CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:  1 Gio-an 4: 7-10

          Trong phần thứ nhất, Thư 1 Gio-an thường nói về đức tin và đức ái.  Giờ đây thánh Gio-an so sánh hai nhân đức đó với nhau và mời gọi chúng ta tìm đến nguồn cội của hai nhân đức đối thần ấy.  Trong bài đọc hôm nay, Phụng vụ Lời Chúa trình bày đức ái bắt nguồn từ Thiên Chúa.  Truy nguyên này còn giúp chúng ta đi xa hơn nữa, tức là nhận biết Thiên Chúa không chỉ là nguồn đức ái, nhưng Người còn là chính Tình Yêu.

          Đời sống mới của Ki-tô hữu là sống yêu thương.  Nhưng sống yêu thương phải đặt trên căn bản nào?  Thánh Gio-an trả lời:  trên chính Tình Yêu là Thiên Chúa.  Theo dòng tư tưởng, trước hết ngài đề cập tới bổn phận của Ki-tô hữu là phải thương yêu nhau, rồi giải thích lý do chúng ta phải yêu thương nhau là vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta.  Tuy nhiên để giúp chúng ta thực hành yêu thương, chúng ta sẽ suy gẫm về tình yêu của Thiên Chúa như gương mẫu, sau đó suy nghĩ về bổn phận yêu thương của chúng ta.

 

a)  Vì Thiên Chúa là tình yêu

          Đó là câu trả lời ngắn gọn, nhưng giải đáp được mọi sự, từ khao khát căn bản của con người cho tới những chi tiết nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống.  “Thiên Chúa là tình yêu” là một trong ba kiểu diễn tả về Thiên Chúa chúng ta đọc thấy trong sách Tin Mừng và Thư I của thánh Gio-an.  Diễn tả “Thiên Chúa là Thần Khí” trong Ga 4:24 nhắc nhở chúng ta về một sự thờ phượng mới và đích thực, không nhất thiết phải ở địa điểm núi này núi kia hay tại Giê-ru-sa-lem, nhưng là trong tinh thần và sự thật.  Diễn tả “Thiên Chúa là ánh sáng” trong 1 Ga 1:5 nói cho chúng ta biết Thiên Chúa là nguồn sự thật và thánh thiện, tức Thiên Chúa của những ai đã được sinh lại trong sự sống mới;  do đó từ nay họ phải “đi trong ánh sáng” và “hành động theo sự thật.”

          Chúng ta là con cái của Sự Sáng nên phải đi trong ánh sáng, cũng vậy, chúng ta là con cái của Tình Yêu nên phải sống yêu thương.  Lý lẽ thánh Gio-an sử dụng để biện minh cho một lối sống Ki-tô hữu đích thực bao giờ cũng dựa trên căn bản chúng ta là con cái Thiên Chúa, như chúng ta thấy qua các bài đọc từ Chúa Nhật 2 Phục Sinh trở đi.

          Diễn tả Thiên Chúa là tình yêu, thánh Gio-an không có ý sử dụng một ý niệm tình yêu trừu tượng của triết học, tình yêu “nơi đầu môi chót lưỡi” (3:18), nhưng là tình yêu tích cực, sáng tạo và sống động được biểu lộ bằng hành động cụ thể.  Ngài nêu lên hai hành động cốt yếu của tình yêu Thiên Chúa:  sai Con Một đến thế gian để chúng ta được sống, và yêu thương chúng ta trước khi chúng ta yêu mến Người.  Quả thực là tình yêu của Cha dành cho con cái!  Cha lúc nào cũng nghĩ tới và lo lắng cho sự sống của con cái.  Cha lúc nào cũng yêu thương con cái trước khi con cái biết yêu mến mình.  Tuy nhiên tình yêu người cha thế gian cũng chỉ là tương đối, không thể hoàn toàn nói lên được tình yêu tuyệt đối và vô điều kiện của Cha trên trời.  Tình yêu tạo dựng của Thiên Chúa đã phong phú bao la, thì tình yêu cứu chuộc của Người lại có vẻ còn tràn đầy sung mãn hơn nữa.  Chính vì thế Người đã không tiếc Con Một, để cho Chúa Giê-su “làm của lễ đền tội vì tội lỗi chúng ta.”

 

b)  Bài học vỡ lòng về tình yêu:  Ai yêu thương thì biết Thiên Chúa

          Ngay từ khi đứa bé bắt đầu bập bẹ trên lòng mẹ, nó đã được dạy những lời yêu thương như gọi mẹ, gọi ba, nói I love you, hoặc những cử chỉ yêu thương như hôn, hôn gió, ôm... để biểu lộ mối quan hệ giữa nó với người khác.  Thánh Gio-an cũng gợi lên ở đây bài học vỡ lòng về yêu thương với một khẳng định ngắn gọn, rõ ràng:

          Ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra:  Yêu thương không phải đơn thuần là một cử chỉ trong một khoảnh thời gian và dành cho một người nào đó mà thôi.  Nhưng yêu thương là một thái độ, một quan hệ, một lối sống hoặc một hành trình liên tục mà mỗi người chúng ta phải giữ gìn và phát triển.  Cũng vậy, “được Thiên Chúa sinh ra” không có nghĩa là sau khi tôi được rửa rội, thế là tôi đương nhiên làm con cái Thiên Chúa vĩnh viễn!  Nhưng là tôi phải tiếp tục tập “làm con cái Thiên Chúa,” tiếp tục trở nên những con người sống yêu thương như Cha muốn tôi sống.  Nói cách khác và vắn gọn:  Khi tôi sống yêu thương thì đích thực tôi là con cái Thiên Chúa.

          Trái lại, ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa:  Đây chỉ là một cách trình bày khía cạnh tiêu cực của cùng một khẳng định.  “Không biết Thiên Chúa” là lối nói ám chỉ những người không thuộc về Thiên Chúa, không phải là con cái Người, không sống trong mối quan hệ mật thiết với Người.

          Vậy chúng ta phải sống yêu thương như thế nào?  Biết sao thì sống như vậy.  Chúng ta biết Thiên Chúa đã yêu thương đến cùng, không giữ lại gì cả, như Chúa Cha đã cho đi Con Một của mình, như Chúa Con đã chết trên thập giá, và như Chúa Thánh Thần đã được trao ban “vô ngần vô hạn” (Ga 3:34).  Chúng ta biết Thiên Chúa đã yêu thương trước;  Người không đặt điều kiện, không tính toán.  Quan trọng hơn nữa, đó là chúng ta có dám sống những điều mình biết không.  Để giải đáp cho thách đố này, chúng ta hãy trở lại với chân lý:  Vì Thiên Chúa là tình yêu.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Đoạn thư của thánh Gio-an đòi chúng ta phải xác định lại căn tính đích thực của mình.  Vậy Thiên Chúa là tình yêu, và tôi là con Thiên Chúa nên tôi là con của Tình Yêu.  Tôi xác tín điều này như thế nào trong qua khứ?  Xác tín “lơ mơ” về căn tính của mình đã ảnh hưởng tới cuộc sống quá khứ của tôi thế nào?

          Yêu thương hết lòng và không điều kiện là đặc tính của tình yêu Thiên Chúa.  Tôi áp dụng những điểm ấy vào cuộc sống hằng ngày đối với những người chung quanh tôi như thế nào?

          Tôi có hiểu được cách Phụng vụ Lời Chúa trình bày qua bài đọc Tân Ước về chủ đề sống như con cái Thiên Chúa như thế nào không?  Tôi đọc lại từ Chúa Nhật 2 Phục Sinh để có một cái nhìn nhất quán.

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, hát bài “Đâu có tình yêu thương”, hoặc cầu nguyện với lời nguyện sau đây:

Lạy Chúa, xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình, nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa, vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thườngđể mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen, mọi trả thù ti tiện.

Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng, không một biến cố nào làm xáo trộn, không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công, cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.

Xin cho quả tim con đủ lớn để yêu người con không ưa.

Xin cho vòng tay con luôn rộng mở để có thể ôm cả những người thù ghét con.

                                                (Trích RABBOUNI, lời nguyện 3)

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà