Chúa Nhật 18 quanh năm

(Lu-ca 12: 13-21)

 

         

          “Phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam”.  Đó là lời dạy của Chúa Giê-su.  Người không viết một bài khảo luận để nói với ta về sự tham lam, nhưng Người kể một dụ ngôn, dụ ngôn nhà phú hộ.  Việc làm và não trạng của nhà phú hộ phản ảnh không biết bao nhiêu người mọi thời mọi nơi và là câu truyện có thể áp dụng vào mọi lãnh vực cuộc sống, từ giàu có về vật chất của cải cho đến giàu có về danh tiếng chức vị.  Dụ ngôn còn đưa ta tới một chân lý vô cùng quan trọng cho ý nghĩa cuộc đời:  làm giàu trước mặt Thiên Chúa.

 

1)  Lòng tham không đáy

 

          Không biết ai đã nghĩ ra được hình ảnh cụ thể này để diễn tả lòng tham lam của con người!  Đúng vậy, không có đáy thì chẳng bao giờ có thể đầy được.  Đáy là phần cần thiết của một vật chứa đựng để giữ lại những gì trong đó và cho ta thấy thế nào là đầy là vơi.  Một ly nước dù to hay nhỏ, nhờ đáy ly giữ lại phần dung tích, ta biết chúng đầy khi nước lên tới miệng ly.  Không phải vì ly nhỏ mà ta bảo nó không đầy khi so sánh với ly lớn.

          Làm sao ta biết nhà phú hộ trong dụ ngôn Chúa kể, lại là người có lòng tham không đáy?  Lòng tham của ông ta biểu lộ qua tính toán và ích kỷ.  Tính toán để làm tăng thêm của cải tiền bạc và ích kỷ vì không muốn dùng của cải tiền bạc ấy cho bất cứ người nào khác ngoài mình ra.  Thoạt đầu dụ ngôn, ta đã tưởng nhà phú hộ sẽ dừng lại, bằng lòng với sự giàu có của ông và có một kế hoạch để sử dụng cho đúng những tài sản ông ta đang có.  “Mình phải làm gì đây?  Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!”  Nhưng trái lại, ông ta đã không vượt quá con người của ông để nhìn thấy có biết bao công việc lợi ích ông có thể làm với núi tài sản của ông.  Nào là giúp đỡ những người cùng khổ đang sống bên cạnh ông, tăng lương cho những người làm công cho ông.  Nào là đóng góp xây dựng cho ngôi trường học tại thành phố của ông để con em có nơi học hành tử tế.  Hội đường của cộng đồng ông đang cần nới rộng thêm để nơi thờ phượng được xứng đáng hơn...  Chắc chắn ông đã nhìn thấy những nhu cầu đó.  Tuy nhiên những nhu cầu xã hội ấy lại không thể cân nặng bằng sự “nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi cho đã” của ông.  Do đó, ông ta lại thấy vẫn còn chỗ để tích trữ hoa mầu và vẫn có những việc để ông ta làm cho riêng mình.  Thế là ông ta lại lên kế hoạch làm giàu.  Cái đáy tưởng đã có, giờ đây lại rơi đâu mất rồi!

          Người tham lam bao giờ cũng có kế hoạch.  Họ chỉ nhắm một mục đích làm giàu.  Cho nên họ rất nhạy bén trước cơ hội và tìm cách nắm bắt cơ hội.  Vì “còn chỗ đâu mà tích trữ hoa màu” nên kế hoạch của nhà phú hộ là phá những kho cũ đi và xây những kho mới lớn hơn.  Nhưng rồi chẳng biết những kho mới xây sẽ lớn hơn cho tới bao giờ, hay cũng chỉ vài ba năm lại không đủ chỗ chứa!  Rồi kế hoạch sau khi xây kho mới là “nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi cho đã”.  Hay kế hoạch này rồi cũng lại phải hoãn lại vì tiền bạc của cải chưa đủ?  Đúng là cái vòng luẩn quẩn, cái kho không đáy và không bao giờ dừng lại được.

 

2)  Dừng!

 

          Năm chục năm trước, cha Vũ minh Nghiễm, dòng Chúa Cứu Thế, có viết một cuốn sách suy niệm lấy tên là Dừng!  Những bài suy niệm mời gọi ta phải biết dừng lại trong mọi lãnh vực cuộc sống, để hướng về cầu nguyện, suy nghĩ và dành những giây phút cho Chúa.  Một trong những lãnh vực khó dừng nhất, đó là làm giầu.  Thay vì dừng để nghĩ tới Chúa và tha nhân, người ta chỉ biết nghĩ đến tiền.  Họ cũng nghĩ tới Chúa và tới người khác, nhưng thường là cớ để họ lao đầu đi kiếm tiền thêm.  Họ nêu lên lý do:  tôi phải làm nhiều tiền để giúp nhà thờ (!), cho tương lai của con cái.  Thế là lễ Chúa Nhật chẳng đi, con cái cũng chẳng được vài ba giờ với cha mẹ mỗi ngày.

          Người ta không biết dừng làm giàu, vì họ gán cho tiền bạc của cải một giá trị thực sự chúng không có.  Họ theo triết lý “có tiền mua tiên cũng được”.  Nhưng lầm.  Chúa Giê-su nói thẳng:  “Không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu”.  Bao nhiêu người giàu có đã chết, cả khi chưa kịp “nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi cho đã”.

          Cho nên điều quan trọng là phải biết giá trị đích thực của tiền bạc của cải.  Giá trị của chúng chỉ có giới hạn và là những ơn lành Chúa ban để ta sử dụng cho những mục đích tốt lành.  Vì giá trị tương đối của chúng, nên ta không thể đặt chúng lên hàng đầu được.  Chúa Giê-su dạy ta biết phải làm gì.  Người nói:  “Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm.  Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.  Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6:32-33).  Làm theo lời Chúa dạy như thế là ta đang “lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa”, vì “cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11:9).  Những gì ta tích trữ dưới thế này ta sẽ không mang theo được khi chết, nhưng ta “hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được” (Mt 6:20).

 

3)  “Bán của cải đi mà bố thí”

 

          Thánh Lu-ca ghi lại những lời dạy của Chúa Giê-su về việc sử dụng của cải tiền bạc trong chương 12.  Kết luận là lời khuyên của Chúa:  “Hãy bán của cải mình đi mà bố thí” (Lc 12:33).  Tiền bạc của cải phải có một hướng đi cho đúng.  Ta không thể để chúng lẩn vẩn đầu óc và chi phối cuộc sống.  Nhưng chúng phải được luân lưu, chuyên chở những giá trị tinh thần và đạo đức, tạo một thế quân bình trong đời ta.  Khi ta “bán” của cải đi và “bố thí” thì không có nghĩa là mất, mà là dùng nó để tạo nên một giá trị mới nơi ta và nơi tha nhân.  Nếu ta chỉ ôm của cải tiền bạc cho mình, ta cũng sẽ giống như ông nhà giàu, trái tim càng ngày càng nhỏ lại và chai cứng trước nỗi khổ đau của anh La-da-rô nghèo khó (Lc 16:19-31).  Trái lại, nếu ta dùng của cải tiền bạc để làm việc hữu ích và lo cho tha nhân, ta sẽ có trái tim mang chiều kích của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, quan phòng nuôi nấng muôn loài muôn vật.

          Chúa Giê-su đến để ta được sống và sống phong phú theo tầm vóc của Người (Ga 10:10).  Sự sống nơi Người đã được phát triển toàn hảo theo sự giàu có Thiên Chúa muốn thực hiện, để làm gương mẫu cho mỗi người noi theo mà đạt tới sự giàu có ấy.  Chúa Giê-su không chỉ bán của cải mà bố thí, nhưng Người còn “bán đi” chính thân mình để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ nhân loại.  Người đã yêu thương nên cho đi tất cả những gì Người có.  Người đã sống nghèo khó để làm giàu cho Thiên Chúa và nhân loại.  Ước mong ta được Chúa ban cho những ơn lành vật chất, thì xin Người cũng cho ta biết cách sử dụng những ơn đó theo tình yêu, bác ái và lòng thương xót Người hằng dạy dỗ ta.

 

4)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Tham lam là một tính xấu rất khó nhận diện trong cuộc sống, len lỏi vào từng lãnh vực nhỏ bé nhất.  Vậy có bao giờ tôi thử tìm ra những “vi khuẩn” tham lam trong đời sống của tôi không?  Tôi có để ý tập sống quảng đại, để diệt trừ dần dần tính tham lam không?

          Tiền bạc của cải có giá trị nào trong cuộc sống của tôi?

          Tôi đang làm giàu trước mặt Chúa như thế nào?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Chúa Giê-su,

          xin cho con một tâm hồn

          theo hình ảnh Tấm Bánh Thánh

          Một tâm hồn trong trắng,

          cố tránh cả những ô uế nhỏ mọn

          để luôn xứng đáng với Chúa.

          Một tâm hồn khiêm hạ

          tìm chiếm chỗ nhỏ bé,

          nhưng luôn luôn muốn bày tỏ

          một tình yêu lớn lao.

          Một tâm hồn đơn sơ,

          không biết đến những phức tạp của ích kỷ,

          và tìm hiến dâng mà không đòi lại.

          Một tâm hồn lặng lẽ,

          hạnh phúc khi thấy sự quảng đại của mình

          không được người khác biết đến.

          Một tâm hồn nghèo khó,

          chỉ làm giàu cho mình

          nhờ chiếm được chính Chúa.

          Một tâm hồn luôn hướng về tha nhân,

          quan tâm đến những nhu cầu và ước muốn của họ.

          Một tâm hồn luôn kết hiệp với Chúa,

          và múc lấy nguồn sống từ nơi Chúa.”

                                      -  Cha Galot   

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 103)

         

 

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C