau).

 

Người ta không đồng ý với nhau về vấn đề sách Phúc Âm nào được viết sớm nhất. Chúng ta sẽ không bàn điều đó ở đây. Phải chăng từ ban đầu cho tới thời Cải Cách, sách Phúc Âm Mathêu vẫn được coi là được viết sớm nhất. Hoặc như nhiều học giả cho rằng dựa vào cấu trúc sơ khai của bản văn, Phúc Âm Mác-cô mới thực sự là sách được viết đầu tiên.

 

Chúng ta sẽ bỏ qua điểm riêng về tranh luận này, nhưng cá nhân chúng tôi muốn theo quan điểm của học giả kinh thánh David Laird Dungan!

 

Người ta nghĩ rằng chính Thánh Phêrô là nguồn dữ liệu chính vì các thư của Người được viết bằng tiếng Hy Lạp bình dân. Có người cho rằng chỉ cần học được khoảng 80-100 từ vựng trong tiếng Hy Lạp Tân Ước là có thể đọc Phúc âm của Mác-cô dễ dàng mà không gặp trở ngại gì! Ước gì tiếng Hy Lạp dễ như thế để chúng ta có thể thông thạo tiếng Hy Lạp!

 

Như tôi đã nhắc đến, Phúc âm của Mác-cô rất đơn giản, rõ ràng và trực tiếp. Hãy nhìn vào dòng đầu tiên của Phúc âm mà chúng ta đọc trong Chúa nhật hôm nay: “Khởi đầu phúc âm của Chúa GiêSu KyTô, Con Thiên Chúa.” Câu mở đầu này không trau chuốt về lịch sử như trong Phúc âm của Mathêu hay của Luca. Cũng không có chiều sâu của thời gian và vĩnh cửu như phúc âm Gioan trình bày. Nhưng câu mở đầu của phúc âm Mác-cô là một câu tuyên bố đơn giản, một câu cho chúng ta biết tất cả những gì chúng ta cần biết. Nó đặt ra cho chúng ta điều quan trọng nhất mà chúng ta phải có khi bắt đầu đọc Tin Mừng này - đó là tin mừng của Chúa Giê-su, Đấng được xức dầu là Con Thiên Chúa, đích thực cũng là chính Thiên Chúa. Như tôi đã nói, phúc âm Mác-cô đơn giản, rõ ràng và trực tiếp.

 

Với suy nghĩ này, chúng ta phải đối mặt với một thách thức trong đời sống cầu nguyện khi bắt đầu Năm Ân Sủng Mới này, đó là khi cầu nguyện, trong cuộc đối thoại với Chúa,  khi chúng ta nói với Chúa và khi chúng ta chăm chú lắng nghe những chuyển động trong tâm hồn, liệu chúng ta có giản dị, rõ ràng và thành thực không?

 

Theo Thánh John Damascene, cầu nguyện là “nâng trí lòng lên Thiên Chúa hoặc cầu xin những điều tốt lành từ Thiên Chúa”. Đó mới chỉ là thưa chuyện với một người hiểu chúng ta hơn chính chúng ta hiểu mình thôi. Còn khi cầu nguyện, chúng ta phải thành thật với Chúa và thành thật với chính mình. Cầu nguyện bao gồm: Thờ lạy (chúng ta nhận biết Chúa là Thiên Chúa, còn chúng ta thì không phải là Chúa, và tạ ơn Chúa về điều đó), Sám hối (chúng ta nhận biết mình là kẻ tội lỗi và cần Chúa cứu độ chúng ta), Tạ ơn (chúng ta nhận biết rằng mọi sự trong cuộc sống chúng ta đều là ân huệ Chúa ban nhưng không, ngay cả khi chúng ta không xứng đáng lãnh nhận), và Cầu xin (nhận ra sự khác biệt giữa ước muốn và nhu cầu của chúng ta). Chúa biết chúng ta; Người biết trái tim chúng ta khao khát gì và Ngài muốn ban cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần để được cứu rỗi. Năm nay mỗi khi cầu nguyện, có lẽ chúng ta có thể thực hành giống như cách Thánh Mác-cô viết sách Tin Mừng của ngài, là hãy giản dị, rõ ràng và trực tiếp. Cuối cùng, Thiên Chúa là Đấng tốt lành, khôn ngoan và toàn năng, biết rõ mọi sự!

 

Nguồn: Homiletic & Pastoral Review – (hprweb.com)

Chuyển ngữ: JB. Đào Ngọc Điệp

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B