Chúa Nhật 14 quanh năm

(Lu-ca 10: 1-12.17-20)

 

          Tiếp nối đề tài những điều kiện để theo Chúa Giê-su là việc Chúa sai bảy mươi hai môn đệ đi rao giảng Tin Mừng.  Sau khi xác tín những điều kiện phải có của người môn đệ và cam kết ra đi theo bước chân Thầy Giê-su, giờ đây các môn đệ được sai đi.  Ngoài điều kiện tiên quyết là phải từ bỏ mọi sự để theo Chúa, các môn đệ còn được Thầy dặn dò chỉ bảo kỹ càng, để họ có thể đảm trách được sứ mệnh một cách tốt đẹp và hiệu quả.  Vậy Chúa Giê-su đã cho họ những huấn thị nào để thi hành sứ vụ tông đồ?

 

1)  “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”

 

          Trước hết Chúa muốn các môn đệ nhận định rõ môi trường hoạt động tông đồ.  Người dùng một hình ảnh hết sức quen thuộc nhưng phong phú ý nghĩa để nói lên Người rất cần sự giúp đỡ của họ.  Đó là hình ảnh đồng lúa chín vàng.  Gần tới mùa gặt, lúa chín rộ lên trong ít tuần lễ.  Hàng triệu triệu hạt lúa mọng vàng đong dưa theo từng cơn gió, như thúc giục chủ ruộng hãy mau mau thu góp chúng về để khỏi rụng rơi vào lòng đất.  Niềm vui của chủ ruộng dâng cao khi nhìn đồng lúa chín, nhưng nỗi lo lắng băn khoăn làm sao gặt lúa càng mau càng tốt cũng khiến cho ông mất ăn mất ngủ.

          Qua hình ảnh ấy, Chúa Giê-su muốn nói lên tâm trạng của Người.  Người đến trần gian và khai mạc thời cánh chung qua sứ vụ cứu thế.  Người đã đem lời Thiên Chúa gieo vào các tâm hồn và tỏ cho họ thấy tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.  Ơn cứu độ đã sinh hiệu quả nơi nhiều người, tựa như hạt lúa mọc lên và sinh bông hạt.  Hình ảnh lúa chín không chỉ giới hạn trong những vùng Ít-ra-en thời ấy, nhưng là hình ảnh của toàn địa cầu trong mọi thời đại.  Hạt giống cứu độ vẫn tiếp tục được gieo rắc khắp nơi nhờ việc truyền giáo của Giáo Hội.  Ngay cả những nơi người ta tưởng hạt giống lời Chúa đã bị ngăn chặn, thí dụ giáo hội Trung Hoa hay những vùng nằm trong ảnh hưởng Hồi giáo hoặc Phật giáo, ơn cứu độ vẫn tiếp tục bành trướng và số người tin vào Chúa Ki-tô lại gia tăng hơn lúc nào hết. 

Lúa chín thì ai có thể ngăn cản nổi.  Điều ấy cho thấy hiệu quả vô song của lời Chúa, đồng thời cũng cho ta có cơ hội được chia sẻ niềm vui với Chủ ruộng.  Nhưng ta cũng không được dửng dưng trước băn khoăn của Người khi nhận ra thực trạng “thợ gặt lại ít”.  Ngoài ra, điều ấy cũng ngầm nói lên tính cách cấp bách của mùa gặt tức là thời cánh chung và lời mời gọi của Chủ ruộng muốn ta tham gia vào công trình của Đức Ki-tô sao cho kết quả tốt đẹp.

 

2)  “Anh em hãy ra đi”

 

          Đó là lệnh lên đường, không chỉ dành cho những người có chức vị trong Giáo Hội, nhưng cho mọi phần tử không trừ ai.  Đi đâu và đi làm gì?  “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15)

          Cũng như thợ gặt được trang bị đầy đủ để chu toàn việc gặt hái, người môn đệ Chúa cũng phải có tất cả những đức tính cần thiết để làm công việc gieo rắc và gặt hái lời Chúa.  Vậy đức tính đầu tiên và có lẽ cũng quan trọng nhất, đó là ra đi “như chiên con đi vào giữa bầy sói”.  Sự đối nghịch giữa tinh thần môn đệ Chúa Ki-tô và tinh thần của người đời là như vậy.  Môn đệ Chúa phải luôn luôn hiền lành nhịn nhục như con chiên, còn thế gian thì lấy sức mạnh khí giới, tiền bạc và chức vị để đàn áp môn đệ Chúa.  Tuy nhiên, Chúa không để cho chiên bị sói làm hại đâu, vì Người là Mục Tử Nhân lành sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ chiên của Người (Ga 10:11tt).  Một con sói đủ làm cho bầy chiên tán loạn, vậy mà ở đây Chúa lại sai ta đi như một chiên con giữa bầy sói!  Tại sao Chúa làm chuyện ngược đời như vậy?  Là để ta nhận biết quyền năng, tình yêu và chăm sóc của Người.

          Đức tính tiếp theo là môn đệ phải biết chú tâm vào công việc chính yếu của sứ mệnh, đừng để mình bị chi phối do những chuyện không thực sự quan trọng hoặc bị lôi cuốn do những lợi nhuận.  Về điểm này Chúa Giê-su đi vào một vài thí dụ cụ thể.  Thí dụ việc chào hỏi là quan trọng.  Nhưng theo thói đông phương, việc chào hỏi thường dài dòng.  “Chào” thì ít, mà “hỏi” thì nhiều, lắm khi khiến cho người bị chào phải lúng túng không muốn trả lời hoặc nếu có thể được thì tránh mặt luôn!  Túi tiền, bao bị, giày dép là những vật liệu của người đi buôn bán, làm bi-di-nét, chứ thường không phải là những trang bị cần thiết của người tông đồ.  Rao giảng là rao giảng lời Chúa, chứ không phải cà kê dê ngỗng, rồi ngồi lê đôi mách, đem hết chuyện người này nói với người kia.  Hoặc “đi hết nhà nọ đến nhà kia” là để tìm một nơi thoải mái nhất để làm nhà mình!  Sống hòa mình với mọi người, nhưng đừng để cho ai hoặc tình cảm nào lôi kéo và làm sao lãng việc thi hành bổn phận.  Chúa cũng không quên cho môn đệ biết việc chính yếu của sứ mệnh là:  “Hãy chữa những người đau yếu trong thành và nói với họ:  Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.”  Chữa lành và rao giảng Nước Trời đã đến là nhiệm vụ chính yếu.  Toàn bộ Tin Mừng nhấn mạnh hai sinh hoạt này trong sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Qua việc “chữa lành”, người ta sẽ nhận ra được tình yêu của Thiên Chúa, và qua việc rao giảng Tin Mừng, người ta sẽ được chuẩn bị để đáp lại và sống những giá trị của Tin Mừng.  Vì là điểm chính yếu trong sứ mệnh rao giảng, nên ngay trong trường hợp người nghe không muốn chấp nhận, môn đệ không được bỏ cuộc, mà vẫn phải tiếp tục lên tiếng vì bổn phận của môn đệ là cứ nói, còn “ai có tai nghe thì nghe” (Lc 8:8).

          Trước thất bại, người môn đệ không nản lòng, thì sau thành công, họ cũng không vì thế mà vênh vang tự đắc.  Bảy mươi hai môn đệ được Chúa sai đi đã trở về và báo cáo công tác.  Họ vui lắm, có pha chút hãnh diện.  “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con”.  Như ông thầy khéo léo dạy dỗ, Chúa Giê-su không làm cho các môn đệ phải cụt hứng, trái lại, Người khích lệ và khéo léo nhắc nhở rằng những khả năng và quyền hành các ông có không phải là họ tự tạo được, nhưng là do “Thầy đã ban cho anh em quyền năng”.  Vui mừng vì những gặt hái mùa màng, nhưng hơn thế nữa, vui mừng vì chính thân phận ta cũng được cứu rỗi khi ta cùng nhau làm việc cho cánh đồng truyền giáo.

 

3)  Người môn đệ Chúa hôm nay

 

          Là Ki-tô hữu hôm nay, liệu những huấn thị truyền giáo của Chúa Giê-su còn thích hợp cho ta không?  Thời thế và não trạng con người có thay đổi ít nhiều, nhưng nhân loại vẫn cần được nghe Tin Mừng cứu độ và lòng tin vào Chúa Giê-su Ki-tô.  Ngày cánh chung đang chờ đợi ta như mùa gặt đợi lúa được thu góp về.  Lời Chúa hiệu triệu “Anh em hãy ra đi” nhiều khi không được người ta nghe vì có quá nhiều âm thanh khác lọt tai hơn.  Cũng nhiều khi người ta từ chối không muốn đi vì sợ bầy sói dữ.  Hoặc người ta ngại phải đối phó với những xua đuổi, tẩy chay khi họ đem lời Chúa đến cho người khác.  Tuy nhiên, ngoài những vị chấp nhận ra đi, đến với những nơi chưa được đón nghe lời Chúa, hầu hết ta đều được mời gọi đi ra khỏi thế giới cá nhân riêng tư của ta để đến với anh chị em ngay trong môi trường ta sống.  Những người anh chị em ấy là gia đình ta, những người lối xóm, những người làm chung một sở, những giáo dân cùng một cộng đoàn...  Ta không bị bắt buộc phải bỏ nhà sang tận Phi-châu hoặc những nơi hẻo lánh trên thế giới.  Ta không cần phải có tài ăn nói thuyết phục, nhưng cần có một đời sống Ki-tô gương mẫu, biết yêu thương chăm sóc cho người khác.  Ta không cần làm những việc lớn lao như xây nhà thờ, nhưng là những việc bác ái nho nhỏ biểu lộ căn tính Ki-tô của ta, như đem lại an bình cho anh chị em, băng bó những vết thương tinh thần của họ, giúp họ thấy Triều Đại Thiên Chúa không phải ở trên trời, nhưng ở ngay đây và trong lúc này.  Quyền năng Chúa ban cho ta là ơn thánh của Bí tích Rửa tội và Thêm sức.  Sức mạnh của ta là Thánh Thể và khôn ngoan của ta là Thánh Thần.  Điều duy nhất ta phải làm là có lòng quảng đại và yêu mến đủ để đáp lại Chúa:  Lạy Chúa, con đây, này con xin đến.

 

4)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Đề tài truyền giáo thường được lập đi lập lại nhiều lần.  Nhưng tôi có thực tâm lắng nghe, suy nghĩ về việc đáp lại, hay tôi vẫn cho đó là việc của các ông cha bà sơ?

          Đâu là cánh đồng truyền giáo dành cho tôi?  Tôi có để ý chăm sóc hay bỏ mặc?

          Nếu tôi phải nói cho người chung quanh biết “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”, thì tôi phải hiểu tôi đang nói điều gì?  Đâu là những dấu chỉ của Triều Đại ấy?

 

Cầu nguyện:

 

          “Lạy Chúa Giê-su,

          xưa Chúa đã sai các môn đệ ra khơi thả lưới,

          nay Chúa cũng sai chúng con đi vào cuộc đời.

          Chúng con phải đối diện với bao thách đố của cuộc sống,

          của công ăn việc làm, của gánh nặng gia đình,

          của nghề nghiệp chuyên môn.

          Xin đừng để chúng con sa vào cạm bẫy của vật chất và quyền lực,

          nhưng cho chúng con giữ nguyên lý tưởng thuở ban đầu,

          lý tưởng phục vụ quê hương và Hội Thánh.

          Lạy Chúa Giê-su,

          xin dạy chúng con sống thực tế, nhưng không thực dụng;

          biết xoay sở, nhưng không mưu mô;

          lo cho tương lai cá nhân, nhưng không quên bao người bất hạnh cần nâng đỡ.

          Giữa cơn lốc của trách nhiệm và công việc,

          giữa những xâu xé trước bao lựa chọn,

          xin cho chúng con biết tìm những phút giây trầm lắng,

          để múc lấy ánh sáng và sức mạnh,

          để mình được thật là mình trước mặt Chúa.

          Nhờ lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu,

          xin cho chúng con thật sự trở nên chứng nhân,

          làm tất cả để Thiên chúa được tôn vinh,

          và phẩm giá con người được tôn trọng.  A-men.

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 77)                 

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C