Chúa Nhật 2 quanh năm, C

(Gio-an 2: 1-11)

 

          Ba lần Thiên Chúa tỏ mình ra (Hiển Linh) qua Đức Giê-su Ki-tô:  lần thứ nhất qua Hài Nhi và cuộc chiêm bái của các vị đạo sĩ đến từ phương Đông, lần thứ hai khi Chúa Giê-su lãnh nhận phép rửa của ông Gio-an tại sông Gio-đan và lần thứ ba trong tiệc cưới Ca-na khi Chúa Giê-su biến nước thành rượu ngon.  Mỗi lần như thế đều có ý nghĩa riêng biệt đối với thời điểm trong cuộc đời Đấng Cứu Độ.  Phép lạ tại Ca-na là dấu lạ đầu tiên khi Chúa Giê-su bắt đầu thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng.  Thánh Gio-an đã cẩn thận ghi lại những nhận xét sau đây để kết thúc câu truyện Ca-na:  “Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người.  Các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2:11).

 

1)  Dấu lạ đầu tiên

 

          Bắt đầu thuật lại câu truyện tiệc cưới Ca-na, thánh Gio-an nói đến thời gian là “ngày thứ ba”.  Vậy ngày thứ nhất là khi Chúa Giê-su đến gặp ông Gio-an Tẩy giả (Ga 1:29-34) tại bờ sông Gio-đan và ngày thứ hai là lúc Chúa Giê-su gọi các môn đệ đầu tiên (Ga 1:35-51).  Đó là những chuẩn bị cuối cùng trước khi Người thực sự khởi đầu sứ vụ.

          Tin Mừng Gio-an chọn lựa một số phép lạ tiêu biểu mà ngài gọi là dấu lạ để trình bày một thực thể đằng sau dấu lạ đó.  Vậy phép lạ biến nước thành rượu trong tiệc cưới Ca-na có ý nghĩa gì?  Từ chương 2 đến gần hết chương 6, Tin Mừng Gio-an trình bày những chủ đề thay thế, những thực thể mới thay thế cho những thực thể cũ, thí dụ quan hệ mới giữa Thiên Chúa và nhân loại, Đền Thờ mới, sự sống mới, phụng tự mới...

          Trong Cựu Ước, mối quan hệ giữa Thiên Chúa và Ít-ra-en thường được diễn tả dưới hình thức quan hệ hôn nhân (xem Hs 2).  Dân Ít-ra-en phải trung thành với Thiên Chúa như người vợ trung thành với chồng, không được thờ các thần của Dân ngoại.  Nhưng thực tế dân Chúa lại bất trung, đi theo các thần ngoại và học đòi lối sống vô đạo của những người thờ phượng chúng.  Giờ đây trong Tân Ước, Thiên Chúa muốn đổi mới quan hệ ấy qua Chúa Giê-su, không phải chỉ giữa Người với dân Do-thái, nhưng với toàn thể nhân loại.  Mối quan hệ cũ đã lạt như nước bây giờ cần phải được biến đổi thành rượu ngon.  Thiên Chúa đưa nhân loại vào một cuộc hôn nhân mới để họ sống và đáp trả tình yêu vô điều kiện Người dành cho họ.

          Tuy nhiên, nếu ta hiểu rượu mới như là biểu tượng liên hệ với việc Đấng Cứu Thế đến (xem Is 25:6; Am 9:14; Ge 2:19), thì ý nghĩa của dấu lạ tại Ca-na là để khẳng định Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a.  Qua Đấng Mê-si-a, Thiên Chúa khởi đầu một nhiệm cục (economy) mới, nhiệm cục cứu độ trần gian.  Dấu lạ đầu tiên này đã tỏ ra quyền năng Thiên Chúa hoạt động nơi Chúa Giê-su để thực hiện một kế hoạch mới.

 

2)  “Bày tỏ vinh quang của Người”

 

          Mục đích của dấu lạ trong Tin Mừng Gio-an là để ta nhận ra một điểm nào đó thuộc căn tính của Chúa Giê-su.  Qua ý nghĩa của “rượu”, ta nhận ra Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a đã đến trần gian.  Nhưng thánh sử còn nhắc đến một chi tiết quan trọng khác để giúp ta nhận biết Chúa Giê-su sẽ làm gì, đó là “giờ”.  Trước hoàn cảnh hết rượu, Mẹ Ma-ri-a muốn xin Chúa Giê-su can thiệp và được Người trả lời:  “Giờ của con chưa đến”.  Giờ của Chúa Giê-su là lúc Người chết trên thập giá (Ga 12:27), được tôn vinh (Ga 12:23) và bỏ thế gian mà về với Chúa Cha (Ga 13:1).  Chính vào “giờ” thế gian tưởng thắng được Chúa Giê-su chết trên thập giá lại là lúc Người chiến thắng tội lỗi và cái chết do nó đem lại.  Tại tiệc cưới Ca-na, mặc dù “giờ” của Chúa Giê-su chưa xảy ra, nhưng Người đã tỏ ra cho ta biết trước về những gì sẽ xảy đến cho Người trên thập giá.

          Suy nghĩ về “giờ” của Chúa Giê-su, ta không thể bỏ qua vai trò của mẹ Người là Đức Mẹ Ma-ri-a.  Chỉ có hai lần trong Tin Mừng Gio-an, Đức Mẹ được nhắc đến, không phải với thánh danh Ma-ri-a, nhưng với tước hiệu “thân mẫu Đức Giê-su”, lần thứ nhất tại tiệc cưới Ca-na (Ga 2:1) và lần thứ hai bên cạnh thập giá trên đồi Gôn-gô-tha (19:25).  Vậy Mẹ Ma-ri-a đã hiện diện bên cạnh Chúa Giê-su vào lúc Người cho ta biết về vinh quang của Người, thì Mẹ Ma-ri-a lại có thể nào vắng mặt khi Người thực sự được tôn vinh trên thập giá.  Vai trò của Mẹ gắn liền với sứ mệnh cứu độ của Chúa Giê-su.  Cũng như tại tiệc cưới Ca-na, Mẹ đã nhận thấy cảnh bối rối lo lắng của chủ nhà vì hết rượu, thì nhìn vào “hôn nhân” giữa Thiên Chúa và nhân loại, Mẹ cũng thấy được những trục trặc cần phải được sửa chữa.  “Họ hết rượu rồi” không chỉ là lời xin Chúa Giê-su can thiệp nhất thời, nhưng là lời chuyển cầu hằng giây phút Mẹ nói với Con của Mẹ qua mọi thời đại.

          Trong giờ vinh quang trên thập giá, Chúa Giê-su lấy máu đào thanh tẩy tội lỗi của nhân loại.  Tại tiệc cưới, người ta đặt sáu cái chum đá đựng nước để dân chúng cử hành thói tục thanh tẩy trước khi vào tiệc cưới.  Mai đây trên thập giá, Chúa Giê-su sẽ lấy máu của Người để thay thế nước thanh tẩy mà biến đổi ta là những người tội lỗi thành những người có lòng tin.

 

3)  “Các môn đệ đã tin vào Người”

 

          Trước một phép lạ vĩ đại như vậy, những người chứng kiến hẳn có những cảm nghĩ khác nhau.  Cô dâu chú rể và gia đình thì thoải mái vì vừa tránh được cơn bẽ mặt.  Người quản tiệc vì không biết Chúa Giê-su đã làm phép lạ thì cằn nhằn chàng rể không biết sắp đặt.  Nhưng hiệu quả đang kể nhất do dấu lạ đem đến là “các môn đệ đã tin vào Người”.  Tuy nhiên ta có cảm tưởng đây chỉ là khởi đầu của một hành trình.  Họ cần phải lớn lên trong niềm tin này.  Lời giảng, việc làm và cuộc sống của Chúa Giê-su sẽ rèn luyện người môn đệ theo gương mẫu của Người.  Từ sau biến cố này, thánh Gio-an sẽ cho chúng ta thấy có hai loại người, những người tin vào Chúa Giê-su là các môn đệ và những người không tin vào Chúa Giê-su, để rồi ngài thách đố mỗi người chúng ta sẽ bắt buộc phải chọn lựa làm hạng người nào.

          Ngay trong Lời tựa, thánh sử đã khẳng định:  “Ngôi Lời đã trở thành người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.  Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1:14).  Đúng vậy, trong cuộc Hiển Linh tại tiệc cưới Ca-na, các môn đệ đầu tiên của Chúa Giê-su đã được diễm phúc nhận biết Chúa Giê-su là ai và sẽ làm gì.  Nhưng để thực sự nhận biết Người là Con Một Thiên Chúa, đến để tỏ cho ta ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa, thì họ còn phải đi theo Chúa, làm môn đệ Người suốt đời, để tới lượt họ sẽ đem ân sủng và tình yêu Thiên Chúa đến cho những người anh chị em khắp nơi.

 

4)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Mối quan hệ giữa tôi với Chúa là thứ quan hệ nào?  Khi cần thì níu chân Chúa?  Hay luôn là một người con hiếu thảo với Người?  Thực sự tin Chúa là Đấng yêu thương tôi vô điều kiện?  Hay chỉ là một Thiên Chúa quyền phép nhưng xa vời?

          Nếu Đức Mẹ nói với Chúa Giê-su về tôi:  “Họ hết rượu rồi”, thì tôi phải hiểu thế nào?  Tôi sẽ thưa gì với Đức Mẹ lúc ấy?

          Tôi hiểu thế nào là “tin vào Người”?  Nếu tôi đang trên hành trình làm môn đệ Chúa Giê-su thì tôi đã học được những gì nơi Người?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Chúa Giê-su,

          xin cho con biết con,

          xin cho con biết Chúa.

          Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,

          quên đi chính bản thân,

          yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.

          Xin cho con biết tự hạ,

          biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.

          Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.

          Ước gì con biết nhận từ Chúa

          tất cả những gì xảy đến cho con

          và biết chọn theo chân Chúa luôn.

          Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.

          Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.

          Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.

          Và để con hưởng nhan Chúa đời đời.  Amen.”

                                      - Thánh Augustino

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 5)

         

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C