Chúa Nhật V mùa Chay – B

 

          Đời sống chúng ta khởi đầu bằng sự mất mát.  Khi sinh ra, chúng ta bị đẩy ra khỏi lòng mẹ, mất đi một chỗ thật ấm áp và thoải mái chúng ta đã sống hơn chín tháng trời.  Bác sĩ hoặc y tá nắm cẳng chúng ta dốc ngược lên, vỗ mấy cái cho chúng ta khóc thét.  Cuộc chia ly lòng mẹ kinh hãi như vậy đó!  Để có một chỗ trên thế giới này, chúng ta đã phải mất đi nơi chốn thoải mái trước đây trong lòng mẹ và cảm nhận cái đau của mất mát.  Rồi tiếp tục trong cuộc đời, chúng ta phải đối phó với bao nhiêu mất mát khác nữa để được trưởng thành và có thể thành công trên trường đời.  Thực đúng như lời Chúa Giê-su nói trong bài Tin Mừng hôm nay:  “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình;  còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”

 

          Khác với các sách Tin Mừng Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca, sách Tin Mừng Gio-an không đặt cơn hấp hối của Chúa Giê-su trong bối cảnh đêm khuya tĩnh mịch ở Vườn Cây Dầu, nhưng trong một khung cảnh đặc biệt, đó là giữa đám đông tại phố xá Giê-ru-sa-lem và sau khi Chúa long trọng vào thành với tư cách là Đấng Ki-tô.  Thời điểm ấy, khách hành hương đang lũ lượt kéo về Giê-ru-sa-lem để mừng lễ Vượt qua, có cả một số người Hy-lạp nữa.  Họ đã nghe nói về Chúa Giê-su nên muốn biết và gặp Người.  Nhưng đối với Chúa Giê-su, trong lễ Vượt qua năm nay, con chiên dùng để sát tế sẽ là chính Người.  Sắp sửa đến lúc Chúa Giê-su phải mất mát tất cả.  Người sẽ phải mất tự do, mất những người thân yêu, môn đệ và bạn bè, mất sự nâng đỡ khích lệ của những người chung quanh, và cuối cùng mất đi chính sự sống quý giá của Người.  Cho nên không lạ gì khi chúng ta thấy Chúa Giê-su công khai bày tỏ tâm trạng lo lắng bồn chồn về những mất mát ấy.  Người nói với các môn đệ:  “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến!  Thầy biết nói gì đây?”  Rồi Người cầu nguyện với Chúa Cha:  “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến.  Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha.”  Qua lời tâm sự và cầu nguyện của Chúa Giê-su, chúng ta có thể thấy Người thật là gần gũi với chúng ta, am hiểu được những mất mát của chúng ta, đồng thời chúng ta cũng thấy Chúa Giê-su là một người con gương mẫu của Thiên Chúa, luôn đặt vinh danh của Thiên Chúa lên trên quyền lợi cá nhân của mình.  Không thể có vinh quang nếu không có thập giá!

 

          Đối với Chúa Giê-su, tưởng có thể tránh đau khổ và cái chết chỉ là một hy vọng giả tạo cần phải loại bỏ.  Ở đây mất đi sự sống là một mất mát cần thiết phải có, phải xảy ra.  Đường thập giá đã thấp thoáng ngay từ buổi khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng giờ đây đã trở nên rõ ràng và không thể tránh né.  Chúa Giê-su quyết định chấp nhận xỉ nhục và hấp hối do thập giá và chấp nhận cái chết hèn hạ của một tội nhân.  Nhưng, chấp nhận như thế không phải là dễ, trái lại, như thánh Gio-an đã viết, Chúa Giê-su đã cảm thấy bồn chồn lo lắng, vì đau khổ sẽ là tột độ và mất mát quả là lớn lao.  Tuy nhiên, chính vì liên hệ mật thiết với Chúa Cha và tôn kính ý muốn của Người, Chúa Giê-su đã tìm thấy động lực để chấp nhận và có thể vững tâm tới cùng.

 

          Tất cả những mất mát của Chúa Giê-su lại trở nên mối lợi cho chúng ta và toàn thể nhân loại.  Hành vi hy sinh quên mình của Người đã trở thành cột trụ của lịch sử Ki-tô giáo.  Chính Chúa Giê-su đã dùng một hình ảnh thực tế, đẹp và sống động để diễn tả hành vi cao thượng ấy:  “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình;  còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”  Và hơn thế nữa, không chỉ sinh được nhiều hạt khác, mà còn đem lại cho chúng sự sống đời đời với Thiên Chúa, như Chúa Giê-su đã hứa:  “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất (tức là trên thập giá), tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.”

 

          Qua bài Tin Mừng hôm nay, lời giảng dạy đơn sơ và cầu nguyện chân thành của Chúa Giê-su đã soi sáng cho chúng ta hiểu được giá trị và hiệu quả của cái chết hy sinh Người chấp nhận để làm vinh danh Thiên Chúa và cứu rỗi chúng ta.  Nhưng cái chết ấy cũng soi sáng để chúng ta hiểu được giá trị của những mất mát và hy sinh chúng ta chịu để sinh ích lợi cho chính chúng ta, cho gia đình, cho tha nhân, cho cộng đoàn và cho xã hội.  Trong cuộc chiến tranh hiện thời, có lẽ phần đông báo chí và phương tiện truyền thông chỉ trình chiếu một cách tiêu cực về những thiệt hại mất mát, về những cái chết của người lính Hoa-kỳ và đồng minh, mà quên đi hoặc cố tình quên đi nét cao thượng và anh hùng của những cái chết đó.  Trong đời sống gia đình, bậc làm cha mẹ đã hy sinh thật nhiều cho tương lai của con cái, cũng có thể đối chiếu và tháp nhập hy sinh của mình với hy sinh của Chúa Ki-tô, để thấy rằng những hy sinh của mình không phải là vô nghĩa.  Trong một giáo xứ hay một cộng đoàn cũng vậy: hy sinh của mọi người, từ linh mục cho đến giáo dân, từ người già cho đến người trẻ, đều được đóng góp, đều xoay quanh hy sinh của Chúa Giê-su trên thánh giá, để tất cả cùng nhau xây dựng một cộng đoàn yêu thương và phục vụ.  Nhất là qua ý nghĩa của hy sinh thập giá chúng ta suy niệm hôm nay, mỗi khi tham dự Thánh lễ, chúng ta sẽ thấy rõ hơn ý nghĩa của tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ qua hy tế đặt trên bàn thờ là chính Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

 

Ngày 3-4-2003

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà