Chúa Nhật I Mùa Vọng, C

(Lu-ca 21:25-28.34-36)

 

          Chờ đợi luôn bao hàm một thái độ hoặc một tư thế.  Khi chờ đợi một điều vui sắp đến, tôi thấy nôn nao mong cho ngày giờ vắn lại như em bé đợi mẹ về chợ.  Nhưng khi đợi một tin buồn, tôi muốn thời gian kéo dài vô tận để đừng bao giờ có giây phút hãi hùng xảy tới.  Những tâm lý chờ đợi ấy nhiều khi chi phối khiến ta không biết phải làm gì trong lúc chờ đợi.  Mong đợi Chúa đến là mong đợi được cứu độ.  Nhưng mong đợi làm sao và phải làm gì trong lúc mong đợi là câu hỏi mọi người muốn được trả lời rõ ràng.  Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su cho ta câu trả lời ngắn gọn nhưng vô cùng ý nghĩa.

 

1)  “Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”

 

           Trước hết Chúa Giê-su đề cập tới sự kiện Con Người sẽ ngự đến.  Con Người là tước hiệu của Chúa Ki-tô đến để phán xét muôn loài trong ngày cánh chung.  Khung cảnh Người đến được mô tả như một biến cố mang chiều kích vũ trụ.  Qua mạch văn khải huyền, trời đất và biển khơi đều biểu lộ những dấu chỉ của quyền năng Thiên Chúa.  Giống như quang cảnh dân Do-thái xưa được chứng kiến Thiên Chúa ngự đến trên núi Xi-nai trong sấm sét và lửa khói, con người thời cánh chung cũng được thấy những dấu chỉ loan báo Con Người, Đức Chúa của Tân Ước, ngự đến.  Đó là những biến động của toàn thể vũ trụ và trái đất, chứ không chỉ giới hạn trong vùng núi Xi-nai như ngày xưa.  Trước những biến động ấy, “người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu”.

          Ta có thể hiểu những biến động này theo nghĩa đen, nhưng tốt hơn, có lẽ nên hiểu theo ý nghĩa biểu tượng, tức là những biến động thuộc phạm vi tâm lý, tình cảm, luân lý và thiêng liêng.  Trong tâm hồn ta là cả một vũ trụ đầy biến động:  những giằng kéo giữa chọn lựa xấu tốt, những lo lắng ưu tư, những nỗi bất hạnh cuộc đời.  Chúng làm cho ta trở thành bi quan, không ngửng đầu lên được và muốn buông xuôi tất cả.  Tệ hơn nữa, chúng khiến ta thất vọng không còn nghĩ đến có Chúa trong cuộc đời.  Thánh Phao-lô đã cảm nhận được thân phận khốn khổ ấy và ngài phải thốt lên:  “Tôi thật là một người khốn nạn!  Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” (Rm 7:24).  Rồi ngài lập tức trả lời:  “Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (Rm 7:25).

          Đúng vậy, chỉ có nhờ Chúa Ki-tô ta mới được cứu.  Chỉ có Chúa Ki-tô mới là Đấng cho ta biết chính giữa những biến động ấy Người sẽ đến với ta.  Đấng khiến cho sóng gió im lặng sẽ nói với ta:  “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mc 6:50).  Người chỉ cho ta một tư thế thích hợp để đối phó với hãi sợ và nao núng:  “Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”.  Chúa Ki-tô bảo đảm ta sắp được giải thoát khỏi bất cứ những gì làm cho ta sợ hãi hoang mang.

 

2)  “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”

 

          Trước khi dạy ta phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn, Chúa Giê-su nêu lên lý do.  Đó là vì “Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em”.  Loài chim không sao thoát khỏi chiếc lưới của thợ săn bởi chiếc lưới không hạ xuống từ từ hay có dấu hiệu báo trước, nhưng vì nó ập xuống quá nhanh và chim chẳng bao giờ đề phòng.

          “Ngày ấy” là ngày gì?  Dĩ nhiên đó là Ngày Con Người đến để chủ sự cuộc phán xét chung.  Nhưng ta cũng thường hiểu Ngày ấy như là thời điểm Chúa đến với từng người trong cái chết của họ.  Nếu cái chết là điểm kết thúc hành trình cứu độ của ta thì “Ngày ấy” quả thực là vô cùng quan trọng, vì ta được cứu độ hay không được cứu độ sẽ được xác định dứt khoát ở thời điểm này.  Do đó ta cần phải chuẩn bị cho ngày đó.

          Điều nguy hiểm là ta không chịu chuẩn bị hoặc chuẩn bị không đúng cách.  Vì nghĩ rằng ngày chết còn xa nên chuẩn bị lúc này làm chi cho mệt!  Thế là thay vì chuẩn bị, ta sẽ lợi dụng lúc này để “chè chén say sưa, lo lắng sự đời”, lo làm giàu, lo leo lên chức cao hơn.  Ta sẽ là “những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian” mà quên rằng “quê hương ta ở trên trời” và ta không còn “nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu ta” (Pl 3:19b-20).

          Vậy để giúp ta tránh mối nguy hiểm ấy, hai điều cần thiết Chúa Giê-su đề ra là hãy tỉnh thức và hãy cầu nguyện luôn.  Tỉnh thức là thái độ biểu lộ những gì đang thực sự sống động trong ta.  Nếu ta cứ tiếp tục giữ vững niềm tin, đức cậy và lòng mến đối với Chúa là ta đang tỉnh thức.  Những điều này rất dễ mai một, rất dễ oải và nhiều khi mất luôn nữa.  Nhưng làm thế nào ta có thể tin mạnh hơn, cậy vững hơn và mến nồng hơn?  Thế là bây giờ ta mới hiểu tại sao Chúa thòng thêm một câu ngắn:  và cầu nguyện luôn.  Từ nối “và” quan trọng lắm đấy!  Ta chỉ tỉnh thức thôi, không đủ.  Phải cầu nguyện luôn nữa.  Nói khác đi, cầu nguyện gắn liền với tỉnh thức.  Cầu nguyện là phương thế để biểu lộ và phát triển lòng tin, cậy, mến, vì khi ta cầu nguyện là ta làm cho lòng tin, cậy, mến sống động lên ở trong ta.

 

3)  Mong đợi Chúa đến trong viễn tượng truyền giáo

 

          Mục đích của truyền giáo là đem Tin Mừng cứu độ đến cho mọi người.  Do đó, thao thức mong đợi Chúa đến không chỉ là thao thức của những người đã biết Chúa và có đức tin, nhưng cũng là thao thức của những người chưa được diễm phúc đón nhận Tin Mừng.  Nói khác đi, ta không chỉ mong đợi Chúa đến với ta, mà còn mong đợi Chúa đến với những anh chị em khác nữa.  Nếu ta có bổn phận phải chuẩn bị đón Chúa đến, thì ta cũng có bổn phận giúp đỡ anh chị em đón Chúa đến với họ.  Tính phổ quát của ơn cứu độ có nghĩa là mọi người đều được mời gọi đón nhận ơn cứu độ không loại trừ ai, nhưng tính cách phổ quát ấy cũng nói lên tính cách liên đới được cứu độ.  Đúng vậy, không ai lên thiên đàng một mình, nhưng luôn luôn liên hệ với người khác.  Là chi thể của một Hội Thánh và phần tử của gia đình nhân loại, ta có trách nhiệm chuẩn bị cho mình và cho anh chị em cùng đón chờ Chúa đến.

          Trong tinh thần của Đại hội Truyền giáo Á châu và Năm thánh kỷ niệm 80 năm truyền giáo cho người Dân tộc của giáo phận Đà-lạt, ta ý thức lại ý nghĩa của việc truyền giáo và bổn phận giúp anh chị em đón nhận Chúa.

 

4)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Chúa Giê-su nói:  “Vì anh em sắp được cứu chuộc”.  Vậy tôi hiểu được cứu chuộc nghĩa là gì?  Hay chỉ hiểu mơ hồ là “được lên thiên đàng”?  Tôi sẽ làm gì trong mùa Vọng này để tìm hiểu ý nghĩa đích thực ơn cứu độ là gì?

          Thánh Phao-lô bảo:  “Nhưng chúng ta, chúng ta thuộc về ban ngày, nên hãy sống tiết độ, mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ” (1 Tx 5:8).  Tôi thử suy nghĩ và tìm một vài quyết định để thực thi lời khuyên của ngài.

 

Cầu nguyện:

 

          “Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,

          xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

          Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,

          xin cho con quý chuộng những lúc được an nghỉ trước nhan Chúa.

          Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,

          xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa

          để nghe lời Người.

          Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,

          xin cho con thoát được lên cao

          nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

          Lạy Chúa,

          ước gì tinh thần cầu nguyện

          thấm nhuần vào cả đời con.

          Nhờ cầu nguyện,

          xin cho con gặp được con người thật của con

          và khuôn mặt thật của Chúa.”

                   (Trích RABBOUNI, lời nguyện 21)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

Ngày 24-11-2006


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C