CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:  1 Phê-rô 3: 18-22

          Để suy niệm bài đọc Tân Ước hôm nay, có lẽ chúng ta phải đặt nó trong bối cảnh của Phụng vụ Lời Chúa, đặc biệt trong liên hệ với bài Tin Mừng.  Bài Tin Mừng Mác-cô chỉ nhắc qua đến biến cố Chúa Giê-su chịu cám dỗ trong hoang địa, rồi nói cho chúng ta biết Chúa Giê-su khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng một sứ điệp vô cùng quan trọng:  “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”  Tin Mừng ở đây không chỉ có nghĩa là những gì Chúa Giê-su rao giảng, mà còn là chính con người Chúa Giê-su nữa.  Đặt bài đọc Tân Ước trong liên hệ chặt chẽ với bài Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy đoạn thư 1 Phê-rô 3:18-22 là một quảng diễn không thể thiếu, giúp chúng ta hiểu rằng tin vào Tin Mừng có nghĩa là tin Đức Ki-tô và sứ vụ cứu thế của Người.  Vậy qua đoạn thư này, thánh Phê-rô muốn trình bày điều gì về Đức Ki-tô?  Đồng thời thánh Phê-rô cũng muốn nói chúng ta phải làm gì để biểu lộ niềm tin vào Tin Mừng ấy?

 

a)  Đức Ki-tô đã chịu chết một lần vì tội lỗi chúng ta, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh

          Cái chết của một người thân yêu lại có thể là một “tin mừng” cho chúng ta hay sao?  Người đời nghĩ là không thể.  Nhưng nếu nhìn vào mục đích và hiệu quả cái chết của Đức Ki-tô và hiểu ý nghĩa khẳng định của Người:  “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình;  còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12:24), chúng ta sẽ thấy cái chết của Người đích thực là một tin mừng vĩ đại nhất.  Chiều kích vĩ đại của tin mừng ấy được diễn tả bằng hai yếu tố:  1) chết một lần, và 2) đền bù tất cả tội lỗi chúng ta.  Nghĩa là cái chết của Đức Ki-tô đã đem lại hiệu quả vô cùng lớn lao.  Chỉ nguyên cái chết của Người cũng đã đủ để chuộc lại lỗi lầm của toàn thể nhân loại mọi thời mọi nơi.

          Tuy nhiên, theo kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, cái chết của Chúa Ki-tô mới chỉ là bước đầu để chúng ta được sống lại từ cõi chết tội lỗi, đồng thời là căn bản để từ đó chúng ta sống một cuộc sống mới theo Thần Khí của Người.  Trong tiến trình cứu rỗi, chúng ta phải tiếp tục sống trong sự Phục Sinh của Đức Ki-tô.  Chúng ta có khuynh hướng muốn tách rời hai thực tại “chết” và “sống lại” nơi Đức Ki-tô.  Do đó, thánh Phê-rô đã cẩn thận trình bày cả hai thực tại này và liên kết lại để chúng ta có một cái nhìn nhất quán về sứ vụ cứu thế của Đức Ki-tô.  Trên con đường “dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa,” cả sự chết lẫn sự sống lại của Đức Ki-tô đều tác động trong chúng ta, để mỗi ngày cùng với Người, chúng ta “chết đi cho tội lỗi” và sống lại trong con người mới.

 

b)  Chúng ta phải làm gì để sống niềm tin vào Tin Mừng?

          Trước khi đề cập tới những gì chúng ta phải làm để sống niềm tin vào Đức Ki-tô và Tin Mừng của Người, thánh Phê-rô không quên nhắc tới vai trò quan trọng của Bí tích Rửa tội.  Ngài đã lấy lại hình ảnh nước lụt Hồng thủy và con tàu của ông Nô-ê để nói lên nước rửa tội cứu thoát chúng ta.  Nhờ nước Rửa tội và nhờ sự sống lại của Đức Ki-tô, chúng ta được ở trong một tư thế mới để có thể “cầu xin Thiên Chúa ban cho mình một lương tâm trong trắng.”  Lương tâm trong trắng là một cách nói để diễn tả con người mới của chúng ta sau khi được rửa tội.  Tội tổ tông và cả những tội riêng của chúng ta đã được tẩy sạch nhờ nước Rửa tội.  Chúng ta được làm con cái Chúa, đồng thừa kế với Đức Ki-tô.  Chúng ta từ nay được phục hồi khả năng “đến cùng Thiên Chúa” là khả năng đã bị mất đi do tội tổ tông.  Trước đây, khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người là khoảng cách vô hạn.  Bây giờ, nhờ Ngôi Lời nhập thể mặc lấy những hữu hạn của loài người, khoảng cách ấy đã được nối liền.  Bí tích Rửa tội là khởi đầu của hành trình trên khoảng cách đã được nối liền ấy và đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa.

          Giữ lương tâm trong trắng có nghĩa là làm sao giữ nguyên vẹn được hình ảnh của chúng ta sau khi được rửa tội.  Vì những khuynh hướng xấu và ảnh hưởng của tội lỗi vẫn còn hoành hành, thêm vào đó con người chúng ta vẫn có tự do để lựa chọn điều tốt hay điều xấu, cho nên chúng ta có thể sa ngã phạm tội, chết lại trong tội.  Nhưng Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta phương thế để được sống lại sau khi đã chết trong tội, đó là Bí tích Hòa giải.  Chúa đầy lòng thương xót luôn mời gọi chúng ta chỗi dậy như người con hoang đàng trở về, để Người được vui vì “con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15:24,32).

          Để khích lệ chúng ta hãy kiên trì trên đường đến cùng Thiên Chúa, thánh Phê-rô thêm vào một chi tiết đầy ý nghĩa:  Đức Ki-tô Phục Sinh ngự bên hữu Thiên Chúa, có các thiên sứ và toàn thể thần minh phục quyền.  Hình ảnh ấy là bảo đảm cho tương lai của chúng ta.  Ông Nô-ê và gia đình đã nghe theo lời dạy của Thiên Chúa nên đã được cứu sống.  Cũng thế, nếu chúng ta tin vào Đức Ki-tô và sống Tin Mừng của Người, chúng ta sẽ được chia sẻ vinh thắng với Người.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Sau khi trình bày về sứ vụ cứu chuộc của Chúa Ki-tô, thánh Phê-rô mời gọi chúng ta hãy đoạn tuyệt với tội lỗi và sống theo ý Chúa.  Vậy tôi đã áp dụng những đường lối nào để đoạn tuyệt với tội lỗi?  Tôi gặp những khó khăn nào?

          Đáp lại ân sủng cứu chuộc, tôi có cố gắng sống lại mỗi ngày trong con người mới không?  Tôi đã làm gì để ân sủng ấy mỗi ngày một lớn lên trong tôi?

          Những lời hứa rửa tội có là những nhắc nhở hằng ngày để tôi sống như con cái Chúa không?  Có cách nào cụ thể giúp tôi luôn tâm niệm những lời hứa ấy không?

         

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng đọc lời nguyện sau đây:

 

Lạy Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa,

Chúa đã làm người như chúng con, nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.

Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc, mà con người lại yếu đuối mong manh.

Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt, và giữa ánh sáng cũng có những bóng mờ đe dọa.

Lạy Chúa Giê-su, nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến, xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu Chúa đã buồn muốn chết được.

Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây, xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá Chúa đã thốt lên:  Sao Cha bỏ con?

Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.  Xin đồng hành với con để con không cô đơn.

Xin cho con yêu đời luôn dù đời chẳng luôn đáng yêu.

Xin cho con can đảm đối diện với những thách đố

vì biết rằng cuối cùng chiến thắng thuộc về người có niềm hy vọng lớn hơn.  A-men.

(Trích RABBOUNI, lời nguyện 28)

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà