SỐNG

Chúa Nhật 32C Thường Niên.

 

Càng bị đe dọa, sự sống càng vùng dậy mãnh liệt.   Cái chết là một đe dọa lớn nhất và ghê sợ nhất.   Muốn vươn đạt tới sự sống vĩnh hằng, con người phải có một sức mạnh hơn tử thần.  Hôm nay, Đức Giêsu dẫn ta tới một cuộc sống trên cõi thiên thần.

 

HAI CUỘC SỐNG.

Cuộc sống rất tương đối.   Sự sống thật hữu hạn.   Thế nhưng niềm tin mở ra một chân trời mới.    Thế giới đang tiến về một đỉnh cao dành cho “những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết” (Lc 20:35)   Sống trong thế giới đó, con người không còn bị lệ thuộc vào những điều kiện vật chất hữu hạn nữa.    Tất cả đều “là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.” (Lc 20:36)   Một cuộc lột xác hoàn toàn sẽ đem lại cho nhân loại một sự sống mới chưa từng thấy.

Sự sống bắt nguồn từ chính Thiên Chúa.   Bởi vậy, sự sống không thể thua sự chết, không thể bị tắc nghẽn vì những giới hạn tử thần.   “Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi ?   Tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (1 Cr 15:56-57)   Nếu không có Đức Giêsu, chắc chắn tất cả nhân loại sẽ bị tử thần khuất phục.   Đó là điều sỉ nhục đối với Thiên Chúa.  Nhưng Đức Giêsu đã phục sinh để chứng minh Thiên Chúa “không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống” (Lc 20:38) nhờ máu Đức Giêsu đổ ra trên thập giá.   Chính niềm xác tín vào sự sống như thế đã cho ta có quyền hi vọng vào chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa, Đấng “đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp.” (2 Tx 2:16)

Nếu chỉ nhìn theo nhãn quan trần thế, không thể nào có được niềm an ủi và cậy trông đó.   Nhóm Xađốc đã dựa trên hiện tại để củng cố “chủ trương không có sự sống lại.” (Lc 20:27)   Họ hoàn toàn căn cứ vào tương quan hôn nhân để phi bác cả một thế giới thiêng liêng, nơi con người “không thể chết nữa, vì được ngang hàng với thiên thần.” (Lc 20:35)   Chỉ trong cuộc sinh tồn đắp đổi này, con người mới cần đến hôn nhân để duy trì cuộc sống.   Còn trong cõi vĩnh hằng, tại sao cần phải duy trì sự sống bằng những phương tiện của thế giới vật chất nữa ?     Hai thế giới khác nhau không thể dựa trên cùng một nền tảng.   Lập luận của nhóm Xađốc hoàn toàn nằm ngoài qui luật  thiên giới.   Họ không thể vượt ra ngoài cõi tục để thấy được cuộc sống của con cái Thiên Chúa, vì họ không phải là con cái sự sống lại.   Cuộc sống đó thật là mầu nhiệm và siêu việt, nhưng lại rất thực tiễn vì đáp ứng được niềm ước vọng bất tử của nhân loại và vào chính sự phục sinh của Đức Giêsu.   Thật vậy, “nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô đã không chỗi dậy.   Mà nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em.” (1 Cr 15:13.16)  Nếu niềm tin chúng ta hoàn toàn hão huyền, làm sao Kitô giáo lại có thể đem lại cho nhân loại một nền văn minh tốt đẹp như vậy ?   Thực tế, nhân loại đã được giải thoát khỏi xích xiềng tội lỗi nhờ cuộc phục sinh của Đức Giêsu.   Bởi thế, không thể không có sự sống lại.   Đó là niềm tin căn bản nhất và vững chắc nhất, chi phối toàn thể cuộc sống Kitô hữu.

Niềm tin đó đã bắt nguồn rất sâu xa trong Kinh thánh.   Quả thế, “hồi ấy, có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ” (2 Mcb 7:1) dưới thời vua Antiôkhô.   Họ đã có tất cả sức mạnh chiến thắng tử thần nhờ “dựa vào lời Thiên Chúa hứa mà hi vọng sẽ được Người cho sống lại.” (2 Mcb 7:14)   Bao nhiêu cực hình đã không chiến thắng nổi niềm tin vững chắc và đầy quả cảm đó.   Nếu “luật pháp của cha ông” (2 Mcb 7:8) đã khiến cho họ có sức mạnh lớn lao đến thế, thì “Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.” (Rm 8:11) Thế nên, niềm tin vào sự sống lại được chính Ba Ngôi bảo đảm.  Niềm tin đó đang trổ sinh những mùa màng tươi tốt trên toàn thế giới.  

Như vậy Đức Giêsu đã dùng một lập luận vững chắc để phi bác niềm tin của phai Xađốc.   Lập luận đó căn cứ trên thực tế cuộc sống thiên thần và qui chiếu vào Kinh thánh.   Chính thực tại lớn lao là “Thiên Chúa của kẻ sống” đã đủ mạnh để áp đảo tất cả những lập luận bênh vực cho sự chết.   Đối với Thiên Chúa, không có vấn đề chết. Vì tất cả đã được Đức Kitô trả lại sự sống mới bắt nguồn từ Thiên Chúa.

 

MỞ RỘNG TẦM NHÌN.

Không có sự sống mới đó, cuộc sống hiện tại sẽ trở thành nhàm chán và vô nghĩa.   Nói khác sự sống lại không phải là sự nối tiếp cuộc sống hiện tại.  Bởi vậy vấn đề các người Xađốc đặt ra hoàn toàn “trật dơ”.  Sự sống lại khác tự bản chất, vì con người sẽ “ngang hàng với các thiên thần.” (Lc 20:36)    Không có niềm hi vọng sống lại, không thể đủ nghị lực và phấn khởi vượt qua những thách đố phi lý của cuộc sống hiện tại.  Trái lại, sự sống lại là động cơ thúc đẩy con người vươn tới những mục tiêu siêu việt.

Không mở rộng tầm nhìn, không thể thấy được tất cả ý nghĩa sự sống lại đem lại cho sự sống hôm nay.   Sự sống hôm nay đang dẫn tới cái chết.   Đó là một sự phi lý hoàn toàn.   Nhưng sự sống lại giúp con người hiểu được tại sao mình sống và đang đi về đâu.   Sự sống lại sẽ dẫn con người tới một sự thật : Thiên Chúa là “Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.”  (Lc 20:38)   Nghĩa là, đối với các tín hữu, không gì, kể cả cái chết, có thể làm họ thất vọng.   Những người không có niềm tin vào “Thiên Chúa của kẻ sống”, chỉ thích chọn giải pháp dễ dãi của tử thần.   Chẳng hạn, những người chủ trương cho chết êm dịu, phá thai, triệt sản, khủng bố v.v hoàn toàn đóng khung tầm nhìn vào những giới hạn trần giới.  

Bởi đấy, cần phải mở rộng tầm nhìn vào cõi sống của “con cái sự sống lại” để tìm một giải pháp toàn diện cho những bế tắc hôm nay.   Nhưng đừng để bị những kẻ mơ mộng đánh lừa.   Họ có thể nhân danh sự sống đời sau để đẩy con người vào cõi chết.  Những kẻ khủng bố 11/9/2001 vừa qua cũng tin vào sự sống bất diệt nơi Thiên Chúa. Nhưng họ đã tạo ra bao đau thương cho chính mình và nhân loại.   Có một sự mâu thuẫn giữa cuộc sống hiện tại và tương lai trong niềm tin của họ.  Mặc dù có sự khác biệt sâu xa, nhưng niềm tin vào cõi bất tử không thể là một lối thoát cho những người tuyệt vọng như vậy.

Bởi đấy niềm tin vào sự sống lại chỉ chính đáng khi đem lại cho con người sức mạnh xây dựng cuộc sống hiện tại tốt đẹp hơn.   Niềm tin đó đang là điểm tựa cho nhiều người trong cuộc chiến chống lại tử thần.  Đó là lý do tại sao Kitô hữu không ngừng vận dụng mọi nỗ lực xây dựng nền văn minh sự sống, chống lại nền văn minh sự chết. Từ nay nhờ Đức Giêsu, trong văn minh sự sống Kitô hữu có thể đem lại niềm hi vọng lớn lao cho nhân loại.  

 

Tất cả đều “dựa vào lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại.” (2 Mcb 7:14)   Lời hứa đó thực sự đã được thực hiện trên thập giá Đức Giêsu.  Chính Người “là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11:25) của chúng ta.   Không có Người, tất cả sẽ trở thành vô nghĩa và vô giá trị, vì tất cả bị thần chết tiêu diệt.   Nhưng nếu muốn thoát ách tử thần, Kitô hữu phải “đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hi vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.” (Pl 3:10)   Thập giá là con đường dẫn tới sự sống và sự sống lại trong Đức Giêsu Kitô. 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C