CHÚA NHẬT 16 QUANH NĂM

Năm B (2003)

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:  Ê-phê-xô 2: 13-18

 

          Thư Ê-phê-xô khai triển chủ đề Mầu nhiệm Chúa Ki-tô và Mầu nhiệm Giáo Hội đã được nói đến trong thư Cô-lô-xê.  Sự hiện diện và vai trò của Giáo Hội Chúa Ki-tô nằm trong kế hoạch yêu thương nhiệm mầu của Thiên Chúa.  Giáo Hội có mặt để xóa đi ngăn cách giữa Do-thái và Dân ngoại, mở rộng ơn cứu độ cho mọi người theo tình yêu không bờ bến của Thiên Chúa.  Sau khi giới thiệu tổng luận về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa (Ep 1), thánh Phao-lô bắt đầu đi vào chi tiết, quảng diễn mối giao hòa giữa Do-thái và Dân ngoại được thể hiện trong Đức Ki-tô.  Trước hết, chúng ta sẽ căn cứ vào tình huống của tín hữu Ê-phê-xô để theo dõi tư tưởng của ngài.  Tiếp đến là suy nghĩ về bản chất và hiệu quả của việc giao hòa giữa Do-thái và Dân ngoại, nói khác đi, là về bản chất của Giáo Hội.

 

a)  Từ kinh nghiệm của một cộng đoàn Ki-tô hữu gốc Dân ngoại 

          Thánh Phao-lô bắt đầu đề tài về Giáo Hội với kinh nghiệm Ê-phê-xô.  Ê-phê-xô tượng trưng cho mọi người không thuộc về dân tộc Do-thái.  Theo mạch văn từ đầu chương 2 trở đi, Phao-lô nhắc nhớ tín hữu Ê-phê-xô về lối sống cũ của họ.  Xưa kia họ là những người “đã chết vì những sa ngã và tội lỗi” (2:1).  Ngoài ra, vì họ thuộc “giới không cắt bì” nên không được hưởng quyền công dân của Ít-ra-en và các giao ước dựa trên lời hứa của Thiên Chúa (2:11-12).  Tuy nhiên, Thiên Chúa là Đấng giàu tình thương và lòng thương xót đã cho cả người Do-thái lẫn Dân ngoại được cùng sống với Đức Ki-tô.  Như vậy, trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã làm cho Dân ngoại được đổi mới.

          Sau khi mô tả tình trạng đáng thương của những người “không có Đức Ki-tô, không có niềm hy vọng,” thánh Phao-lô giải thích tình trạng đổi mới trong Đức Ki-tô.  Trước hết, Đức Ki-tô phá bỏ bức tường ngăn cách người Dân ngoại với người Ít-ra-en, để trong Đức Ki-tô cả hai làm thành con người mới và một dân mới.  Bức tường ngăn cách ấy là Lề Luật Mô-sê, tựa như một ngăn cản xã hội tách biệt Dân ngoại với Do-thái và không cho phép người Do-thái chia sẻ gì với Dân ngoại.  Nhưng khi chết trên thập giá, Đức Ki-tô đã chấm dứt Lề Luật ấy và làm cho Do-thái lẫn Dân ngoại trở nên một trong thân xác Người.  Máu là nguyên lý sự sống.  Bởi đó từ nay, để làm con Thiên Chúa người ta không nhất thiết phải có dòng máu của tổ phụ Áp-ra-ham nữa, nhưng là mang dòng máu Đức Ki-tô đã đổ ra trên thập giá.

 

b)  Việc giao hòa Do-thái với Dân ngoại đem lại những gì?

          Khi giao hòa Do-thái với Dân ngoại, hoặc thiết lập một Dân mới tức là Giáo Hội, Đức Ki-tô đã làm gì cho nhân loại, đó là những suy tư tiếp theo của thánh Phao-lô.  Cái chết trên thập giá của Đức Ki-tô đã đem lại bình an cho nhân loại.  Hình ảnh này khiến chúng ta liên tưởng đến sự chết A-đam đã di lại cho nhân loại khi ông ăn trái cấm trong vườn Địa đàng.  Cây biết lành biết dữ trong vườn Địa đàng đã sinh trái độc hại là sự chết, thì trái lại, cây thập giá của Đức Ki-tô là A-đam Mới đã đem lại sự sống cho loài người.  A-đam cũ đã làm mất đi sự bình an và chuốc lấy vất vả lo âu, còn A-đam Mới đã phục hồi sự bình an, bình an trong tương quan giữa con người với con người và giữa con người với Thiên Chúa.

* Bình an giữa con người với con người:  Qua việc liên kết dân Do-thái với Dân ngoại, Đức Ki-tô đã phá bỏ đi bức tường ngăn cách đôi bên là sự thù ghét.  Lý do tại sao sự thù ghét ấy tồn tại có thể là do Lề Luật Mô-sê.  Lề Luật quy định những giới hạn khiến dân Do-thái không thể vượt qua để đến với Dân ngoại, thí dụ không thể yêu thương kẻ thù (x. Mt 5:43-48), hoặc ngược lại.  Đức Ki-tô đến để kiện toàn và thay thế cho Lề Luật (Mt 5:17).  Cho nên từ nay, trong Lề Luật mới hoặc Luật Tin Mừng, Do-thái và Dân ngoại không còn là kẻ thù nữa, nhưng là anh chị em con cùng một Cha trên trời.  Liên kết giữa Do-thái và Dân ngoại tượng trưng cho liên kết giữa con người với con người mọi nơi.  Trong Đức Ki-tô, những ngăn cách do chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa đều bị xóa bỏ.  “Vậy không còn phải phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Ki-tô là tất cả và ở trong mọi người” (Cl 3:11).

* Bình an giữa con người với Thiên Chúa:  Nếu máu của Đức Ki-tô đổ ra trên thập giá đã xóa đi mọi ranh giới ngăn cách con người với con người, thì cũng máu ấy sẽ hòa giải tất cả nhân loại với Thiên Chúa.  Tội lỗi đã làm cho con người trở thành thù địch của Thiên Chúa.  Nhưng nhờ máu Đức Ki-tô, tội lỗi của con người được tha thứ và con người lại được phục hồi ân nghĩa với Thiên Chúa.  Ân nghĩa ngày xưa ấy được mô tả như mối tương giao giữa Thiên Chúa và con người.  Sách Sáng thế (3:8) nhắc tới việc Thiên Chúa “đi dạo trong vườn lúc gió thổi” để đến gặp gỡ con người.  Nhưng sau khi đã phạm tội, con người “nghe thấy tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn” thì vội vàng lẩn trốn Người, vì họ đã thành thù địch của Người rồi.  Giờ đây trên thập giá, Đức Ki-tô đã lấy máu mình để “tiêu diệt sự thù ghét” của loài người đối với Thiên Chúa.

Chung quy cũng chỉ là sự thù ghét đã làm mất đi bình an.  Chính vì thế, qua Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã thực hiện kế hoạch yêu thương để tiêu diệt sự thù ghét và đem lại bình an và hòa giải cho con người.  “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).

Nhờ Đức Ki-tô, chúng ta được hòa bình với anh chị em và hòa giải với Thiên Chúa, “chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha” (Ep 2:18).  Một lần nữa, thánh Phao-lô lại nhắc đến một công trình có hoạt động liên hợp của Thiên Chúa Ba Ngôi.  Mục đích tối hậu của công trình này là giúp cho toàn thể nhân loại được trở về hiệp nhất với Tình Yêu vĩnh cửu.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

 

          Qua những trình bày của thánh Phao-lô trong đoạn thư trên, tôi có những ý nghĩ mới mẻ nào về Giáo Hội?  Những suy tư ấy giúp tôi nhận ra vẻ đẹp của Giáo Hội và thêm lòng yêu mến Giáo Hội như thế nào?

          Máu Thánh Đức Ki-tô thường ít khi được đề cập đến.  Vậy Máu Chúa từ nay đối với tôi có ý nghĩa gì?  Trong kinh “Lạy hồn Chúa Ki-tô” có câu “Lạy Máu Thánh Chúa Ki-tô, xin làm cho con say mến Chúa.”  Tôi hiểu ý nghĩa lời kinh thế nào?

          Tôi có cầu nguyện cho Giáo Hội không?  Tôi phải làm gì để tập cầu nguyện hằng ngày cho Giáo Hội?

 

Cầu nguyện kết thúc

 

          Sau cầu nguyện bộc phát, cùng hát bài “Xin hiệp nhất chúng con...”, hoặc đọc kinh nguyện sau đây:

 

          Lạy Chúa Giê-su,

          xin thương nhìn đến Hội Thánh là đàn chiên của Chúa.

          Xin ban cho Hội Thánh sự hiệp nhất và yêu thương,

          để làm chứng cho Chúa giữa một thế giới đầy chia rẽ.

          Xin cho Hội Thánh không ngừng lớn lên như hạt lúa.

          Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,

          đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.

          Ước gì Hội Thánh trở nên men được vùi sâu trong khối bột loài người

          để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.

          Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp

          để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.

          Xin cho Hội Thánh trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,

          nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.

          Cuối cùng xin cho chúng con biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,

          nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.

          Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,

          nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên.  A-men.

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 61)

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà