Chúa Nhật 16 Thường Niên Năm C

Phục vụ Lời Chúa

(Khởi nguyên 18,1-10a; Thư Côlôsê 1,24-28; Tin Mừng Luca 10,38-42)

 

Phúc Âm: Lc 10, 38-42

"Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất".

Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: "Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với". Nhưng Chúa đáp: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất".

 Suy Niệm:

Chúng ta chưa quên bài Tin Mừng Chúa nhật trước về người Samaria nhân ái. Chúa dạy chúng ta phải thi hành bác ái yêu thương để sống đạo. Tuy nhiên phụng vụ cũng đã đề phòng, không muốn cho ai ngộ nhận đạo chỉ là từ thiện.

Bài Tin Mừng hôm nay muốn củng cố quan niệm này. Chúng ta thấy Ðức Giêsu có vẻ khen Maria hơn Matta. Nhưng để hiểu rõ ý Chúa, chúng ta hãy nhờ tất cả các bài Kinh Thánh của phụng vụ hôm nay.

Câu chuyện Abraham tiếp khách trong bài đọc I và tâm tư của Phaolô trong bài đọc II sẽ giúp chúng ta không quá khích khi suy diễn Lời Chúa.

 1. Phục Vụ Là Ðiều Ðáng Khen

Thật vậy, ai không thấy Abraham là người đặc biệt trong câu chuyện hôm nay. Ở thời bấy giờ dễ gì tìm được một người nào quảng đại và hồn nhiên đến như thế? Chúng ta phải nhớ lại những thời buổi xa xưa ở những dân tộc rất hiếu khách để hiểu câu chuyện này.

Abraham hôm ấy đang ngồi nghỉ trưa ở cửa lều, dưới bóng một cây sồi to. Chắc chắn sức nóng của mặt trời đúng ngọ ở nơi sa mạc tắt gió đang làm cho thân thể ông uể oải và buồn ngủ. Nhưng kìa ở đàng xa có bóng ba người tiến đến. Ba lữ khách đi vào giờ này giữa bãi cát mênh mông và nóng bỏng phải là những người đặc biệt gì đây.

Người ta ở thời Abraham và riêng trong vùng Cận Ðông, hay chuyền tai nhau những câu chuyện lạ lùng: thần thánh hay lấy hình khách lạ đến viếng thăm vào những lúc bất ngờ để thử thách lòng người. Abraham có lẽ cũng chia sẻ niềm tin ấy. Bóng dáng ba người khách đang tiến về phía lều của ông vào giờ trưa nóng bức, oi ả và mệt mỏi lúc này, có thể là một chuyện bất ngờ.

Ông liền bỏ lều chạy ra về phía khác. Ông sấp mình chào hỏi. Ông tự đặt mình như tôi tớ của những nhân vật kỳ lạ. Và có lẽ ông nghĩ nhân vật đi giữa hẳn có ưu vị, nên tuy đứng trước ba vị ông vẫn thưa như chỉ muốn thỉnh ý người quan trọng hơn: "Thưa Ngài, nếu tôi được nghĩa trước mặt Ngài, thì xin Ngài đừng xa rời tôi tớ của Ngài". Rồi không kịp để cho khách trả lời và muốn cho khách thấy lòng thành của mình mà không thể từ chối được, Abraham nói một hơi, xin đem nước cho các Ngài rửa chân và đem của ăn đến cho các Ngài lót lòng, trước khi các Ngài tiếp tục cuộc hành trình.

Dĩ nhiên là khách chấp nhận. Và chúng ta lại thấy Abraham, thành khẩn hơn nữa. Ông bảo bà Sara nhào bột làm bánh. Ông chạy ra chuồng, chính tay lựa con bê non béo tốt, trao cho đầy tớ làm thịt. Và ông chạy đi lấy sữa và nhũ men. Ông mời khách ngồi và khúm núm đứng hầu chuyện cũng như hầu bàn. Ông không chờ đợi gì cả; cũng không nghĩ gì đến mình. Ông chỉ biết có khách và chỉ biết thành khẩn phục vụ, vừa quảng đại vừa hồn nhiên.

Thái độ của Abraham khác hẳn cách cư xử của dân thành Sôđôma kể ở chương sau cũng của sách Khởi nguyên này. Thấy hai người khách lạ vào nhà ông Lot, họ đợi đến chiều tối; rồi kéo nhau đến đòi chủ nhà phải đem khách ra cho họ bạo hành.

Thế nên khi đặt hai câu chuyện này gần nhau, rõ ràng tác giả sách Khởi nguyên muốn đề cao tư cách của Abraham và muốn chúng ta bắt chước. Chúng ta phải hiếu khách và phục vụ quảng đại. Cựu Ước và Tân Ước không ngừng khuyên nhủ như vậy, không ai được lấy lẽ đạo đức nào để dèm pha việc phục vụ. Sống đạo mạc khải thì phải thi hành bác ái yêu thương.

Ở đây để làm chứng phục vụ là điều đáng khen, rất đẹp lòng Thiên Chúa, tác giả sách Khởi nguyên đã kết thúc câu chuyện trên bằng một lời hứa hẹn phấn khởi. Dùng bữa xong quí khách đã cho gia đnìh Abraham biết: vào mùa tới các ngài sẽ trở lại và khi ấy Sara đã có con trai rồi.

Chúng ta khó tưởng tượng lòng Abraham và Sara khi nghe báo tin như vậy... Ðó là điều hai người từng mơ ước chờ đợi. Nhất là chúng ta đừng quên gắn liền lời tiên báo này vào việc Abraham đãi khách ở trên. Há tác giả sách Khởi nguyên không muốn đặt việc tiếp khách và phục vụ vào trong viễn tượng của lời giao ước hay sao? Rõ ràng ông muốn nói rằng đạo chúng tôi đòi hỏi hết thảy có tinh thần phục vụ, phục vụ rất quảng đại và không tính toán, phục vụ khiêm tốn và hồn nhiên. Abraham trong câu chuyện này đã được nhiều danh họa vẽ lại vì người ta muốn tấm gương mà ông treo lên hôm nay phải được người ở mọi thời nhìn ngắm. Người ta phải khen chứ không thể chê những hành vi phục vụ.

Thế mà sao thánh Luca trong bài Tin Mừng hôm nay lại có vẻ nghĩ thế khác, Matta phục vụ dường như bị chê; và Chúa thích Maria hơn. Chúng ta cần phải suy nghĩ cẩn thận về câu chuyện này.

 2. Nhưng Phục Vụ Phải Theo Trật Tự

Matta và Maria là hai chị em tính tình rõ ràng khác nhau. Họ có một người em tên là Lazarô mà Ðức Giêsu sẽ làm cho sống lại, ra khỏi huyệt. Có lẽ đó là một trong những gia đình được Ðức Giêsu đi lại nhiều. Và hôm nay cũng như mọi lần. Matta muốn tỏ ra không những hiếu khách mà còn quý thầy. "Bà bận rồn với những công việc phục dịch bộn bàng". Tác giả Luca đã dùng những lời như vậy để diễn tả con người của bà lúc ấy. Và nếu chúng ta quan sát bà trong câu chuyện Ðức Giêsu làm cho em trai bà là Lazarô sống lại, chúng ta cũng vẫn thấy bà hoạt động, đảm đang và để mắt đến hết mọi công việc. Cũng vì vậy mà tuy bận rộn với bao việc làm ở dưới bếp, mắt bà vẫn còn nhìn thấy thái độ của cô em là Maria. Cô này cứ ngồi dưới chân Chúa mà nghe lời Người và chẳng màng chi đến việc phục dịch giúp đỡ chị một tay.

Phân tích tâm lý của Matta và dựa vào câu bà phàn nàn với Chúa: "Em tôi để tôi một mình phục vụ", có tác giả ngày nay cho rằng việc phục vụ của bà chưa quảng đại đủ vì chưa quên mình đủ. Khác với Abraham. Vị tổ phụ ngày xưa chỉ biết phục vụ, chỉ nhìn đến khách và không mảy may nghĩ đến mình. Matta thì không. Bà phục vụ nhưng nhìn thấy mình đang phục vụ... Bà chưa dồn hết mắt, hết lòng, hết linh hồn cho Chúa và cho việc tiếp rước. Bà còn thấy mình ở giữa những sự đó và còn muốn so sánh tìm cho được chỗ xứng đáng của mình. Cũng có thể bà sợ Chúa không để ý đến bà và không biết được các nỗi vất vả của bà.

Nhưng Matta lầm. Ðức Giêsu biết rõ mọi việc. Người không phán đoán bà một cách ngặt như các nhà phân tích tâm lý chúng ta vừa nói đâu. Người luôn dùng mọi hoàn cảnh để đưa người ta vào Nước Trời. Thế nên, nghe Matta phàn nàn về cô em, Ðức Giêsu âu yếm gọi "Matta, Matta". Rồi Người hé cho bà thấy mầu nhiệm Nước Thiên Chúa: "Con lo lắng xôn xao về nhiều chuyện. Chỉ có một điều cần mà thôi. Maria đã chọn phần tốt rồi; và sẽ không bị lấy mất".

Câu Chúa trả lời có thể đau cho Matta, nếu chúng ta nghĩ đây là lần duy nhất Người nói những lời tương tự. Nhưng ngược lại, nếu đọc lại các sách Tin Mừng và nhất là tác phẩm của Luca chúng ta sẽ thấy ở đây Ðức Giêsu chỉ áp dụng một giáo huấn mà Người không ngớt dạy dỗ. Ðã nhiều lần Người căn dặn môn đệ: đừng lo lắng quá mức về của ăn áo mặc, đừng lo mang tiền mang bị khi đi đường, đừng xao xuyến sẽ phải ăn nói thế nào... vì chỉ có một điều cần mà thôi là hãy tìm Nước Thiên Chúa trước đã.

Như vậy, nếu chúng ta hiểu rằng lúc ấy Ðức Giêsu đang ngồi trong nhà chị em Matta và Maria; và Người lợi dụng lúc chờ đợi dọn bữa mà có người muốn nghe lời; và Người đang dạy dỗ môn đệ và người ta; mà Matta sấn lại thưa như trên, muốn kéo cô em ra khỏi thái độ làm môn đệ là ngồi dưới chân để nghe Lời Chúa, thì dứt khoát Chúa phải trả lời lại cho Matta như vậy. Bà phải chen việc phục vụ bàn ăn vào việc phục vụ Lời Chúa, làm rối loạn công việc này, thì cũng như Phêrô sẽ nói sau này trong sách Công vụ các Tông đồ: "Không phải là điều đẹp lòng Chúa nếu chúng ta nhãng bỏ Lời Thiên Chúa mà đi lo giúp việc bàn ăn". Chúng ta biết cũng chính tác giả Luca viết câu chuyện này về các tông đồ phải chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa; còn việc phục vụ bàn ăn thì phải để lại cho những anh em đầy Thánh Thần được cộng đoàn bầu lên.

Không có một chút xíu tinh thần coi khinh việc phục vụ trong các câu chuyện này. Chỉ có một thứ tự phải nhìn nhận là chính đáng.

Ðó là việc phục vụ bàn ăn không được làm xáo trộn việc phục vụ Lời Chúa. Không được giựt ai ra khỏi thái độ làm môn đệ, thái độ mà Maria đã chọn, để đưa họ về thái độ phục vụ như tôi tớ. Matta lầm khi không nhìn thấy thái độ ngồi nghe Lời Chúa cũng là phục vụ và là phục vụ cần thiết hơn. Bà cũng nên biết phục vụ của bà có phần bận rộn bộn bàng đó. Abraham đã phục vụ hết tình nhưng bình tĩnh vô cùng.

Dù sao, như đã nói không nên coi câu trả lời của Chúa như là những ý tưởng chỉ nói cho Matta và chỉ phát biểu có lần này ở đây thôi. Hiểu như vậy không thể nào không thương cho Matta được. Nhưng nếu hiểu đây là giáo huấn Chúa nói với mọi người và đã từng lặp lại ở nhiều trường hợp khác nhau, thì Matta không có gì phải buồn. Bà chỉ cần khiêm nhường đón lời mạc khải của Chúa về mầu nhiệm Nước Trời. Và Lời ấy sẽ có giá trị cứu độ. Vì nó nhắc nhở cho tất cả chúng ta nhớ luôn luôn phải gỡ mình ra khỏi những lo lắng thế gian, cản trở việc tìm kiếm Nước Trời. Và việc phục vụ bàn ăn, tức là việc phục vụ nói chung, vẫn không bao giờ được làm cản trở việc phục vụ Lời Chúa.

Nếu trong bài đọc I, phụng vụ hôm nay đã hết lời ca tụng thái độ phục vụ của Abraham thì thiết tưởng chúng ta cũng phải dễ tính để cho bài Tin Mừng hôm nay xếp đặt lại địa vị lắng nghe Lời Chúa và phục vụ Lời Người. Những người thông thái về Nước Trời phải biết rút ra cả những sự cũ và mới.

Ấy là chưa kể còn có một thứ phục vụ nữa cũng không được thiếu ở trong đạo ta và nơi đời sống đạo của chúng ta. Bài thư Phaolô sẽ đề cập đến.

 3. Ngay Ðau Khổ Cũng Là Phục Vụ

Phaolô bấy giờ đang ở trong tù. Có lẽ đúng hơn người đang ở trong tình trạng là tù nhân nhưng vẫn được tại ngoại. Người gửi thư cho giáo đoàn Côlôsê. Và ở đoạn này, người nói đến mình không phải tự khoe nhưng để tín hữu hiểu thế nào là ơn gọi tông đồ.

Ðó là sứ mệnh được Thiên Chúa chỉ cho để rao giảng Lời Chúa. Riêng trường hợp của Phaolô, việc rao giảng này lại được quy định nơi dân ngoại, để cả lương dân được thấy mầu nhiệm của Chúa.

Mầu nhiệm này ngày trước còn bị giữ kín. Các dân tộc ngày xưa không được biết mạc khải của Chúa. Nhưng từ ngày Ðức Giêsu Kitô đã lên cây thập giá để hủy bỏ bức tường ngăn cách giữa dân "cắt bì" và những "dân không cắt bì", thì mọi dân tộc đều được biết mầu nhiệm phong phú và vinh quang, là mầu nhiệm Ðức Giêsu Kitô ở giữa mọi người có đức tin để hết thảy được tin tưởng vào vinh quang đang chờ mình.

Mầu nhiệm cứu độ này, Phaolô đang phục vụ cho lương dân khi chẳng quản gian lao thử thách, luôn rao giảng cho mọi người. Nhưng nay bị tù, bị hạn chế và quản thúc, Phaolô vẫn tiếp tục phục vụ dưới hình thức khác: đó là hình thức chịu đau khổ.

Và đây là điểm chúng ta nên nhớ, Phaolô coi trọng việc phục vụ Lời Chúa. Không ai đã dám nói như người: "Thật khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng cứu độ". Nhưng nay thấy mình trong thân phận tù nhân và suy nghĩ đến mầu nhiệm Ðức Giêsu mà mình đã được tuyển chọn để phục vụ, Phaolô nhận ra: Chịu đau khổ cũng là phục vụ.

Quả vậy, những đau khổ hiện nay người đang chịu là lo việc rao giảng Lời Chúa, mang Tin Mừng Nước Trời đến cho các dân tộc. Ðó là những đau khổ tất yếu gắn liền với việc phục vụ Lời Chúa. Chính Ðức Giêsu vì rao truyền Danh Ðức Chúa Cha mà phải chịu nhiều đau khổ; và Người cũng đã khẳng định rằng môn đệ phải chịu nhiều đau khổ để làm chứng cho Người. Người còn nói trước những thử thách lớn lao và bắt bớ dữ tợn vào thời kỳ sau hết. Thế nên lời rao giảng thánh giá đi đến đâu cũng sinh ra nhiều tử đạo ở những nơi ấy. Những đau khổ và thử thách lớn lao này không cần thiết theo nghĩa để bù đắp những gì còn thiếu nơi các nỗi thống khổ của Ðức Giêsu vì lẽ cuộc tử nạn của Người chưa đủ sức để đền bù tội lỗi. Không, thánh giá của Người thật vinh quang, và máu Người đổ ra đã đem lại ơn cứu độ. Nhưng khi ơn này đến với chúng ta và nơi các dân tộc chúng ta gặp thấy không thiếu những thánh giá bên trong và bên ngoài.

Ðó là những đau khổ cần thiết để kết hiệp chúng ta vào mầu nhiệm thánh giá Chúa Kitô cho chúng ta được cứu độ. Những thánh giá đó cần cho chúng ta, nhưng thật sự cũng là cần cho Ðức Giêsu mà Người chưa chịu khi sống ở trần gian này, để cho ơn của Người chuyển đến chúng ta. Bây giờ các tông đồ và môn đệ của Người phải chịu để làm công việc ấy. Họ chịu để cho mầu nhiệm Ðức Kitô được sáng lên trong các tâm hồn. Họ bù đắp những gì còn thiếu sót nơi các nỗi quẫn bách của Ðức Kitô, theo nghĩa ấy, tức là để ơn của Người đến được với các con người đang được gọi để trở nên thân thể của Người là Hội Thánh. Chịu những đau khổ như vậy cũng là phục vụ và là phục vụ Lời Chúa, và là phục vụ một cách sâu xa. Thế nên, thánh Phaolô cũng như mọi tông đồ chân chính khi gặp đau khổ trong sứ vụ đều có tinh thần của các tử đạo... Hết thảy đều hân hoan và lấy làm vinh dự vì được thông phần những đau khổ cứu thế của Ðức Giêsu Kitô.

Như vậy, phục vụ trong đạo ta có nhiều mặt. Phục vụ bàn ăn và thi hành các việc bác ái thương người là điều qúy. Nhưng phục vụ Lời Chúa lại là việc không được xao nhãng vì những lý do phục vụ bác ái.

Và cuối cùng những kẻ xem ra chẳng phục vụ được gì nhưng đang quảng đại chịu đau khổ cho mầu nhiệm Ðức Kitô được sáng lên trong Hội Thánh, những kẻ ấy cũng đang phục vụ và phục vụ rất thánh thiện. Ðiều cần thiết là mỗi người hãy theo ơn gọi của mình mà phục vụ. Cũng như hết thảy phải phục vụ công việc phải làm vào những giờ và những nơi nhất định.

Do đó giờ đây chúng ta phải hết mình phục vụ các mầu nhiệm bàn thờ. Nhưng khi ra khỏi thánh lễ này, chúng ta lại phải hoàn thành các nhiệm vụ phục vụ anh em và xã hội. Cũng có thể có những thử thách và đau khổ mà Chúa đang gọi ta phải chịu cho ơn cứu độ được lan rộng.

Xin Chúa cho chúng ta ở đâu và lúc nào cũng có tinh thần phục vụ như Abraham, Maria và Phaolô của các bài đọc Kinh Thánh hôm nay.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C