Lễ Giáng Sinh C (Lễ Đêm)

Đặt Nằm Trong Máng Cỏ

 

Lc 2,1-14:  1 Thời ấy, hoàng đế Augustô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. 2 Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyria. 3 Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. 4 Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít. 5 Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. 6 Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. 7 Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì không có chỗ cho hai ông bà trong phòng trọ.

 8 Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. 9 Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. 10 Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: 11 Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. 12 Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” 13 Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: 14 “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”

 

Nằm trong tiết đoạn Tin mừng của thời Thơ ấu (1:5-2:52), đoạn 2:1-14 thuật lại câu chuyện giáng sinh của Chúa Giêsu. Câu chuyện nầy nối tiếp trình thuật truyền tin (1:26-56), trong đó nhấn mạnh đến thuộc về dòng dõi Đavít của Chúa Giêsu; trong khi ở đây, tính thiên sai của Người được nêu bật (2:11). Bố cục của đoạn có thể được phân chia như sau: - Bối cảnh lịch sử (2:1-5); - Cảnh giáng sinh (2:6-7); Cảnh các mục đồng (2:8-14). Đoạn 2:1-7 làm thành một bản văn thống nhất và chia làm hai phần rõ rệt dựa trên cụm từ “xảy ra vào” (egeneto de en) (2:1.6).

 

Trong phần nhập đề về bối cảnh lịch sử (2:1-5), có thể phân chia cách chi tiết như sau: - Dưới triều hoàng đế Augustô, lệnh kiểm tra dân số được cống bố (2:1-2); - Lệnh nầy được áp dụng cho mọi người (2:3); - Giuse và Maria nằm trong hoàn cảnh ấy (2:4-5). Kiểm tra dân số là lý do để đưa gia đình Giuse và Maria từ thành Nazaréth về thành Bêthlêhem, như mọi người phải về lại nguyên quán của mình để làm chuyện đó (2:1.2.3). Nazaréth là nơi cư ngụ, còn Bêthlêhem mới là nguyên quán của Giuse. Các ngài đã làm xong việc nầy như mọi người (2:5). “Đi lên đó” (2:4) thường chỉ “đi lên vùng Juđa”, nhất là đi lên Giêrusalem vì vùng ấy cao hơn vùng Galilêa (x. 2:42; 18:10.31; 19:28). Trong Cựu ước, Bêthlêhem không phải là thành của Đavít, mà thành Giêrusalem (x. 2 Sam 5:7, 9; 6:10.12.16; 2 V 9:28; 12:22). Nhưng Bêthlêhem là nguyên quán của Đavít (1 Sam 16; 17:12.58), là nơi sẽ phát sinh một thủ lãnh thuộc dòng dõi Đavít (Mic 5:2). Xét theo diễn tiến trình bày, Luca đi từ một không gian rộng lớn, rồi thu hẹp lại dần và cuối cùng tập trung vào “thành Đavít” (2:4): từ “toàn cõi” (2:1), đến “Galilêa”, rồi “Nazaréth” và “Giuđa” đến “Bêthlêhem” (2:4). Trong cách trình bày các nhân vật, Luca cũng làm như thế. Trung tâm điểm phải đến của trình thuật là “Hài Nhi được đặt nằm trong máng cỏ (2:7). Đây cũng là điểm hẹn và dấu chỉ mà các thiên sứ loan báo cho các mục đồng (2:11-12).

 

Trong đoạn về giáng sinh (2:6-7), Giuse và Maria đã đến nơi “ở đó”. Maria đã “đủ ngày”, nghĩa là đã đủ thời gian để sinh con (x. 1:57). Bà đã “sinh con trai đầu lòng của bà” (2:7a). Động từ “tiktō” (sinh con) rõ ràng chỉ sự sinh con tự nhiên (x. 1:31.57; 2:6.7.11). Trong các tin mừng, chỉ Luca dùng chữ “prōtotokos” (con đầu lòng) một lần và ở đây (2:7). Trong Cựu ước, chữ nầy chỉ “sản phẩm đầu tiên” bởi ruộng đồng hoặc súc vật (Xh 22:28tt; 34:19; Ds 18:15tt;  Đnl 15:19tt), đều phải được dâng cho Thiên Chúa. Trong Xh 4:22, Israel được gọi là “con đầu lòng của Ta”, chỉ tương quan mật thiết, yêu thương và tuyển chọn giữa Israel với Thiên Chúa. Vì thế, Israel nhận biết Thiên Chúa là Cha của họ. Một vị vua cũng được gọi là “con đầu lòng” của Thiên Chúa (x. Tv 89:27). Trong các sách khác của Tân ước, chữ nầy áp dụng duy nhất cho Chúa Giêsu Kitô (Col 1:15.18; Rôm 8:29; Do thái1:16; và Kh 1:5, ngoại trừ câu Do thái 12:23 chỉ những người Kitô hữu. Vậy, Chúa Giêsu được gọi là “con đầu lòng”, nên Người được hiến dâng cho Thiên Chúa (2:23), và Người có một tương quan đặt biệt với Chúa Cha: “con của Đấng Tối Cao”, và được Chúa Cha “đặt trên ngai vua Đavít” (1:23). Như thế, khái niệm “con đầu lòng” không được đặt tương quan thứ tự với anh chị em trong một gia đình, mà chỉ với Thiên Chúa.

 

 “Hài Nhi được quấn khăn và được đặt nằm trong máng cỏ” là tâm điểm của trình thuật nầy (2:12.16). Maria đã làm việc nầy cho Hài Nhi (2:7). Quấn khăn là hành vi của tình yêu và chăm sóc mà người mẹ làm cho người con mới sinh yếu ớt, không thể tự sống và lo lắng cho chính mình (x. Êzek 16:4; Khôn Ngoan 7:4). Máng cỏ (phatnē) theo nghĩa chung là nơi chứa thức ăn cho súc vật (2:7.12.16); có khi chỉ cái chuồng súc vật (13:15). “Katalyma” (2:7), từ động từ có nghĩa là “dừng lại, nghỉ ngơi và cư ngụ” (9:12; 19:7), chỉ một cách uyển chuyển bất cứ nơi nào có thể ngụ qua đêm. Trong Luca 22:11, hạn từ nầy chỉ “phòng dành cho khách” của một gia đình mà Chúa Giêsu mượn để cử hành lễ Vượt qua với các môn đệ của Người (22:11; Mt 14:14). Bên cạnh đó, Luca dùng một cách phân biệt hạn từ “pandocheion” để chỉ “quán trọ” theo nghĩa riêng của nó (10:34). Do đó,

điều có thể nói dựa trên bản văn là: - Maria đã đặt Hài Nhi trong máng cỏ và - hai ông bà không có chỗ trong phòng dành cho khách ngụ qua đêm, chứ không phải là quán trọ. Ở Palestina thời ấy, ở vùng quê chuồng súc vật được làm trong một cái hang bên trong một căn nhà: chỗ súc vật ăn và phòng ở kề cận nhau chung trong một phòng. Cũng có những chuồng súc vật thấp hơn phòng ở và nằm lộ thiên. Còn máng ăn thường bằng đá đẽo. “Hài Nhi được quấn khăn và đặt nằm trong máng cỏ” là dấu chỉ để nhận ra Đấng Cứu Thế. Người là Chúa Kitô (2:11). Dấu hiệu là một biểu hiện thấy được, như máng cỏ, hài nhi (2:12), biến động nơi mặt trời, mặt trăng và ngôi sao (x. 21:15; 23:8). Dấu hiệu còn mang khía cạnh khác là minh chứng Thiên Chúa đang hiện diện và hành động trong thế giới nầy (x. 11:30). Do đó, Hài Nhi trong máng cỏ là dấu hiệu vừa xác định đó là Đấng Cứu Thế cao cả, vừa cho thấy sự hạ mình của Người. Người là dấu hiệu duy nhất của sự cứu độ (x. 11:30). 

 

Sự cứu độ theo nghĩa thông thường cách nào đó gắn liền với một vị hoàng đế. Trong thời hoàng đế Augustô, Đấng Cứu Thế đã ra đời (2:11). Sự cứu độ đã đổi thay ý nghĩa, dân chúng phải được kiểm kê lại vì Chúa Kitô (Vua) đã sinh ra và mở đầu vương quốc của Người từ mãnh đất khiêm tốn rộng lớn bằng cái máng cỏ.

 

Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C