CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:  Ê-phê-xô 2: 4-10

          Thánh Phao-lô rao giảng Tin Mừng tại Ê-phê-xô trong chuyến hành trình truyền giáo thứ ba.  Ngài ở lại đó trên hai năm (54-57) và đưa về rất đông anh chị em tân tòng.  Thư này ngài viết cho họ từ trong tù ở Rô-ma, nhắc nhở họ rằng theo kế hoạch cứu độ, việc họ được tuyển chọn và cứu rỗi là hoàn toàn do ân huệ của Thiên Chúa. 

So sánh đoạn thư Ep 2:4-10 với Rm 6:3-11 cho thấy tuy quảng diễn cùng một chủ đề giáo lý, nhưng thánh Phao-lô đặt vào hai thời điểm khác nhau.  Thư Rô-ma coi ơn được cùng sống lại và ngự trị với Đức Ki-tô như thực tại sẽ xảy ra trong tương lai, còn thư Ê-phê-xô coi đó là một thực tại đã có.  Các động từ trong đoạn thư Ep đặt ở thì quá khứ với mục đích đề cao tính cách chủ động của Thiên Chúa:  “Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời.”  Thánh Phao-lô cũng lập đi lập lại kết luận:  “Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ!”  Vậy bởi đâu chúng ta được ban ân sủng này và chúng ta phải đền đáp ân sủng này như thế nào?

 

a)  Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta

          Mọi ân huệ Thiên Chúa ban cho chúng ta đều phát xuất từ lòng thương xót và yêu mến của Người.  Lòng thương xót và yêu mến của Thiên Chúa không chỉ tỏ ra đối với người Do-thái, mà còn đối với Dân ngoại nữa, nghĩa là đối với mọi người không trừ ai.  (Nếu đọc các câu 1-4, sẽ thấy thánh Phao-lô phân biệt: “anh em” tức là Dân ngoại hoặc tín hữu Ê-phê-xô, còn “chúng tôi” tức là người Do-thái, và “chúng ta” tức là cả Dân ngoại lẫn Do-thái).  Lòng thương xót và yêu mến của Chúa không giới hạn đối với chủng tộc đã đành, nhưng hơn thế nữa, lại còn không giới hạn đối với tình trạng bất xứng của họ nữa.  Người dân ngoại thì “đã chết vì những sa ngã và tội lỗi” hoặc như “những kẻ không vâng phục.”  Còn người Do-thái thì “buông theo các đam mê của tính xác thịt” và “đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.”  Nhưng những trở ngại ấy không ngăn chặn được lòng thương xót và yêu mến của Thiên Chúa.  Và đây cũng là một điệp khúc được Kinh Thánh, đặc biệt là các Thánh Vịnh, luôn tuyên xưng:  “Vì tình Người thương ta bền vững muôn đời” hoặc “Tôi sẽ ca tụng lòng thương xót của Chúa đến muôn đời.”

          Để tỏ ra lòng thương xót và yêu mến vô bờ ấy, Thiên Chúa đã làm gì?  Nhìn lại thân phận mình, chúng ta hết thảy đều thấy mình “đã chết vì sa ngã.”  Tuy nhiên, vì yêu mến và thương xót chúng ta, Chúa không muốn chúng ta phải chết luôn và phải hư mất, nhưng Người muốn chúng ta được cùng sống lại với Đức Ki-tô, cùng sống với Đức Ki-tô và cùng ngự trị với Đức Ki-tô.  Tiến trình sống lại – sống – ngự trị cùng với Đức Ki-tô đã trở thành một thực tại cho người tín hữu khi họ lãnh nhận Bí tích Rửa tội.  Thực tại này có được là hoàn toàn do ân sủng Thiên Chúa, chứ không phải bởi sức riêng hay việc làm của chúng ta.

 

b)  Chúng ta phải làm gì để đáp lại lòng thương xót và yêu mến của Thiên Chúa?

          Nhận ra lòng thương xót và yêu mến của Thiên Chúa phải là thái độ căn bản.  Thật là vô ơn và vô tình nếu chúng ta không muốn nhìn nhận mình được Thiên Chúa yêu mến và xót thương.  Cội nguồn của chúng ta là đến từ tình yêu thương của Thiên Chúa tạo dựng.  Hoặc nói như thánh Phao-lô:  “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa.”  Tác phẩm mang những đường nét đặc thù của nghệ sĩ.  Chính nơi chúng ta đang mang đầy vết tích của lòng thương xót và yêu mến của Thiên Chúa.

          Mô tả rõ ràng hơn về “tác phẩm của Thiên Chúa,” thánh Phao-lô khẳng định:  “Chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su.”  Đức Ki-tô đã trở thành một khuôn mẫu sống động để chúng ta được biến đổi khi kết hiệp với Người.  Việc tạo dựng mới này không xảy ra trong một giây phút cố định, nhưng là tiến trình liên tục trở nên giống Chúa Ki-tô mỗi ngày một hơn.  Tu đức học sử dụng những từ khác nhau để nói về tiến trình này, như trở nên giống Chúa Ki-tô, được Ki-tô hóa.

          Nghĩa là lòng thương xót và yêu mến của Thiên Chúa vẫn sẵn sàng cho chúng ta được sống lại từ tình trạng chết bởi tội lỗi, được sống theo khuôn mẫu Đức Ki-tô và đem chúng ta tiến đến vinh quang của Đức Ki-tô mỗi ngày một gần hơn.  Đó cũng là “công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.”

 

c)  Để nên giống Chúa Ki-tô

          Đây không chỉ là một chương trình đặc biệt dành cho mùa Chay mà thôi, nhưng cho tất cả cuộc sống của chúng ta mọi lúc và mọi nơi.  Thánh I-nhã thành Loyola đã để lại cho chúng ta một phương thức trở nên giống Chúa Ki-tô qua kinh nghiệm tu đức Linh Thao của ngài.  Chiêm ngắm Chúa Ki-tô trong các mầu nhiệm của Người sẽ giúp chúng ta biết Người rõ hơn, yêu mến Người nồng nàn hơn và bước theo Người sát hơn.  Biết, yêu mến và bước theo Chúa Ki-tô là những cảm nghiệm sẽ dần dần biến đổi con người của chúng ta bằng cách mặc lấy những tâm tình của Người và thể hiện cũng những tâm tình ấy qua đời sống hằng ngày của chúng ta.

          Các bài đọc Tân Ước trong mùa Chay cho chúng ta những hình ảnh gương mẫu của Đức Ki-tô, đặc biệt nhất là hình ảnh Con Yêu Dấu của Chúa Cha.  Hình ảnh ấy luôn ở trước mắt chúng ta để chúng ta nhìn ngắm, yêu mến, đối chiếu với cuộc sống mình và khích lệ tinh thần chúng ta trong hành trình sống lại – sống với – ngự trị cùng với Chúa Ki-tô.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Nhìn lại cuộc sống cá nhân, tôi căn cứ vào những gì để nhận biết Chúa thương xót và hết mực yêu mến tôi?

          Tôi có quan tâm tới thực tại được sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô như một ân sủng được Thiên Chúa ban nhưng không không?  Không để ý tới thực tại này đã gây nên thiệt hại nào cho đời sống đức tin của tôi?  Tôi phải sửa lại thế nào?

          Tôi có thể cầu nguyện với bài Tin Mừng Gio-an 3:14-21, quảng diễn cùng một chủ đề.

 

Cầu nguyện kết thúc

                   Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm có thể đọc lời nguyện sau đây:

          Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế Người là tất cả của tôi.

          Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,

          nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi, đến với Người trong mọi sự

          và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.

          Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.

          Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì, nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn

          của Người và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.                     - R. Tagore

                                                (Trích RABBOUNI, lời nguyện 44)

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà