Chúa Nhật 2 Phục Sinh

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Gio-an 20:19:31)

 

          Sự kiện Chúa Giê-su hiện ra với các môn đệ và lòng tin chưa vững vàng của họ là những điểm được nhắc đến trong hầu hết những trình thuật Chúa đến với họ sau khi Người sống lại.  Khi thì họ tưởng Người là ma.  Lần khác họ đồng hành với Người một đoạn đường dài mà vẫn không nhận ra Người.  Còn bà Ma-ri-a lầm Người là ông gác vườn.  Mấy môn đệ về quê đi đánh cá ngoài hồ nghĩ Người là khách bàng quan nào đó.  Nói chung là nếu Người không cho họ một dấu chỉ thì họ khó có thể nhận ra Người đã sống lại từ kẻ chết.

          Câu truyện Tin Mừng hôm nay nói về ông Tô-ma cứng đầu đã nhận ra Chúa như thế nào.  Các bạn Tông đồ kể lại với ông là Chúa đã hiện ra với họ.  Ông không tin và đòi phải chạm được tới Chúa ông mới tin.  Vì vậy người đời thường gọi kẻ cứng lòng tin là “Tô-ma”!  Nhưng nếu chúng ta biết trong mọi trường hợp, chính Chúa là người đi trước, giúp cho những ai không nhận ra Người có thể nhận ra Người và cho những ai không tin Người sống lại có thể tin Người đã sống lại, thì chúng ta sẽ thông cảm với ông Tô-ma.  Chúa lên tiếng gọi bà Ma-ri-a:  “Ma-ri-a”, lập tức bà nhận ra Người.  Chúa bảo các Tông đồ:  “Hãy rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây” và Người ăn khúc cá nướng trước mặt họ, thì họ không còn nghi ngờ nữa.  Cho nên Chúa cũng cho ông Tô-ma một dấu chỉ để ông nhận ra Người khi Người bảo ông:  “Đặt ngón tay vào đây… Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy”.  Sau những dấu chỉ ấy, những người này sớm muộn đều nhận ra Chúa.  Phản ứng của họ cũng khác nhau.  Bà Ma-ri-a chạy vội về báo tin cho các môn đệ Chúa.  Các Tông đồ vẫn “không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy” nên bị Chúa khiển trách là cứng lòng.  Riêng ông Tô-ma, ông mau mắn nhận ra Chúa khi Người trở lại và ông còn khiêm tốn bày tỏ tất cả lòng tin của ông qua lời tuyên xưng vô cùng ý nghĩa:  “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”  Như thế, có lẽ chúng ta phải cảm phục ông Tô-ma mới đúng.  Tuy nhiên Chúa còn muốn lòng tin của chúng ta phải vươn cao hơn thế nữa, bởi vì khi chúng ta “không thấy mà tin” là chúng ta đã nhìn nhận thế giá của Chúa với thái độ sẵn sàng và khiêm tốn nhất.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

 

          Câu truyện Tin Mừng hôm nay trình bày hai hình ảnh về ông Tô-ma:  một Tô-ma cứng lòng tin và một Tô-ma đầy lòng tin.  Đó cũng là những hình ảnh chúng ta gặp thấy trong chính hành trình đức tin của chúng ta.  Những lúc chúng ta cứng lòng tin là những lúc chúng ta bị quá nhiều đau khổ thử thách hoặc bị ảnh hưởng do văn hóa thế tục và những dục vọng đam mê của chúng ta.  Nhưng cũng có những lúc chúng ta thấy Chúa thật gần gũi khi được Người ủi an nâng đỡ.  Những thăng trầm của đức tin nói lên mối quan hệ giữa chúng ta với Chúa.  Tuy nhiên chúng ta luôn ý thức rằng Chúa hành động trước để giúp chúng ta khôi phục và phát triển đức tin nếu chúng ta coi Chúa là “Chúa của con” và “Thiên Chúa của con”.  Trong đức tin của chúng ta, Thiên Chúa phải là “của chúng ta”, chứ không phải một Thiên Chúa trong sách vở, trong suy nghĩ của người khác.  Thiên Chúa “của chúng ta” phải là đối tượng và trọng tâm để chúng ta hoàn toàn tin tưởng, phó thác, hy vọng và yêu mến trong mọi hoàn cảnh sống của cuộc đời chúng ta.  Như vậy, lời tuyên xưng của ông Tô-ma quả là một bài học quý giá và thực tế cho mọi Ki-tô hữu, những người đặt trọn niềm tin vào Chúa Ki-tô Phục sinh và tuyên xưng Người là Chúa.

Lm. Dominic TTL


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C