PHÚC HỌA TẠI TRỜI.

Chúa Nhật 6C Thường Niên.

 

 

Phúc họa vẫn hằng theo đuổi con người.   Nói khác cuộc đời chỉ là cuộc chơi hú tim giữa phúc và họa.   Làm cách nào tránh họa và hưởng phúc ?  Cái nhìn rất thực tế của Đức Giêsu xoáy tận vào thân phận  người nghèo và những người khốn cùng trong xã hội.   Cái nhìn đó đã đảo lộn mọi toan tính con người và vẽ nên một cảnh bồng lai ngay giữa những khốn cùng trần thế.

 

NGỔN NGANG TRĂM MỐI.

 

Đức Giêsu đã chọn sinh ra trong một xã hội đẫy dẫy bất công.  Những tệ nạn xã hội như nghèo đói, trộm cướp, giết người, đĩ điếm.   Bị đặt ra ngoài lề xã hội là những người phong cùi, bị bỏ rơi, khinh bỉ, áp bức.   Xã hội đời nào cũng có những cái nhìn đóng khung những người như thế vào số phận hẩm hiu.

 

Nhưng Đức Giêsu thì khác.   Người có một cái nhìn rất trân trọng và trìu mến đối với những người đau khổ đó.   Cái nhìn đó không phát xuất từ một lòng thương hại của những người giàu có hay quyền lực.   Vì chính Người cũng là một người nghèo, từng sống một đời tầm thường trong một đất nước mất chủ quyền và giữa một dân tộc bị áp bức.   Người thấy rõ những nguy hiểm của những người giàu có và quyền lực.  Bởi đó, Người mới lên tiếng: “Phúc cho anh em là những người nghèo khó.” (Lc 6:20)   Người nghèo trước tiên là những người bị bóc lột về kinh tế.   Nhưng cũng được xếp vào hạng nghèo những người bị mất hết quyền căn bản về chính trị, văn hóa hay tôn giáo, những nạn nhân của nạn kỳ thị nam nữ hay chủng tộc.   Chắc chắn khi lên tiếng như thế, Đức Giêsu không có ý mị dân.  Nhưng làm thế nào Người có thể thấy được hạnh phúc lớn lao nơi những con người xấu số đó ?  

 

Cái nhìn của Đức Giêsu sâu xa hơn mức bình thường.   Sâu hơn vì Người thấy Thiên Chúa đang ngự trị tâm hồn con người.   Xa hơn vì Người tin niềm hi vọng của những người nghèo có cơ sở vững chắc nơi Thiên Chúa. Niềm hi vọng đó không phải chỉ đạt được trong tương lai để người Kitô hữu khỏi phải tranh đấu chống lại những cơ chế bất công.   Nhưng ngay từ bây giờ niềm hi vọng đó phải là nguồn động lực cho những ai tin tưởng nơi Đức Kitô.   Vì “Nước Thiên Chúa là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.” (Rm 14:17)   Muốn xây dựng Nước Thiên Chúa mà không hoạt động tích cực chống lại bất công, đó là tự mâu thuẫn.   Bởi thế, hạnh phúc tương lai tùy thuộc nỗ lực hôm nay làm cho người anh em nghèo khổ được hạnh phúc.   Thiên Chúa không muốn trở thành một thứ bình phong cho người ta lẩn tránh trách nhiệm đối với anh em đồng loại.

 

Thực tế, nếu vì hoạt động tích cực cho hạnh phúc tha nhân và sự công chính của Nước Thiên Chúa mà bị bách hại, Kitô hữu không được phép tìm sự an ủi nơi người đời.   Thánh Kinh cảnh cáo : “Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời Đức Chúa.” (Gr 17:5)   Trái lại, càng bị bách hại, họ càng “vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” (Lc 6:23)   Chính Đức Giêsu đã là nạn nhân của những cơ chế bất công.   Người đã bị giết vì sứ điệp của Người làm suy giảm quyền lực của những người cầm quyền thời đó.   Cuộc đời của Người là một bể nước mắt.  Nhưng Người vẫn công bố Tin Mừng và những mối phúc cho những ai đồng cảnh ngộ với Người.   Đó là lý do tại sao dân chúng tuốn đến với Người.   Người nói lên được khát vọng sâu xa của tâm hồn họ.   Không chia sẻ cùng cảnh ngộ với họ, Đức Giêsu không thể diễn tả và phóng lên những hình ảnh và niềm hi vọng lớn lao đó.   Hơn nữa, chính Người trở thành niềm hi vọng cho những ai đặt hết niềm tin tưởng nơi Người.   Vì “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết.” (1 Cr 15:20)   Người trở thành tiêu chuẩn để phân biệt phúc họa cho cuộc đời.   Từ đó, người ta mới thấy rõ tiền bạc, của cải, thú vui và danh vọng là những thứ có thể gây nguy hiểm và trở thành mối họa cho những người chiếm hữu.   Thực tế, nhiều người đã mắc vào vòng cùng khốn đó.   Cuối cùng chẳng biết ai là người hạnh phúc trên cõi đời này ?!   Đức Giêsu tỏ ra ái ngại trước những người đang mắc vòng kiềm tỏa đó.  Người mạnh mẽ kêu gọi mọi người hối cải bằng những lời ngăm đe : “Khốn cho ... “ (Lc 6:24-26), chứ không phải nguyền rủa.   Chắc hẳn những ngăm đe đó cũng đánh thức nhiều người !

 

 

ÁNH SÁNG CỨU ĐỘ.

 

Vấn đề không phải là giàu nghèo.   Nhưng đâu là hạnh phúc ?    Dưới ánh sáng cứu độ, con người có thể phân biệt rõ ràng “phúc họa tại trời”.   Với niềm tin, con người có thể làm được mọi sự.   Quả thế, Đức Giêsu quả quyết :“cái gì cũng có thể, đối với người có lòng tin.” (Mc 9:23)   Vượt qua những thách đố của cuộc đời nghèo khó, đói khát, sầu khổ không phải là chuyện khó lắm đối với những người có lòng tin.   Đúng hơn, trong niềm tin vào Thiên Chúa, Kitô hữu nhận thấy “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người.” (Rm 8:28)

 

Thế giới hôm nay còn biết bao vấn đễ chưa giải quyết được chỉ vì Kitô hữu thiếu niềm tin.   Nếu có lòng tin thực sự, họ không thể đặt mình ngoài cuộc.   Tóm lại, họ là những người phải nhập cuộc, sẵn sàng cho người khác phiền đến mình.   Không ai có thể lên thiên đàng một mình. Bởi đó, một cách hay nhất lo hạnh phúc của mình là bắt tay lo cho hạnh phúc tha nhân.  Nói khác, Kitô hữu đích thực phải liên đới và hợp tác với mọi người thiện chí  để xây dựng hạnh phúc cho đồng loại.   Đứng trước những cơ chế bất công, không phản ứng tức là đồng lõa.   Hạnh phúc Đức Giêsu hứa cho những ai nghèo khó, đói khát và khóc lóc không phải đợi tới đời sau mới thực hiện.   Ngay từ bây giờ, Kitô hữu phải thấy được chiều kích thực tế của Tin Mừng để mau mắn bắt tay vào công cuộc chống đối mọi hình thức bất công.   Càng lo hạnh phúc tha nhân, càng bảo đảm hạnh phúc tương lai, vì “phần thưởng danh cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” (Lc 6:23)

 

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP

 

 

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C