CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN, năm C

Lc 18, 9-14

 

NGƯỜI KHIÊM NHƯỢNG CẦU NGUYỆN

 

Tôi còn nhớ rất rõ khi còn thời trung học, một hôm tôi tới lớp, anh em cùng lớp đã tề tựu khá đông, một anh bạn kể cho tôi câu chuyện làm tôi vẫn còn nhớ tới ngày nay. Anh bạn kể rằng :” Gần nhà anh ta có một cậu sinh viên rất giỏi nhưng đầy tự kiêu và khoe khoang.Một hôm anh ta ba hoa chích chòe khoe hết môn này môn nọ và môn nào anh ta cũng cho là anh ta không ngán, môn nào nào anh ta cũng xem mình là giỏi, là hơn cả giáo sư. Một anh bạn khác đế vào :” Trên trần gian này chỉ có ba bồ chữ anh bạn sinh viên này đã chiếm hơn cả hai bồ, vậy còn gì cho người khác nữa đâu ! “. Câu chuyện xem ra rất thường nhưng nó gây cho tôi nhiều suy nghĩ cho tới lúc này. Tin Mừng Lc 18,9-14 hôm nay cũng đưa ra hai nhân vật ông Pharisiêu kiêu ngạo, khoe khoang và khóac lác, kể công, người thu thuế thì khiêm nhượng, tự hạ, bị lép vế không dám khoe khoang, tự kể, tự  trưng thành tích gì cả.

CÁI TRỚ TRÊU CỦA CON NGƯỜI : Đời thường và trong giới đạo đức cũng thế. Có những người được Chúa ban cho ơn huệ, được tài trí khôn ngoan, làm giầu, học hành giỏi giang hơn người, thành công trong cuộc đời, làm được những việc nổi bật trong xã hội, lại đâm ra tự khoe, tự mãn, khinh rẻ người khác. Có những người tự cho mình đạo đức, giữ luật, đọc kinh,lại cũng đâm coi mình là thánh thiện, đạo đức hơn người khác. Những chuyện ấy nhan nhản trong xã hội trong giới đạo đức và xem ra thực thường tình, do đó, Chúa Giêsu mới nhắc nhở nhân lọai, nhắc nhở con người, nhắc nhở mỗi người qua dụ ngôn :” Người Pharisiêu công chính và người thu thuế tội lỗi “. Đọc đọan Tin Mừng này, chúng ta cảm thấy nực cười, cảm thấy nhột nhạt, khó chịu, cười ra nước mắt. Ông Pharisiêu lên đền thờ cầu nguyện. Nếu chỉ nhìn qua sự việc, cầu nguyện là điều tối quan trọng và ông Pharisiêu lên đền thờ để cầu nguyện là việc thật chính đáng. Nhưng ông Pharisiêu đã không cầu nguyện như chúng ta tưởng tượng, như chúng ta suy nghĩ. Ông lên đền thờ để khoe thành tích của ông. Ông cầu nguyện, thưa chuyện với Chúa nhưng thực ra ông đang nói một mình và chỉ mình ông nghe mà thôi. Ông tạ ơn Chúa nhưng kỳ thực ông bắt Chúa phải cám ơn ông. Ông đã huênh hoang kể công đức của ông. Quả thực những điều ông kể là đúng nhưng thay vì khiêm nhượng biết ơn Chúa, ông lại cho rằng ông làm được những việc đó là do tự sức ông, ông không biết đây là do ân huệ của chính Thiên Chúa ( Pl 3, 9 ). Do đó, những việc ông làm được, những điều ông giữ, những việc đạo đức ông làm thay vì trở nên ơn nghĩa, công phúc thì nó lại trở nên bọt bèo đi theo cái tôi quá lớn của ông. Ông thẳng thừng khinh miệt người khác. Ông trở nên sai lầm nặng nề khi ông so sánh mình với người thu thuế khiêm nhượng. Sai lầm của ông ở chỗ:” Vì con không như bao kẻ khác ; tham lam, bất chính, ngọai tình hoặc, như tên thu thuế kia “( Lc 18, 11 ). Phải chi, ông Pharisiêu đừng đem mình ra so sánh với người khác, với người thu thuế mà huênh hoang, ngạo mạn, dậy đời. Phải chi, ông pharisiêu biết nhìn lên Chúa, ông sẽ thấy mình chưa ra gì mà còn phải cố gắng hết sức để cậy trông vào Chúa, vì đối với Chúa ông chỉ là hư vô…Nếu biết nhìn vào Chúa, ông sẽ cần đến lòng nhân từ xót thương của Chúa, ông sẽ cần đến sự tha thứ và khoan dung của Người. Khi đó, ông mới nhận ra sự yếu hèn của mình và mới biết cầu nguyện bằng những lời lẽ chân thành và khiêm tốn của người thu thuế:” Lạy Tiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội “ ( Lc 18, 13 ). Người thu thuế tự nhận mình là kẻ đắc tội với Chúa và với anh em. Nên, anh ta chỉ biết cúi mặt xin Chúa tha thứ tôi lỗi. Chính vì thế, người thu thuế đang sống trong sự thật và là người công chính trước mặt Thiên Chúa.   

CÁI ĐẸP CỦA TIN MỪNG : Câu chuyện về người sinh viên tự mãn, tự kiêu, tự khoe mà tôi đã được một anh bạn cùng lớp trung học kể lại giúp tôi hiểu thật rõ ý nghĩa của dụ ngôn hôm nay. Bởi vì, tất cả đều là hồng ân của Chúa. Tất cả đều do Chúa ban và mọi người đều phải dùng những tài năng, những thành công, danh vọng, chức tước, địa vị, của cải để làm vinh danh Chúa. Tự kiêu,tự mãn, tự khoe, tự đề cao sẽ chẳng nhận được lợi ích nào. Kẻ  tự cho mình là thánh thiện, đạo đức, là đầy đủ sẽ trở nên không trước mặt Thiên Chúa, còn kẻ khiêm tốn, tự nhìn nhận mình là yếu hèn, tội lỗi sẽ được Chúa khỏa lấp và ban tràn đầy hồng ân. Bởi Chúa đã phán :” Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên “( Lc 18, 14 ). Đây là nét rất đẹp và hoàn toàn thật của Tin Mừng, của con đường cứu độ của Chúa Giêsu.

CHÚA MỜI GỌI MỌI NGƯỜI, MỖI NGƯỜI : Đường vào Nước Trời là con đường hẹp, đường vác thập giá. Người Kitô hữu tất cả đều được mời gọi trở nên thánh. Tuy nhiên, theo đạo không chưa đủ mà giữ đạo không vẫn chưa đủ. Con người còn được mời gọi sống công chính và thực hiện con đường phục vụ khiêm tốn. Lời cầu nguyện của người thu thuế phải nên mẫu mực cho chúng ta. Cầu nguyện không phải là khoe khoang, đòi Chúa phải biết ơn chúng ta hay nói cách nôm na là chúng ta đòi nợ Chúa. Cầu nguyện là khiêm tốn tạ ơn Chúa và xin Chúa đoái thương tha thứ cho chúng ta.” Lạy Chúa xin xót thương con là kẻ tội lỗi “.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết cầu nguyện như Chúa đã dạy các môn đệ. Xin giúp chúng con biết nhìn ra sự yếu hèn của mình và nhận ra chúng con chỉ là không trước mặt Thiên Chúa. Amen.

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C