CÁI THUỞ BAN ĐẦU

Chúa Nhật 5C Thường Niên

 

1 Cr 15:1-11

Lc 5:1-11

Is 6:1-2a.3-8

 

Mỗi sáng đứng ngắm bình minh từ từ trườn trên ngọn cây và xà xuống mặt đất, ai chẳng thấy sung sướng hân hoan.   Có một tiếng gọi mơ hồ từ vạn vật vọng lên hay từ trên cao thoang thoảng.   Con người thấy mình gần gũi với cảnh vật và trời đất.   Ơn gọi đã vang lên.   Con người phải làm gì trước tiếng mời gọi đó ?

ƠN GỌI ĐẦU ĐỜI.

Quang cảnh buổi sáng hôm đó thật rạng rỡ.   Nhưng cơn thất vọng đêm qua vẫn đè nặng tâm hồn các ngư phủ bờ hồ Ghennexarét.   Không một con cá lọt lưới.   Sau khi thi hành xong sứ mạng giảng dạy quần chúng, Đức Giêsu nói với ông Simôn : “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” (Lc 5:4)  Xuất thân từ ngành mộc, làm sao Đức Giêsu có thể kinh nghiệm nghề đánh cá bằng Simon ?   Bởi vậy, Simon mới phản ứng : “ThưaThầy, chúng tôi đã vất vả suốt đem mà không bắt được gì cả.” (Lc 5:5)   Trên bình diện tự nhiên, ông không thể nghe lời một người không chuyên môn như thế. Nhưng tương quan Thầy trò đã tạo được sức mạnh khiến ông có thể vượt trên bình diện tự nhiên ấy.   Oâng đã mạnh mẽ nói : “Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” (Lc 5:5)   Sự vâng phục của ông đã được đáp ứng ngoạn mục: “họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.” (Lc 5:7)   Những tính toán tự nhiên không còn là tiêu chuẩn tối hậu để tìm thấy sự thật nữa.  

Từ mẻ cá lạ lùng đó, ông Simon Phêrô đã nhận thức được một khoảng cách vô cùng giữa siêu nhiên và tự nhiên, giữa Thiên Chúa và con người. Oâng thưa với Chúa : “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi !” (Lc 5:8)   Tội lỗi khiến ông nhìn nhận mình chỉ là hư vô trước Đấng Tạo Hóa.   Tất cả “đều kinh ngạc” (Lc 5:9,10)   Người ta chỉ kinh ngạc khi thấy mâu thuẫn nơi hai thực tại kề cận nhau.   Mâu thuẫn tới mức tuyệt đối.   Một bên Thiên Chúa chí thánh.   Một bên con người tội lỗi đang đi tới biên giới hư vô.   Nỗi kinh ngạc diễn tả một khoảng cách vô cùng to lớn giữa hai cực tuyệt đối.  Một bên hiện hữu vô cùng sung mãn.  Một bên vô cùng hữu hạn và hư không.   Thiên Chúa tạo dựng vạn vật từ hư vô.  Người cũng sẽ cứu độ con người một cách vô điều kiện.  Đúng hơn, tất cả công cuộc tạo dựng và cứu độ đều phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa.   Bởi dó, Đức Giêsu trấn an ông Simon : “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” (Lc 5:10)   Đừng sợ, vì khoảng cách vô cùng đó sẽ được lấp đầy bằng tình yêu vô biên của Thiên Chúa.   Đừng sợ, mặc dù tội lỗi đã đẩy Phêrô tới bờ vực thẳm, nhưng Thiên Chúa vẫn cương quyết trao cho ông sứ mệnh cao cả nhất.   Thiên Chúa là thung lũng tình yêu sẽ nuốt trọn con người biết phó thác hoàn toàn nơi Chúa.  

Cảm phục trước tấm lòng vô bờ bến đó, các môn đệ đầy phấn khởi và vô cùng mạnh mẽ.   Họ đã dám “bỏ hết mọi sự mà theo Người.” (Lc 5:11)   Thật là một quyết định táo bạo.   Tấm lòng quả cảm đó chính là thái độ sẵn sàng đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa.   Ngày xưa Chúa cũng lên tiếng kêu mời Isaia : “Ta sẽ sai ai đây ?”   Tức khắc ông đáp lại : “Dạ, con đây, xin sai con đi.” (Is 6:8)   Lời Chúa đã tác động đến toàn thể cuộc sống và con người.   Chính lời Chúa đã lôi cuốn đám đông đến với Chúa : “Dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa.” (Lc 5: 1)   Không những lời Chúa có sức qui tụ, nhưng còn biến đổi con người.  Đức Giêsu chính là Ngôi Lời đã lôi cuốn mọi người đến với Thiên Chúa. Từ nay, Người cũng cho các môn đệ trở thành điểm thu hút muôn dân vào Nước Thiên Chúa.  

Chính ông Phêrô và các môn đệ được trao một sứ mệnh cao cả : thu phục muôn dân bằng sức mạnh lời Chúa.   Lời Chúa đã được trao vào tay các ông để xây dựng một Giáo Hội mà “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16:18)   Tại sao những con người yếu đuối và tội lỗi lại có một sức mạnh như vậy ?   Chính nhờ lời cầu nguyện sâu thẳm, Giáo Hội đã chiến thắng ác thần.   Sở dĩ lời cầu nguyện có một sức mạnh khủng khiếp, vì  noi gương thày chí thánh, ông Phêrô đã biết khiêm tốn nhìn nhận sự thật về chính mình và Thiên Chúa.  Càng khiêm tốn, càng đi sâu vào tương quan với Thiên Chúa và càng nhận ra sự lệ thuộc hoàn toàn vào Người.   Càng đi sâu vào tương quan với Người, càng thấy rõ sưcù mạnh Thiên Chúa trong những yếu đuối con người (2 Cr 12:9). 

 GIÁO HỘI : ĐIỂM QUI TỤ MUÔN DÂN

Giáo Hội đã vấp phải bao lỗi lầm quá khứ.   Nhưng không một sức mạnh tà thần nào có thể ngăn cản Giáo Hội trở thành điểm thu hút muôn dân.   Chính nhờ lời hứa của Đức Giêsu, Giáo Hội đã làm cho muôn dân “chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa.” (Lc 5:1)   Lời Thiên Chúa là sức mạnh qui tụ mọi người thuộc mọi sắc tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước mọi dân.   Mọi nền văn hóa có thể tìm thấy chỗ đứng trong Nước Thiên Chúa.   Ngược lại, Nước Thiên Chúa không biết đến bất cứ thứ biên giới nào docác nền văn hóa, kể cả văn hóa của dân tộc Do thái hay Aâu Mỹ, dựng nên.

Thế nên, nếu muốn xây dựng Nước Thiên Chúa ở trần gian, phải biết vượt trên ranh giới của sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa, chính trị.   Tự cho mình có sứ mạng rao truyền lời Chúa mà còn hoạt động trên nền tảng văn hóa là đánh mất chính căn tính và sức mạnh của mình.   Nếu chỉ dừng lại ở bình diện tự nhiên, ông Phêrô không thể đến với Chúa, không thể chứng kiến phép lạ lớn lao và không được trao sứ mệnh qui tụ muôn dân vào Nước Chúa.  Đã đến lúc những não trạng cục bộ phải mở rộng cái nhìn vào miền đất vô biên của Nước Chúa.   Không vượt qua biên giới tự nhiên của văn hóa, chủng tộc, xã hội, chính trị, không thể hoàn thành sứ mệnh Chúa trao phó và không thể thực hiện một Giáo Hội phổ quát cho muôn dân.   Hôm nay, Giáo Hội còn bị khựng lại nhiều nơi chỉ vì còn đầy dẫy những con người có óc cục bộ.   Nếu không “bỏ hết mọi sự mà theo Đức Giêsu”, họ sẽ giống như “gà mù ăn quẩn cối xay” mà thôi.

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C