NỤ HÔN NỒNG CHÁY.

Chúa Nhật 4C Mùa Chay.

 

Nụ hôn là một biểu hiện tình yêu.   Nhưng thực tế có những nụ hôn chiếu lệ, đầy mầu mè hình thức xã giao.   Nhưng cũng có nụ hôn diễn tả tình yêu nồng nàn, chân thực. Chẳng hạn trong dụ ngôn người cha nhân hậu, người con hoang đàng đã nhận được nụ hôn cháy môi, vì người cha “ôm cổ anh ta, và hôn lấy hôn để” (Lc 15:20) bù lại bao tháng ngày xa cách.

 

TÌNH YÊU KỲ DIỆU.

Dụ ngôn đã phác họa biến cố xảy ra trong một gia đình phú nông có nhiều người làm công (Lc 15:17).   Bắt đầu bằng một sự việc khác thương.   Người con thứ nổi hứng, muốn sống biệt lập.   Sau bao ngày đắn đo suy nghĩ, anh mạnh dạn đến thưa với cha : “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.” (Lc 15:12)   Có lẽ anh sẽ được hưởng một phần ba tài sản (Đnl 21:17)   Bình thường con cái chỉ hưởng được gia tài khi người cha khuất núi hay muốn chia gia tài sớm và không muốn điều hành sản nghiệp nữa.   Đằng này, người con thứ dám nghênh ngang đòi chia gia tài, bất chấp mọi quyền bính của người cha và anh cả.  Thật là táo bạo !   Ngay đầu câu truyện đã thấy tất cả nét nhân hậu của người cha khả ái, chứ không phải bất lực hay nhu nhược.  Đúng hơn, hiểu rõ tâm lý và khuynh hướng thích tự do của  tuổi trẻ, người cha đã chiều theo ý muốn của con và muốn tránh những hậu họa cho gia đình.

Người con thứ thả hồn mơ mộng về một tương lai huy hoàng.   Anh tin tưởng tuyệt đối đồng tiền có khả năng tạo hạnh phúc.    “Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng phung phí tài sản của mình.”(Lc 15:13)  Những ngày tháng đầu diễn ra đúng như anh mơ tưởng. Anh đã rời xa mái ấm.   Xa cả về không gian lẫn tình cảm.Chỉ gần những cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm.  

Nhưng đời sẽ dậy cho anh một bài học.   Hoàn cảnh bên ngoài và điều kiện bên trong không còn dễ dàng.  “Khi anh ta đã tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp.   Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng.” (Lc 15:14-15)   Anh đã xuống tới nấc thang cuối cùng trong xã hội.   Trong cảnh cùng cực, tất cả những thực tại bình thường trước kia lại trở thành giấc mơ đối với anh.   Anh bắt đầu vẽ nên cảnh gia đình đầm ấm và mong gặp lại cha già để hưởng tất cả quyền lợi ngày xưa.   Nhưng đó chỉ là giấc mơ thôi.  Thực tế anh mong được chấp nhận trở lại gia đình như một người làm công (Lc 15:19).  Thế là anh quyết định trở về, một quyết định không vì hối hận, nhưng vì nhu cầu sống còn.

Màn chót trong bi kịch hứa hẹn nhiều pha gây cấn, bất ngờ.  Tất cả như một giấc mơ khi người con thứ trở về.   Đó không phải là một cuộc trở về thành thật.   Dù sao người cha cũng chấp nhận.  Một lần nữa lại thấy tất cả nét chu đáo và đầy cảm thông của người cha nhân hậu.   Oâng chỉ mong được lại người con với bất cứ giá nào.  Anh không thể ngờ tình cha yêu thương vẫn nguyên vẹn.  Có lẽ khi còn ở nhà chưa bao giờ anh được cha vồn vã “ôm cổ và hôn lấy hôn để” (Lc 15: 20) như thế.   Đang còn hoa mắt vì tấm lòng trời bể đó, anh đã phải bàng hoàng trước thái độ cao thượng của người cha.  Anh được trao “nhẫn là biểu tượng của quyền bính (St 41:42; Et 3:10;8:2); dép chỉ dành cho người tự do.” (KTTƯ 1995:334)   Anh vẫn là con, chứ không phải là người làm công hay tên nô lệ.   Sau đó, một bữa tiệc thịnh soạn thiết đãi mọi người đến chia sẻ niềm vui, vì như ông nói “con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (Lc 15:24, 32)   Phải có một tấm lòng đại lượng vô cùng mới có thể nhìn thấy giá trị nơi những gì đã mất.   Không có con mắt bao dung đó, người anh cả không thể chấp nhận người em vào lại gia đình.   Trước mắt anh, cha đã làm một việc thật phi lý, bất công (Lc 15:29-30).  Không ai có thể hiểu nổi thái độ kỳ cục của cha già !   Có lẽ ông hết sáng suốt, không nhận định nổi thực tế nữa nên mới có thái độ như vậy.   Người đáng thưởng lại không thưởng.   Kẻ đáng phạt lại được nuông chiều.   Nhưng “ý thức về bổn phận quá đã che mờ mắt anh.  Anh không thể hiểu nổi sự tha thứ và tấm lòng quảng đại của cha.”(Fahey 1994:268)  Đã có một khoảng cách lớn giữa cha và anh.   Khoảng cách này kéo theo khoảng cách không bao giờ lấp nổi giữa anh và em.   Người cha không những phục hồi quyền làm con, nhưng còn muốn lấy lại cả địa vị làm em cho người con thứ.  Những lý lẽ biện hộ cho con thứ hoàn toàn không thể chấp nhận được trước một đầu óc duy lý như người con cả.  Con tim có những lý lẽ riêng của nó !

Giả sử khi trở vê người em thứ ngay anh cả đứng đầu ngõ, cái gì sẽ xảy ra ?   chắc chắn người em sẽ đón nhận một thái độ khinh bỉ, kinh tởm, hờ hững.   Anh cả sẽ đối chất bằng những lời lẽ nặng nề, lôi tất cả lề luật, bổn phận để hạch sách.   Kết quả có thể là một trận phun nước miếng hay ẩu đả với em.   Thái độ như thế liệu có thể kéo đươc người em trở về không ?   May mắn cho người em đã gặp được bố lúc về nhà !   Tình yêu luôn đón mời.   Chỉ tình yêu mới làm con người hồi tỉnh và phục hồi được những giá trị đã mất.   Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều lúc chúng ta quá cứng rắn.   Người vợ hay chồng thường nêu ra những lý lẽ để bắt chẹt người bạn của mình.   Nhưng chỉ tình yêu mới có sức thuyết phục.   Tình yêu mới nối liền con người, chứ không phải những khô cứng của lề luật.

So sánh hai cuộc đời của hai con người, đứng về mặt luật pháp và lý trí, anh cả đáng ca tụng vì đã trung thành với bố suốt bao năm tháng.  Người em đã lâm vào tình trạng tuyệt vọng vì thái độ ngang tàng bừa bãi của mình.    Nhưng thử hỏi, ai đã rời xa cha già, xa mái ấm gia đình hơn ai ?  Anh cả hay em thứ ?   Thực tế dù sống ngay bên cạnh cha, tâm trí con cả lúc nào cũng xoay quanh cái tôi của mình : “Đã bao năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè.” (Lc 15:29)    Cái tôi của anh quá lớn đến nỗi đè bẹp luôn người em đang tủi hờn, cay đắng.   Anh lên giọng để cha già thấy tất cả cái phi lý của cách cha đối xử phân biệt : “Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thi cha lại giết bê béo ăn mừng !” (Lc 15:30) Thực tế cả hai người con đều cần phải trở về với cha.   Nhưng cũng như người Pharisê, người con cả khó trở về hơn, vì anh tự mãn quá mức vì những công việc và lề luật trong gia đình.

Người con thứ đã trở về vì lý do rất thấp kém.   Nhưng không sao !   Khi đụng tới sự thật về lòng vô cùng nhân hậu của cha, người con mới thấy được lý do đích thực phải trở lại.   Nói khác người cha dùng chính sức mạnh tình yêu để trục xuất lý do thấp hèn khỏi người con thứ.   Chính tình yêu đã phục sinh những giá trị đã mất mát nơi người con thứ.   Phải chăng dụ ngôn hôm nay khuyến khích chúng ta noi gương người con thứ đi hoang hơn là bắt chước người anh cả ở lại nhà cha ?   Thực ra, người cha đã làm người con cả giật mình khi nói hết sự thật : “Tất cả những gì của cha đều là của con.” (Lc 15:31)   Phải trung thành tới mức nào mới có thể hưởng lời nói ngọt ngào đó ?!  Nếu người con cả cảm nhận được tất cả sự thật về lòng thương trời bể đó, chắc chắn anh có thể trở về và đi vào con đường công chính đích thực, chứ không chỉ bên ngoài mà thôi.

CHIỀU KÍCH CON TIM.

Chắc hẳn khi nghe dụ ngôn này, các người Pharisêu và các kinh sư  đều tím gan tím ruột vì Đức Giêsu đã phơi bày tất cả lòng dạ hẹp hòi, kệch cỡm, lì lợm của họ nơi người con cả.   Còn những người thu thuế và các người tội lỗi xúc động vì cảm nghiệm được lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa nơi người cha và sung sướng thấy hình ảnh mình nơi người con thứ tràn đầy hạnh phúc.   Người cha trong dụ ngôn chỉ phản ánh phần nào hình ảnh Thiên Chúa.  Từ lòng yêu thương vô bờ bến, Thiên Chúa đã có sáng kiến thật táo bạo khi “nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với Người.” (2 Cr 5:18)   “Oâi !  Aân tình Cha thật kỳ diệu.   Oâi !  Aân phúc Cha thật khôn lường.” (Công Bố Tin Mừng Phục Sinh)   Trái tim Thiên Chúa không ai dò thấu được (Tv 145:3). 

Phải có một con tim như Thiên Chúa mới có thể tha thứ như Thiên Chúa.   “Chính tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với tội nhân đã khiến Đức Giêsu không ngần ngại tiếp xúc thân mật với họ.” (Fahey 1994:268)   Tình yêu Thiên Chúa nơi chúng ta có mạnh đủ để đẩy chúng ta đến với những người tội lỗi hôm nay không ?  Vẫn còn có một khoảng cách giữa những người tưởng mình là thánh thiện với những người bị coi là tội lỗi và kém may mắn như những người nghiện hút, đồng tính luyến ái, ly dị, tù tội, nghèo khổ hay bị bỏ rơi.  Sự xa cách bên ngoài đó tố cáo một sự xa cách bên trong giữa chúng ta và Thiên Chúa.   Đã đến lúc phải lắng nghe lời Thánh Phaolô : “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa.” (2 Cr 5:20)   Có bình an nội tâm, mới hòa giải với người.   Có gắn bó với Thiên Chúa, mới có thể đến gần tha nhân.   “Đời sống mới trong Đức Kitô, không những mang chiều kích cá nhân, nhưng còn đạt tới tầm vóc toàn thể vũ trụ (Cl 1:10).   Đó là do sáng kiến Thiên Chúa, Đấng đã trả lại cho nhân loại tình bằng hữu trước kia với Người trong và qua Con Người.”(Fahey 1994: 266-267) Sáng kiến đó đã được thực hiện trong một điều kiện không thể tưởng tượng được.  Quả thực, “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2 Cr 5:21)  Chính nhờ chia sẻ và gần gũi đến độ đồng hóa với tội nhân, Đức Giêsu đã có thể thực hiện được công trình vĩ đại đó.

Chỉ khi nào cảm nghiệm được tình Cha sâu đậm và bao la như những người tội lỗi và thu thuế, chúng ta mới có thể thay đổi bộ mặt trái đất.   Những dụ ngôn và các bài học trước đây chỉ đụng tới phần nào giây tơ lòng mỗi người.   Nhưng càng đọc dụ ngôn người cha nhân hậu, càng không thể cầm được nước mắt vì Chúa Cha quá vĩ đại và bất ngờ khi phục hồi giá trị con người trong Con Một yêu dấu.   Người ta không còn viện cớ gì để từ chối trở về với Chúa được nữa !   Giá trị con người vẫn còn nguyên đó dù cho thời gian có phủ lên bao lớp bụi mờ.

Thế nhưng, nhiều giá trị ngày nay đang bị chính con cái Giáo hội chối bỏ.   Giá trị luân lý bị đảo lộn từ phòng thí nghiệm đến ngoài cuộc sống.  Điển hình, cuộc thăm dò mới đây cho biết “giới trẻ Kitô hữu tại Anh không đồng ý với nhũng giáo huấn luân lý của các giáo hội và tin rằng tình dục ngoài hôn nhân có thể chấp nhận được.   Có một khoảng cách nghiêm trọng giữa giáo huấn truyền thống của Giáo hội về những vấn đề luân lý và những niềm tin tưởng của thế hệ trẻ.” (CWNews 14/3/2001)   Làm sao có thể thuyết phục con người trở lại với những giá trị nguyên thủy, nếu trước tiên chúng ta không trở về với nguyên ủy của mọi giá trị là chính Thiên Chúa ?

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C