SAU CƠN MƯA TRỜI LẠI SÁNG.

 

Chúa Nhật 2C Mùa Chay

 

 

Còn gì vui hơn khi thấy giấc mơ thành sự thật.   Các môn đệ đã thấy rõ Đức Giêsu đến thực hiện tất cả mộng ước của dân Do thái về Đấng Messia. Niềm hi vọng tưởng như bừng lên khi ông Phêrô tuyên xưng : “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” (Lc 9:20)   Nhưng đám mây đen đã kéo đến với lời Đức Giêsu tiên báo về cuộc khổ nạn sắp tới (x. Lc 9:22), tiếp sau biến cố Gioan Tẩy giả vừa mới bị giết (Mt 14:1-12; Mc 6:14-29).

 

CẢNH BỒNG LAI

 

Để khai quang đám mây đen đó, “Đức Giêsu lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê.” (Lc 9:28b)   Chỉ có lời cầu nguyện mới giữ nổi niềm hi vọng.   Chính vì thế, Đức Giêsu đặt hết niềm tin tưởng nơi Chúa Cha, Đấng có thể thỏa mãn mọi niềm hi vọng.   “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác.” (Lc 9:29)    Cuộc kết hiệp đã đưa Người xa rời thế giới chung quanh, đi vào cảnh bồng lai Thiên Chúa.  Cả cảnh vật chung quanh cũng biến đổi theo cuộc kết hiệp vĩ đại đó:   “Y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa.” (Lc 9:29)  Cuộc kết hiệp thần kỳ đã mở ra tất cả bí mật của thế giới Thiên Chúa.   Rõ nhất là tương quan phụ tử : “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn.” (Lc 9:35)    Tương quan này sẽ chi phối tất cả cuộc đời và con người của Đức Giêsu.   Tương quan cực kỳ sâu đậm, cao đẹp và thắm thiết.  Tất cả những tương quan khác trong biến cố biến hình đều tùy thuộc vào tương quan đó.   Nhờ thế, Đức Giêsu đã có thể làm tất cả mọi sự để hoàn thành sứ mệnh cứu độ trần gian.   Sứ mệnh đó bắt nguồn từ lời hứa của Thiên Chúa.

 

Lời hứa đó được nhắc lại khi “ông Môsê và ông Eâlia hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem.” (Lc  9:31)   Những hình ảnh Cựu Ước tuyệt vời này đã củng cố niềm tin cho các tông đồ.   Nguyên sự xuất hiện đó đã đưa uy tín của Đức Giêsu lên tột đỉnh niềm tin của các ông.   Huống nữa các ông Môsê và Eâlia còn nói về một cuộc xuất hành mới tại Giêrusalem.   Cuộc xuất hành mới sẽ đem muôn dân vào miền đất hứa mới.   Đức Giêsu rất xứng đáng lãnh đạo toàn thể nhân loại, chứ không chỉ một dân tộc như Môsê.   Người còn có thể phóng tầm nhìn xa hơn một tiên tri như Eâlia để đem lại niềm hi vọng lớn lao cho lòng người, vì Người sẽ  đem tất cả nhân loại vào tương quan sâu xa với Thiên Chúa.   Chỉ trong tương quan này, “con người mới tìm thấy chính mình cách trọn vẹn và khám phá ra ý nghĩa tối hậu của đời sống.” (Gioan Phaolô II, VietCatholic 27/2/2001)   Nhờ tương quan đó, Người đã có thể hoàn thành cuộc xuất hành ở Giêrusalem, cao điểm của mọi lời hứa.

Khi các nhân vật Cựu Ước đã hoàn thành nhiệm vụ, các nhân vật Tân Ước cũng được trình diện với Thiên Chúa trong công cuộc xuất hành mới.   Đây là những nhân vật quan trọng sẽ góp phần vào công cuộc giải phóng dân Chúa.   Do đó các ông cũng cần đi vào cuộc tiếp xúc sâu xa với Thiên Chúa.   Cuộc tiếp xúc với các nhân vật Cựu Ước đã khiến Phêrô muốn dừng lại để định cư với những túp lều lý tưởng.   Nhưng ông bị đẩy xa hơn. Đám mây đã đem các ông vào một trời đất mênh mông, vượt trên mọi biên giới trần gian.   Các ông bị choán ngợp trong thế giới Thiên Chúa.  Thật vậy, khi “ông (Phêrô) còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông.   Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ.” (Lc 9:34)   Lúc này các ông không còn nghe thấy tiếng loài người nữa, nhưng trực tiếp nghe Thiên Chúa xác quyết về bản chất và sứ mệnh của Đức Giêsu.   Người thực sự là Con Thiên Chúa, được tin tưởng và ủy thác việc hoàn thành cuộc xuất hành mới.   Nếu Thiên Chúa còn tin tưởng và giao cho Người sứ mệnh cao cả như vậy, làm sao con người lại không tin ?   Tiếng nói của Chúa Cha là một bảo đảm vững chắc nhất: “Hãy vâng nghe lơi Người !” (Lc 9:35) ngay cả trong những nghịch lý của cây khổ giá.   Từ nay, Lời Chúa phải có một giá trị tuyệt đối.   Chỉ cần nghe lời Đức Giêsu là vâng phục Thiên Chúa.   Bởi vậy, “tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giêsu.” (Lc 9:36)   Từ nay chẳng cần một cuộc biến hình nào nữa, vì chỉ một mình Đức Giêsu cũng đủ cho con người thấy tất cả hồng ân cao cả của Thiên Chúa.

 

CUỘC XUẤT HÀNH MỚI.

 

Chỉ khi nào vào trong đám mây, nghĩa là cũng biến hình như Chúa, các tông đồ mới có thể định hướng cho cuộc xuất hành mới.   Hướng mới chính là Đức Giêsu Kitô.   Trước đây, dù ngay khi còn trên núi, các ông đã lâm vào tình trạng “không biết mình đang nói gì” (Lc 9:33) hay “hoảng sợ.” (Lc 9:34)   Nhưng giờ đây, sau khi đã thấy rõ tất cả sự thật về Đức Giêsu, chắc chắn các ông sẽ vững tâm hơn.   Từ nay, các ông tin tưởng tuyệt đối “Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người.” (Pl 3:21)   Cuộc biến hình này sẽ đẩy chúng ta vào cuộc xuất hành mới.  

Cuộc biến hình đó có thể thực hiện ngay trên mặt đất.  Xưa kia, vì “tin Đức Chúa,” (St 15:6)  ông Abraham được “Đức Chúa lập giao ước.” (St 15:18)   Không những thề, ông còn trở thành tổ phụ của dòng dõi đông như sao trên trời (x. St 15:5). Nhưng trên hết, nhờ lòng tin, ông được “Đức Chúa kể là người công chính.” (St 15:6)    Nói khác, lòng tin đã thực hiện một cuộc biến hình ngoạn mục trong đời ông. 

Cuộc biến hình hôm nay còn ngoạn mục hơn nhiều.    Chính cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu sẽ biến Kitô hữu thành người công chính, hơn nữa trở nên bạn hữu Đức Kitô, để có thể đi vào cuộc hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa.  Từ cuộc hiệp thông này, chúng ta mới có thể hòa giải với tha nhân.  “Hòa giải cho dù mình có lỗi đã là khó.  Hòa giải ngay cả khi người ta lỗi đến mình xem ra còn khó khăn hơn vì nhiều người vẫn cho là điều nhục nhã vô lý.” (Gioan Phaolô II, VietCatholic 25/2/2001)   Lòng tự ái thật là trái núi lớn nằm chình ình giữa tương giao nhân loại.  Nhưng nếu “có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này ‘rời khỏi đây, qua bên kia !’ nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.” (Mt 17:20-21)    Ai có thể lường hết sức mạnh đức tin ?! 

Đức tin đã khiến Abraham vượt núi băng rừng đến miền đất hứa.  Đất hứa đó ngày nay không đóng khung trong ranh giới Do thái, vì miêu duệ Abraham là Giáo hội đã trải rộng khắp mặt đất.   Mặc dù niềm tin đó đã gặp nhiều thử thách, nhưng Giáo hội vẫn sống mạnh với niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô.   Nhờ đó, Giáo hội đã biến hình và luôn phản ánh vinh quang Thiên Chúa giữa muôn dân.

Là con cái Giáo hội và là chính Giáo hội, người Kitô hữu phải làm gì để luôn phản ánh “vinh quang của Đức Giêsu” (Lc 9:32) giữa những sinh hoạt muôn mặt hôm nay ?   Làm sao sống xứng đáng “là niềm vui, là vinh dự” (Pl 4:4) của Giáo hội  giữa một thế giới đầy bất ổn và buồn chán hôm nay ?    Chỉ có cách bám chặt vào niềm hi vọng duy nhất là Đức Kitô.   Sống giữa trần thế, nhưng chúng ta vẫn không quên “quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta.” (Pl 3:20)

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C