SỨ MỆNH HÒA BÌNH

Chúa Nhật 14C Thường Niên

 

Điều quan trọng nhất trên đời này là cái gì ?  Chẳng ai có thể đưa ra câu trả lời vừa lòng mọi người.  Tùy cái nhìn, mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau.  Câu trả lời sẽ xác định tất cả ý nghĩa và giá trị cuộc đời.

 

ĐIỀU QUAN TRỌNG

 

Thánh Phaolô đã đưa ra câu trả lời chính xác nhất : “Điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới” (Gl 6:15) trong Đức Giêsu Kitô.  Nghĩa là, nhờ cái chết và phục sinh, Đức Kitô đã trở thành Ađam mới để biến cải toàn thể tạo vật tự bên trong.  Vạn vật sẽ sống trong trời mới đất mới, tràn ngập “sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.” (Rm 14:17) 

Đó là lý tưởng phải đạt tới ngay trên mặt đất này.  Quả thực, chính để xây dựng Nước Thiên Chúa trên trần gian, Đức Giêsu mới sai các môn đệ “như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10:3) với một sứ mệnh duy nhất là loan báo cho muôn dân biết “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” (Lc 10:9.11)  Dù phải thực hiện sứ mệnh cao cả và vô cùng khẩn thiết đó giữa bầy sói, người môn đệ không bao giờ được phép chối bỏ bản chất “chiên con” của mình.  Đánh mất bản chất hiền lành, họ không thể thực hiện sứ mệnh hòa bình giữa muôn dân.  Làm sao có thể sống và thể hiện sứ mệnh đó giữa một thế hệ sa đọa gian tà này ?  Đức Giêsu đã hứa : “Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em.” (Lc 10:19)  Nếu tin, người môn đệ sẽ thấy tất cả sức mạnh Tin mừng.

Để thi hành sứ mệnh hòa bình, trước tiên người môn đệ phải sống  và thể hiện sứ mệnh đó ngay trong cuộc sống.  Đó là lý do tại sao Đức Giêsu “sai các ông cứ từng hai người một.” (Lc 10:1)  Theo đường hướng đó, các môn đệ dễ hỗ trợ nhau và làm cho chứng từ của họ có tính cách xác thực (Đnl 19:15)  Ngay từ đầu Giáo hội đã có một cặp truyền giáo nổi tiếng là thánh Phaolô và Banaba (x. Cv 13).  Các ngài đã thành công vì suốt đời không ngừng đeo đuổi sứ mệnh hòa giải và hòa bình giữa muôn dân.

Còn biểu tượng nào diễn tả cảnh hòa bình cho bằng cảnh chiên con nằm chung với chó sói (x. Is 11:6; 65:25).  Đó là hình ảnh tuyệt vời đến siêu thực.  Đó cũng là sứ mệnh hòa giải khó khăn nhất người môn đệ phải thực hiện trên bước đường truyền giáo.  Dĩ nhiên đứng trước sói dữ, chiên con hoàn toàn bất lực.  Cũng thế, vì thiếu phương tiện tự vệ, các nhà truyền giáo cũng không thể đối đầu với kẻ thù.  Đức Giêsu đã biết trước tất cả những nguy hiểm đó.  Chính Người cũng đã phải đối mặt với khổ đau và cái chết. Người môn đệ cũng phải chia sẻ cùng một thân phận.  Nhưng khổ đau và cái chết không phải là dấu chỉ của sự bất lực hay thất  bại.  Trái lại, đó là một niềm vinh dự lớn lao như thánh Phaolô nói : “Tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô.” (Gl 6:14)

Người mạnh mẽ bảo đảm với các môn đệ : “Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên mọi thế lực Kẻ Thù.” (Lc 10:19)   Các môn đệ chia sẻ cùng một quyền bính với Thầy.   Quyền năng ấy phát sinh từ ánh sáng Phục sinh.  Thực thế, “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.” (Mt 28:18)  Các quyền lực ác thần đã bị tấn công và thảm bại nơi sứ vụ của Đức Giêsu và Giáo hội.  Trong Công vụ Tông đồ, thánh Luca thường kể lại cách thức Chúa Giêsu đã cứu các nhà truyền giáo thoát khỏi những lực lượng phá hủy (ví dụ 28:1-6)  Những lực lượng đó là tất cả các loại ác thần, biểu tượng qua các hình ảnh rắn rết và bọ cạp (x. The New Jerome Biblical Commentary 1990:701).

Chiến thắng các lực lượng đó không phải là nguyên nhân làm cho các môn đệ hăm hở trên bước đường chinh phục thế giới cho Đức Kitô.  Nguyên nhân chính là ân huệ lớn lao Chúa dành cho trên trời.  Nơi đó họ hoàn toàn trở thành thụ tạo mới với tất cả niềm vui lớn lao phát sinh từ lòng Chúa xót thương.  Từ đó họ mới thấy tất cả ý nghĩa và giá trị của một cuộc sống bình an và ân sủng trên quê trời.  Họ trở thành công dân Nước Trời.

 

PHÚC ÂM HÓA

 

Nhưng để đạt mục tiêu đó, ngay từ bay giờ người môn đệ Đức Kitô phải nhận định rõ thực tại cuộc sống và nỗ lực phúc âm hóa môi trường theo đúng sứ mệnh Chúa đã trao.  Xã hội Hoa kỳ đang đối mặt với thách đố phải phúc âm hóa “môït xã hội ngày càng lâm nguy vì quên mất nguồn gốc linh thiêng của mình.” (Gioan Phaolô II : Zenit 28.05.04)  Mọi cơ cấu và sinh hoạt đang bị trần tục hóa.

Trước tình trạng đó, người môn đệ Đức Kitô phải làm gì ?  Trước hết, họ phải biết đây là “giờ hành động của giáo dân.” (Gioan Phaolô II : Zenit 28.05.04)  Giáo dân không còn phải là thành phần thụ động, nhưng phải tích cực hoạt động cho việc phúc âm hóa môi trường.  Họ hiện diện khắp nơi.  Sự hiện diện đó phải có một ý nghĩa và chiều kích mới.  Chiều kích đó bắt đầu từ việc “chấp nhận thách đố.  Điều đó đòi phải có một sự hiểu biết sâu rộng và thực tiễn về những dấu chỉ thời đại để triển khai việc trình bày đức tin Công giáo sao cho thuyết phục được người nghe.” (Gioan Phaolô II : Zenit 28.05.04)  Dĩ nhiên không tùy thuộc vào khoa hùng biện cho bằng một đời sống gắn liền với đức tin.  Giáo Hội Hoa Kỳ “được kêu gọi đáp ứng những nhu cầu và khát vọng tôn giáo của một xã hội ngày càng có nguy cơ lãng quên những nguồn gốc linh thiêng của mình và bị khuất phục trước một thế giới quan hoàn toàn duy vật và vô hồn.” (Gioan Phaolô II : Zenit 28.05.04) 

Muốn hoàn thành sứ mệnh cao cả giữa một xã hội như thế, người Kitô hữu phải bắt đầu từ đâu ?  Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến nhu cầu “chuẩn bị cho giới trẻ đặc biệt biết đối thoại với những người đồng thời về sứ điệp Kitô và sự thích hợp của sứ điệp ấy trong việc xây dựng một thế giới công  bình, nhân bản và hòabình hơn.   Trên hết, bây giờ là thời điểm giáo dân được kêu gọi thi hành sứ mệnh ngôn sứ của Giáo hội mà phúc âm hóa các lãnh vực khác nhau trong đời sống gia đình, xã hội, nghề nghiệp và văn hóa, vì họ được kêu gọi uốn nắn thế gian theo Tin mừng.” (Gioan Phaolô II : Zenit 28.05.04) 

Công cuộc lớn lao đó không thể thực hiện nếu chỉ nhắm vào cá nhân.  Trái lại, “với hệ thống các cơ quan giáo dục và bác ái vĩ đại, Giáo hội Hoa Kỳ đứng trước thách đố phải phúc âm hóa văn hóa để có thể lấy ra ‘những thứ mới cũ’ từ kho tàng khôn ngoan của Tin mừng.” (Gioan Phaolô II : Zenit 28.05.04) 

Sống trong xã hội Hoa kỳ, người Công giáo Việt Nam không thể không quan tâm đến những vấn đề lớn lao đó.  Từ niềm tin đặc thù của mình, liệu chúng ta có thể góp phần cho Giáo hội tại đây vượt qua những thách đố của thời đại hôm nay hay không ?   Tự bản chất linh thiêng của nền văn hóa Việt Nam, nếp sống đạo của chúng ta liệu có thể làm sống lại những gì đã mất trong xã hội Hoa kỳ hay không ?

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C