ĐƯỜNG LÊN THIÊN THAI.

 

Lễ Thăng Thiên C.

 

Thiên thai gợi lên bao nhiêu hình ảnh viễn mộng.   Một cảnh tượng tuyệt vời hầu như không bao giờ tìm thấy trong cuộc đời thực tế.   Thế nhưng hôm nay Đức Giêsu sẽ hướng tất cả nhân loại nhìn về cảnh thiên thai, nơi Chúa Cha đang chờ đợi Chúa Con  trở về trong vinh quang sau bao thử thách trần gian.

 

NIỀM VUI LY BIỆT.

 

Giây phút cuối cùng cuộc đời Đức Giêsu đã đến.   Khác hẳn những ngày đi trong bóng đêm thập giá, các môn đệ “lòng đầy hoan hỷ” (Lc 24:52) khi “Người rời khỏi các ông và được đem lên trời.” (Lc 24:51)  “Niềm vui đã được loan báo khi thánh Gioan và Đức Giêsu sinh ra (Lc 1:14; 2:10) và khi Đức Giêsu chuẩn bị sứ vụ (Lc 8:13; 10:17; 15:7, 10), nhưng nay sẽ hoàn thành vào giây phút cuối cùng.” (NIB 1995:489)  Hình ảnh tuyệt vời đó không cuốn đi tất cả những gì tươi đẹp nhất khỏi trần gian.   Trái lại, từ nay niềm hi vọng sẽ tràn ngập mặt đất vì “Thầy sẽ gởi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa.” (Lc 24:49)   Đúng hơn, “anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần,” (Cv 1:8) để thực hiện tất cả giấc mộng cứu nhân độ thế.

 

Giấc mộng đó thành sự thật khi “anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1:8)   Ơn cứu độ có một chiều kích vượt khỏi tầm nhìn của các tông đồ, nhưng đồng thời cũng có một độ sâu không ai dò thấu, tức là lòng người.   Chính nơi đây sẽ diễn ra một chuyển biến lớn lao.   Vâng lời Thầy, các môn đệ “phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.” (Lc 24:47)   Làm cách nào đi sâu vào lòng người như thế ?   Thưa, “chính anh em là chứng nhân về … Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại.” (Lc 24:48, 46)   Chỉ có kinh nghiệm sống với Thầy mới đánh động lòng người sâu thẳm như vậy.   Các môn đệ không làm chứng về giáo lý hay phép lạ.   Tất cả lời giảng chỉ xoay quanh sự kiện khổ nạn và phục sinh mà thôi. 

 

Nhưng sự kiện đó chỉ được một số ít chứng kiến.   Làm sao lời chứng đó vẫn còn giá trị đối với những người không bao giờ được diễm phúc sống với Đức Giêsu ?   Thực ra “ý nghĩa lời chứng đã chuyển từ vai trò chứng kiến tận mắt sang vai trò có thể làm chứng về tầm quan trọng của Đức Giêsu.   Thánh Phaolô có thể làm chứng bằng lời tuyên xưng, mà chẳng phải là chứng nhân tận mắt những biến cố về sứ vụ Đức Giêsu (Cv 1:22)” (NIB 1995:488)   Không thấy nhưng vẫn có thể làm chứng mạnh mẽ.   Chỉ Thánh Linh mới có thể thực hiện được việc đó nơi các chứng nhân sau này.   Lời chứng ngày càng mạnh mẽ và tạo nên những chứng nhân anh hùng.  Nếu không tin, người ta dễ kết án là cuồng tín hay mê tín.   Trái lại, đức tin sẽ giúp con người nhận ra “niềm hi vọng”, “gia nghiệp vinh quang phong phú” và “quyền lực vô cùng lớn lao” (Ep 1:18, 19) nơi những lời chứng đó.   “Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực,” (Ep 1:19) vì phát xuất tự Thánh Linh.     

 

Thánh Linh đã phục sinh Đức Giêsu, trả lại danh dự và rửa nhục cho Người.  Thăng thiên chính là lúc Người chiến thắng kẻ thù và tìm về nguồn gốc thần linh của mình.   Tầm vóc thần linh của Người vươn cao đến ngai tòa Thiên Chúa.   Từ nay Người sẽ bá chủ muôn loài và đi vào tương quan sâu xa hơn với cộng đoàn Người đã thiết lập trên trần gian.   Quả thế, “Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội thánh.” (Ep 1:22)    Khi “rời khỏi các ông và được đem lên trời” (Lc 24:51) , Người vẫn không quên “giơ tay chúc lành cho các ông.” (Lc 24:50)   Chính nhờ phúc lành ấy, các ông đã phấn khởi lên đường làm chứng cho Chúa.   Phúc lành như một bảo chứng “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:20)   Phúc lành báo trước “quyền năng từ trời cao ban xuống.” (Lc 24:49)   Người càng lên cao, quyền lực ấy càng lan rộng.   Lan rộng tới mức bao trùm cả vũ trụ, vì quyền lực Người lên tới tột đỉnh khi ngự bên hữu Chúa Cha (x. Ep 1:20).

 

Nhờ quyền lực ấy, các tông đồ đã có thể làm cho nhiều con mắt và tâm trí nhìn thấy tính cách “hữu lý” của mầu nhiệm phục sinh và nghe theo những lời giải thích Kinh thánh mà đi theo sự hướng dẫn của các môn đệ và “chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24:53) không ngừng (x. NIB 1995:489)   Nhờ đó, tín hữu ngày càng đào sâu niềm tin nơi Thiên Chúa.   “Cộng đoàn niềm tin kinh nghiệm Thiên Chúa như Đấng cứu độ, sai đi và chúc lành.” (NIB 1995:490)   Từ kinh nghiệm sâu xa đó, họ mới có thể chia sẻ với người khác tất cả phúc lành đã đón nhận từ nơi Thiên Chúa.   Cộng đoàn đức tin không thể sống mà không có phúc lành đó.  Chính nhờ phúc lành cộng đoàn mới có thể tìm được niềm vui lớn lao và năng lực thi hành những điều Chúa truyền dạy.  Niềm vui là dấu chỉ cộng đoàn đang sống trong phúc lành của Chúa.  “Niềm vui là kết quả tự nhiên của phúc lành.” (NIB 1995:490)   Khi đón nhận phúc lành, “các ông bái lạy Người”, “lòng đầy hoan hỉ,” và “chúc tụng Thiên Chúa.” (Lc 24:52, 53)   Đó là những phản ứng tự nhiên của những tấm lòng biết ơn và suy phục Thiên Chúa.

 

Vì thế “một linh đạo và phụng vụ lành mạnh và thấm nhuần kinh thánh đòi phải có một sự quân bình tương xứng giữa lời giảng về Thiên Chúa như Đấng Cứu chuộc và Cứu thế, kinh nghiệm về phúc lành của Thiên Chúa, và sự vâng phục lệnh truyền công bố danh Thiên Chúa cho muôn dân.” (NIB 1995:490)    Lời rao giảng chỉ là tiếng kêu bật lên từ một kinh nghiệm sâu xa và lòng biết ơn vô hạn về muôn ơn lành Chúa ban nhờ cái chết và sự phục sinh của Con Chúa.   Sống trong phúc lành và quyền lực Thiên Chúa,  các môn đệ không cảm thấy xa lìa “Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời” (Cv 1:11) về thể lý.   Về tinh thần, các ông cảm thấy gắn bó với Chúa đến nỗi tin rằng “Hội thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người.” (Ep 1:23)   Không còn sự liên kết nào bền chặt hơn !   Đó là một mầu nhiệm giải thích tất cả sức mạnh Hội thánh trên trần gian và hạnh phúc sâu xa của người đặt tất cả niềm tin nơi Chúa.

 

Hạnh phúc đó không phải là suốt ngày “đăm đăm nhìn lên trời” (Cv 1:10), nhưng dấn thân làm chứng cho Thầy “cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1:11)    Nỗ lực ấy phải trải dài ra trong một không gian và thời gian hầu như vô tận để kiếm tìm những người biết “sám hối để được ơn tha tội.” (Lc 24:47)   Làm sao cho con người thành tâm nhìn ra sự thật về chính mình và cảm thấy nhu cầu cần được giải thoát nhờ ơn cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô ?   Chúa thăng thiên để bảo đảm các chứng nhân sẽ thành công trong nỗ lực đem muôn dân về cùng Thiên Chúa. Thật vậy, khi về trời “Đức Giêsu mãi mãi hiện diện với Thiên Chúa.” và “hiện diện mãi mãi giữa trần gian.”  (Encyclopedia of Catholicism: 99)   Như thế Người đi ra để hiện diện một cách sâu xa và mãnh liệt hơn.   Người hiện diện cả hai cõi Thiên Chúa và con người để cho các môn đệ thấy họ chẳng mất mát gì trong cuộc chia ly.   Đó là lý do tại sao có niềm vui biệt ly trên cõi đời này !

 

SỨC SỐNG GIÁO HỘI.

 

Đúng như Đức Giêsu đã hứa, “sức mạnh của Thánh Thần” (Cv 1:8) đã đẩy các “chứng nhân của Thầy đến tận cùng trái đất.” (Cv 1:8)   Trên quê hương Việt Nam hôm nay, vẫn có hằng ngàn chứng nhân ngày đêm noi gương cha ông làm chứng cho Chúa trên miền rừng núi âm u hay các vùng biên giới, trong các trại cùi hay bệnh viện.   Nếu không có sức mạnh Thánh Thần, làm sao các chứng nhân đó có thể tìm được niềm vui và bình an giữa bao sóng gió như thế ?   Sức sống Giáo hội thật là một mầu nhiệm.  Càng bị bách hại, Giáo hội càng vươn lên !

 

Từ Mật Hội Hồng Y Đoàn vừa qua, ĐHY Tonini nói : “Nghe ĐHY Jakarta nói về tử đạo, về những vụ thảm sát mà người Công giáo phải trải qua tại các đảo khác nhau của Indonesia; nghe các giám mục trong thế giới của giới trẻ, tôi phải nói rằng chúng ta đang đứng trước một Giáo hội tràn đầy sức sống, và đó là điều kỳ diệu biết mình thuộc về một Giáo hội như vậy.” (VietCatholic 24/5/2001)   Sức sống Giáo hội không phải tại việc tổ chức, nhưng vì “Chúa Kitô đang sống giữa chúng ta, Người phấn chấn chúng ta với Thần Khí của Người và giúp chúng ta nhìn ra những gì sẽ xẩy đến, ngõ hầu thế hệ này sẽ nhận ra rằng mình đang sống trong giây phút phi thường nhất của lịch sử thế giới, bởi vì bây giờ mới thật sự trở về lúc khởi đầu.” (ĐHY Tonini, VietCatholic 24/5/2001)   Sức sống Giáo hội cũng không hệ tại tiền bạc, mặc dù một tổ chức lớn lao như Giáo hội đòi phải có tiền mới có thể có những phương tiện truyền giáo và những cơ sở hoạt động.   Bước theo Thày chí thánh, “Giáo hội trở nên nghèo bởi vì Giáo hội tràn đầy Thiên Chúa.  Giáo hội nghèo vì Giáo hội có nhiều thứ vĩ đại hơn.” (ĐHY Tonini, VietCatholic 24/5/2001)   Những thứ vĩ đại có thể tìm thấy nơi chứng từ của Giáo hội.  Theo ĐHY Etchegaray, “Giáo hội cần phải có tinh thần nghèo khó.   Chỉ Giáo hội nghèo khó mới có thể trở thành Giáo hội truyền giáo, và chỉ có Giáo hội truyền giáo mới có thể làm cho Giáo hội nghèo khó trở thành cần thiết cho mọi người.” (CWNews 24/5/2001)  Thật là một nghịch lý.   Chứng nhân luôn sống giữa những giằng co vì nghịch lý của chứng từ giữa một xã hội có quá nhiều mâu thuẫn và bất ổn.

 

Đáng lẽ khi xa rời các Tông đồ, Đức Giêsu đã để lại một khoảng trống lớn lao không gì bù lấp nổi.   Nhưng thực ra Người ra đi để hiện diện một cách phong phú hơn bằng chính sức mạnh Thánh Linh.  Nhờ đó, Giáo hội “cảm thấy nhu cầu cấp bách không những chỉ nói về Thiên Chúa, nhưng cũng làm cho Người ‘được nhìn’ ra : qua việc tuyên giảng Lời có sức cứu độ, và việc làm chứng đức tin táo bạo trong công cuộc truyền giáo được canh tân.” (Mật Hội Hồng Y, VietCatholic 25/5/2001)   Cả hai mặt lý thuyết và thực tiễn đều cần cho chứng từ hôm nay.   Chứng từ đó đang trở thành cấp thiết ngay trong lòng Giáo hội.   Hiện tại các Kitô hữu vẫn chưa thể nào hiệp nhất với nhau.   Lý do không phải chỉ vì lý thuyết, nhưng rất nhiều khi vì những lý do tâm lý mà thôi.  Nghĩa là tình yêu vẫn chưa mạnh đủ để Thánh Linh có thể tìm ra mối giây liên kết mọi người trong Đức Kitô Giêsu.   Nhiều người vẫn coi quyền bính Giáo Hoàng là một cản trở lớn cho việc hiệp nhất Kitô hữu.   Nhưng theo ĐHY Avery Dulles, “sự rối loạn trong các giáo phái cho thấy tầm quan trọng của quyền bính trong các vấn đề giáo lý và kỷ luật.” (CWNews 24/5/2001)   Do đó càng hiệp nhất, anh em Công giáo càng làm chứng mạnh mẽ cho chính những anh em Kitô của mình.

 

Đó là chưa kể đến những chứng từ khó khăn hơn vì những cơn bách hại và ngộ nhận.  Giữa những não trạng vô thần và lối sống duy vật xã hội hôm nay, Giáo hội đã trở thành xa lạ đối với nhiều người.  ĐGM Vincent Malone tại Liverpool nhận định : tình trạng suy giảm số người đi nhà thờ vì ngày càng có nhiều người cảm thấy tự mãn.   Người nói : “Hình như mọi sự đều nằm trong vòng kiểm soát của chúng ta.   Chúng ta không ý thức về sự lệ thuộc và nhu cầu cần có cái nhìn thần học xa hơn chính mình.” (CWNews 24/5/2001)   Nói khác, người ta không còn cần Thiên Chúa nữa, trong khi Giáo hội vẫn cứ nói về Thiên Chúa !   Thiên Chúa trở thành huyền thoại giữa nền văn minh hiện đại.   Làm sao cho hình ảnh Thiên Chúa sống động trước con mắt nhân loại hôm nay ?   Làm sao cho con người cảm thấy nhu cầu cần đến Thiên Chúa ?   Niềm tin luôn luôn là một điều kỳ diệu nhưng đã trở thành lạc điệu vì Kitô hữu đã đánh mất phẩm chất của niềm tin giữa anh em đồng loại.

 

Để phục hồi phẩm chất chứng từ Kitô hôm nay, theo ĐHY Jean-Marie Lustiger địa phận Paris, phải nhấn mạnh đến sứ mệnh rao giảng Tin Mừng duy nhất của Giáo hội trên toàn thế giới (CWNews 24/5/2001) Chỉ khi nào nhìn Giáo hội như Hiền thê của Đức Kitô, mới có thể cứu Giáo hội khỏi những thách đố lớn lao của thời đại hôm nay. 

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C