Chúa Nhật V PhụcSinh, C

Là Môn Đệ Của Thầy

 

 

Gio 13:31-33. 34-35: 31 Khi Giuđa đi rồi, Đức Giêsu nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người.32 Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa tôn vinh Người ngay lập tức.33 Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Dothái: “Nơi tôi đi, các người không thể đến được”, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy. 34 Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.35 Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.”

 

Đoạn 13:31-35 nằm trong diễn từ ly biệt 13:1-17:26, và được xem như phần mở đầu của diễn từ. Trước đoạn nầy là việc rửa chân (13:1-5.6-11); giải thích việc rửa chân (13:12-30) và về sự phản bội của Giuđa (13:21-30). Sau nó là loan báo về việc chối bỏ của Phêrô (13:36-38). Đoạn nầy gồm hai phần: - Sự tôn vinh của Chúa Giêsu (13:31-33); - Giới răn mới yêu thương (13:34-35).

 

Sự tôn vinh của Chúa Giêsu (13:31-33).

 

Có thể phân chia đoạn nhỏ nầy như sau: - Bối cảnh của sự tôn vinh (13:31a); - Sự tôn vinh trong tương quan với Thiên Chúa (13:31b-32); - Sự tôn vinh trong tương quan với các môn đệ (13:33).

 

Sau khi Giuđa ra đi trong đêm tối (13:30), Chúa Giêsu nói đến việc tôn vinh của Người. Hai sự kiện nầy liên hệ mật thiết với nhau qua chỉ dẫn thời gian “Khi Giuđa đi rồi…”, “…bấy giờ”. Trong đoạn ngắn chỉ hai câu, động từ “tôn vinh” được dùng đến 5 lần. “Tôn vinh” là làm cho thấy thực tại chân thật và sáng ngời của một người. Thể thụ động của động từ “được tôn vinh” muốn nói chính Thiên Chúa là tác nhân. “Thiên Chúa” [3x] và “Con Người” tác động qua lại trong việc tôn vinh: Con Người được Thiên Chúa tôn vinh; đồng thời, Thiên Chúa tôn vinh chính Người trong Người Con ấy (8:54). Chúa Giêsu dùng danh xưng “Con Người” (13:31) để ám chỉ cái chết trên thập giá của Người (x. 1:15; 3:14; 6;27;.53; 8:28; 12:23), như là cách thế của sự tôn vinh. Khi tôn vinh lẫn nhau, Chúa Cha và Chúa Con làm cho con người nhận ra bằng đức tin vinh quang đích thực của các Ngài. Sau cùng, Thiên Chúa muốn tôn vinh Người “ngay lập tức” (13:32c). Ngài quyết định giờ “tôn vinh” của Chúa Giêsu qua sự chết và sống lại. Động từ “ra đi” mang ý nghĩa thực hiện cuộc thương khó của Chúa Giêsu mà các môn đệ không thể đi theo Người ngay bây giờ (13:33; x. 13:37). Vậy, “tôn vinh” là giờ về lại với Đấng đã sai Người đi (7:33-34).

 

Giới răn mới yêu thương (13:34-35)

 

Sau khi cho các môn đệ biết Người chỉ còn ở lại với họ “một ít lâu”, Người ban cho họ giới răn mới yêu thương như là một cách thế Người tiếp tục hiện diện giữa họ. Hầu hết các động từ “yêu thương” đều ở thì hiện tại. Điều nầy cho thấy giới răn “yêu thương” áp dụng cho mọi thời. So sánh với giới răn “Hãy yêu thương đồng loại như chính mình ngươi” (Lv 19:18; x. Mc 12:23; Lc 10:27), đây là giới răn “mới”, vì nó được xây dựng trong tương quan với tình yêu của Chúa Giêsu. Người là gương mẫu, là nguồn mạch và động lực cho các môn đệ yêu thương nhau. Chỉ môn đệ nào cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Giêsu đối với Thiên Chúa và với họ, được thực hiện trong cái chết (x. 13:1.31), người ấy mới có thể yêu thương như Người, “như Tôi đã yêu thương anh em”. Và trên nền tảng tình thương nhận được từ Thiên Chúa và Chúa Giêsu, họ yêu thương người khác. Cách yêu thương của người môn đệ có thể biểu lộ được khuôn mặt của Chúa Giêsu và nguồn gốc của người môn đệ ấy. Như thế, Chúa Giêsu có thể liên kết và hiện diện với người môn đệ bao lâu họ còn yêu thương như Người.

 

Chúa Giêsu sắp ra đi để tôn vinh Thiên Chúa, nhưng Người không bỏ họ. Người lưu lại với họ qua mối yêu thương nhau. Yêu thương như Người cũng chính là sự hiện diện của Người.

 

(Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến)

 

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C