CHÚA NHẬT 21 QUANH NĂM, B

2003

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:        Ê-phê-xô 5: 21-32

 

        Đoạn văn Ê-phê-xô 5:21 - 6:9 đề cập đến mối tương quan trong gia đình theo tinh thần Ki-tô giáo, giữa vợ-chồng, cha mẹ-con cái, chủ nhân-nô lệ.  Định chế gia đình với những tương quan ấy là định chế chung cho thế giới Hy-La.  Do đó, các thư Ê-phê-xô, Cô-lô-xê và 1 Phê-rô sử dụng cùng một định chế ấy để khuyến dụ các tín hữu tân tòng về đời sống luân lý Ki-tô.  Bài đọc hôm nay là đoạn thư trình bày tương quan vợ chồng như là dấu chỉ và là cách biểu lộ mầu nhiệm kết hiệp giữa Chúa Ki-tô và Hội Thánh.  Tuy nhiên, để khỏi hiểu lầm thánh Phao-lô như là trọng nam khinh nữ, chúng ta nên hiểu qua hoàn cảnh xã hội bấy giờ và phải xác tín điều thánh Phao-lô nhấn mạnh đến bổn phận người vợ phải tùng phục chồng NHƯ Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô và bổn phận người chồng phải yêu thương vợ NHƯ Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh.  Gương mẫu của Giáo Hội và của Đức Ki-tô sẽ loại bỏ mọi bất công của phái yếu (vợ, con cái, nô lệ) phải chịu đối với phái mạnh (chồng, cha mẹ, chủ nhân).

 

a)  Hôn nhân phải rập theo khuôn mẫu tương quan giữa Chúa Ki-tô và Hội Thánh

        Văn hóa biến đổi luôn luôn, tuy chậm chạp theo dòng thời gian.  Thời nay, quan niệm về thống trị của chồng trên vợ, của cha mẹ trên con cái và của chủ nhân trên tôi tớ không còn đứng vững nữa.  Thật khó cho thánh Phao-lô và Phê-rô làm một cuộc cách mạng văn hóa, lật đổ định chế về gia đình và xã hội đã có từ lâu.  Ở đây, tuy thánh Phao-lô theo định chế ấy, nhưng ngài lại mặc cho nó bộ áo Ki-tô giáo và dùng những giá trị của tình yêu giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh làm mẫu mực để đôi vợ chồng sống mối tương quan hôn nhân của họ.  Do đó, lời mở đầu của đoạn thư rất quan trọng và là tiêu chuẩn giúp vợ chồng sống đời hôn nhân Ki-tô giáo:  “Vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau” (5:21).  Nêu lên nguyên tắc này, thánh Phao-lô ngầm hiểu ý nghĩa sâu xa nhất của tương quan hôn nhân, là “tùng phục lẫn nhau” chứ không phải người này thống trị người kia.  Như vậy, cả hai vợ chồng đều phải tùng phục lẫn nhau.  Tùng phục không có nghĩa đẳng cấp, nhưng là biểu lộ một tình yêu hy sinh vì lợi ích của người kia.  Chính Đức Ki-tô vì lợi ích của Giáo Hội nên đã “trút bỏ vinh quang” và bằng lòng chịu chết cho nhân loại.

        -  “Như Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô”:  Động lực duy nhất để Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô, đó là vì tình yêu.  Sự tùng phục của Hội Thánh là cách đáp lại tình yêu vô điều kiện của Đức Ki-tô dành cho Hội Thánh.  Vì yêu Hội Thánh, Đức Ki-tô đã giảng dạy và thi hành sứ vụ cứu thế.  Lời giảng và gương sống của Đức Ki-tô là một kho tàng và gia sản để lại cho Hội Thánh.  Cho nên đáp lại tình yêu ấy của Đức Ki-tô, Hội Thánh trân trọng từng lời giảng và từng việc làm của Người, muốn vâng theo mọi điều Đức Ki-tô dạy bảo để được sống đời đời.  Như thế, việc tùng phục của Hội Thánh biểu lộ tình yêu chứ không biểu lộ sự quỵ lụy cưỡng ép của một kẻ thấp cổ bé miệng.  Chính Đức Ki-tô đã nói:  “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa...  nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15:15).  Thánh Phao-lô nhấn mạnh đến đặc tính của tình yêu:  “Đức mến không vênh vang, không tự đắc” (1 Cr 13:4).  Tóm lại, từ “tùng phục” mà thánh Phao-lô dùng ở đây chỉ là vay mượn của định chế xã hội để diễn tả cách biểu lộ tình yêu của người vợ dành cho người chồng trong hôn nhân Ki-tô giáo.

        -  “Như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh”:  Thánh Phao-lô muốn mời gọi chúng ta trước hết hãy chiêm ngưỡng tình yêu của Đức Ki-tô dành cho Hội Thánh.  Đó là tình yêu của Đấng đã khẳng định:  “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15:13).  Vì muốn thấy “có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền,” nên Đức Ki-tô đã chấp nhận chịu chết trên thập giá để xóa đi tội lỗi của nhân loại và tạo dựng một nhân loại mới.  Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh không phải chỉ nhất thời, nhưng là tình yêu trung thành.  Người vẫn tiếp tục “thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống.”

        Nước rửa tội và lời hằng sống của Đức Ki-tô là khí cụ để mọi Ki-tô hữu biến đổi mỗi ngày một xứng đáng làm con cái Chúa hơn.  Nước rửa tội vẫn phải sống động trong tâm hồn Ki-tô hữu, nhắc nhở họ về những lời hứa từ bỏ ma quỷ và tội lỗi.  Lời hằng sống của Đức Ki-tô phải được suy gẫm, cuộc sống của Người phải được chiêm niệm, để tín hữu được am tường về chính mình và về Chúa, cũng như được sống trong mối tương quan mật thiết với Người.

 

b)  Yêu và kính trong hôn nhân Ki-tô giáo  

        Để kết thúc cho đoạn huấn dụ về đời sống hôn nhân, thánh Phao-lô viết:  “Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng.”  Có lẽ lời khuyên này thích hợp hơn lúc nào hết đối với người sống bậc vợ chồng hôm nay.  Nhiều người chồng hôm nay không yêu vợ như chính mình, nhưng như thứ đồ chơi để thỏa mãn dục vọng.  Họ không sống theo mẫu mực tình yêu của Đức Ki-tô, mà chỉ lấy tính ích kỷ của mình để áp bức người vợ.  Họ không chia sẻ trách nhiệm gia đình với vợ, nhưng chỉ tay năm ngón và coi việc giúp đỡ vợ là làm giảm phẩm giá của họ.  Nhưng cũng có nhiều người vợ không kính chồng, vì tương quan hôn nhân của họ đã được đánh giá bằng số tiền lương họ đem về nhiều hơn là tiền lương của chồng.

        Trong tình yêu có sự kính trọng và kính trọng chứa đựng một tình yêu trưởng thành, không thể thiếu điều nào trong hôn nhân.  Mối tương quan giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh là mối tương quan của yêu và kính.  Hai yếu tố này giúp cho Đức Ki-tô và Hội Thánh càng ngày càng khăng khít hơn, để mai ngày được kết hợp với nhau hoàn toàn trong Tình Yêu tuyệt đối là chính Thiên Chúa.  Đề cao gương mẫu ấy, thánh Phao-lô có lẽ muốn chúng ta hiểu rằng hôn nhân Ki-tô giáo là ơn gọi để vợ chồng phản ánh sự kết hợp vẹn toàn giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh.  Như thế, ơn gọi của bậc sống hôn nhân quả thực là cao cả!

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

 

        Qua những kinh nghiệm của nhiều vợ chồng Việt Nam, tôi thấy vợ chồng phải thay đổi những gì để trở thành hôn nhân Ki-tô giáo đích thực?

        Chúa Ki-tô yêu Hội Thánh như thân thể của Người.  Vậy, là một chi thể của Hội Thánh, tôi cảm nhận được tình yêu ấy cách nào và như thế nào?  Tôi phải làm gì để đáp lại tình yêu của Người?

        Nếu tôi là bậc cha mẹ phải chuẩn bị cho con cái lập gia đình, tôi sẽ làm gì để chuẩn bị cho chúng sống hôn nhân Ki-tô giáo?

       

Cầu nguyện kết thúc

 

        Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát bài “Cầu xin Thánh Gia”  (Giu-se trong xóm nhỏ điêu tàn thuở xưa miền Na-da-rét...).

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi

21-8-2003


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà