MẦU NHIỆM PHONG PHÚ

Chúa Nhật 16C Thường Niên

 

Đau khổ là một thực tại đụng tới tất cả mọi người trên trái đất.  Đau khổ có nghĩa gì không ?  Đau khổ nằm ngay trong thân phận con người.  Chính vì thế, Đức Gieesu mới có thể chia sẻ sâu xa với mọi người khi bước lên thập giá.

PHƯƠNG TIỆN CỨU ĐỘ

Có bao giờ đau khổ biến thành niềm vui ?  Vậy mà thánh Phaolô dám nói : “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em.” (Cl 1:24)  Không phải đau khổ nào cũng đem lại niềm vui.  Hầu hết thiên hạ tìm cách tránh né đau khổ.  Một khi đã thấy được mục đích, đau khổ trở thành phương tiện cần thiết.  Vì phục vụ Đức Kitô mà đau khổ, người môn đệ cảm thấy vô cùng hạnh phúc.  Không phải đau khổ nào cũng có một chiều kích và mức độ như nhau.  Chỉ có người đã từng nằm gai nếm mật như thánh Phaolô mới có thể thốt lên : “Gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội thánh.” (Cl 1:24) 

Không phải chỉ những đau khổ lớn lao mới có thể đem lại lợi ích đó.  Những công cuộc phục vụ hằng ngày trong gia đình cũng gây những đau khổ và phiền toái không kém.  Chính Mátta đã thốt lên nỗi khổ ấy với Đức Giêsu : “Thưa Thày, em con để mình con phục vụ, mà Thày không để ý tới sao ?  Xin Thày bảo nó giúp con một tay!” (Lc 10:40)  Lời than thở chứng tỏ cô không có cái nhìn cao sâu như Phaolô.  Nếu được trực tiếp phục vụ Chúa như cô, chắc chắn Phaolô đã không bao giờ cảm thấy phiền lòng như vậy.  Không biết Phaolô đã chìm sâu vào Lời Chúa tới mức nào mới có thể “rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa.” (Cl 1:26)  Hạnh phúc đó  chính Maria đã trải qua.  Cô đã chìm sâu vào thinh lặng khi “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy.  Maria đã chọn phần tốt nhất.” (Lc 10:39.42)  Vì đó chính là nguồn phát sinh mọi niềm hi vọng và vinh quang (x. Cl 1:27) 

Chính vì hiểu sâu xa lời Chúa nói về Maria hôm nay, Phaolô rất sung sướng xông pha khắp nơi rao giảng Lời Chúa và mầu nhiệm vô cùng phong phú là chính Đức Kitô.  Nơi Phaolô không còn phân biệt giữa việc chiêm niệm và hoạt động.  Cả hai hình ảnh Maria và Mátta đều tìm thấy nơi Phaolô.  Thật là một hòa điệu tuyệt vời !  Để đạt tới hòa điệu đó, Phaolô đã phải trả một giá rất đắt.  Giá đó chính là mạng sống ông đã hi sinh để “phục vụ Hội Thánh.” (Cl 1:25)  Sinh thời, ông đã bỏ hết thời giờ để “khuyên bảo mỗi người và dạy dỗ mỗi người với tất cả sự khôn ngoan, để giúp  mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Kitô.” (Cl 1:28)  Oâng đã giúp mọi người “chọn phần tốt nhất” (Lc 10:42) là lắng nghe lời Chúa.

Tại sao lắng nghe Lời Chúa lại là phần tốt nhất ?  Không lắng nghe, làm sao biết được ý Chúa ?  Ý Chúa là lương thực nuôi sống Đức Giêsu.  Lời Chúa làm cho ý Chúa hoạt động và thể hiện các mục đích của Thiên Chúa trong trần gian.  Lời Chúa làm cho Chúa hoàn thành những gì Thiên Chúa muốn trong hoàn cảnh đặc biệt.  Tất cả lịch sử Dân Chúa chỉ là đường biểu diễn Lời Chúa ngang qua các thời đại.

Không có Lời Chúa, không thể biết về Thiên Chúa, vũ trụ và con người (2 Sm 7:28; Tv 119:43).  Lời Chúa rất đáng tin cậy, vì tự bản chất Lời Chúa tốt lành và ngay thẳng (Gs 21:45; 23:14-15; 1 V 8:56; Tv 33:4; Is 39:8).  Lời Chúa lột tả hoàn toàn ý Chúa.  Tất cả đều nhằm cứu độ cộng đồng nhân loại.  Thực vậy, ngoài việc đem lại ánh sáng và sự hiểu biết (Tv 119:130), Lời Chúa còn đem lại sự sống cho con người (Đnl 8:3; 30:11-20; 32:46-47; Tv 119:25, 50, 116, 154)  Nhờ Lời Chúa, dân Chúa được phấn khởi và bảo đảm vì Lời Chúa cho thấy Thiên Chúa muốn cứu độ chứ không hủy diệt nhân loại.  Bởi vậy, nếu sống theo Lời Chúa, con người sẽ tràn đầy niềm vui (Tv 119:161-162; Is 66:2, 5). 

 

TỰ DO NỘI TÂM

 

Lời Chúa sẽ làm vơi nhẹ khổ đau, vì Lời Chúa là “Thần khí và là sự sống.”  Lời Chúa sẽ mạc khải cho các tín hữu biết rằng đau khổ là con đường dẫn tới “tự do nội tâm.” (Gioan Phaolô II: Zenit 02/06/2004)  Thực vậy, “đau khổ có thể tiềm ẩn một giá trị bí mật và trở thành một con đường thanh luyện, dẫn đến tự do nội tâm, làm phong phú tâm hồn.  Đau khổ mời gọi con người vượt qua cái nhìn thiển cận, phù phiếm, ích kỷ, tội lỗi và phó thác mãnh liệt vào Thiên Chúa và ý định cứu độ của Người.” (Gioan Phaolô II: Zenit 02/06/2004)  Trong chương trình Thiên Chúa quan phòng đầy ắp tình thương, đau khổ giúp ta học biết thánh chỉ Người để sống khiêm cung và lệ thuộc vào Thiên Chúa hơn.  Đau khổ tạo cơ hội cho con người tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa.

Trên đời không ai giúp chúng ta rút bài học hữu ích từ đau khổ bằng Đức Kitô. “Bởi vậy, hãy cố gắng thấu hiểu  ý nghĩa sự nghèo khổ của Đức Kitô, nếu bạn muốn giàu có !  Hãy cố gắng thấu hiểu  ý nghĩa sự yếu đuối của Người, nếu bạn muốn được cứu độ !  Hãy thấu hiểu  ý nghĩa cây khổ giá của Người, nếu bạn không muốn xấu hổ vì khổ giá !  Hãy thấu hiểu  ý nghĩa vết thương Người, nếu bạn muốn chữa lành vết thương của mình !  Hãy thấu hiểu  ý nghĩa cái chết của Người, nếu bạn muốn sống đời đời !  Hãy thấu hiểu  ý nghĩa cuộc mai táng Người, nếu bạn muốn thấy ngày phục sinh.” (Gioan Phaolô II: Zenit 02/06/2004)  Đó là những chiều kích đau khổ trong thân phận con người.  Trong thế giới này, không có sinh vật nào đau khổ bằng con người.  Nhưng cũng không có sinh vật nào hạnh phúc và cao cả bằng con người.  Tất cả đều tùy thuộc niềm tin hôm nay vào mầu nhiệm đau khổ nơi Đức Kitô.  Không tin, đau khổ trở thành điều tồi tệ nhất.  Với niềm tin, đau khổ trở thành con đường cần thiết giúp con người đạt tới đỉnh cao tuyệt đối của kiếp người.  Đau khổ trở thành con đường mạc khải tình yêu và dẫn tới vinh quang Thiên Chúa cho những ai tin tưởng.

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C