Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng - ngày 13 tháng 12 năm 2020

Lm. JOHN P. CUSH, STD

Các bài đọc: Is 61: 1–2A, 10–11 • Lc 1: 46–48 • 1 Tx 5: 16–24 • Ga 1: 6–8, 19–28

bible.usccb.org/bible/readings/121320.cfm

 

Trong bài Tin Mừng Mác-cô vừa được công bố trong Thánh lễ Chúa Nhật hôm nay, chúng ta gặp lại hình ảnh Thánh Gioan Tẩy Giả. Ông sai các môn đệ của mình đến gặp Chúa Giêsu, thẳng thắn hỏi Người có phải là Đấngông đang rao giảng hay không, tức Đấng Mê-si-a dân Do thái đã mong đợi từ lâu.

Mặc dù chỉ có Phúc âm Lu-ca mới thực sự khẳng định Gioan Tẩy Giả là cùng huyết thống, là anh em họ của Chúa Giêsu, nhưng chúng ta biết rõ có mối liên hệ chặt chẽ sâu xa giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã nói rằng không có người nam nào được sinh ra từ phụ nữ lại cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả. Trên thực tế, có rất nhiều người tưởng ông Gioan là Đấng Kitô và nhiều người trong số đó đã bỏ tất cả để theo ông. Một trong những lý do tại sao câu chuyện Gioan làm phép rửa cho Chúa ở sông Giô-đan lại được kể trong cả bốn sách Phúc âm, đó là để nhắc nhở mọi người rằng chính Chúa Giêsu, chứ không phải Gioan, mới là Đấng Thánh của Thiên Chúa và là Đấng Mê-si-a. Trong cả bốn tường thuật Phúc âm, Gioan Tẩy Giả là người đầu tiên công nhận Chúa Giêsu là Chúa, và trên thực tế, ông đã mạnh mẽ phản đối đề nghị của Chúa Giê-su muốn ông làm phép rửa cho Người.

Hẳn lúc ban đầu nhiều người có lý do để tin rằng Gioan là Đấng Mê-si-a. Vì trước hết, so với Chúa Giêsu, ông giống hình ảnh vị ngôn sứ được Cựu Ước mô tả nhiều hơn. Gioan mặc áo lông lạc đà và thắt lưng bằng dây da rất giống hình ảnh nói trên. Với cách ăn uống mật ong rừng và châu chấu, và nhất là qua sứ điệp tha thiết kêu gọi người ta sám hối để chuẩn bị đón Nước Thiên Chúa đến, nên có lẽ còn hơn cả Chúa Giêsu, Gioan Tẩy Giả giống như một ngôn sứ Hô-sê mới qua nhiều động thái rất lập dị để nói lên chủ đích của mình, hoặc như một Ê-zê-ki-ên mới, một I-sa-ia mới hoặc thậm chí có thể như một Ê-li-a mới nữa.

Bạn hãy đặt mình là Gioan Tẩy Giả. Hãy tưởng tượng cả thế giới đang trông chờ vào từng lời nói, từng hành động của bạn. Hãy hình dung thế nào là cảm giác quyền lực, thế nào là cảm giác vui mừng tột độ. Người ta hết thảy đều muốn bạn, đều cần bạn. Bây giờ, bạn hãy nhớ rằng tại Jerusalem đã có hàng tá các vị cứu thế, hay đúng hơn là những người tự xưng mình là đấng cứu thế. Mỗi bà mẹ Do Thái đều hy vọng và cầu mong ước gì con trai bé nhỏ của mình lớn lên sẽ trở thành vị cứu tinh của dân tộc. Và, theo tôi đoán, có lẽ bà Elizabeth, mẹ của Gioan cũng vậy.

Chưa hết, Gioan không quan tâm danh vọng hay xua nịnh. Ông biết mình là ai và ông muốn trở thành người như thế nào. “Lạy Chúa, không phải tôi, mà là Ngài.” "Chúa phải nổi bật lên, còn tôi, tôi phải lu mờ đi." Hoặc, như ông nói trong một đoạn Tin Mừng khác, “Một vị cao trọng hơn tôi sẽ đến sau tôi. Tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Tôi đã làm phép rửa trong nước; Người sẽ làm phép rửa cho các ngươi bằng Thánh Thần”.

Gioan có thể làm được điều này bởi vì ông biết mình là ai: ông không phải là Đấng Mê-si-a, nhưng là người tiền hô của Đấng Mê-si-a, ông là người cuối cùng và cao trọng nhất trong các ngôn sứ, ông được chọn từ muôn đời để chỉ đường cho người ta đến với Chiên Thiên Chúa, Đấng sẽ xóa tội trần gian. Gioan biết mình là con yêu dấu của Thiên Chúa Tối Cao, một người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa Toàn Năng, và là người sẽ được tắm trong máu châu báu của Con Chiên, Đấng sẽ bị giết vì loài người chúng ta để cứu rỗi chúng ta (tức là sự kiện Gioan sẽ bị chém đầu). Và như vậy là đủ cho ông. Vậy đây là sự khiêm tốn đích thực, là hoàn toàn mở lòng đón nhận thánh ý Chúa trong cuộc sống chúng ta. Điều này chỉ có thể xảy ra khi chúng ta biết mình và tin tưởng vào vai trò Chúa muốn chúng ta xây dựng Vương quốc của Người.

Còn đối với chúng ta thì sao? Chúng ta có thực sự biết chúng ta là ai không? Chúng ta có ý thức mình không phải là Đấng Mê-si-a không? Ý thức rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa, còn chúng ta không phải là Thiên Chúa, và chúng ta cảm ơn Chúa vì điều đó không? Chúng ta có nhận ra rằng chúng ta chỉ là tạo vật, chứ không phải Đấng Tạo Dựng, chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Đấng yêu thương chúng ta, mỗi hơi thở chúng ta đều hoàn toàn lệ thuộc vào lòng nhân từ của Cha trên trời không?

Hôm nay là Chúa Nhật vui mừng, Chúa Nhật với phẩm phục màu hồng và thắp ngọn nến thứ ba trên Vòng Mùa Vọng. Chúng ta được mời gọi hãy vui mừng, vì Mùa Vọng của năm phụng vụ, thời gian chờ đợi, khao khát mong đợi đã gần hoàn tất. Màu tím của Mùa Vọng và màu trắng của Lễ Giáng Sinh kết hợp với nhau làm thành màu hồng, màu chỉ được sử dụng hai lần trong mỗi năm phụng vụ. Chúng ta hãy hoan hỷ và vui lên trong ngày này, vì Chúa biết chúng ta; Chúa ban cho chúng ta đặc ân được nhận biết Người, rồi nhờ biết Người, chúng ta ngày càng hiểu rõ về con người thật của mình, những người con cái dấu yêu của Thiên Chúa Tối Cao.

 

Nguồn: Homiletic & Pastoral Review – (hprweb.com)

Chuyển ngữ: JB. Đào Ngọc Điệp

 

 

Suy Niệm Lời Chúa Năm B